23/11/2024

Bí quyết của các Thánh là Bí tích Thánh Thể

Trong Chúa Nhật III Phục Sinh hôm nay, phụng vụ lại mời gọi chúng ta chú tâm đến mầu nhiệm Đức Kitô Phục Sinh. Người là Tác giả sự sống đã chiến thắng điều ác và cái chết, đã tự hiến với tư cách là hiến vật để xá tội cho chúng ta.

 Bí quyết của các Thánh là Bí tích Thánh Thể


Thánh lễ phong Thánh cho các Chân phước
Arcangelo Tadini (1846-1912)
Bernardo Tolemi (1272-1348)
Nuno de Santa Maria Alvares Pereira (1360-1431)
Gertrude Comensoli (1847-1903)
Caterina Volpicelli (1839-1894)
Tại Nhà nguyện Đức Thánh Cha
Quảng trường Thánh Phêrô
Chúa Nhật III Phục Sinh, 26/4/2009 

Anh chị em thân mến, 

Trong Chúa Nhật III Phục Sinh hôm nay, phụng vụ lại mời gọi chúng ta chú tâm đến mầu nhiệm Đức Kitô Phục Sinh. Người là Tác giả sự sống đã chiến thắng điều ác và cái chết, đã tự hiến với tư cách là hiến vật để xá tội cho chúng ta. Người “không ngừng hiến thân vì chúng con, và luôn làm trạng sư binh vực chúng con trước toà Chúa. Người đã bị sát tế mà không còn chết nữa, dù đã bị giết mà vẫn sống luôn mãi” (x. Kinh Tiền tụng mùa Phục Sinh III). Chúng ta hãy để cho ánh sáng Phục Sinh, một luồng sáng phát xuất từ mầu nhiệm vĩ đại này, tràn ngập trong lòng chúng ta, và cùng với Thánh vịnh đáp ca, chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin toả ánh tôn nhan Ngài trên chúng con”. 

Ánh tôn nhan Đức Kitô Phục Sinh ngày hôm nay vẫn còn toả chiếu trên chúng ta, đặc biệt qua những đường nét Phúc Âm của năm vị Chân phước mà qua cuộc cử hành này sẽ được ghi vào sổ các Thánh: Arcangelo Tadini, Bernardo Tolemi, Nuno de Santa Maria Alvares Pereira, Gertrude Comensoli và Caterina Volpicelli. Tôi xin hiệp một lòng một trí với các khách hành hương đến đây từ nhiều quốc gia khác nhau để tôn kính các ngài, và với tâm tình yêu mến, tôi xin thân ái chào hỏi họ. Những con đường nhân bản và thiêng liêng của những tân Thánh này giúp chúng ta thấy được sự canh tân sâu xa mà mầu nhiệm Đức Kitô Phục Sinh, một mầu nhiệm cơ bản định hướng và hướng dẫn toàn bộ lịch sử ơn cứu độ, đang thực hiện trong tâm hồn con người. Như thế, thật là chính đáng khi Giáo Hội vẫn không ngừng mời gọi chúng ta, và còn mời gọi nhiều hơn thế nữa trong mùa Phục Sinh này, đưa mắt nhìn về Đức Kitô Phục Sinh, là Đấng đang hiện diện thật sự trong Bí tích Thánh Thể. 

Trong trang Tin Mừng hôm nay, Thánh Luca tường thuật một trong những lần hiện ra của Đức Giêsu Phục Sinh (24,35-48). Ở phần đầu trích đoạn, Thánh sử ghi nhận hai môn đệ trên đường đi Emmau, hối hả quay trở lại Giêrusalem, kể cho nhóm Mười Một nghe làm sao mà họ nhận ra Đức Giêsu “khi Người bẻ bánh” (c.35). Và trong khi họ kể lại kinh nghiệm tuyệt vời khi gặp được Chúa, thì “chính Người hiện ra đứng giữa họ” (c.36). Và bởi vì Người hiện ra một cách quá đột ngột, nên các Tông đồ cảm thấy quá sững sờ và kinh hãi, đến độ Đức Giêsu phải yêu cầu họ chạm đến Người, để trấn an và thắng được mọi thái độ ngập ngừng và nghi ngại của họ – đây không phải là ma, mà là một con người có thịt có xương -, và sau đó Người yêu cầu họ dọn cho Người ăn. Lại một lần nữa, khi ngồi vào bàn và ăn uống với họ, Đức Kitô Phục Sinh mới tỏ mình ra cho các môn đệ, giúp họ hiểu Thánh Kinh, và nhìn lại các biến cố dưới ánh sáng Phục Sinh, như chính Người đã giúp cho hai môn đệ đi làng Emmau. Người nói: “Tất cả những gì Sách Luật Môisen, các Sách Tiên tri và các Thánh vịnh viết về Thầy phải được ứng nghiệm” (c.44). Và Người mời họ nhìn về tương lai; “Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, kêu gọi họ thống hối để được ơn tha tội” (c.47). 

Mỗi cộng đoàn đều sống lại cùng một kinh nghiệm này khi cử hành Bí tích Tạ Ơn, đặc biệt khi cử hành Thánh lễ ngày Chúa Nhật. Bí tích Thánh Thể, nơi giúp Giáo Hội nhận ra “Tác giả sự sống” (x. Cv 3,15), là việc “bẻ bánh” như đã được đề cập đến trong Sách Công vụ Tông đồ. Qua việc bẻ bánh, nhờ đức tin, chúng ta hiệp thông với Đức Kitô là “bàn thờ, hiến lễ và tư tế” (x. Kinh Tiền tụng Mùa Phục Sinh 5), và là Đấng đang ngự giữa chúng ta. Chúng ta quy tụ chung quanh Đức Kitô, để tưởng niệm những lời Người nói và những biến cố được nói đến trong Thánh Kinh; chúng ta sống lại cuộc Thương khó, cái chết và sự phục sinh của Người. Khi cử hành Bí tích Thánh Thể, chúng ta thông hiệp với Đức Kitô, là hiến lễ xoá tội, và chúng ta kín múc nơi Người ơn tha thứ và sự sống. Đời sống của chúng ta sẽ ra sao nếu không có Thánh Thể? Thánh Thể là gia nghiệp vĩnh cửu và sống động mà Chúa trối lại cho chúng ta trong Bí tích Mình và Máu Người, Bí tích mà chúng ta phải luôn tái suy nghĩ và ngày càng phải đào sâu thêm, để cho “mọi ngày trong cuộc đời phải chết của chúng ta kín múc được nguồn phong phú không hề vơi cạn của Bí tích này” như Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đáng kính đã khẳng định. (Insegnamenti, V [1967], tr. 779). Được Bánh Thánh Thể nuôi dưỡng, các Thánh mà chúng ta tôn kính hôm nay đã thể hiện được một cách trọn vẹn sứ mạng tình yêu Tin Mừng của các ngài trong những lãnh vực khác nhau, mà trong đó các ngài đã hoạt động với những đặc sủng chuyên biệt.

 

Thánh Arcangelo Tadini đã quỳ cầu nguyện lâu giờ trước Bí tích Thánh Thể. Trong công việc mục vụ của mình, thánh nhân luôn nghĩ đến con người trong cái toàn diện của hữu thể, nên người luôn giúp đỡ giáo dân của mình lớn lên về mặt nhân bản và thiêng liêng. Vị linh mục thánh thiện này, vị quản xứ thánh thiện này, một con người hoàn toàn tận hiến cho Thiên Chúa, trong mọi hoàn cảnh, luôn để cho Thánh Thần hướng dẫn, đồng thời luôn sẵn sàng đón nhận những công việc cấp bách của thời đại và mang lại phương dược chữa lành. Chính vì thế người luôn sử dụng những sáng kiến cụ thể và can đảm, chẳng hạn như tổ chức “Hiệp hội thợ thuyền Công giáo để mọi người có thể giúp đỡ nhau”, xây dựng xưởng ươm tơ và nhà ở cho các công nhân nữ, cũng như vào năm 1900, người sáng lập “Dòng các Nữ tu công nhân Thánh gia Nazareth”, nhằm mục đích rao giảng Tin Mừng cho thế giới lao động, qua việc chia sẻ những mệt mỏi, theo gương Thánh gia Nazareth. Ta thấy trực giác của Thánh Tadini mang tính tiên tri biết bao, và gương sáng của người ngày nay vẫn còn mang tính thời sự biết mấy, nhất là vào một thời đại khủng hoảng kinh tế trầm trọng như hiện nay! Người nhắc cho chúng ta nhớ rằng chỉ khi nào chúng ta nuôi dưỡng một mối tương quan thường hằng và sâu xa với Chúa, đặc biệt là trong Bí tích Thánh Thể, thì lúc đó, chúng ta mới có thể mang men Phúc Âm vào trong những hoạt động lao công khác nhau, và trong mỗi môi trường của xã hội. 

Thánh Bernardo Tolomei, người khởi xướng phong trào tu viện Biển Đức, cũng làm nổi bật tình yêu đối với việc cầu nguyện và lao động chân tay. Cuộc đời của người là một cuộc đời Thánh Thể, hoàn toàn dành riêng cho việc chiêm niệm, được diễn tả ra bên ngoài bằng việc phục vụ tha nhân một cách thật khiêm nhường. Do tinh thần khiêm nhường và đón tiếp huynh đệ một cách thật đặc biệt, người được các thầy dòng bầu lại làm Viện phụ trong vòng 27 năm liền, cho đến ngày người qua đời. Ngoài ra, để bảo đảm cho tương lai của Hội dòng, người đã được Đức Giáo Hoàng Clêmentê VI công nhận Hội Dòng Biển Đức mới, được gọi là “Santa Maria di Monte Oliveto”. Trong cơn đại dịch hạch năm 1348, người rời Núi Oliveto cô tịch để đi đến Tu viện Thánh Biển Đức tại Porta Tufi, thành Sienna, để giúp đỡ các Thầy dòng mắc bệnh dịch hạch, và người cũng đã chết vì bệnh dịch này như một vị Tử đạo đích thực của tình bác ái. Theo gương vị Thánh này, chúng ta được Chúa mời gọi diễn tả niềm tin bằng một cuộc sống tận hiến cho Thiên Chúa trong kinh nguyện, và một cuộc đời hy sinh phục vụ tha nhân, dưới sự thúc đẩy của một tình yêu sẵn sàng hy sinh cho đến hơi thở cuối cùng. 

“Hãy biết rằng Chúa biệt đãi người hiếu trung với Chúa, khi tôi kêu Người đã nhậm lời” (Tv 4,4). Những lời trong Thánh vịnh đáp ca này diễn tả cái bí quyết cuộc đời của Chân phước Nuno de Santa Maria, là một vị anh hùng và là một vị Thánh của nước Bồ Đào Nha. 70 năm cuộc đời được diễn ra vào hậu bán thế kỷ XIV và tiền bán thế kỷ XV, 70 năm cuộc đời chứng kiến quê hương mình củng cố nền độc lập chạy dài từ vùng Castille cho đến tận biên kia ranh giới đại dương – mà không phải là không theo một kế hoạch đặc biệt của Thiên Chúa – một kế hoạch mở ra những con đường mới, những con đường làm cho Tin Mừng của Đức Kitô được rao giảng cho đến tận cùng cõi trái đất. Thánh Nuno nhận thấy mình là công cụ của kế hoạch cao cả này, và được Chúa thâu nhận vào trong militia Christi – trong đạo binh của Đức Kitô -, nghĩa là trong việc làm chứng cho Chúa mà bất cứ Kitô hữu nào cũng được Chúa mời gọi đảm nhận trên trần gian này. Điểm đặc biệt của người, đó là một cuộc đời cầu nguyện mãnh liệt và một niềm tin tưởng tuyệt đối vào ơn Chúa trợ giúp. Dầu là một chiến sĩ tài ba và là một vị tướng lỗi lạc, người cũng không bao giờ để cho những thiên tài tự nhiên này lấn át hành động tối thượng đến từ Thiên Chúa. Thánh Nuno cố gắng không để cho một chướng ngại nào cản trở công việc Chúa thực hiện trong đời sống của người, bằng cách bắt chước Đức Trinh Nữ Maria mà người hết dạ tôn kính, và người luôn tuyên bố một cách công khai rằng những chiến thắng người đạt được đều nhờ Đức Trinh Nữ Maria. Vào cuối đời, người lui về Tu viện dòng Kín mà người đã cho xây dựng trước đó. Tôi vui sướng giới thiệu cho toàn thể Giáo Hội dung mạo gương mẫu này, một dung mạo có một đời sống đức tin và một cuộc đời cầu nguyện trong những tình huống mà bên ngoài có vẻ là bất lợi, một cuộc đời chứng tỏ là trong mọi tình huống, thậm chí khi mang màu sắc quân sự và xung đột, ta vẫn có thể hành động và làm nổi bật những giá trị và những nguyên tắc đời sống Kitô hữu, đặc biệt khi cuộc đời này nhằm phục vụ công ích và vinh danh Thiên Chúa.

 

Từ thưở ấu thời, Thánh nữ Gertrude Comensoli có một quyến luyến đặc biệt đối với Chúa Giêsu. Tôn thờ Chúa Giêsu Thánh Thể là mục tiêu chính yếu trong cuộc đời của người, và gần như chúng ta có thể nói được rằng đây là điều kiện bình thường trong cuộc đời của Thánh nữ. Thật thế, trước Bí tích Thánh Thể Thánh nữ Gertrude mới hiểu được ơn gọi và sứ mệnh của mình trong Giáo Hội: ơn gọi và sứ mệnh tận hiến đời mình một cách trọn vẹn cho hoạt động tông đồ và thừa sai, đặc biệt để giúp giới trẻ. Chính vì thế, người vâng lời Đức Giáo Hoàng Lêô XIII sáng lập một Tu viện nhằm mục đích biến “bác ái chiêm niệm” thành Chúa Giêsu Thánh Thể, thành “bác ái sống”, bằng cách tận hiến cho tha nhân đang sống trong cơn quẫn bách. Trong một xã hội lầm đường lạc lối và lắm khi bị nhiều thương tổn như xã hội chúng ta, thì Thánh nữ Gertrude sẽ chỉ cho giới trẻ, như giới trẻ trong thời đại chúng ta, đang đi tìm cho đời mình những giá trị và một ý nghĩa sống, thấy được Thiên Chúa trong Bí tích Thánh Thể, một Thiên Chúa đã trở nên người bạn đường của chúng ta, như là điểm quy chiếu chắc chắn cho cuộc đời. Thánh nữ nhắc cho chúng ta nhớ rằng “chầu Thánh Thể phải được ta coi trọng hơn mọi công việc bác ái”, bởi vì tình bác ái Phúc Âm thúc đẩy chúng ta xem mọi người là anh em phát sinh từ chính tình yêu ta dành cho Đức Kitô chết và sống lại đang hiện diện thực sự trong Bí tích Thánh Thể. 

Thánh nữ Catarina Volpicelli cũng là một chứng nhân của tình yêu Thiên Chúa. Người đã cố gắng “thuộc về Đức Kitô để mang về cho Đức Kitô” những ai mà người gặp tại thành phố Naples vào cuối thế kỷ XIX, ở vào một giai đoạn khủng hoảng về mặt tinh thần và xã hội. Đối với Thánh nữ Catarina Volpicelli cũng thế, bí quyết của người là Bí tích Thánh Thể. Người khuyên bảo những nữ tu đầu tiên cộng tác với người phải trau dồi đời sống thiêng liêng trong kinh nguyện, và nhất là trong sự tiếp xúc sống động với Chúa Giêsu Thánh Thể. Và đó cũng là điều kiện để tiếp tục công việc và sứ mệnh mà người đã bắt đầu trước và đã trối lại cho các “Nữ tỳ Thánh Tâm” ngày hôm nay làm gia sản. Để trở thành những nhà giáo dục đức tin đích thực, luôn ao ước chuyển trao cho các thế hệ tương lai những giá trị của nền văn hoá Kitô giáo, như thánh nữ vẫn thường nhắc lại, thì ta cần phải đưa Thiên Chúa ra khỏi những nhà tù mà con người đã giam hãm Người trong đó. Thật thế, nhân loại chỉ có thể tìm được “nơi nương náu chắc chắn” cho mình trong Thánh Tâm Đức Kitô. Thánh nữ Catarina chỉ cho những người con tinh thần của người, cũng như cho tất cả chúng ta con đường hối cải, một con đường biến đổi tận căn tâm hồn và diễn đạt thành những hành động ăn khớp với Tin Mừng. Như thế, chúng ta có thể đặt nền móng để xây dựng một xã hội biết mở rộng lòng đón nhận công lý và tình liên đới, bằng cách vượt thắng sự mất thăng bằng về mặt kinh tế và văn hoá vẫn còn tiếp tục hiện diện ở nhiều nơi trên toàn thế giới. 

Anh chị em thân mến, chúng ta tạ ơn Chúa đã ban cho chúng ta ơn thánh thiện mà hôm nay đang toả chiếu trong lòng Giáo Hội với một vẻ đẹp kỳ diệu nơi Thánh Arcangelo Tadini, Bernardo Tolomei, Nuno de Santa Maria Alvares Pereira, Gertrude Comensoli và Catarina Volpicelli. Hãy để cho gương sáng của các ngài lôi cuốn chúng ta, hãy để cho giáo huấn của các ngài hướng dẫn chúng ta, hầu cho cuộc đời chúng ta cũng trở nên một bài tụng ca Thiên Chúa, dõi theo bước chân của Đức Giêsu, mà chúng ta hết lòng thờ kính tin yêu trong mầu nhiệm Thánh Thể, và quảng đại phục vụ Người qua anh chị em chúng ta. Ước gì nhờ lời bầu cử đầy tình mẫu tử của Đức Maria, là Nữ Vương các Thánh, và nhờ lời cầu thay nguyện giúp của năm vị tân Thánh rạng ngời gương thánh thiện, mà ngày hôm nay chúng ta hân hoan tôn kính, cầu cùng Chúa cho chúng ta thực hiện được sứ mệnh Tin Mừng này. Amen!