23/11/2024

Đức Thánh Cha chủ sự thánh lễ chiều Thứ Năm Tuần Thánh

RÔMA – Lúc 5 giờ 30 chiều ngày 5-4-2012, Thứ Năm Tuần Thánh, ĐTC đã cử hành Thánh lễ tại Đền thờ Thánh Gioan Laterano là Nhà thờ Chính toà của Giáo phận Rôma, để mừng kính biến cố Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể trong Bữa Tiệc Ly. Ngài mời gọi các tín hữu loại trừ tính kiêu ngạo, chấp nhận sự thật về con người để được tự do đích thực.

 Đức Thánh Cha chủ sự thánh lễ chiều Thứ Năm Tuần Thánh


RÔMA – Lúc 5 giờ 30 chiều ngày 5-4-2012, Thứ Năm Tuần Thánh, ĐTC đã cử hành Thánh lễ tại Đền thờ Thánh Gioan Laterano là Nhà thờ Chính toà của Giáo phận Rôma, để mừng kính biến cố Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể trong Bữa Tiệc Ly. Ngài mời gọi các tín hữu loại trừ tính kiêu ngạo, chấp nhận sự thật về con người để được tự do đích thực.

Đồng tế với ĐTC có ĐHY Agostino Vallini, Giám quản Rôma, và 120 vị khác gồm các HY, GM và đại diện Hàng Linh mục Giáo phận Rôma, trước sự hiện diện của hàng ngàn tín hữu ngồi chật Nhà thờ Chính toà của Giáo phận. Trong số này có một số vị đại sứ và các vị thủ lãnh Hội Hiệp sĩ Malta.

Trong bài giảng, ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa việc Chúa Giêsu cầu nguyện trong Vườn Cây Dầu trong đêm tối sau bữa Tiệc Ly với các môn đệ. Ngài nói: “Thứ Năm Tuần Thánh không phải chỉ là ngày thiết lập Bí tích Thánh Thể cực thánh, bí tích có ánh sáng huy hoàng chiếu sáng mọi sự và có thể nói là lôi kéo mọi sự vào trong mình. Thuộc về ngày Thứ Năm Tuần Thánh còn có đêm tăm tối trên Núi Cây Dầu, nơi Chúa Giêsu đi đến cùng với các môn đệ; thuộc vào Ngày này con có sự cô đơn và bị bỏ rơi của Chúa Giêsu, ngài cầu nguyện trên đường đi gặp bóng đêm của sự chết; ngoài ra còn có sự phản bội của Giuđa và việc Chúa bị bắt, cũng như sự chối Chúa của Phêrô, sự tố cáo Chúa trước hội đường Do Thái và giao nạp Ngài cho dân ngoại, cho Philatô. Trong giờ này, chúng ta tìm hiểu sâu xa hơn vài điều trong các biến cố ấy, vì trong đó diễn ra mầu nhiệm cứu chuộc chúng ta”.

Trong phần diễn giải các biến cố đó, ĐTC đặc biệt nhấn mạnh đến lời thân thưa của Chúa Giêsu với Chúa Cha “Abba, Lạy Cha!”, lời gọi thương mến của một trẻ em đối với Cha, Đấng mà Chúa Giêsu luôn ở trong tình hiệp thông, trong sự hiệp nhất sâu xa nhất. Đây cũng là nét nổi bật mà các sách Tin Mừng nhấn mạnh khi nói về Chúa Giêsu trong tương quan với Chúa Cha. “Chúa Giêsu luôn hiệp thông với Thiên Chúa. Qua Chúa Kitô chúng ta thực sự biết Thiên Chúa. Thánh Gioan nói: “Chưa ai thấy Thiên Chúa bao giờ… Đấng ở nơi cung lòng Chúa Cha… đã mạc khải Thiên Chúa” (1,18). Giờ đây, chúng ta thực sự biết Thiên Chúa…

ĐTC cũng nhận xét rằng, qua cuộc cầu nguyện của Chúa Giêsu với Chúa Cha trong Vườn Cây Dầu, chúng ta thấy, “trong tư cách là Con, Chúa Giêsu đã đặt trọn ý chí nhân loại của Ngài trong thánh ý Chúa Cha. Không phải con, nhưng là Cha. Qua đó, Chúa Giêsu đã biến cải thái độ của Adam, tội nguyên tổ của nhân loại, chữa lành con người. Thái độ của Ađam là: không phải điều Thiên Chúa muốn; chính tôi trở thành Thiên Chúa. Sự kiêu ngạo này chính là bản chất đích thực của tội lỗi. Chúng ta tưởng mình được tự do và thực sự là mình khi chúng ta chỉ theo ý riêng mình. Thiên Chúa xuất hiện như điều trái ngược với tự do của chúng ta… Nhưng khi con người chống lại Thiên Chúa, thì họ cũng chống lại chính sự thật về mình và vì thế, họ không trở nên tự do, nhưng bị tha hoá. Chúng ta chỉ tự do nếu chúng ta ở trong sự thật, nếu chúng ta kết hiệp với Thiên Chúa. Như thế, chúng ta thực sự trở thành “như Thiên Chúa” – không chống lại Thiên Chúa, không loại trừ hoặc chối bỏ Chúa. Trong cuộc chiến đấu của kinh nguyện trên Núi Cây Dầu, Chúa Giêsu đã loại bỏ sự đối nghịch giả tạo giữa vâng phục và tự do, và đã mở ra con đường dẫn đến tự do. Chúng ta hãy cầu xin Chúa dẫn chúng ta vào lời thưa “xin vâng” đối với thánh ý Tiên Chúa, như thế chúng ta được thực sự tự do”.

Sau bài giảng, ĐTC đã cử hành nghi thức rửa chân cho 12 kinh sĩ Đền thờ Thánh Gioan Laterano, trong lúc đó cũng tiến hành việc lạc quyên nơi các tín hữu tham dự Thánh lễ để trao cho ĐTC với mục đích giúp đỡ những người Syrie tị nạn chiến tranh. (SD 5-4-2012)