25/12/2024

Vương quốc của Thiên Chúa được thiết lập qua Thánh giá

Kết hợp với một đám đông dân chúng càng lúc càng đổ xô về đông đảo hơn, Đức Giêsu lên thành Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Trong suốt giai đoạn cuối của cuộc hành trình, gần thành Giêricô, Người đã cho anh mù Bartimê kêu xin Người dưới tước hiệu Con Vua Đavít được sáng mắt.

 Vương quốc của Thiên Chúa được thiết lập qua Thánh giá 

Cử hành Chúa Nhật Lễ Lá
Tại Quảng trường Thánh Phêrô
Ngày Quốc tế Giới trẻ lần 24
Chúa Nhật Lễ Lá, 5/4/2009 

Anh chị em thân mến,
Các bạn trẻ thân mến,

Kết hợp với một đám đông dân chúng càng lúc càng đổ xô về đông đảo hơn, Đức Giêsu lên thành Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Trong suốt giai đoạn cuối của cuộc hành trình, gần thành Giêricô, Người đã cho anh mù Bartimê kêu xin Người dưới tước hiệu Con Vua Đavít được sáng mắt. Và bây giờ có thể nhìn thấy, nên anh đã hoà lẫn vào nhóm khách hành hương, lòng rộn lên tâm tình biết ơn. Khi đến cửa thành Giêrusalem, Đức Giêsu leo lên một con lừa – con vật này tượng trưng cho vương quyền của Vua Đavít -, sự xác tín đầy vui mừng bùng lên tự phát giữa những khách hành hương. Chính Người là Con Vua Đavít! Chính vì thế, họ đón chào Đức Giêsu bằng nhũng lời tung hô thiên sai: “Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến!”, và họ xướng thêm: “Chúc tụng Vương quyền đang đến, Vương quyền của Tổ phụ Đavít chúng ta. Hosanna trên các tầng trời cao thẳm!” (Mc 11, 9tt). Chúng ta không biết chính xác làm sao khách hành hương hưng phấn lại có thể tưởng tượng ra Vương quyền sắp đến của Vua Đavít là gì. Nhưng về phần chúng ta, chúng ta có hiểu được Vương quyền mà Người đã nói tới trong suốt cuộc hỏi cung trước toà Philatô là gì không? Chúng ta có hiểu là Vương quốc này không thuộc về trần gian không? Hay trái lại, chúng ta muốn cho Vương quốc này thuộc về trần gian? 

Trong Phúc Âm của mình, Thánh Gioan, sau khi đã thuật lại cuộc khải hoàn của Chúa vào trong thành thánh Giêrusalem, đã ghi lại một loạt những lời nói của Đức Giêsu, và người đã dùng những lời nói này để cắt nghĩa đâu là điều thiết yếu của Vương quốc thuộc mô hình mới này. Thoạt mới đọc qua những bản văn này, ta cũng có thể phân biệt được ba hình ảnh nói về Vương quốc, mà qua đó, vẫn phản ảnh cùng một mầu nhiệm, nhưng hình thức thì lại không giống nhau. Trước tiên, Thánh Gioan kể lại rằng, giữa số đông khách hành hương, trong suốt mùa lễ, “muốn thờ lạy Thiên Chúa”, thì cũng có những người Hy Lạp (x. 12,10). Chúng ta hãy chú ý đến sự kiện sau đây: mục đích thật sự của những khách hành hương này là thờ lạy Thiên Chúa. Điều này hoàn toàn tương ứng với điều Đức Giêsu đã nói nhân biến cố Thanh tẩy Đền thờ: “Nhà Ta được gọi là nhà cầu nguyện cho hết mọi dân tộc” (Mc 11,17). Mục đích thật sự của cuộc hành hương là gặp gỡ Thiên Chúa; là thờ phượng Người, và như thế, là đặt mối tương giao cơ bản của cuộc đời chúng ta trong trật tự chính đáng. Những người Hy Lạp là những con người đang trên đường đi tìm Thiên Chúa; qua cuộc sống của họ, họ đang trên đường tiến về Thiên Chúa. Như thế, qua trung gian của hai Tông đồ thuộc ngôn ngữ Hy Lạp là Philípphê và Anrê, họ đã nhờ các ông chuyển lời thỉnh cầu của mình đến với Chúa Giêsu: “Chúng tôi muốn gặp Đức Giêsu” (Ga 12,21). Đấy là một lời nói thật quan trọng! Các bạn thân mến, chính vì thế mà chúng ta quy tụ nơi đây: chúng ta muốn gặp Đức Giêsu. Cũng với mục đích này, mà năm ngoái, hàng ngàn bạn trẻ đã đến Sydney. Thật thế, trong chuyến hành hương này, phải có rất nhiều mong đợi. Nhưng mục tiêu chính vẫn là mục tiêu sau đây: chúng tôi muốn gặp Đức Giêsu. 

Lúc đó, Đức Giêsu đã nói gì và đã làm gì đối với lời yêu cầu trên? Phúc Âm không cho chúng ta biết liệu Chúa Giêsu có gặp những người Hy Lạp này không. Cái nhìn của Đức Giêsu còn đi xa hơn thế nữa. Trọng tâm câu trả lời của Đức Giêsu dành cho những người Hy Lạp muốn gặp Người là: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không chết đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó chết đi, thì nó sẽ sinh nhiều bông hạt “ (Ga 12,24). Điều này có nghĩa là: bây giờ thì một cuộc đối thoại dài lời hay ngắn gọn với một vài con người, rồi sau đó, họ cũng quay trở về nhà mình, thì điều đó có xảy ra hay không thì cũng chẳng quan trọng gì nữa. Cũng như hạt lúa mì chết đi và nẩy mầm, tôi sẽ ra đi, theo môt cách thế hoàn toàn mới mẻ và vượt quan bên kia giới hạn của thời gian hiện tại, để gặp gỡ thế giới của người Hy Lạp. Qua sự Phục sinh của Người, Đức Giêsu vượt qua những giới hạn của không gian và thời gian. Một khi đã phục sinh, thì Người đang trên đường đi tới chân trời bao la của trần gian và lịch sử. Phải, một khi đã sống lại, thì Người sẽ đi đến với những người Hy Lạp và truyện vãn với họ, Người sẽ tỏ mình ra cho họ, đến độ họ là những người ở xa, sẽ trở nên ở gần, và trong ngôn ngữ của riêng họ, trong nền văn hoá của riêng họ, lời của Người đã đi đến với mọi người theo một phương cách mới, và được hiểu theo một cách thế mới – Vương quốc của Người hiển trị. Như thế, chúng ta có thể nhận ra hai đặc tính thiết yếu của Vương quyền này. Đặc tính thứ nhất, đó là Vương quốc này được thiết lập qua Thánh giá. Bởi vì Đức Giêsu đã hoàn toàn tự hiến, cho nên, với tư cách là Đấng Phục Sinh, Người có thể thuộc về tất cả mọi người, và hiện diện cho tất cả mọi người. 

Trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta lãnh nhận thành quả của hạt lúa mì gieo vào lòng đất, sự hoá bánh ra nhiều sẽ được tiếp diễn trong suốt mọi thời gian, cho đến ngày tận cùng của thế giới. Đặc tính thứ hai đó là tính phổ quát của Vương quyền Thiên Chúa. Niềm trông cậy từ ngàn xưa của dân Israel giờ đây đã được úng nghiệm: vương quyền của vua Đavít không còn ranh giới nữa. Vương quyền ấy trải rộng “từ biển này đến biển kia” (Dr 9,10) – có nghĩa là ôm trọn cả thế giới. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể thực hiện được, nếu vương quyền ấy không phải là quyền tối thượng của một quyền hành chính trị, nhưng nó chỉ hoàn toàn được xây dựng trên sự đáp trả tự do đối với tình yêu – một tình yêu đáp trả lại tình yêu của Đức Giêsu Kitô, là Đấng đã tự hiến cho tất cả mọi người. Tôi nghĩ rằng chúng ta ngày càng phải học biết hai điều này, nhất là phổ quát tính và công giáo tính. Điều này có nghĩa là không ai có quyền xem con người mình, nền văn hoá của mình, thời gian của mình và thế giới của mình là tuyệt đối được. Điều này đòi hỏi tất cả mọi người trong chúng ta phải đón nhận nhau, từ bỏ một phần những gì là của riêng mình. Phổ quát tính bao gồm mầu nhiệm Thập giá – vượt thắng chính mình, vâng lời Đức Giêsu, lời ấy chung cho mọi người chúng ta trong Giáo Hội, và Giáo Hội cũng chung cho mọi người chúng ta. Phổ quát tính luôn là một sự vượt thắng chính mình, một sự từ bỏ cái gì là riêng tư. Phổ quát tính và Thánh giá cùng đi chung với nhau. Chỉ có như thế hoà bình mới được thiết lập. 

Lời liên quan đến hạt lúa mì gieo vào lòng đất là thành phần cấu tạo nên câu trả lời của Đức Giêsu cho người Hy Lạp, đó là câu trả lời của Người. Tuy nhiên, sau đó, lại một lần nữa, Đức Giêsu còn trình bày lề luật căn bản của cuộc sống con người: “Ai yêu qý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được nó cho sự sống đời đời” (12,25). Có nghĩa là, ai muốn giữ mạng sống cho mình, chỉ muốn sống cho mình, mang lại mọi thứ cho mình và tận hưởng mọi thời cơ – thì chính người đó sẽ đánh mất mạng sống của mình. Cuộc sống này sẽ trở nên nhàm chán và trống rỗng. Chỉ có khi nào ta từ bỏ chính mình, chỉ có khi nào ta trao hiến cái tôi của mình một cách vô vị lợi cho người anh em, chỉ có khi nào ta nói lên tiếng “xin vâng” cho một cuộc sống lớn lao hơn – cuộc sống của Thiên Chúa -, thì chỉ lúc đó cuộc sống của chúng ta mới trở nên lớn lao và đẹp đẽ. Nguyên tắc cơ bản này, nguyên tắc do Chúa thiết lập, tựu trung rồi cũng giống hệt như nguyên tắc của tình yêu. 

Thật thế, tình yêu có nghĩa là: từ bỏ chính mình, trao ban chính mình, không muốn tự chiếm hữu lấy chính mình, nhưng trở nên tự do đối với chính mình, không khép chặt trên chính mình – (khi suy nghĩ) cái gì sẽ xảy đến cho tôi? -, nhưng là nhìn tới phía trước, nhìn về người khác – nhìn về Thiên Chúa và nhìn về những ai được Người sai đến với tôi. Và nguyên tắc tình yêu này, nguyên tắc ghi dấu ấn trên con đường của mỗi người, lại một lần nữa giống hệt với mầu nhiệm Thập giá, mầu nhiệm tử nạn và phục sinh mà chúng ta gặp thấy trong Đức Kitô. Các bạn thân mến, chấp nhận và xem nguyên tắc này như ý nghĩa sâu xa cho cuộc đời, thì điều đó tương đối dễ dàng. 

Tuy nhiên, trong thực tế cụ thể, không chỉ đơn thuần là nhìn nhận ra một nguyên tắc, nhưng là sống chân lý của nguyên tắc ấy, chân lý của Thánh giá và của sự sống lại. Và để được thế, lại một lần nữa, ta thấy rằng có một quyết định duy nhất và vĩ đại thì chưa đủ. Dám đưa ra một lần trong đời sự lựa chọn lớn lao sau cùng, dám nói lên “tiếng xin vâng vĩ đại” mà Thiên Chúa yêu cầu chúng ta vào một lúc nào đó trong cuộc đời, thì chắc chắn đó là một điều quan trọng và thiết yếu. Nhưng tiếng “xin vâng” vĩ đại vào một lúc ta phải có một quyết định quan trọng trong cuộc đời – tiếng “xin vâng” với sự thật mà Thiên Chúa đề nghị chúng ta – sau đó, mỗi ngày trong cuộc đời, chúng ta phải lập lại trong những tình huống thường nhật của cuộc sống, những tình huống mà chúng ta ngày càng phải từ bỏ cái tôi của mình, phải chuẩn bị để phục vụ tha nhân, nhưng từ trong thâm tâm, chúng ta lại muốn gắn chặt vào cái tôi của mình. Từ bỏ mình, sống hy sinh cũng là thành phần cấu tạo nên một cuộc sống chính trực. Ai hứa hẹn một cuộc sống mà mỗi ngày không trao ban chính mình là lừa dối mọi người. Ta không thể có được một cuộc sống thành công mà không có hy sinh. Nếu tôi nhìn lại cuộc đời của tôi, thì tôi phải nói rằng những giây phút quan trọng và có tính quyết định trong cuộc đời, đó là những lúc tôi nói lên tiếng “xin vâng” cho một sự từ bỏ nào đó. 

Ở phần cuối trích đoạn, Thánh Gioan thay đổi lời kinh của Đức Giêsu trong Vườn cây Dầu để tường thuật về “Ngày Chúa Nhật lễ Lá” của Chúa. Trước tiên, Đức Giêsu khẳng định: “Tâm hồn Thầy xao xuyến” (Ga 12,27). Qua đó ta thấy rõ nỗi sợ hãi của Đức Giêsu, được các Thánh sử khác làm nổi bật – nỗi sợ hãi khi đứng trước quyền hành của cái chết, trước toàn bộ vực thẳm của điều xấu xa mà Người thấy rõ và phải bước vào. Chúa chịu lo buồn cùng với chúng ta, Người đồng hành với chúng ta qua nỗi âu lo tột cùng cho đến khi thấy được ánh sáng. Và sau đó, trong đoạn Tin Mừng của Thánh Gioan, ta thấy Chúa Giêsu van xin Cha ban cho Người hai điều. Lời cầu xin đầu tiên của Đức Giêsu được diễn tả bằng thể điều kiện cách: “Thầy có thể nói gì đây? Thầy sẽ nói gì đây? Lạy Cha, xin hãy cứu con khỏi giờ này?” (Ga 12,27). Với tư cách là con người, Đức Giêsu cũng cảm thấy mình bị thôi thúc phải kêu xin Cha tha cho Người nỗi sợ hãi của cuộc Thương khó. Chúng ta cũng có thể cầu nguyện như thế. Chúng ta cũng thế, chúng ta cũng có thể kêu than với Chúa như ông Gióp xưa, có thể dâng lên Người tất cả những lời kêu xin xuất hiện trong tâm trí, khi chúng ta đứng trước sự bất công của thế giới, và sự rối loạn của bản thân chúng ta. Trước mặt Người, chúng ta không được ẩn mình trong những câu kinh đạo đức, trong một thế giới giả tạo. 

Cầu nguyện cũng luôn có nghĩa là chiến đấu lại Thiên Chúa, và như ông Giacóp, ta có thể thưa lên với Người: “Con chỉ buông Ngài ra khi Ngài chúc lành cho con” (St 32,27). Nhưng tiếp liền sau đó là lời kêu xin Thứ Hai,, của Đức Giêsu: “Xin hãy tôn vinh danh Cha!” (Ga 12,28). Trong các Phúc Âm Nhất Lãm, lời cầu xin vang lên như sau: “Nhưng xin đừng theo ý con, một theo ý Cha” (Lc 22,42). Rốt cuộc thì vinh quang của Thiên Chúa, quyền chúa tể của Người, ý muốn của Người thì luôn luôn quan trọng và đúng đắn hơn những tư tưởng và ý muốn của tôi. Đó chính là điểm cốt yếu trong lời kinh và trong cuộc đời chúng ta: học biết trật tự đúng đắn của thực tế, thật tình chấp nhận nó, tin tưởng vào Thiên Chúa, và tin rằng Người làm mọi sự một cách đúng đắn; tin rằng thánh ý của Người là chân lý và tình yêu; tin rằng cuộc đời của tôi sẽ trở nên tốt đẹp, nếu tôi học biết gắn liền vào trật tự này. Đối với chúng ta, mầu nhiệm sống, tử nạn và phục sinh của Đức Giêsu bảo đảm cho chúng ta có thể thật sự tín thác vào Thiên Chúa. Và như thế vương quốc của Người mới được thể hiện. 

Các bạn thân mến, cuối buổi cử hành phụng vụ này, các bạn trẻ đến từ Úc châu sẽ trao lại Thánh giá của Đại hội Quốc tế Giới trẻ cho các người bạn đồng đẳng của họ đến từ Tây Ban Nha. Thánh giá sẽ trên đường đi từ chân trời này đến chân trời khác, từ biển nọ đến biển kia. Và chúng ta, chúng ta cùng đồng hành với Thánh giá Chúa. Chúng ta cùng tiến bước với Thánh giá Chúa trên con đường mà Thánh giá Chúa đã vạch sẵn cho chúng ta, và như thế, chúng ta đã tìm được đường đi của mình. Khi tay chúng ta chạm đến Thánh giá Chúa, hay đúng hơn, khi chúng ta vác lấy Thánh giá Chúa, thì chúng ta chạm đến mầu nhiệm của Thiên Chúa, mầu nhiệm của Đức Giêsu Kitô. Mầu nhiệm này là Thiên Chúa đã yêu thương thế gian – yêu thương chúng ta – đến nỗi đã ban Con một Người cho chúng ta (x. Ga 3,16). Chúng ta chạm đến mầu nhiệm tuyệt vời của tình yêu Thiên Chúa, là chân lý duy nhất cứu chuộc chúng ta một cách đích thực. Nhưng chúng ta cũng chạm đến lề luật cơ bản, chạm đến chuẩn mực cấu tạo nên cuộc đời chúng ta, nghĩa là sự kiện sau đây: không có tiếng “xin vâng” đối với Thánh giá, không có cuộc hành trình tiến bước trong sự hiệp thông với Đức Kitô ngày qua ngày, thì cuộc sống sẽ không đơm hoa kết trái được. Chúng ta càng có khả năng từ bỏ, vì yêu chân lý lớn lao và tình yêu vĩ đại – vì yêu chân lý và vì yêu Thiên Chúa -, thì cuộc đời chúng ta càng vĩ đại và phong phú hơn. Ai muốn giữ lại mạng sống cho chính mình, thì sẽ đánh mất mạng sống. Ai trao ban mạng sống mình – trao ban hàng ngày qua những cử chỉ nhỏ nhặt, những cử chỉ cấu tạo nên quyết định lớn -, thì người ấy sẽ tìm được mạng sống mình. Đó là chân lý có tính đòi hỏi, nhưng cũng thật sự đẹp đẽ và có tính giải phóng, chân lý mà chúng ta muốn từng bước vào trong suốt cuộc hành trình Thánh giá từ châu lục này đến châu lục kia. Xin Chúa đoái thương chúc lành cho con đường này! Amen.