25/12/2024

Chúa Nhật 5 MC – B: Chết đi để yêu thương

Người Kitô hữu, khi bắt đầu chết đi cho con người riêng tư của mình để mở ra với Trời đất, với anh em giống như hạt lúa, thì ơn thánh cũng sẽ thâm nhập vào trong con người họ và bắt đầu sinh hoa kết quả trong đời sống hằng ngày.

 Chết đi để yêu thương

Hành Khất Kitô
Tuần qua, chúng ta đã suy niệm về tình yêu Thiên Chúa và lời mời gọi yêu thương của Chúa Giêsu. Chúng ta hiểu rằng yêu thương, bác ái không phải là một khẩu hiệu chúng ta hô hào cách dễ dãi, nhưng chúng ta cần phải nhận thức về con người thật của mình để yêu thương cho hiệu quả. Ta cần phải biết cấu trúc tâm lý xã hội của người Việt Nam với nhiều tật xấu và đức tính chồng chất qua dòng lịch sử tạo nên bản sắc của chúng ta. Bản sắc này khiến ta khó yêu thương hơn một số dân tộc khác.
Mỗi con người cụ thể, trong hoàn cảnh gia đình, xã hội, giáo dục khác nhau cũng yêu thương khác nhau. Vì thế, chúng ta cần phải dùng phương pháp phản tỉnh, nghĩa là tự kiểm tra tư tưởng và hành động của mình trong quá khứ, đặc biệt tìm ra những lỗi lầm, để thấy tình yêu thật sự của mình đối với Chúa và với anh chị em cụ thể như thế nào: tại sao tôi lại khó yêu thương người này, người khác như vậy?
Khi hiểu được giới luật yêu thương của Đức Giêsu, hiểu được bản sắc của người Việt Nam và con người cụ thể của mình, bấy giờ chúng ta mới đặt ra chương trình yêu thương trong cuộc sống. Hôm nay, Đức Giêsu mời gọi chúng ta phải làm cho con người cụ thể đó chết đi để sống lại cho tình yêu Thiên Chúa thì mới có thể yêu thương trọn vẹn như Người. Đây có lẽ là bài học khó khăn nhất!
1. Bài học chết đi như hạt lúa giống
Đức Giêsu mời gọi chúng ta phải tập chết đi như hạt lúa gieo vào lòng đất để có thể sinh ra những hoa trái tốt đẹp. Hạt lúa ấy, nếu cứ giữ nguyên mà không biến dạng hoặc thối đi thì nó chỉ trơ trọi một mình. Nhưng khi bắt đầu thối đi, hy sinh phần gạo tinh tuý của bản thân mình, nó mới mọc lên cây mạ rồi thành cây lúa trổ bông và tạo nên nhiều hạt khác. Cái chết ấy không thực hiện ngay một lúc mà kéo dài trong một thời gian. Những chiếc rễ con con mọc ra từ hạt lúa dài ra mỗi ngày, tuỳ theo cái chết biến dạng kia, cắm sâu vào lòng đất để hút được chất bổ dưỡng của trời đất và đưa sự sống vào thân cây lúa.
Đức Giêsu đưa ra hình ảnh hạt lúa giống như gợi ý cho mọi người về cái chết trên thập giá của Người “Một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12,32). Nhưng đứng trước cái chết đau thương nhục nhã, Chúa Giêsu vẫn sợ hãi và phải xin với Chúa Cha: “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này!” (Ga 12,27). Tuy nhiên, Người cũng nhận thức được rằng “Chính vì giờ cứu độ này mà Người đã đến”. Chúa Cha, qua tiếng vọng từ trời, đã an ủi Người “Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa” (Ga 12,28). Chúa Giêsu, trong đêm cầu nguyện tại vườn Gethsemani với mồ hôi máu đổ ra, cũng gợi ý cho chúng ta điều đó: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ‎ý Cha” (Mt 26,39). Khi nói đến cái chết như vậy, Chúa Giêsu muốn mời gọi chúng ta chia sẻ mầu nhiệm Vượt Qua của Người để làm sáng danh Chúa và mưu ích cho con người: vượt qua từ cái chết hằng ngày của chúng ta để bước vào cõi sống thật sự.
Người Kitô hữu, khi bắt đầu chết đi cho con người riêng tư của mình để mở ra với Trời đất, với anh em giống như hạt lúa, thì ơn thánh cũng sẽ thâm nhập vào trong con người họ và bắt đầu sinh hoa kết quả trong đời sống hằng ngày. Người ta thường nói: “sống để yêu thương” nhưng người Kitô hữu lại được mời gọi: “chết đi để yêu thương” như Đức Giêsu trong mầu nhiệm Vượt Qua của Người cũng là mầu nhiệm Vượt Qua của mỗi tín hữu.
Nguyên tắc sống đó rất đẹp vì chúng ta nhận thức được rằng chúng ta tôn thờ Chúa và yêu thương anh chị em không phải vì sức riêng của mình nhưng nhờ hoạt động của ơn thánh, nhờ tình yêu mà Chúa Cha đổ vào lòng chúng ta qua Thánh Thần Ngài ban cho chúng ta. Chúng ta không phải yêu thương bằng những nhịp đập tự nhiên của con tim bé nhỏ, nhưng bằng trái tim bao la của Chúa Giêsu đã bị đâm thâu trên thập giá vì Thiên Chúa là Tình yêu. Nhận thức được như vậy, chúng ta mới dám đi sâu vào cái chết hằng ngày của mình như Đức Giêsu mời gọi. Nhưng có lẽ trước hết chúng ta cần nhận ra rằng cái chết ấy đang rất cần thiết cho chính chúng ta và cho xã hội hôm nay.
2. Xã hội hôm nay cần những người biết chết để yêu thương hơn là sống để hận thù
Nhìn vào xã hội hôm nay, người ta không tin vào Thiên Chúa, cũng không còn tin vào nhau nên người ta thù ghét, kiện cáo, giết hại nhau vì những lý do rất nhỏ mọn. Ngày hôm qua 23-3-2012, Báo Tuổi Trẻ ở trang 5, nhắc đến chuyện một người con trai vùng Đất Đỏ, Bà Rịa-Vũng Tàu, đã kiện cha mình ra toà vì ông ấy đập vỡ 4 quả trứng gà. Cả xã phải khuyên can rất nhiều người con đó mới rút lại đơn kiện. Chúng ta tưởng người con ấy tâm lý bất bình thường, bị tâm thần… nhưng không phải. Lòng hiếu thảo, tình nghĩa gia đình hầu như không còn chỉ vì 4 quả trứng!
Báo Tuổi Trẻ ngày hôm đó cũng đưa tin: trong buổi giao lưu văn hoá Hàn Việt, người ta mời các nghệ sĩ Hàn Quốc sang Hà Nội trình diễn. Khi ca sĩ Hàn Quốc Bi Rain bỏ ghế ngồi, lên sân khấu trình diễn, một ít bạn trẻ đã đến hôn cái ghế anh ta vừa ngồi. Chúng ta không thể tưởng tượng được tâm thức của những người bạn trẻ ấy khi hôn cái ghế ngồi của người nghệ sĩ kia. Nhưng chúng ta hiểu được rằng con người đã không còn tìm được vị Thiên Chúa đích thực, nên đã tôn thờ thần tượng con người. Nhưng tại sao họ lại làm như thế? Có lẽ một phần vì người Công giáo chúng ta đã không giới thiệu được vị Thiên Chúa yêu thương, nhân hậu đã ban Con một của Ngài cho ta. Người Công giáo chúng ta rất nghiêm trang tôn thờ Chúa trong nhà thờ, nhưng khi sống ngoài xã hội dường như người khác không nhận ra được Thiên Chúa trong cuộc đời của chúng ta.
Tuần trước chúng ta đã biết thịt heo siêu nạc có nhiều chất độc hại hay nông sản đầy hoá chất có thể bắt nguồn từ những người Công giáo, đến nỗi người Công giáo ở vùng đó đã nhắc tôi cẩn thận, đừng ăn thịt, đừng ăn những rau mà họ trồng. Chúng ta đọc kinh Mười điều Răn: “Thứ năm, chớ giết người” nhưng chúng ta không ý thức được rằng những thứ hàng độc hại đó đang huỷ hoại sự sống con người. Đời sống thật sự của người Kitô hữu đòi hỏi chúng ta phải dám chết đi cho lợi lộc riêng tư thì mới có thể yêu thương thật sự.
Vài nơi trong thành phố hiện nay, nhiều giáo dân muốn linh mục cử hành thánh lễ Chúa Nhật thật nhanh, giảng thật ngắn, để tiết kiệm được 5-10 phút. Trong khi đó người ta có thể ngồi hàng giờ ở quán cà phê, hay trước màn hình lướt web, xem phim mà không hiểu được rằng Thiên Chúa là chủ thời giờ, chủ sự sống, từng giây từng phút Ngài ban cho họ sự sống, tình yêu và mọi ơn lành để họ có thể dành ra một giờ ngày Chúa Nhật nói lên lòng biết ơn Ngài.
Vì thế, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta cần phải chết đi cho chính mình để sống lại với Thiên Chúa, sống lại để làm sáng danh Chúa và mưu ích cho con người. Đứng trước cái chết, Chúa Giêsu chia sẻ với chúng ta “Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha” (Ga 12,27-28). Hạt lúa gieo xuống đất, mỗi ngày tan đi, thối đi. Khi chúng ta dám thối rữa cho những tham vọng và dục vọng của mình, lúc bấy giờ chúng ta mới sống cho Thiên Chúa, mới cảm nghiệm được sức mạnh và quyền năng của Thiên Chúa trong con người nhỏ bé, yếu đuối, tội lỗi của ta để phát huy thành những hành động tốt đẹp làm vinh danh Chúa.
Kết luận
Hôm nay Chúa mời gọi chúng ta nhìn lại cuộc sống của mình để cùng gắn bó với Chúa Giêsu trên thập giá, mở rộng trái tim của chúng ta ra cho tất cả mọi người. Ngài mời gọi ta “chết đi để yêu thương” bằng cách dám chấp nhận những thiệt thòi, những vất vả hy sinh trong đời sống hằng ngày, dám tha thứ cho những ai sỉ nhục và đóng đinh mình. Xin Chúa đổ tràn ân phúc, tình yêu và quyền năng trên anh chị em để thực hiện được chương trình cứu độ của Thiên Chúa.