Nơi đâu có Đức Kitô, thì nơi đó có các môn đệ của Người
Trong Tin Mừng hôm nay, Thánh Gioan thuật lại một giai thoại xảy ra vào cuối cuộc đời công khai của Đức Giêsu, gần ngày lễ Vượt qua của người Do Thái, cũng là ngày Lễ Vượt qua cái chết và phục sinh của Đức Giêsu.
Nơi đâu có Đức Kitô, thì nơi đó có các môn đệ của Người
Chuyến viếng thăm giáo xứ “Thánh Nhan Chúa Giêsu” tại La Magliana, Rôma
Chúa Nhật V Mùa Chay, 29/3/2011
Anh chị em thân mến,
Chúa Nhật V Mùa Chay, 29/3/2011
Anh chị em thân mến,
Trong trang Tin Mừng hôm nay, Thánh Gioan thuật lại một giai thoại xảy ra vào cuối cuộc đời công khai của Đức Giêsu, gần ngày lễ Vượt qua của người Do Thái, cũng là ngày Lễ Vượt qua cái chết và phục sinh của Đức Giêsu. Thánh sử tường thuật khi Người đang ở Giêrusalem, thì có một vài người Hy Lạp theo đạo Do Thái, vì tò mò muốn biết việc Chúa làm, đã đến gặp ông Philipphê, là một trong số mười hai Tông đồ có tên gọi gốc Hy Lạp và xuất thân từ Galilê. Họ nói với Philipphê: “Thưa ngài, chúng tôi muốn gặp Đức Giêsu”. Philipphê gọi Anrê, là một trong những Tông đồ đầu tiên gần gũi Đức Giêsu, và cũng là người có một tên gọi Hy Lạp, và cả hai “đến nói với Đức Giêsu” (x. Ga 12,20-21).
Qua lời thỉnh cầu của những người Hy Lạp vô danh này, chúng ta có thể nhận ra được cơn khát vẫn âm ỉ trong tâm hồn của những người muốn thấy và biết Đức Kitô; và câu trả lời của Đức Giêsu hướng chúng ta đến mầu nhiệm Vượt qua, một mầu nhiệm biểu lộ vinh quang trong sứ mệnh cứu độ của Người. Người tuyên bố: “Giờ đã đến, giờ mà Con Người phải được tôn vinh” (Ga 12,23). Vâng! Giờ tôn vinh của Con Người sắp điểm, nhưng giờ này sẽ bao hàm cuộc vượt qua đau khổ xuyên qua cuộc khổ nạn và cái chết trên Thánh giá. Quả thật, chỉ qua con đường này mà chương trình cứu độ của Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người, Do Thái cũng như lương dân, mới được thực hiện. Thật thế, tất cả mọi người đều được mời gọi gia nhập vào dân tộc duy nhất của giao ước mới và chung cục. Dưới ánh sáng này, chúng ta mới hiểu được lời tuyên bố tối hậu của trích đoạn Phúc Âm hôm nay: “Và tôi, một khi được nâng lên cao khỏi đất, tôi sẽ kéo mọi người lên cùng tôi” (Ga 12,32), và Thánh sử đã chú giải: “Qua đó, Người ám chỉ mình sẽ chết cách nào” (Ga 12,33). Thánh giá: tình yêu được nâng cao cũng chính là việc Đức Giêsu được nâng cao, và từ đỉnh cao này, Người sẽ lôi kéo tất cả mọi người lên với Người.
Phụng vụ hết sức có lý khi giới thiệu bản văn Chúa Nhật V Mùa Chay được trích từ Phúc Âm theo Thánh Gioan cho chúng ta suy niệm, khi những ngày khổ nạn của Chúa đã gần kề. Bắt đầu từ Chúa Nhật tới, được gọi là Chúa Nhật Lễ Lá tưởng niệm cuộc Khổ Nạn của Chúa, chúng ta sẽ sống một cách thiêng liêng những ngày cuối cùng trong cuộc đời của Chúa. Giáo Hội khuyến khích chúng ta chia sẻ tâm trạng của Đức Giêsu, bằng cách chuẩn bị tâm hồn để sống lại mầu nhiệm đóng đinh, chịu chết và sống lại của Chúa, không phải như những khách bàng quan, nhưng cùng với Người, chúng ta cũng đóng một vai trò khi tham dự vào mầu nhiệm khổ giá và sống lại của Đức Kitô. Quả thật, nơi nào có Chúa Kitô hiện diện, thì nơi đó cũng có mặt các môn đệ của Người, họ là những người được Chúa mời gọi đi theo Người, sống liên đới với Người trong cuộc chiến đấu, để chia phần chiến thắng với Người.
Đích thân Chúa cắt nghĩa cho chúng ta biết việc chúng ta liên kết với sứ mệnh của Người cốt ở điểm nào. Khi nói về cái chết sắp tới của Người, một cái chết hứa hẹn vinh quang, Người đã sử dụng một hình ảnh vừa đơn giản lại vừa gợi hình: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không chết đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó chết đi, thì nó sẽ sinh nhiều bông hạt (Ga 12,24). Người so sánh mình như một “hạt lúa mì vỡ ra để mang lại nhiều bông hạt nuôi sống mọi người”, dựa theo một kiểu nói tuyệt vời của Thánh Athanaxiô; và chỉ qua cái chết, qua Thánh giá, Đức Kitô mới mang lại nhiều bông hạt cho mọi thời đại. Quả thật, việc Con Thiên Chúa chỉ nhập thể mà thôi thì chưa đủ. Để hoàn thành chương trình cứu độ mọi người, thì Con Thiên Chúa phải bị giết chết và được mai táng: chỉ có như thế thì Đức Giêsu mới có thể chấp nhận toàn bộ thực thể nhân văn, và qua cái chết và sự phục sinh của Người, thì cuộc chiến thắng của Sự Sống, cuộc chiến thắng của Tình Yêu mới được biểu lộ; thì ta mới hiểu được tình yêu mạnh hơn cái chết.
Tuy nhiên con người Đức Giêsu – một con người thật sự với những tình cảm giống như chúng ta – cảm nghiệm được gánh nặng của thử thách và nỗi buồn đắng cay của một cuộc kết thúc bi thảm đang chờ đợi Người. Bởi vì Đức Giêsu là Con Người và cũng là Thiên Chúa, nên Người càng cảm thấy mãnh liệt hơn nữa nỗi kinh hoàng khi phải đối diện với vực thẳm tội lỗi của con người và của tất cả những gì là dơ bẩn trong nhân loại mà Người phải mang trong bản thân mình và tiêu huỷ nó trong lửa tình yêu của Người. Tất cả những điều đó, Người phải mang lấy trong bản thân, và biến đổi nó trong tình yêu của Người. Người thổ lộ: “Giờ đây, linh hồn Thầy xao xuyến. Và phải nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này!” (Ga 12,27). Trong những lúc như thế, người ta thường bị cám dỗ thốt lên: “Xin cứu con, xin đừng để con phải mang Thánh giá, xin hãy ban cho con đươc sống!” Trong lời cầu xin thiết tha của Đức Giêsu, ta thoáng thấy trước lời kinh tha thiết trong vườn Cây dầu, khi Người cảm nghiệm bi kịch của nỗi cô đơn và sợ hãi, Người van xin Cha cất xa chén khổ nạn. Tuy nhiên, tâm tình phó thác đầy tình con thảo của Đức Giêsu vào chương trình của Thiên Chúa vẫn không hề suy giảm, và chính vì thế, Người biết rằng giờ của Người đã điểm, và Người cầu nguyện với lòng tin tưởng: “Lạy Cha, xin hãy tôn vinh Danh Cha” (Ga 12,28). Qua lời kinh này, Người muốn nói: “Con chấp nhận Thánh Giá”, Thánh giá mà qua đó, Danh của Thiên Chúa, nghĩa là tình yêu cao cả của Thiên Chúa, được tôn vinh. Ta thấy ở đây cũng thế, Đức Giêsu cũng nói lên trước những lời mà Người sẽ thưa với Chúa Cha trên Núi Cây Dầu: “Ước gì không phải ý Con, nhưng là ý muốn của Cha được thực hiện”. Người biến đổi ý muốn nhân loại của Người và đồng hoá nó với ý muốn của Thiên Chúa. Đó là biến cố vĩ đại trên Núi Cây Dầu, là quãng đường phải được thực hiện một cách cơ bản trong mỗi một lời kinh của chúng ta: biến đổi, để cho ơn Chúa biến đổi ý muốn ích kỷ của chúng ta, và mở nó ra để rập khuôn theo ý muốn của Thiên Chúa. Ta thấy những tâm tình này cũng lại xuất hiện trong đoạn văn của Thư gởi tín hữu Do Thái được công bố qua bài đọc hai. Nỗi âu lo kinh hoàng khi thấy cái chết cận kề đã làm cho con người Đức Giêsu mệt lả, Người đã “lớn tiếng kêu van khóc lóc” mà dâng lên Thiên Chúa lời khẩn nguyện nài xin (Dt 5,7). Người kêu xin Đấng có thể cứu thoát Người giúp đỡ, thế nhưng Người vẫn luôn phó thác trong bàn tay của Chúa Cha. Tác giả Thư Do Thái ghi nhận: và vì phó thác vào Thiên Chúa với tâm tình của người con thảo mà Thiên Chúa đã nhậm lời Người, theo nghĩa Chúa đã cho Người sống lại, Người đã nhận được sự sống mới sau cùng. Thư gởi tín hữu Do Thái làm cho chúng ta hiểu rằng những lời kinh tha thiết của Đức Giêsu, cùng với nước mắt và những tiếng kêu than, là động tác đích thực của vị Thượng tế đã tận hiến đời mình và nhân loại cho Chúa Cha, và như thế biến đổi trần gian.
Anh chị em thân mến, đó là con đường đầy yêu sách của Thánh giá mà Đức Giêsu muốn chỉ cho tất cả các môn đệ của Người. Đã nhiều lần Người nói với họ: “Nếu ai muốn phục vụ Thầy thì hãy theo Thầy”. Đối với Kitô hữu muốn thực hiện ơn gọi của mình thì không hề có sự lựa chọn nào khác. Đó là “định luật” của Thánh Giá được mô tả qua hình ảnh của hạt lúa mì chết đi để nẩy mầm và mang lại sự sống mới, đó là “luận lý” của Thánh Giá mà bài Phúc Âm hôm nay cũng đã nhắc đến: “Ai yêu sự sống mình thì sẽ đánh mất nó; còn ai ghét sự sống mình ở đời này thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời”. “Ghét” sự sống mình là một kiểu nói Do Thái mang một ý nghĩa hết sức mạnh mẽ và có tính nghịch lý, kiểu nói này nhấn mạnh đến đặc tính triệt để và toàn bộ, một đặc tính giúp ta phân biệt được con người đi theo Đức Kitô, và vì yêu mến Người, nên đã dấn thân phục vụ anh em. Người ấy đánh mất sự sống mình và như thế, tìm lại được sự sống. Không có con đường nào khác để cảm nhận được niềm vui và sự phong phú đích thực của Tình Yêu, ngoài con đường tận hiến, hy sinh bản thân mình, đánh mất bản thân mình để rồi tìm lại được nó.
Các bạn thân mến, lời mời gọi của Đức Giêsu lại vang lên thật hùng hồn trong buổi cử hành Thánh lễ tại giáo xứ của anh chị em hôm nay. Thật thế, giáo xứ của anh chị em được cung hiến cho Thánh Nhan Chúa Giêsu: Thánh Nhan mà “một số người Hy Lạp” được Phúc Âm nói tới muốn đến chiêm ngưỡng; Thánh Nhan mà trong những ngày Khổ nạn sắp tới những người Hy Lạp này sẽ thấy biến thể vì tội lỗi, vì sự lãnh đạm và vô ơn của con người; Thánh Nhan rạng ngời ánh sáng và ngập tràn vinh quang sẽ chiếu toả trong buổi bình minh ngày Phục Sinh. Anh chị em tín hữu thân mến, hãy để cho con tim và tâm trí mình gắn chặt vào Thánh Nhan Đức Kitô. Tôi xin thân ái chào anh chị em, bắt đầu bằng cha xứ của anh chị em, Cha dom Luigi Coluzzi. Tôi cám ơn người đã thay mặt anh chị em nói lên những tâm tình tốt đẹp. Xin cám ơn anh chị em đã đón tiếp tôi một cách thân tình: tôi thật sự hạnh phúc được ở giữa anh chị em, nhân dịp kỷ niệm ba năm ngày cung hiến ngôi thánh đường của anh chị em, và tôi xin chào hỏi tất cả anh chị em với tâm tình yêu mến. Tôi xin đặc biệt chào Đức Hồng y Giám quản, cũng như Đức Hồng y Fiorenzo Angelini, là người đã cộng tác xây dựng trung tâm giáo xứ này, xin chào Đức cha Maecello Costalunga, Giám mục phụ tá vùng và các vị giáo sĩ cấp cao đang có mặt, các linh mục cộng sự của giáo xứ, các Nữ tu có nhiều công đức thuộc Hội Dòng Nữ tử Thăm viếng người nghèo, họ là những đã chăm sóc những người cao niên trong nhà dưỡng lão được xây dựng phía trước ngôi nhà thờ đẹp đẽ này. Tôi xin chào các giáo lý viên, uỷ ban và những cán sự mục vụ, cũng như tất cả những ai cộng tác vào đời sống của giáo xứ; tôi xin chào các em, các bạn trẻ và các gia đình. Tôi vui mừng được gởi lời chào đến các cư dân Magliana, đặc biệt là những người già nua tuổi tác, các bệnh nhân, những người neo đơn và những người đang sống trong cảnh khó khăn. Tôi cầu nguyện cho tất cả mọi người và cho từng người một trong Thánh lễ này.
Anh chị em thân mến, anh chị em hãy để cho ánh sáng chói loà của Gương Mặt Đức Kitô toả chiếu, và cộng đoàn tươi trẻ của anh chị em – một cộng đoàn giờ đây đang thừa hưởng một trung tâm giáo xứ mới, có cấu trúc hiện đại và cơ năng – sẽ cùng nhau đoàn kết tiến bước, cùng nhau cam kết loan báo và làm chứng tá cho Tin Mừng trong khu phố này. Tôi biết anh chị em hết sức quan tâm đến việc đào tạo phụng vụ, bằng cách làm tăng giá trị cho mỗi nhân lực trong giáo xứ anh chị em: những người đọc Sách Thánh, ca đoàn, và tất cả những ai dành cả thời giờ và sức lực để làm cho các buổi cử hành Phụng vụ được thêm phần sống động. Điều quan trọng là anh chị em phải dành vị trí đầu tiên trong cuộc đời chúng ta cho kinh nguyện cá nhân và phụng vụ. Tôi biết anh chị em đã cam kết hy sinh cả thời giờ và sức lực để dạy giáo lý, nhằm đáp lại những mong đợi của giới trẻ, cũng như của những ai chuẩn bị lãnh nhận Bí tích Thánh Thể và Thêm Sức, và của những ai thường xuyên đến gặp gỡ các Cha Tuyên uý. Anh chị em cũng quan tâm bảo đảm cho các bậc phụ huynh có được một nền huấn giáo thích hợp, và anh chị em đã mời gọi họ tham dự một chặng đường đào tạo Kitô giáo cùng với con cái của mình. Như thế, anh chị em đã giúp đỡ các gia đình cùng nhau tham dự các buổi cử hành bí tích, giáo dục người khác và giáo dục mình sống đức tin “trong gia đình”, và gia đình phải là “trường học” đầu tiên, “trường học” tự nhiên dạy đời sống Kitô giáo cho tất cả mọi thành viên trong gia đình mình. Tôi chia vui với anh chị em, bởi vì giáo xứ của anh chị em luôn giang rộng đôi tay đón tiếp mọi người, được sinh động bởi một tình yêu chân thành dành cho Thiên Chúa và tha nhân, theo gương Thánh Maximilianô Maria Kolbê mà ngay từ đầu giáo xứ của anh chị em đã được cung hiến cho người. Trong Trại Tập trung Auschwitz, Thánh Maximilianô Maria Kolbê đã hy sinh đời mình một cách thật can đảm và anh hùng để cứu sống những người anh em mình. Ở vào thời đại chúng ta, một thời đại được đánh dấu bằng một cuộc khủng hoảng chung về mặt xã hội và kinh tế, thì nỗ lực làm việc của anh chị em, nhất là qua Caritas giáo xứ và nhóm Sant’Egidio, hầu để đáp lại những mong đợi của những người nghèo khổ nhất và của những người bần cùng nhất, trong mức độ có thể, thật đáng cho chúng ta ca ngợi.
Các bạn trẻ thân mến, tôi muốn đặc biệt khuyến khích các bạn: hãy để cho vẻ đẹp duyên dáng của Chúa Kitô chinh phục mình! Khi nhìn lên Thánh Nhan Đức Kitô, với cặp mắt đức tin, các bạn hãy thưa với Người: “Lạy Chúa Giêsu, Chúa muốn con làm gì cho Chúa và với Chúa?” Và rồi, hãy lắng nghe Người, và được Thần Khí của Người hướng dẫn, các bạn hãy đi theo chương trình mà Người dành cho các bạn. Các bạn hãy chuẩn bị kỹ lưỡng tâm hồn để xây dựng những gia đình hợp nhất và trung thành với Tin Mừng, và hãy trở thành những chứng nhân của Đức Kitô trong xã hội; và nếu Người kêu gọi các bạn, thì hãy sẵn sàng tận hiến cả cuộc đời để phục vụ Người trong Giáo Hội, với tư cách là linh mục hay tu sĩ nam nữ. Tôi hứa sẽ cầu nguyện cho các bạn; và đặc biệt, tôi chờ đợi các bạn vào ngày thứ năm sắp tới tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô để chuẩn bị cho Ngày Quốc tế giới trẻ mà các bạn đã biết là sẽ được cử hành năm nay, trên bình diện giáo phận, vào Chúa Nhật tới. Chúng ta sẽ cùng nhau gợi lại kỷ niệm về người Tiền nhiệm đáng mến và đáng kính của tôi là Đức Gioan Phaolô II nhân ngày giỗ bốn năm của người. Trong nhiều trường hợp, người đã khuyến khích giới trẻ gặp gỡ Đức Kitô và bước theo Người với niềm phấn khởi và quảng đại.
Anh chị em trong cộng đoàn giáo xứ thân mến, ước gì tình yêu vô biên của Đức Kitô, Đấng chiếu sáng rực rỡ trên Thánh Nhan Người, chiếu soi mỗi thái độ sống của anh chị em và trở nên “cuộc sống thường ngày” của anh chị em. Như Thánh Âu Tinh, trong một bài giảng lễ Phục Sinh, đã khuyến khích chúng ta: “Đức Kitô đã đau khổ; chúng ta chết cho tội lỗi. Đức Kitô đã sống lại; chúng ta sống cho Thiên Chúa. Đức Kitô đã vượt qua trần gian để về cùng Cha; ước gì tâm hồn chúng ta đừng dính bén vào cuộc đời hạ giới này, nhưng bước theo Người, mắt hướng nhìn những sự trên cao. Đầu của chúng ta đã được treo trên cây gỗ; chúng ta hãy đóng đinh tính xác thịt của mình vào Thánh giá Chúa. Người nằm trong huyệt đá; cùng được mai táng với Người, chúng ta quên đi những điều đã qua. Người ngự trên trời; chúng ta nâng những ước muốn của chúng ta lên những sự trên trời” (Thánh Âu Tinh, Diễn từ 229/D, 1).
Ý thức như thế, chúng ta sẽ tếp tục buổi cử hành Bí tích Tạ Ơn, và khẩn cầu Đức Maria hiền mẫu cầu bàu cùng Chúa cho cuộc đời chúng ta phản chiếu cuộc đời của Đức Kitô. Chúng ta cầu nguyện cho những ai mà chúng ta gặp gỡ luôn nhận ra trong những cử chỉ và lời nói của chúng ta sự tốt lành có sức lan toả hoà bình và an ủi của Thánh Nhan Chúa Kitô. Amen!