Kỷ niệm 50 năm Công đồng Chung Vatican II
Phỏng vấn Linh mục Cristoph Théobald, dòng Tên, về ý niệm “Giáo Hội – Hiệp Thông”
Kỷ niệm 50 năm Công đồng Chung Vatican II
Cách đây 50 năm, Đức Giáo hoàng Gioan XXIII đã công bố triệu tập Công đồng Chung Vatican II để duyệt xét các vấn đề của Giáo Hội và canh tân cuộc sống của dân Chúa. Để kỷ niệm biến cố lịch sử này đã có nhiều sáng kiến được đưa ra, trong đó có một loạt các buổi thuyết trình do Đại học Giáo hoàng Laterano ở Rôoma tổ chức, với sự cộng tác của Trung tâm Thánh Louis nước Pháp và Đại sứ Pháp cạnh Toà Thánh. 6 buổi thuyết trình có khẩu hiệu là “Đọc lại Công Đồng” đã bắt ngày mồng 1-3-2012 dành cho Hiến chế Tín lý về Phụng vụ Sacrosanctum Concilium.
Mỗi buổi thuyết trình đều do một chuyên viên sử học và một thần học gia đảm trách, và sẽ lần lượt tìm hiểu các tài liệu quan trọng nhất của Công Đồng: tức 4 Hiến chế, Sắc lệnh về Đại kết và Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo.
Trong bài phỏng vấn dành cho chương trình Ý ngữ Đài Vatican sáng mồng 2-3-2012, Đức Tổng Giám mục Enrico Dal Covolo, Viện trưởng Đại học Giáo hoàng Laterano, cho biết các buổi thuyết trình này nhằm mục đích lượng định trở lại các yếu tố chính của Công Đồng trên bình diện khoa học, đồng thời lồng khung Công Đồng vào trong Truyền Thống lớn của Giáo Hội, là hướng đi của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI. Một trong các cải cách lớn Công Đồng đã đề ra là việc canh tân phụng vụ. Do đó, tài liệu đầu tiên đã được Công Đồng thông qua và công bố là Hiến chế về Phụng vụ Thánh. Tuy nhiên, Giáo sư Philippe Chenaux cho rằng so với các tài liệu khác, Hiến chế về Phụng vụ đã bị lãng quên trong bóng tối. Nó có chỗ đặc biệt trong phong trào phụng vụ nảy sinh vào cuối thế kỷ XVIII trong các đan viện Biển Đức, và sau Đệ nhị Thế chiến, nó di chuyển về phía các môi trường của phong trào Giới trẻ Công giáo, rồi hướng tới các giáo xứ. Năm 1947, Đức Giáo hoàng Pio XII cũng đã dành Thông điệp “Mediator Dei” để nói về phụng vụ, và là một hình thức thừa nhận phong trào phụng vụ, sẽ được thánh hiến trong Công đồng Chung Vatican II.
Trước loạt thuyết trình về đề tài “Đọc lại Công Đồng” tại Đại học Giáo hoàng Laterano ở Rôma còn có đại hội tại Modena bắc Italia, trong các ngày 23 đến 25-2 vừa qua về đề tài: “Công đồng Chung Vatican II, 1962-2012: Lịch sử sau Lịch sử”. Đại hội do Tổ chức “Khoa học Tôn giáo Gioan XXIII” triệu tập. Tham dự đại hội có rất nhiều chuyên viên, trong số đó có Linh mục Cristoph Théobald, dòng Tên. Cha đã chủ toạ cuộc thảo luận bàn tròn kết thúc đại hội.
Trong số các thuyết trình viên ngày thứ nhất của đại hội có các học giả như: Maria Teresa Fattori, Giovanni Turbani, Marek Saran, Yan Li Ren, Piero Doria, Massimo Faggioli. Ngày thứ hai của đại hội có các thuyết trình viên Stephan Mokry, Antonio Sorci, Philipphe J. Roy, Loioc Figoureux. Trong ngày thứ ba có các thuyết trình viên như Michael Quisinsky, Silvia Scatena, Matteo Mennini, và một cuộc thảo luận bàn tròn với sự tham dự của Joseph Famerée, Etienne Fouilloux, Peter Huenermann, Mathijs Lamberigts, Giuseppe Ruggieri, Norman Tanner và John O’ Malley. Hai học giả kết thúc đại hội là Alberto Melloni và Bernard Ardura.
Sau đây, chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn bài phỏng vấn Cha Cristoph Théobald về ý niệm “Giáo Hội – Hiệp Thông”. Cha Théobald là tác giả của bộ sách nhiều cuốn tựa đề “Việc tiếp nhận Công đồng Chung Vatican II”.
Hỏi: Thưa Cha Théobald, Cha nghĩ gì về việc Đức Chân phước Giáo hoàng Gioan XXIII triệu tập Công đồng Chung Vatican II?
Đáp: Có lẽ đây lần đầu tiên trong lịch sử, ít nhất một cách rõ ràng, một vị Giáo hoàng – ở đây là Đức Gioan XXIII – đã triệu tập Công Đồng mà không trình bày một ý tưởng hay một mô thức đã được xác định trước. Trái lại, ngài đã khẳng định ý tưởng Công Đồng như một Lễ Hiện Xuống mới, hay đúng hơn như một cố gắng khiến xảy ra trong Giáo hội Công giáo một cái gì giống như một Lễ Hiện Xuống mới. Khía cạnh này gắn liền với ước mong một Lễ Hiện Xuống mới. Và đây là chìa khoá giúp đọc hiểu các văn bản của Công đồng Chung Vatican II như là địa bàn chỉ hướng cho thế kỷ XXI.
Hỏi: Thưa Cha, làm sao có thể tóm tắt và hiểu biết việc tiếp nhận Công đồng Chung Vatican II sau 50 năm triệu tập?
Đáp: Đã có nhiều giai đoạn tiếp nhận khác nhau, và việc nêu rõ chúng là cách thức đơn sơ nhất để đương đầu với vấn đề. Giai đoạn thứ nhất ngay sau năm 1965 đã liên quan tới việc cải tổ các cơ cấu như Thánh Văn phòng trở thành Bộ Giáo lý Đức tin, và việc áp dụng ngyên tắc Thượng Hội Đồng cho khắp nơi trên toàn thế giới. Có lẽ đây là giai đoạn đã khơi dậy các ấn tượng sống động nhất và một hứng khởi thực sự.
Giai đoạn thứ hai bắt đầu vào năm 1985, là năm có Thượng Hội đồng Giám mục nhằm cử hành Công Đồng và kiểm thực các kết quả. Nó đã là một biến cố vô cùng quan trọng, vì đã đề nghị một việc giải thích toàn bộ, vài luật giải thích bằng cách đưa ra ý tưởng của toàn bộ các tài liệu của Công Đồng, hay các mối tương quan và tính cách liên văn bản giữa các tài liệu khác nhau của Công Đồng. Chúng ta có thể định nghĩa giai đoạn này với một câu tổng kết, nhất là chung quanh ý niệm Giáo Hội – Hiệp thông. Với thời gian qua đi sự đóng góp của công việc lịch sử cũng trở thành quan trọng; nó dựa trên việc nghiên cứu càc văn bản, các lược đồ dự thảo và nhật ký riêng của các tham dự viên Công Đồng.
Hỏi: Cha nhấn mạnh rằng cho tới nay việc thảo luận đôi khi rất giao động đã chú ý nhiều tới giáo hội học. Có cần phải nới rộng cái nhìn hay không, thưa Cha?
Đáp: Sự tập trung này chắc chắn đã là điều không thể tránh được, vì tầm quan trọng của các cải tổ cơ cấu Giáo Hội. Nhưng ngày nay việc đọc hiểu các văn bản của Công Đồng có thể giúp chúng ta tái quân bình tri giác này. Chẳng hạn như một chiều kích nền tảng của Công Đồng xoay quanh nguyên tắc mục vụ tính, với tư tưởng là đức tin Kitô rất có tích cách lịch sử và gắn liền với tính cách đa văn hoá ngay từ đầu. Diễn tả tính cách lịch sử của Kitô giáo sau cùng có nghĩa là diễn tả trở lại một cách mới mẻ nguyên tắc của sự nhập thể. Chiều kích này liên tục cật vấn chúng ta về khả năng tiếp nhận của truyền thống Kitô. Tính cách mục vụ đâm rễ một cách trực tiếp ngay trong sự Mạc Khải, được hướng tới tất cả mọi người. Như thế, tính cách truyền giáo của Giáo Hội xem ra là một vấn đề lớn được mở ra theo chiều hướng của Công Đồng.
Hỏi: Bên trong toàn thể các tài liệu rộng lớn của Công Đồng, có các văn bản đáng được tái khám phá ra một cách đặc biệt không, thưa Cha?
Đáp: Cho tới nay đã có 3 tài liệu được đào sâu rất nhiều đó là Hiến chế Tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium Ánh sáng Muôn dân, Hiến chế Mục vụ về Giáo Hội trong Thế giới Ngày nay Gaudium et Spes, Vui mừng và Hy vọng, và Hiến chế về Phụng vụ Thánh Sacrosanctum Concilium. Trong khi Hiến chế Tín lý về Mạc khải của Thiên Chúa Dei Verbum – Lời Chúa là một tài liệu nền tảng lại ít được nghiên cứu và giải thích. Thượng Hội đồng Giám mục năm 2008 về Lời Chúa đã là một hành động chính thức mạnh mẽ tiếp nhận tài liệu về Lời Chúa. Nhưng tài liệu có tầm quan trọng nòng cốt này chắc chắn sẽ có một vai trò ngày càng tích cực hơn. Đây cũng là điều có thể nghĩ đối với Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội Ad Gentes.
Hỏi: Thưa Cha, Cha cũng cho rằng chính trong Công Đồng có thể tìm thấy các chìa khoá giúp thắng vượt mọi tương phản liên quan tới việc giải thích nó, có đúng thế không?
Đáp: Theo thiển ý tôi, ngày nay cần phải ra khỏi ý niệm song song, theo đó một đàng có một Công Đồng đã kết thúc một cách toàn vẹn, đàng khác có các giải thích tốt hay xấu về Công Đồng. Công Đồng đã là một tiến trình học hiểu và cũng chính vì thế mà không thể tránh được vài chồng chất lên nhau đã gây tranh luận. Chẳng hạn cứ nghĩ tới nguyên tắc giám mục đoàn, một cách rõ ràng được khẳng định bên cạnh việc xác nhận quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng, người thi hành chức thừa tác của Thánh Phêrô tại Rôma. Trước hết, Công Đồng đã cống hiến cho chúng ta một phương cách để quyết định trong Giáo Hội, bằng cách ngầm nhắc nhở cho chúng ta biết rằng môt vài vấn đề không thể nói được rằng chúng đã được giải quyết một cách vĩnh viễn, xét vì chúng là thành phần của chính cơ cấu mâu thuẫn của Mầu nhiệm Kitô.
Hỏi: Vượt ngoài cuộc thảo luận thần học, Công Đồng sẽ có thể vẫn là một điểm quy chiếu tuyệt đối cho sự hiệp nhất của Giáo Hội không, thưa Cha?
Đáp: Có thể được, nếu chúng ta biết nhấn mạnh và suy tư, không phải về các chi tiết, nhưng về cái quan điểm toàn diện, mà Công Đồng đã đề ra. Đó là quan điểm của một Kitô giáo đại đồng, đồng thời hội nhập một cách toàn vẹn vào nền văn hoá và vẫn khác biệt. Công Đồng vẫn có thể là điểm tham chiếu tuyệt đối, nếu chúng ta biết tiếp nhập sư phạm và sự can đảm của Công Đồng trong việc lắng nghe người khác, trong khả năng hoán cải, trong việc cùng nhau quyết định cho tương lai. Có một cách thức tiến hành mà Công Đồng đã để lại cho chúng ta như là một gia tài. Một cách đặc biệt một phương thế lắng nghe Lời Chúa một cách nào đó, phân định các dấu chỉ thời đại, đi vào chiều sâu của nội tâm. Nhờ cái kiềng ba chân ấy mà Công Đồng sẽ có thể tiếp tục là một ơn và là một địa bàn định hướng cho các thời mới.
(Avvenire 24-2-2012; RG 2-3-2012)