23/11/2024

Kinh nguyện, bố thí và chay tịnh

“Hãy hết lòng quay về với Ta”. Lời kêu gọi quay về với Chúa được xem là chủ đề chính trong tất cả những gì cấu tạo nên phụng vụ hôm nay. Ngay trong bài ca nhập lễ, ta đọc thấy Thiên Chúa quên đi tội lỗi và tha thứ cho những ai quay về với Người

 Kinh nguyện, bố thí và chay tịnh

Thánh lễ làm phép và xức Tro
Tại Vương cung Thánh đường Thánh nữ Sabine trên đồi Aventin
Thứ Tư Lễ Tro, 23/2/2009

Anh chị em thân mến!

Thứ Tư lễ Tro hôm nay, là cánh cửa dẫn vào Mùa Chay, các bản văn phụng vụ vẽ ra trước mắt chúng ta toàn bộ dung mạo Mùa Chay một cách khái quát. Giáo Hội muốn chỉ cho chúng ta thấy đâu là hướng đi của tâm trí, và mang lại cho chúng ta ơn Chúa để bước đi trên lộ trình thiêng liêng hết sức đặc biệt này, một lộ trình mà chúng ta đang bắt đầu bước vào với cả lòng cương quyết và can đảm, và chúng ta đã được ánh sáng của Mầu nhiệm Vượt Qua soi sáng. 

“Hãy hết lòng quay về với Ta”. Lời kêu gọi quay về với Chúa được xem là chủ đề chính trong tất cả những gì cấu tạo nên phụng vụ hôm nay. Ngay trong bài ca nhập lễ, ta đọc thấy Thiên Chúa quên đi tội lỗi và tha thứ cho những ai quay về với Người; trong lời nguyện nhập lễ, Giáo Hội mời gọi chúng ta cầu nguyện để “bước vào mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng”. Trong Bài đọc một, Tiên tri Gioen khuyến khích chúng ta trở về với Chúa Cha: “với hết cả tấm lòng, trong chay tịnh, trong nước mắt và thống thiết van nài… bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm bất bình và giàu ân sủng, Người hối tiếc vì đã giáng hoạ” (2,12-13). Lời Chúa hứa thật rõ ràng: nếu toàn dân biết lắng nghe lời Chúa mời gọi mà quay trở về, thì Người sẽ biểu lộ lòng từ bi thương xót, và bạn hữu của Người sẽ được đầy tràn ân huệ. Cùng với Thánh vịnh đáp ca, cộng đoàn phụng vụ xem những lời kêu xin trong Thánh vịnh 50 là của mình, và cầu xin Chúa tác tạo nên trong tâm hồn chúng ta “một quả tim tinh tuyền”, và canh tân trong lòng ta “một tinh thần kiên vững”. Tiếp đến trong trang Phúc Âm, Đức Giêsu, khi cảnh giác chúng ta hãy đề phòng tính kiêu căng đang đục khoét con người và làm cho chúng ta ba hoa, giả hình, nông nổi và tự mãn, đã nhắc lại cho chúng ta phải luôn có tâm hồn ngay thẳng. Đồng thời, Chúa cũng chỉ cho chúng ta phải làm thế nào để lớn lên trong ý hướng tinh tuyền này: nuôi dưỡng mối thân tình với Cha Trên Trời. 

Trong suốt Năm Thánh này, năm kỷ niệm 2000 năm sinh nhật Thánh Phaolô, với lòng đặc biệt biết ơn, chúng ta đón nhận lời giáo huấn trong Thư Thứ Hai,, gởi tín hữu Côrintô: “Chúng tôi nài xin anh em, nhân danh Đức Kitô: anh em hãy giao hoà với Thiên Chúa” (5,20). Thánh Tông đồ lại mời gọi chúng ta nghiêm chỉnh sống tinh thần sám hối của Mùa Chay. Phaolô đã trải nghiệm được một cách thật tuyệt vời quyền năng của ơn Chúa, của Mầu nhiệm Phục Sinh, và chính người cũng đã sống mầu nhiệm Mùa Chay. Người tự giới thiệu là “đặc sứ” của Thiên Chúa. Ai có thể hơn được Thánh Phaolô trong việc giúp chúng ta bước đi trên lộ trên trình hối cải nội tâm này một cách tốt đẹp? Trong Thư thứ nhất gởi cho Timôtê, Thánh Phaolô viết: “Đức Kitô Giêsu đã đến trần gian để cứu chuộc những người tội lỗi mà trong đó cha là kẻ đầu tiên”, và người nói tiếp: “sở dĩ Đức Giêsu Kitô tỏ lòng thương xót cha, là vì Người muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Người nơi cha là kẻ đầu tiên, và đã đặt cha làm gương cho tất cả những ai phải tin vào Người để được sống đời đời” (1,15-16). Như thế, vị Tông đồ ý thức mình đã được chọn như một mẫu gương, và đặc tính gương mẫu của người liên quan đến việc người trở lại, liên quan đến lòng nhân hậu của Thiên Chúa đã biến đổi cuộc đời của người. “Trước kia, cha là một người nói lộng ngôn, một kẻ bách hại, một tên ngạo ngược – Thánh Phaolô đã nhìn nhận như thế -. Nhưng Người đã thương xót cha (…) và như thế, đã ban cho cha đầy tràn ân sủng” (Sđd 1,13-14). Toàn bộ lời rao giảng của người, và thậm chí trước đó, toàn bộ cuộc đời thừa sai của người, đều được một lực đẩy nội tâm mà ta có thể cho đó là cái kinh nghiệm cơ bản của “ân sủng” nâng đỡ. Người đã viết cho các tín hữu thành Côrintô như sau: “Nhưng tôi có là gì thì cũng nhờ ân sủng Chúa (…) tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả các vị [các Tông đồ]: Ồ! Không phải là tôi, mà chính là ân sủng của Chúa trong tôi” (1 Cr 15,10). Ở đây, ta muốn nói đến một ý thức xuất hiện trong mỗi lá thư của Thánh Phaolô, và ý thức ấy đã hoạt động như một “đòn bẩy” nội tâm, mà trên đó, Thiên Chúa có thể hành động để thúc đẩy người bước tới trước, tới những biên giới xa xăm nhất, không những xét về mặt địa dư, mà còn cả về mặt thiêng liêng nữa. 

Thánh Phaolô nhìn nhận rằng tất cả những gì người có đều là do tác động của ơn Chúa, nhưng người không bao giờ quên rằng mình phải tự do chấp nhận hồng ân đời sống mới được lãnh nhận qua Bí tích Thánh tẩy. Trong chương 6 của Thư gởi tín hữu Rôma sẽ được công bố trong đêm vọng Phục Sinh, Thánh Phaolô viết như sau: “Như thế, ước gì tội lỗi không còn thống trị thân xác phải chết của anh em nữa, khiến anh em phải chiều theo những dục vọng của xác thịt. Đừng sử dụng chi thể của anh em như khí cụ bất công để làm điều bất chính nữa; trái lại, anh em là những người sống đã từ cõi chết trở về, anh em hãy hiến toàn thân cho Thiên Chúa, và hãy dùng chi thể của anh em như những khí cụ công chính phục vụ Thiên Chúa” (6,12-13). Trong những lời nói trên đây, ta thấy chứa đựng cả một chương trình Mùa Chay dựa theo nhãn quan của Thánh Phaolô về phép rửa nội tại. Một mặt, ta khẳng định cuộc chiến thắng của Đức Kitô trên tội lỗi, cuộc chiến thắng mà Người đã đạt được một lần thay cho tất cả, nhờ cái chết và sự phục sinh của Người; mặt khác, Chúa khuyến khích chúng ta đừng dâng chi thể của mình cho tội lỗi, nghĩa là đừng tạo dịp để phạm tội, nếu ta có thể nói được như thế. Chiến thắng của Đức Kitô hứa hẹn cho cuộc chiến thắng của môn đệ, và điều này đã xảy ra trước tiên qua Bí tích Thánh Tẩy, và nhờ Bí tích này, một khi kết hợp với Đức Kitô, chúng ta là “những người sống đã từ cõi chết trở về”. Tuy nhiên, để cho Đức Kitô có thể hoàn toàn thống trị con người đã chịu Phép rửa tội, thì người ấy phải sống trung thành theo giáo huấn của Đức Kitô, đừng bao giờ lơ là cảnh tỉnh, để cho đối thủ có thể chiến thắng được chúng ta bằng bất cứ cách nào. 

Nhưng làm thế nào để chu toàn được ơn gọi ngày chúng ta chịu Phép Rửa tội, làm thế nào để nắm được phần thắng trong cuộc chiến giữa xác thịt và tinh thần, giữa thiện và ác, một cuộc chiến ghi đặm dấu trên cuộc đời chúng ta? Trong trang Tin Mừng hôm nay, Chúa chỉ cho chúng ta ba phương tiện hữu ích: kinh nguyện, bố thí và ăn chay. Qua kinh nghiệm cũng như trong những lá thư của Thánh Phaolô, về điểm này, ta có thể tìm được những quy chiếu quan trọng. Liên quan đến kinh nguyện, người khuyến khích chúng ta “chuyên cần” và “tỉnh thức mà cầu nguyện và tạ ơn” (Rm 12,12; Cl 4,2), “cầu nguyện không ngừng” (1 Tx 5,17). Đức Giêsu ngự trị trong tâm hồn chúng ta. Mối tương giao với Đức Giêsu vẫn luôn có đó, và vẫn luôn hiện diện ngay cả khi chúng ta nói năng, hành động theo bổn phận nghề nghiệp của chúng ta. Chính vì thế, khi cầu nguyện, là chúng ta liên lạc với Thiên Chúa đang hiện diện trong tâm hồn chúng ta, và mối tương giao này sẽ biến thành lời cầu nguyện. Còn về bố thí, những đoạn trong thư của Thánh Phaolô đề cập đến cuộc quyên góp lớn nhằm giúp đỡ những anh em lâm cảnh túng thiếu thì chắc hẳn là có một tầm mức hết sức quan trọng (2 Cr 8,9), nhưng ta phải nhấn mạnh rằng, đối với Thánh Phaolô, đức ái mới là cao điểm của đời sống tín hữu, đó là “mối dây toàn thiện”, Người viết cho tín hữu thành Côlôxê: “Và rồi, trên hết mọi nhân đức, đức ái là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,14). Thánh Phaolô không nói đến chay tịnh một cách rõ ràng, nhưng người thường khuyến khích mọi người sống đạm bạc, được xem như đặc điểm của người được Chúa kêu gọi sống tỉnh thức mong chờ Người đến (x. 1Tx 5,6-8; Tt 2,12). Chúng ta cũng cần quan tâm đến “tinh thần tranh đua về mặt thiêng liêng”, một công việc đòi hỏi tiết độ, được Thánh Phaolô nhắc đến. Người viết cho tín hữu thành Côrintô như sau: “Tất cả các vận động viên đều phải kiêng khem đủ điều: song họ làm như vậy là để đạt được một vòng triều thiên hư nát, còn với chúng ta là một triều thiên trường cửu” (1 Cr 9,25). Kitô hữu phải kiêng khem để tìm được niềm vui và thật sự đến được với Chúa. 

Như thế, ơn gọi của những Kitô hữu là, một khi đã được cùng sống lại với Đức Kitô, họ đã bước qua cái chết, và từ nay, cuộc sống của họ đang được ẩn giấu cùng với Đức Kitô trong Thiên Chúa (x. Cl 3,1-2). Để sống cuộc sống mới này trong Thiên Chúa, thì chúng ta cần phải nuôi dưỡng mình bằng Lời Chúa. Chỉ có như thế, chúng ta mới có thể kết hợp được với Thiên Chúa, sống dưới sự hiện diện của Người, nếu chúng ta đối thoại với Người. Đức Giêsu đã nói đến điều này thật rõ ràng, khi trích Sách Đệ nhị luật để chống trả cơn cám dỗ đầu tiên trong ba cơn cám dỗ nơi hoang địa: “Người ta sống không nguyên bởi cơm bánh, mà còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4; x. Đnl 8,3). Thánh Phaolô khuyên bảo chúng ta: “Ước gì lời Đức Kitô cư ngụ dồi dào trong anh em: anh em hãy dạy dỗ, khuyên bảo lẫn nhau với tất cả sự khôn ngoan. Hãy hát ca tạ ơn Thiên Chúa với hết cả tâm hồn anh em, bằng những bài Thánh vịnh, Thánh thi và Thánh ca” (Cl 13,16). Và về điểm này cũng thế, trước tiên, Thánh Tông đồ là một nhân chứng: những Lá thư người viết là một bằng chứng hùng hồn nói lên người vẫn thường xuyên đối thoại với Lời Chúa: tư tưởng, hành động, kinh nguyện, thần học, rao giảng, khuyên bảo, tất cả những gì ở nơi người đều là kết quả của Lời Chúa, Lời mà người đã lãnh nhận ngay từ hồi thanh xuân trong đức tin Do Thái, và đã hoàn toàn được mạc khải cho người qua biến cố gặp gỡ Đức Kitô chết và sống lại, và được người rao giảng trong suốt cả cuộc đời, qua những chuyến “ra đi” thừa sai. Thánh Phaolô được Chúa mạc khải cho biết Thiên Chúa đã nói lên Lời sau cùng trong Đức Giêsu Kitô, và chính Đức Giêsu là Lời cứu độ, Lời ăn khớp với mầu nhiệm Vượt qua, là của lễ dâng trên Thánh giá, để rồi đưa đến sự phục sinh, bởi vì tình yêu mạnh hơn cái chết. Thánh Phaolô có thể kết luận như sau: “Đối với tôi, ước gì tôi đừng bao giờ vênh vang về chính mình, nếu không phải là Thập giá của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng đã làm cho thế gian bị đóng đinh đối với tôi, và đã làm cho tôi bị đóng đinh đối với thế gian” (Gl 6,14). Trong cuộc đời của Thánh Phaolô, Lời đã trở thành sự sống, và vinh quang duy nhất của người, đó là Đức Kitô chịu đóng đinh và sống lại. 

Anh chị em thân mến, trong khi chúng ta chuẩn bị tâm hồn lãnh nhận tro xức trên đầu, để biểu lộ lòng thống hối trở về với Chúa, chúng ta hãy mở rộng tâm hồn đón nhận Lời có sức tái sinh của Thiên Chúa đang hoạt động trong tâm hồn chúng ta. Ước gì Mùa Chay, được đánh dấu bằng việc thường xuyên lắng nghe Lời Chúa hơn, bằng một đời sống kinh nguyện nồng nàn hơn, và bằng một lối sống khổ hạnh và thống hối, khuyến khích chúng ta thống hối và yêu mến anh em chúng ta một cách chân thành hơn, đặc biệt là những người nghèo khổ nhất, và những ai đang sống trong cơn quẫn bách nhất. Ước gì Thánh Tông đồ Phaolô cùng đồng hành với chúng ta, ước gì Đức Maria, người Trinh Nữ chăm chỉ lắng nghe Lời Chúa và là Nữ tì khiêm nhường của Chúa, hướng dẫn chúng ta. Như thế, một khi tâm trí được canh tân, chúng ta sẽ có thể vui vẻ cử hành Lễ Phục Sinh. Amen!