24/01/2025

Tội là một hình thức bất toại của tinh thần

Phúc Âm hôm nay chứng tỏ rằng Đức Giêsu không những có quyền chữa lành thân xác khỏi mọi bệnh hoạn tật nguyền, mà Người cũng còn có quyền tha tội; và còn hơn thế nữa, sự chữa lành về phương diện thể lý là một dấu chỉ nói lên sự chữa lành về mặt thiêng liêng do ơn tha tội mang lại.

 Tội là một hình thức bất toại của tinh thần 

Bài nói chuyện giờ Kinh Truyền Tin
Tại Quảng trường Thánh Phêrô
Chúa Nhật VII Thường Niên lễ kính Toà Thánh Phêrô, 22/2/2009
Anh chị em thân mến!

Trang Phúc Âm mà phụng vụ đề nghị chúng ta suy niệm trong Chúa Nhật VII Thường Niên hôm nay tường thuật giai thoại về người bất toại được tha tội và được chữa lành (Mc 2,1-12). Trong khi Đức Giêsu đang rao giảng, thì người ta mang đến cho Người nhiều bệnh nhân, trong đó có một người bất toại nằm trên một băng ca. Vừa thấy anh, Chúa liền nói: “Này con, tội của con đã được tha” (Mc 2,5). Thoạt nghe những lời nói trên đây, một số người có mặt vô cùng bất mãn, nên Đức Giêsu nói thêm: “Để cho các ông biết rằng Con Người có quyền tha tội trên mặt đất này, Ta truyền cho con – Người nói với người bất toại – Hãy đứng dậy, vác lấy chõng mà về nhà” (Mc 2,10-11). Và người bất toại ra về, và được khỏi bệnh. Bài trình thuật Phúc Âm hôm nay chứng tỏ rằng Đức Giêsu không những có quyền chữa lành thân xác khỏi mọi bệnh hoạn tật nguyền, mà Người cũng còn có quyền tha tội; và còn hơn thế nữa, sự chữa lành về phương diện thể lý là một dấu chỉ nói lên sự chữa lành về mặt thiêng liêng do ơn tha tội mang lại. Thật thế, tội lỗi là một hình thức bất toại về mặt tinh thần, mà chỉ có Thiên Chúa toàn năng giàu lòng thương xót mới có thể giải phóng chúng ta, khi Người cho phép chúng ta chỗi dậy và lại bắt đầu tiến bước trên con đường thiện hảo. 

Chúa Nhật hôm nay cũng trùng khớp với ngày lễ kính Toà Thánh Phêrô, một ngày lễ quan trọng làm nổi bật thừa tác vụ của người Kế vị Hoàng tử các Tông đồ. Toà Thánh Phêrô biểu tượng cho quyền bính của Giám mục Rôma, được kêu gọi để phục vụ toàn thể Dân Chúa một cách đặc biệt. Quả thật, sau cái chết vì đạo của hai Thánh Phêrô và Phaolô, vai trò tối thượng của Giáo Hội Rôma đã được công nhận trong toàn thể cộng đoàn Công giáo, vai trò này, ngay từ đầu thế kỷ II, đã được Thánh Inhatiô thành Antiokia (Thư gởi cho tín hữu Rôma, Lời mở đầu: Funk, I, 252) và Thánh Irênê thành Lyon xác nhận (Chống lạc giáo iii, 3,2-3). Thừa tác vụ đặc biệt và đặc trưng của Giám mục Rôma đã được Công đồng chung Vatican II nhắc đến trong Hiến chế Tín lý về Giáo Hội: “Cũng vì thế, ngay trong sự hiệp thông của Giáo Hội cũng có sự hiện diện hợp pháp của những Giáo Hội địa phương thừa hưởng những truyền thống riêng mà vẫn không phương hại đến quyền tối thượng của Toà Thánh Phêrô trong việc điều hành toàn thể cộng đoàn đức ái (x. Thánh Inhatiô thành Antiokia, Thư gởi cho tín hữu Rôma, Lời mở đầu), bảo vệ các dị biệt hợp pháp, và đồng thời, lưu tâm để các khác biệt không phương hại, trái lại còn sinh ích cho sự hiệp nhất đó” (Lumen gentium, Ánh sáng muôn dân, s.13). 

Anh chị em thân mến, trong ngày lễ này, xin anh chị em hãy đồng hành với tôi trong kinh nguyện, để tôi có thể trung thành chu toàn chức vụ cao cả mà Chúa Quan Phòng đã giao phó cho tôi, với tư cách là người Kế vị Tông đồ Phêrô. Để được thế, chúng ta hãy khẩn cầu Đức Trinh Nữ Maria, mà chúng ta đã mừng lễ ngày hôm qua ở đây, tại Rôma này, dưới tước hiệu Đức Trinh Nữ Cậy Trông, một tước hiệu hết sức đẹp đẽ. Chúng ta cũng hãy cầu xin Mẹ giúp chúng ta có được những trạng thái tinh thần thích hợp để bước vào Mùa Chay được bắt đầu vào ngày thứ tư tới đây, với nghi thức Xức tro rất giàu ý nghĩa biểu tượng. Ước gì Đức Maria mở rộng tâm hồn chúng ta để thống hối, và để ngoan ngoãn lắng nghe Lời Chúa. 

Cuối giờ Kinh Truyền Tin

Các khách hành hương nói tiếng Pháp thân mến, hôm nay, chúng ta được Chúa mời gọi, cùng với Thánh Phaolô, thưa lại tiếng “xin vâng” với Đức Kitô và tình yêu giàu lòng thương xót của Người. Thiên Chúa ban cho chúng ta một con tim có khả năng yêu thương và tha thứ. Người giải phóng chúng ta khỏi những cơn bệnh bất toại và khỏi những nghi ngờ đang xâm chiếm tâm hồn chúng ta. Người nâng chúng ta chỗi dậy, và mời gọi chúng ta lại tiếp tục lên đường. Chỉ trong Người, đức trông cậy của chúng ta mới có thể triển nở! Là cộng đoàn những tội nhân được ơn tha tội, chúng ta hãy sống trong niềm vui của một cuộc canh tân mà ta có thể thực hiện được trong lòng Giáo Hội! Trong ngày lễ kính Ngai Toà Thánh Phêrô, tôi mời gọi anh chị em cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng, là người Kế vị thấp hèn của Thánh Phêrô, và cầu nguyện cho Giáo Hội được hiệp nhất! Tôi xin ban Phép Lành Toà Thánh của tôi cho anh chị em. 

Xin chúc tất cả một ngày Chúa Nhật tốt đẹp.