24/01/2025

Tội lỗi là sự nhơ bẩn thật sự của tâm hồn

Tội làm cho chúng ta xa rời Thiên Chúa, và nếu chúng ta không xưng thú một cách khiêm nhường với niềm tin tưởng vào lòng hay thương xót của Chúa, thì cuối cùng sẽ làm cho linh hồn phải chết.

Tội lỗi là sự nhơ bẩn thật sự của tâm hồn

 
Bài nói chuyện giờ Kinh Truyền Tin
Tại Quảng trường Thánh Phêrô
Chúa Nhật VI Thường Niên, 15/2/2009
 
Anh chị em thân mến!
 
Trong những Chúa Nhật vừa qua, Thánh sử Marco đưa ra một loạt những phép lạ chữa lành bệnh cho chúng ta suy nghĩ. Hôm nay, Thánh sử trình bày với chúng ta một vụ chữa lành hết sức đặc biệt, đó là việc Chúa chữa lành cho một người phong (x.Mc 1,40-45), anh ta tiến gần Đức Giêsu và quỳ gối nài xin Chúa: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho con nên lành sạch!”. Chúa Giêsu động lòng thương, Người đưa tay chạm đến anh và nói: “Ta muốn anh được lành sạch!”. Việc chữa lành này xảy ra một cách thật nhanh chóng, Đức Giêsu bảo anh đừng nói cho ai biết, và hãy đi trình diện với các tư tế, và dâng của lễ theo luật Môisen dạy. Nhưng bệnh nhân phong được chữa lành này không thể nào kín miệng được, và anh đã tuyên bố, và thậm chí còn tuyên bố cho tất cả mọi người biết điều đã xảy đến với anh. Thánh sử cho biết là sau đó nhiều bệnh nhân từ khắp nơi tuôn đến với Đức Giêsu càng lúc càng đông, đến độ Người phải ở ngoài thành để khỏi bị mọi người bao vây.
 
Đức Giêsu nói với người mắc bệnh phong: “Tôi muốn anh được lành sạch!”. Theo luật xưa trong đạo Do Thái (x. Lv 13-14), bệnh phong không những được xem là một căn bệnh, mà còn là một hình thức “nhơ bẩn” trầm trọng xét về mặt lễ nghi. Tư tế có nhiệm vụ chẩn đoán và tuyên bố bệnh nhân là nhơ bẩn, và người đó phải sống xa cộng đoàn, xa những nơi có dân cư chung sống, cho đến khi được xác nhận một cách đúng luật là mình đã được khỏi bệnh. Như thế, bệnh phong được xem là một cái chết về mặt tôn giáo và dân sự, và việc được lành bệnh là một hình thức phục sinh. Trong bệnh phong, ta có thể thoáng thấy một biểu tượng của tội lỗi, một sự nhơ bẩn tâm hồn thật sự và có khả năng làm cho chúng ta xa rời Thiên Chúa.
 
Quả thật, bệnh phong không phải là một căn bệnh thể lý làm cho chúng ta xa rời Thiên Chúa, như luật lệ cổ xưa đã tiên liệu, nhưng lỗi lầm, điều xấu xét về mặt tinh thần và luân lý mới làm cho chúng ta xa rời Thiên Chúa. Chính vì thế, tác giả Thánh vịnh đã thốt lên: “Phúc cho những ai được Chúa tha thứ lỗi lầm / và tội khiên được Người xoá bỏ! ”. Và sau đó, tác giả Thánh vịnh đã thưa với Chúa: “Con đã xưng thú với Chúa lỗi lầm con, / con đã không hề che giấu điều sai trái. / Con đã nói: “Con tạ ơn Chúa vì đã xưng thú tội lỗi con”./ Và Ngài, Ngài đã tha thứ cho con” (Tv 31/32, 1.5). Tội làm cho chúng ta xa rời Thiên Chúa, và nếu chúng ta không xưng thú một cách khiêm nhường với niềm tin tưởng vào lòng hay thương xót của Chúa, thì cuối cùng sẽ làm cho linh hồn phải chết.
 
Như thế, phép lạ này mặc lấy một giá trị biểu tượng sâu xa. Đức Giêsu, như Tiên tri Isaia đã tuyên sấm, là người Tôi tớ của Đức Chúa: “Thế mà chính những khổ đau của chúng ta mà Người đã gánh lấy / và những đau đớn của chúng ta mà Người đã cam chịu” (Is 53, 4). Trong cuộc khổ nạn, Người đã trở nên như một người phong hủi, bị ô uế vì tội lỗi của chúng ta, bị tách biệt khỏi Thiên Chúa: Người làm tất cả những điều đó vì tình yêu, với mục đích là mang lại cho chúng ta sự giao hoà, ơn tha thứ và cứu độ. Trong Bí tích Hoà giải, Đức Kitô chịu đóng đinh và phục sinh, qua các thừa tác viên của Người, thanh luyện chúng ta bằng lòng thương xót vô biên của Người, Người hoàn lại cho chúng ta sự hiệp thông với Cha Trên Trời và với anh em chúng ta, Người ban tặng cho chúng ta tình yêu, niềm vui và bình an của Người.
 
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy khẩn cầu Đức Trinh Nữ Maria, người đã được Thiên Chúa giữ cho khỏi mọi vết nhơ tội lỗi, giúp chúng ta không phạm tội và thường xuyên chạy đến với Bí tích Hoà giải, là bí tích tha thứ, mà ngày hôm nay, chúng ta phải tái khám phá ra nhiều hơn nữa giá trị và tầm quan trọng trong cuộc đời Kitô hữu chúng ta.
 
Cuối giờ Kinh Truyền Tin
 
Anh chị em nói tiếng Pháp thân mến, tôi vui sướng chào anh chị em, và đặc biệt là các bạn trẻ thuộc trường Trung học Charles Péguy Paris. Hôm nay, Lời Chúa mời gọi chúng ta thay đổi cái nhìn và sẵn sàng đón nhận linh khí của Chúa Thánh Thần. Đức Giêsu đã đến thanh luyện con người khỏi mọi hình thức biến chất và nô lệ. Đức Kitô là mẫu gương duy nhất của chúng ta. Ước gì chúng ta sống tự do mà Người đã ban tặng cho chúng ta, và trở nên những chứng nhân đầy xác tín trong cuộc sống thường nhật. Tôi xin ban Phép Lành Toà Thánh của tôi cho anh chị em.
 
Xin chúc tất cả một ngày Chúa Nhật tốt đẹp.