23/01/2025

Khả thể đối thoại, cầu nguyện và suy gẫm trên Internet

Một số nhận định của Linh mục Antonio Spadaro, SJ, Giám đốc Nguyệt san “Nền văn minh công giáo” về khả thể đối thoại, cầu nguyện và suy gẫm trên mạng Internet

 Khả thể đối thoại, cầu nguyện và suy gẫm trên Internet


Một số nhận định của Linh mục Antonio Spadaro, SJ, Giám đốc Nguyệt san “Nền văn minh công giáo” về khả thể đối thoại, cầu nguyện và suy gẫm trên mạng Internet

Ngày 24-1-2012, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã công bố sứ điệp cho Ngày Quốc tế Truyền thông Xã hội lần thứ 46, cử hành vào ngày 20-5-2012, trong đó Đức Thánh Cha đã đề cao vai trò của sự thinh lặng như là thành phần của tiến trình truyền thông, đặc biệt trong thời buổi thông tin tràn ngập như ngày nay. Đức Thánh Cha khẳng định rằng “thinh lặng và lời nói là 2 yếu tố của truyền thông, phải được quân bình, nối tiếp và hội nhập với nhau để có thể có một cuộc đối thoại đích thực và sự gần gũi sâu xa giữa con người với nhau. Khi lời nói và thinh lặng loại trừ nhau, thì truyền thông bị suy thoái, hoặc nó tạo nên một sự choáng váng, hoặc trái lại, nó tạo ra một bầu không khí lạnh lùng… Nơi nào các sứ điệp và thông tin dồi dào, thì thinh lặng cũng trở nên thiết yếu để phân định điều gì là quan trọng và điều gì là vô ích hoặc phụ thuộc. Sự suy tư sâu xa giúp chúng ta khám phá quan hệ giữa các biến cố, thoạt nhìn có vẻ không liên hệ với nhau. Nó cũng giúp thẩm định, phân tích các sứ điệp. Vì thế, cần kiến tạo một môi trường thích hợp, giống như một “hệ thống môi sinh” biết giữ quân bình giữa thinh lặng, lời nói, hình ảnh và âm thanh… Khi con người trao đổi thông tin với nhau, họ cũng đang trao đổi chính bản thân, vũ trụ quan, những hy vọng và lý tưởng của họ cho nhau”. Chính trong chiều hướng này, Đức Thánh Cha cũng đề cao các mạng Internet, các thảo chương và mạng xã hội, có thể giúp con người ngày nay sống những lúc suy tư và tự vấn đích thực, cũng như tìm được những khoảng thinh lặng, cơ hội cầu nguyện, suy niệm hoặc chia sẻ Lời Chúa. “Nếu Thiên Chúa nói với con người cả trong lúc thinh lặng, thì con người cũng có thể khám phá trong thinh lặng khả năng nói với Thiên Chúa và nói về Thiên Chúa”.

Sau đây, chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn một số nhận định của Linh mục Antonio Spadaro, SJ, Giám đốc Nguyệt san “Nền Văn minh Công giáo”, về khả thể đối thoại, cầu nguyện và suy gẫm trên mạng Internet.

Cha Antonio Spadaro sinh năm 1966. Sau khi đậu Tiến sĩ Triết tại Đại học Messina, nam Italia, năm 1988, Cha gia nhập dòng Tên, rồi về dạy văn chương tại Rôma giữa các năm 1991-1993. Thụ phong linh mục năm 1996, Cha học thêm về Thần học và Truyền thông Xã hội, rồi lấy Tiến sĩ Nghiên cứu Thần học tại Đại học Giáo hoàng Gregoriana. Sau đó, Cha sang học thêm tại Chicago, Hao Kỳ. Từ năm 1994, Cha Spadaro đã bắt đầu viết bài cho Nguyệt san “Nền Văn minh Công giáo”, năm 1998, Cha là thành viên ban biên tập. Cha chuyên viết về mục phê bình văn chương, âm nhạc, nghệ thuật và phim ảnh. Năm 2011, Cha được chỉ định làm Giám đốc Nguyệt san “Nền Văn minh Công giáo”. Trong cùng năm, Cha được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI chỉ định làm cố vấn Hội đồng Toà Thánh về Văn hoá.

Hỏi: Thưa Cha Spadaro, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thinh lặng. Theo cha thinh lặng là gì? Nó có phải là sự trốn chạy lời nói không?

Đáp: Thinh lặng không phải là trốn chạy lời nói, trái lại, nó là một “không gian” mở ra cho sự lắng nghe, đối thoại, cho sự diễn tả bằng lời nói có ý nghĩa phong phú hơn. Chính ở điểm này, chúng ta nhận ra giá trị ngôn sứ đích thực sứ điệp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cho Ngày Quốc tế Truyền thông Xã hội năm nay.

Hỏi: Vậy thỉ sự bổ túc giữa lời nói và thinh lặng mà Đức Thánh Cha đề cập tới hệ tại chỗ nào, thưa Cha?

Đáp: Bình thường sự thinh lặng và các lời nói được coi như đối chọi với nhau, nhưng một quan niệm như thế không phản ánh việc truyền thông của con người, dựa trên tương quan chặt chẽ giữa lời nói và thinh lặng chung với nhau. Nhưng sự thinh lặng không chỉ là một quãng nghỉ của diễn văn, cho phép người khác nói, và như thế mở rộng cho sự lắng nghe và đối thoại.

Thật ra, Đức Thánh Cha đi một bước xa hơn nữa và khẳng định rằng sự thinh lặng cũng có nhiệm vụ diễn tả: nghĩa là nó cho phép một lời nói có ý nghĩa sâu đậm hơn. Đối với Đức Thánh Cha, sự thinh lặng không phải là một điều kiện của trống rỗng hay vắng mặt, mà như là một “quảng trường” cho phép gặp gỡ và diễn tả một ý nghĩa sâu thẳm hơn. Viễn tượng này diễn tả một điểm ngắt quãng đối với các diễn văn người ta nói trên các phương tiện truyền thông ngày nay, trong những nơi, mà người ta đề cập tới sự hỗn loạn và náo nhiệt của dòng nước truyền thông, trốn chạy việc thông tin thái quá. Trái lại, Đức Thánh Cha đưa ra yêu cầu đã được chỉ dẫn bởi thơ phú, yêu cầu một lời nói được “khắc” trong thinh lặng, theo kiểu nói của Nhà văn Ungaretti.

Hỏi: Đức Thành Cha Bênêđictô XVI muốn nói gì, khi đề cập tới một “hệ thống môi sinh” của truyền thông?

Đáp: Ý niệm về “hệ thống sinh thái” quy chiếu về một môi trường truyền thông bao gồm các lời nói và sự thinh lặng, trong một thế quân bình cần tôn trọng, nếu muốn nó sinh ích lợi. Từ khẳng định đó của Đức Thánh Cha, người ta hiểu rằng môi sinh của truyền thông không phải là sự thinh lặng, mà đúng hơn là thế cân bằng giữa một loạt các yếu tố, bao gồm các tiếng động và hình ảnh có tầm quan trọng ngày nay.

Hỏi: Có phải lời mời quân bình này của Đức Thánh Cha hướng tới các chuyên viên truyền thông không?

Đáp: Trên thực tế, sứ điệp của năm nay huỷ bỏ tính cách kỹ thuật của truyền thông, bằng cách coi nó như là một chiều kích nhân chủng nền tảng của cuộc sống thường ngày, mà không quy chiếu rõ ràng về kỹ thuật riêng rẽ nào. Theo thiển ý tôi, điều này bao gồm cả sự kiện nhà báo không còn là một nghề nghiệp nữa, mà là một chiếu kích nhân chủng là phần cuộc sống của tất cả mọi người. Như thế, sứ điệp của Đức Thánh Cha là một sứ điệp rộng mở đụng chạm tới cấu trúc nền tảng của sự truyền thông.

Hỏi: Ngày nay, liên mạng không chỉ là Internet, nhưng còn là cơ cấu truyền thông. Đức Thánh Cha đề nghị quan điểm nào cho cơ cấu này, thưa Cha?

Đáp: Cái nguy cơ ngày nay đó là hoạt động để tầm thường hoá mạng lưới và sự thinh lặng. Trái lại, Đức Thánh Cha khẳng định rằng cả trên mạng nữa cũng có thể đem vào các khoảng thinh lặng khác nhau, sự suy tư và suy gẫm. Đây là trực giác rất đáng ghi nhận, giải thoát, tháo gông các nơi công cộng: môi trường vi tính cũng có thể trở thành một môi trường cầu nguyện, và như thế nó là môi trường của việc rao giảng Tin Mừng. Ngoài ra, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI còn nhắc nhớ rằng liên mạng là nơi đưa ra các câu hỏi và các câu trả lời, bằng cách cho thấy việc hiểu rõ sự năng động của lĩnh vực truyền thông ngày nay. Thật vậy, Đức Thánh Cha ý thức rằng ngày trước con người đặt ra các câu hỏi và đi tìm câu trả lời, nhưng ngày nay lại thiếu các câu hỏi thích hợp. Về điểm này, sự độc đáo trong sứ điệp của Đức Thánh Cha là ở chỗ khẳng định thinh lặng là nơi trong đó con người không chỉ tìm ra các câu trả lời, mà cũng học nhận biết các câu hỏi đúng đắn nữa.

Hỏi: Khi khẳng định khả thể diễn tả các tư tưởng sâu xa trong các sứ điệp ngắn gọn, Đức Thánh Cha nghĩ tới các nơi trao đổi như Twitter, có đúng thế không, thưa Cha?

Đáp: Có lẽ vậy, nhưng mà không phải chỉ có thế thôi. Chắc chắn đó là việc mời gọi đánh giá tất cả một truyền thống tinh thần Kitô, dựa trên việc suy niệm các sứ điệp ngắn gọn, ít lời nhưng với ý nghĩa súc tích và sâu xa. Một truyền thống mà ngày nay, một cách không ngờ, được đưa trở ra ánh sáng bởi các phương tiện vi tính. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhắc nhở rằng cả với các dụng cụ này nữa, đối với những người được đào tạo trên bình diện tinh thần, có thể tìm ra một sư đồng điệu tràn đầy với các hình thức diễn tả dựa trên một sự khôn ngoan sử dụng ít lời, nhưng súc tích và sâu xa.

Hỏi: Như thế, chìa khoá định đoạt là lời kêu gọi “tự giáo dục truyền thông”, có đúng thế không, thưa Cha?

Đáp: Vâng, đúng vậy. Việc dùng động từ giáo dục trong trạng thái phản tỉnh đánh động tôi rất nhiều. Như thế, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta đừng rơi vào các phán đoán dễ dãi, hời hợt bề ngoài, để tự mình hiểu biết các năng động sâu xa của lĩnh vực truyền thông. Ngày nay, con người không thể là các khán thính giả thụ động nữa, mà đồng thời với việc thông tin phải biết chia sẻ các nội dung và có các phản ứng. Cần phải tự giáo dục mình trở thành các tác nhân truyền thông.

(Avvenire 22-1-2012)