22/01/2025

Thiên Chúa hạ mình để đưa chúng ta lên cao

“Thiên Chúa hạ mình”. Đây là một lời nói tiên tri. Trong đêm Bêlem, câu nói này đã mặc lấy một ý nghĩa hoàn toàn mới mẻ.Người đến, như một bé thơ, và đến trong sự khốn cùng của chuồng nuôi thú vật, là biểu tượng của bất cứ cảnh khốn cùng nào, cũng như biểu tượng của tình trạng con người bị bỏ rơi.

Thiên Chúa hạ mình để đưa chúng ta lên cao

 Bài giảng lễ Chúa Giáng Sinh,
Thánh l
ễ nửa đêm tại Vương cung Thánh đường Vatican
Thứ Năm,
25/12/2008
 
Anh chị em thân mến,
 
“Ai sánh tày Thượng Đế Chúa ta? Người ngự chốn cao xanh. Nhưng cúi nhìn bầu trời, trái đất”. Dân Israel đã hát lên như thế qua một trong những Thánh vịnh của mình (112 [113], 5-6), và qua bài ca này, họ vừa tung hô sự uy nghi cao cả của Thiên Chúa, vừa tung hô sự gần gũi đầy nhân hậu của Người đối với con cái loài người. Thiên Chúa cư ngụ chốn cao xanh, nhưng Người lại cúi nhìn vùng đất thấp… Thiên Chúa ngàn trùng vĩ đại và vô cùng vượt lên trên chúng ta. Đó là cảm nghiệm đầu tiên của con người. Khoảng cách thì dường như vô tận. Đấng Tạo hóa của vũ trụ, Đấng dẫn dắt tất cả, thì ngàn trùng xa cách chúng ta: đó là điều đầu tiên xuất hiện trước mắt chúng ta. Nhưng tiếp liền sau đó là cảm nghiệm đáng làm cho chúng ta phải ngạc nhiên: Đấng mà không gì có thể sánh tày, Đấng “ngự chốn cao xanh”, Đấng đưa mắt nhìn xuống đất thấp. Người cúi mình xuống dưới. Người thấy chúng ta và Người thấy tôi. Cái nhìn xuống dưới của Người thì hơn cả cái nhìn lên cao. Cái nhìn của Thiên Chúa là một hành động. Sự kiện Người thấy tôi, sự kiện Người nhìn tôi, đã biến đổi tôi, cũng như biến đổi cả vũ trụ chung quanh tôi. Và như thế, Thánh vịnh nói tiếp như sau: “Từ chỗ bụi trần, Người nâng dậy người yếu đuối…”. Người đưa mắt nhìn xuống dưới, Người nâng tôi lên, với lòng từ bi nhân hậu, Người nắm lấy bàn tay tôi và giúp tôi trỗi dậy, từ nơi đất thấp hướng lên chốn trời cao. “Thiên Chúa hạ mình”. Đây là một lời nói tiên tri. Trong đêm Bêlem, câu nói này đã mặc lấy một ý nghĩa hoàn toàn mới mẻ. Sự hạ mình của Thiên Chúa đã mặc lấy một nét hiện thực mà tai ta chưa từng nghe, và trí ta chưa hề tưởng. Người hạ mình – chính Người, Người đến, như một bé thơ, và đến trong sự khốn cùng của chuồng nuôi thú vật, là biểu tượng của bất cứ cảnh khốn cùng nào, cũng như biểu tượng của tình trạng con người bị bỏ rơi. Thiên Chúa đã thực sự bước xuống. Người đã trở nên một con trẻ, và sống trong điều kiện lệ thuộc hoàn toàn của một con người với mới được sinh ra. Đấng Tạo Hóa nắm giữ tất cả trong lòng bàn tay của mình, Đấng Hóa Công mà tất cả chúng ta đều lệ thuôc vào đã trở nên bé nhỏ và hoàn toàn cần đến tình thương của con người. Thiên Chúa ở trong chuồng bò. Trong Cựu Ước, đền thờ gần như được xem là bệ kê ngai vàng của Thiên Chúa; hòm bia thánh được xem là nơi Thiên Chúa ngự trị một cách nhiệm mầu ở giữa con người. Như thế, ta biết rằng, ở bên trên đền thờ, ẩn hiện áng mây vinh quang của Thiên Chúa. Và giờ đây, áng mây ấy lại hiện diện bên trên hang lừa máng cỏ. Thiên Chúa hiện diện trong đám mây khốn cùng của một bé thơ không cửa không nhà: ôi đám mây lạ lùng không thể nào thâm nhập được, tuy nhiên lại là đám mây vinh quang! Thật thế, còn có sự ưu ái nào Người dành cho con người, sự bận tâm nào của Người đối với con người lại có thể lớn lao và tinh tuyền hơn những điều đó? Đám mây của sự ẩn giấu, của sự khó nghèo của một con trẻ hoàn toàn cần đến tình yêu, thì đồng thời, lại là đám mây vinh quang. Bởi vì không gì có thể cao cả hơn, có thể vĩ đại hơn tình yêu hạ mình như thế, đi xuống như thế, làm cho mình lệ thuộc như thế. Vinh quang của một vị Thiên Chúa thật sẽ trở nên hữu hình, khi cặp mắt tâm hồn chúng ta mở ra trước hang lừa máng cỏ Bêlem.
 
Trình thuật Giáng Sinh theo Thánh Luca mà chúng ta vừa mới nghe qua kể rằng Thiên Chúa đã vén lên một ít bức màn mà đàng sau đó Người đang ẩn giấu, đầu tiên, trước mặt những con người có một địa vị thấp hèn, trước mặt những con người mà trong xã hội thượng lưu vẫn bị coi thường, đó là những mục đồng đang chăn giữ đoàn vật trong những cánh đồng Bêlem. Thánh Luca cho chúng ta biết họ đang “thức đêm”. Như thế, chúng ta có thể cảm nghiệm được là Chúa đang mời gọi chúng ta suy nghĩ về một chủ đề trọng tâm trong sứ điệp của Đức Giêsu. Người đã nhiều lần kêu mời chúng ta, và ngày càng khẩn thiết hơn, nhất là trong vườn Cây Dầu, là hãy tỉnh thức, là thức đêm không ngủ để nhận ra ngày giờ Chúa đến mà chuẩn bị. Do đó, ở đây cũng thế, trong mạch văn này, từ ngữ “thức đêm” này chắc chắn có một ý nghĩa sâu xa hơn sự kiện chỉ tỉnh thức bên ngoài, tỉnh thức không ngủ, trong những giờ phút của đêm khuya. Từ ngữ này muốn nói đến những con người thực sự tỉnh thức, những con người mà ý thức về Thiên Chúa, và ý thức về việc Người đang ở gần chúng ta thật vô cùng mãnh liệt. Những con người đang đợi chờ Thiên Chúa, những con người không hề cam chịu trước sự kiện hình như Thiên Chúa vẫn còn nghìn trùng xa vắng trong cuộc sống thường nhật của mình. Đối với một tâm hồn đang tỉnh thức, thì họ có thể nhận được sứ điệp của niềm vui vĩ đại sau đây: đêm nay Đấng Cứu Thế đã giáng sinh cho anh em. Chỉ có tâm hồn nào đang tỉnh thức mới có thể tin được sứ điệp này. Chỉ có tâm hồn nào đang tỉnh thức mới có can đảm lên đường đi tìm Thiên Chúa, một vì Thiên Chúa dưới dáng vẻ của một con trẻ trong một hang lừa máng cỏ. Chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta cũng trở nên những con người biết tỉnh thức.
 
Ngoài ra, Thánh Luca còn tường thuật cho chúng ta biết chính các mục đồng cũng được vinh quang Thiên Chúa, cũng được áng mây chói loà “bao phủ”, họ ở ngay giữa ánh sáng vinh quang rực rỡ này. Được áng mây thánh thiêng bao phủ, họ lắng nghe bài thánh ca của các Thiên thần ngợi khen Chúa: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời cao thẳm, và bình an dưới thế cho người Chúa thương”. Và những con người được Chúa thương này là ai, nếu không phải là những con người bé nhỏ, những con người tỉnh thức, những con người đợi chờ, những con người hy vọng vào lòng nhân ái của Chúa, và kiếm tìm Người, khi từ xa đưa mắt hướng về Người?
Các Giáo phụ đưa ra cho chúng ta một bài chú giải đáng kinh ngạc về bài ca mà các Thiên thần đã dùng để chào đón Đấng Cứu Chuộc. Theo ý các Giáp phụ, thì cho đến giờ phút lúc bấy giờ, các Thiên thần chỉ biết Thiên Chúa qua vũ trụ bao la, qua sự liên kết và vẻ đẹp của vũ trụ xuất phát từ Thiên Chúa, và là phản ảnh vinh quang của Người. Chúng ta có thể nói được là các Thiên thần đã đón nhận bài ca không lời của tạo vật và đã chuyển sang một điệu nhạc du dương của trời cao. Nhưng vào lúc đó, một điều mới mẻ đã bất thần xảy đến, một điều thực sự làm cho các Thiên thần rúng động. Đấng mà hoàn vũ nói đến, vì Thiên Chúa là Đấng đỡ nâng tất cả và nắm giữ tất cả trong lòng bàn tay của Người – thì Đấng ấy đã đi vào trong lịch sử của con người, thì Đấng ấy đã trở nên một con người đang hành động và đau khổ trong lịch sử. Các Giáo phụ nói: từ sự ngạc nhiên đầy hân hoan mà biến cố không thể tưởng tượng được này mang lại, từ cách thức mới mẻ và sâu xa hơn mà Thiên Chúa đã dùng để tự mạc khải chính mình, một bài ca mới đã được hình thành, một bài ca mà trang Tin Mừng trong ngày lễ Giáng Sinh đã giữ lại cho chúng ta nghe một đoạn ngắn: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời cao thẳm, và bình an dưới thế cho người Chúa thương”. Có lẽ chúng ta cũng có thể nói được rằng, dựa theo kết cấu của nền thi văn Do Thái, thì đoạn thơ hai vế trong hai phần này thật ra vẫn diễn tả cùng một nội dung dưới một cái nhìn khác nhau. Vinh quang của Thiên Chúa thì vượt lên trên các tầng trời cao thẳm, nhưng giờ đây, sự cao sang khôn ví của Thiên Chúa lại nằm trong hang lừa, và điều tầm thường xấu xí lại trở nên cao sang. Vinh quang của Thiên Chúa cư ngụ trên trái đất, vinh quang của Thiên Chúa là vinh quang của khiêm nhường và tình yêu. Và còn hơn thế nữa: vinh quang của Thiên Chúa là bình an. Nơi đâu có Thiên Chúa hiện diện, thì nơi đó có bình an. Thiên Chúa hiện diện ở những nơi mà con người không muốn tự mình biến quả đất thành thiên đàng, mà lại nại đến vũ lực. Thiên Chúa ở với những ai có tâm hồn tỉnh thức, ở với những kẻ khiêm nhường, và ở với những ai “cùng liên kết” với sự cao cả của Chúa, với sự cao cả của sự khiêm nhường và tình yêu. Với những con người này, Thiên Chúa ban cho họ bình an của Người, để nhờ họ, hòa bình có thể đi vào trong trần gian này.
 
Vào thời Trung cổ, nhà thần học Guillaume de Saint Thierry đã một lần khẳng định rằng: từ Ađam trở đi, Thiên Chúa thấy rằng sự cao cả của Người đã làm cho con người chống đối; rằng con người cảm thấy mình bị giới hạn trong chính hữu thể của mình, và sự tự do của mình bị đe dọa. Chính vì thế, Thiên Chúa đã chọn một con đường mới. Người đã trở nên con trẻ. Người đã làm cho mình bị lệ thuộc và trở nên yếu đuối, phải cần đến tình yêu của chúng ta. Ngày hôm nay – vì Thiên Chúa hoá thân làm con trẻ nói với chúng ta – Các con không còn phải sợ Ta nữa, từ nay các con chỉ còn có thể yêu mến Ta mà thôi.
 
Với những tư tưởng này, trong đêm nay, chúng ta đến gần Con Trẻ Bêlem, đến gần vì Thiên Chúa này, vì Thiên Chúa mà vì chúng ta, đã muốn trở nên con trẻ. Trên mỗi con trẻ, đều có sự phản chiếu của con trẻ thành Bêlem. Mỗi em bé đều đòi hỏi chúng ta phải yêu thương em. Như thế, trong đêm nay, chúng ta hãy đặc biệt nghĩ đến những em bé không được cha mẹ yêu thương. Nghĩ đến những trẻ em đường phố không có lấy một mái nhà. Nghĩ đến những trẻ em bị người ta sử dụng một cách vũ phu như những người lính chiến, những trẻ em bị người ta sử dụng như những khí cụ bạo lực, hơn là những người mang lại hòa giải và hòa bình. Nghĩ đến những trẻ em, mà do nền công nghệ khiêu dâm, và do đủ mọi hình thức lạm dụng đáng kinh tởm, đã bị thương tổn đến tận chiều sâu tâm khảm. Con Trẻ thành Bêlem mời gọi chúng ta làm tất cả những gì có thể, để chấm dứt những thử thách mà những em nhỏ này đang phải gánh chịu, làm tất cả những gì có thể, để cho ánh sáng Bêlem tác động trên tâm hồn con người. Chỉ có khi nào mọi người hoán cải tâm hồn, chỉ có khi nào mọi người biến đổi sâu xa con người mình, thì lúc đó, nguyên nhân gây nên điều xấu này mới có thể được vượt qua, và quyền lực của ác thần mới có thể bị đè bẹp. Chỉ có khi nào con người thay đổi, thì thế giới mới đổi thay, và để thay đổi, thì con người phải cần đến ánh sáng đến từ Thiên Chúa, cần đến ánh sáng này, một luồng sáng mà ta không hề ngờ đã đi vào trong màn đêm của chúng ta.
 
Khi nói về con trẻ Bêlem, thì ta cũng nghĩ đến một địa điểm mang tên Bêlem, chúng ta nghĩ đến đất nước này, đất nước mà Đức Giêsu đã sống, và đã vô cùng yêu mến. Và chúng ta cầu nguyện cho hòa bình đến trên đất nước này. Ước gì hận thù và vũ lực được mau chấm dứt. Ước gì sự cảm thông lẫn nhau được bừng tỉnh, ước gì sự mở rộng tâm hồn sẽ mở rộng biên giới. Ước gì hòa bình mà các Thiên thần đã hát ca trong đêm thánh thiêng này ngự xuống trần gian.
 
Trong bài Thánh vịnh 95 [96], dân Israel, và cùng với dân Israel, Giáo Hội ca ngợi sự cao cả của Thiên Chúa được biểu lộ trong công trình sáng tạo. Toàn thể tạo vật được mời gọi xem bài tụng ca này là của mình, và qua bài thánh ca đó, ta đọc thấy lời mời gọi sau đây: “Ước gì cây cối trong rừng xanh nhảy mừng trước tôn nhan Đức Chúa, vì Người đang ngự đến” (c. 12). Giáo Hội cũng nhận ra bài Thánh vịnh này như một lời sấm, và đồng thời, như một bổn phận. Biến cố Thiên Chúa đến Bêlem thật thinh lặng. Chỉ có các mục đồng thức đêm được ánh quang huy hoàng khi Chúa đến bao phủ lấy họ trong chốc lát, và họ đã có thể nghe được một phần của bài ca mới này, bài ca được phát sinh từ sự ngây ngất và từ niềm vui của các Thiên thần, vì Chúa ngự đến. Cái đến thật thinh lặng của vinh quang Thiên Chúa vẫn còn được tiếp diễn qua bao thế kỷ. Nơi đâu có đức tin, nơi đâu Lời Chúa được rao giảng và lắng nghe, thì nơi đó Thiên Chúa quy tụ con người và tự hiến cho họ trong Nhiệm Thể của Người, biến họ thành Thân thể của Người. Thiên Chúa “đang đến”. Và như thế, tâm hồn của con người đã bừng tỉnh. Bài ca mới của các Thiên thần đã trở nên bài ca của con người, và xuyên suốt dòng thời gian, và luôn luôn mới mẻ, con người đều hát ca việc Thiên Chúa ngự đến như một bé thơ, và từ trong chiều sâu tâm khảm, con người cảm thấy hân hoan vui sướng. Và cây cối trong rừng xanh đi đến bên Người và hân hoan nhảy mừng. Cây Noel trên Quảng trường Thánh Phêrô cũng nói về Thiên Chúa, và muốn biểu lộ sự huy hoàng của Thiên Chúa và nói: Vâng, Người đang ngự đến, và cây cối trong rừng xanh tung hô Người. Cây cối trong thành phố và trong các ngôi nhà chúng ta đang ở không chỉ là một dấu hiệu của ngày lễ hội: chúng nói lên Đấng là lý do làm cho chúng ta vui mừng – đó là vị Thiên Chúa đã vì chúng ta mà hoá thân làm con trẻ. Bài ca tung hô, trong ý nghĩa sâu xa nhất của nó, đã nhắc đến Đấng là cây sự sống, một sự sống đã được phục hồi. Với niềm tin vào Người, chúng ta lãnh nhận sự sống. Trong Bí tích Thánh Thể, Người tự hiến mình vì chúng ta – Người ban cho chúng ta một cuộc sống hướng về vĩnh cửu. Trong giờ phút này, chúng ta hát lên bài tụng ca của tạo vật, và lời ca ngợi của chúng ta đồng thời cũng là một lời kinh nguyện: Vâng, lạy Chúa, xin làm cho chúng con thấy được một ít vẻ huy hoàng của vinh quang Chúa. Và xin ban bình an cho địa cầu. Xin làm cho chúng con trở thành những con người mang lại hoà bình, mang lại hoà bình của Chúa. Amen.