23/12/2024

Đức Kitô là mặt trời biến hình và soi chiếu trần gian

Bài Phúc Âm Chúa Nhật IV Mùa Vọng lại đưa ra cho chúng ta trình thuật biến cố Truyền tin (Lc 1,26-38), là mầu nhiệm mà mỗi ngày chúng ta đều nhắc nhớ lại khi đọc Kinh Angelus. Lời kinh này giúp chúng ta sống lại giây phút có tính quyết định, khi Thiên Chúa gõ cửa lòng Đức Maria, và sống lại giây phút mà một khi Đức Maria nói lên tiếng “Xin vâng”

 

Đức Kitô là mặt trời biến hình và soi chiếu trần gian
 
Bài nói chuyện giờ Kinh Truyền Tin
Tại Quảng trường Thánh Phêrô
Chúa Nhật IV Mùa Vọng, 21/12/2008

Anh chị em thân mến,
Bài Phúc Âm Chúa Nhật IV Mùa Vọng lại đưa ra cho chúng ta trình thuật biến cố Truyền tin (Lc 1,26-38), là mầu nhiệm mà mỗi ngày chúng ta đều nhắc nhớ lại khi đọc Kinh Angelus. Lời kinh này giúp chúng ta sống lại giây phút có tính quyết định, khi Thiên Chúa gõ cửa lòng Đức Maria, và sống lại giây phút mà một khi Đức Maria nói lên tiếng “Xin vâng”, thì Thiên Chúa đã bắt đầu hoá thân làm nhục thể trong cung lòng Đức Maria và nhờ Đức Maria. “Lời nguyện nhập lễ” của Thánh lễ hôm nay là lời nguyện mà chúng ta đọc sau Kinh Angelus bằng tiếng Ý, chúng ta đọc như sau: “Lạy Chúa, Chúa đã dùng lời Thiên sứ truyền tin mà cho chúng con biết thật Đức Kitô, Con Chúa, đã xuống thế làm người. Xin đổ ơn thánh đầy lòng chúng con, để nhờ công ơn Con Chúa chịu khổ hình thập giá, Chúa cũng cho chúng con được sống lại hiển vinh”. Chỉ còn vài ngày nữa là đến Lễ Giáng Sinh, chúng ta được mời gọi đưa mắt nhìn lên mầu nhiệm khôn tả, mầu nhiệm mà Đức Maria đã cất giữ trong dạ khiết trinh của mình trong chín tháng mười ngày: đó là mầu nhiệm Thiên Chúa làm người. Đó là trụ cột đầu tiên của sự cứu chuộc. Trụ cột Thứ Hai,, là cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu, và cả hai trụ cột không thể phân ly này đều biểu lộ ý định duy nhất của Thiên Chúa, đó là cứu chuộc nhân loại và lịch sử con người, khi hoàn toàn đảm nhận cả hai, và gánh vác cả mọi sự dữ đang áp bức nhân loại và lịch sử con người.
 
Mầu nhiệm cứu độ này có một chiều kích hoàn vũ, chứ không phải chỉ có chiều kích lịch sử, Đức Kitô là mặt trời ân sủng, và qua ánh sáng của Người, đã “biến đổi và chiếu soi vũ trụ đang mong chờ” (x. Phụng vụ). Ngày Lễ Giáng Sinh cũng được đặt trong tiết đông chí và gắn liền với tiết này, khi ngày ở bắc bán cầu lại bắt đầu dài ra. Về điểm này, có lẽ mọi người trong anh chị em chưa biết rằng trên Quảng trường Thánh Phêrô cũng có một đường kinh tuyến: thật thế, đại tháp Obélisque trên Quảng trường này phủ bóng dọc theo một đường thẳng chạy dài trên các mặt đá lát đường hướng về bể nước nằm dưới khung cửa sổ này, và trong những ngày này, bóng được phủ dài nhất trong năm. Điều này nhắc chúng ta nhớ lại vai trò của thiên văn học trong việc xác định các giờ kinh. Ví dụ như Kinh Angelus, được đọc vào buổi sáng, buổi trưa và buổi chiều, và vào thời Thượng cổ, người ta dựa vào kinh tuyến để biết được lúc nào là “12 giờ trưa”, và nhờ đó, người ta mới có thể chỉnh được giờ đồng hồ.
 
Hôm nay, ngày 21 tháng 12, vào đúng giờ này, chúng ta bước vào tiết đông chí, nhân cơ hội này, tôi xin gởi lời chào đến tất cả những ai, dưới nhiều chức vụ khác nhau, đang đóng góp cho những sáng kiến của năm thế giới về thiên văn học. Năm 2009 được công bố là năm kỷ niệm 400 năm những quan sát đầu tiên qua kính viễn vọng Galilée. Trong số những vị Tiền nhiệm đáng ghi nhớ của tôi, có những vị rất thích môn khoa học này, chẳng hạn như Đức Sylvestrê II là người đã giảng dạy môn học này, Đức Grêgôriô XIII là người đã sáng lập ra niên lịch mà chúng ta đang sử dụng, và Thánh Piô X là người biết chế tạo ra những chiếc đồng hồ mặt trời. Dựa theo những lời nói tuyệt vời của tác giả Thánh vịnh, nếu các tầng trời “tường thuật vinh quang Thiên Chúa” (Tv 19 [18],2), thì các định luật của thiên nhiên, mà biết bao nhiêu nhà khoa học, nam cũng như nữ, dọc suốt thời gian, đã làm cho chúng ta hiểu rõ hơn, cũng khuyến khích chúng ta chiêm ngưỡng những công trình Chúa tạo thành với lòng cảm kích biết ơn.
 
Giờ đây chúng ta đưa mắt nhìn về Đức Maria và Thánh cả Giuse đang mong chờ Chúa Giêsu giáng sinh, và chúng ta học nơi các Ngài bí quyết chiêm niệm để thưởng nếm niềm vui Giáng Sinh. Với niềm tin yêu, chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn đón tiếp Đấng Cứu Thế đến cư ngụ giữa chúng ta. Người là Lời tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại thuộc mọi thời đại.
 
Cuối giờ Kinh Truyền Tin
 
Anh chị em nói tiếng Pháp thân mến, hôm nay chúng ta được mời gọi chiêm ngưỡng Đức Maria, một mẫu gương của tâm hồn biết lắng nghe lời Chúa. Mẹ chỉ cho chúng ta thấy sự phong phú của Lời Chúa khi chúng ta sống vâng phục Đức tin. Theo gương Mẹ, trong những ngày áp lễ Giáng Sinh này, qua việc lắng nghe và suy niệm Lời Chúa, chúng ta hãy tìm kiếm Thánh ý Thiên Chúa, hầu sống một cách mãnh liệt hơn, trong niềm hy vọng, những kỳ công Chúa thực hiện trong cuộc đời chúng ta. Tôi xin ban Phép Lành Toà Thánh của tôi cho anh chị em.
 
Tôi xin chúc tất cả một ngày Chúa Nhật tốt đẹp và một ngày Lễ Giáng Sinh đầy an vui.