22/01/2025

Công bố sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Hoà bình Thế giới 2012

VATICAN – Sáng ngày 16-12-2011, ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Công lý và Hoà bình, đã mở cuộc họp báo để giới thiệu Sứ điệp của ĐTC nhân Ngày Hoà bình Thế giới lần thứ 45 sẽ được cử hành vào ngày 1-1-2012 về chủ đề: “Giáo dục người trẻ về công lý và hoà bình”.

 Công bố sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Hoà bình Thế giới 2012 


VATICAN – Sáng ngày 16-12-2011, ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Công lý và Hoà bình, đã mở cuộc họp báo để giới thiệu Sứ điệp của ĐTC nhân Ngày Hoà bình Thế giới lần thứ 45 sẽ được cử hành vào ngày 1-1-2012 về chủ đề: “Giáo dục người trẻ về công lý và hoà bình”.

Hiện diện tại cuộc họp báo cũng có Đức cha Mario Toso, Dòng Don Bosco, Tổng Thư ký của cùng Hội đồng.

Sứ điệp đặc biệt được ĐTC gửi đến các phụ huynh, gia đình và những người dấn thân trong lĩnh vực giáo dục và huấn luyện, cũng như các vị trách nhiệm thuộc các lĩnh vực tôn giáo, xã hội, chính trị, kinh tế, văn hoá và truyền thông.

Sau phần nhập đề (1), sứ điệp được chia thành 4 phần tương ứng (2-6) mỗi phần có đề tựa riêng, đó là: Các nhà giáo dục (2); Giáo dục trong sự thật và tự do (3); Giáo dục trong công lý (4); Giáo dục trong hoà bình (5) và sau cùng là Hướng mắt lên Thiên Chúa (6).

Những điểm chính trong Sứ điệp là:

1. Giáo dục vừa là một quyền phổ quát – bất phân biệt phái tính, tôn giáo hay giai tầng xã hội – đồng thời cũng là một nghĩa vụ của cha mẹ, xã hội và những người thụ huấn.

– Nền giáo dục chân chính là “giáo dục trong sự thật và tự do”; với nguồn mạch là Thiên Chúa. Điều này chủ yếu bao hàm việc giáo dục về cách sử dụng tự do một cách đúng đắn, đây là “điều thiết yếu đối với sự thăng tiến công lý và hoà bình, vì nó đòi phải tôn trọng bản thân và tha nhân, kể cả những người có cách hiện hữu và lối sống khác (3: Giáo dục trong sự thật và tự do).

– Các cha mẹ là những nhà giáo dục đầu tiên: gia đình là trường học đầu tiên trong việc giáo dục về công lý và hoà bình (2: Các nhà giáo dục). Những người có trách nhiệm về các tổ chức giáo dục thì có nghĩa vụ đảm bảo cho các trẻ em được nhận một nền giáo dục phù hợp lương tâm và các nguyên tắc của gia đình các em (ibid.)

– Các vị lãnh đạo chính trị phải làm sao để người dân được giáo dục, nâng đỡ các gia đình và các tổ chức trong sứ mạng giáo dục, và để các gia đình có thể chọn lựa các cơ cấu giáo dục mà họ coi là thích hợp nhất cho con em của họ (ibid.)

2. Công lý không phải chỉ là một sự thoả thuận giữa con người với nhau: điều gì là công chính, xét cho cùng, nó được xác định nhờ sự thật về con người – chính nhân sinh quan toàn diện giúp chúng ta không với vào một quan niệm về công lý như một sự thoả thuận của con người với nhau và giúp chúng ta có khả năng đặt công lý trong chân trời liên đới và tình thương (4: Giáo dục trong công lý).

3. Hoà bình vừa là một hồng ân của Chúa vừa là trách nhiệm của con người:

– Các tín hữu Kitô tin rằng Chúa Kitô là hoà bình đích thực của chúng ta: trong Chúa Kitô, qua Thập giá, Thiên Chúa đã hoà giải thế gian với Người và đã phá vỡ bức tường chia rẽ phân cách chúng ta với nhau (x. Ep 2,14-18); trong Chúa Kitô chỉ có một gia đình duy nhất, được hoà giải trong tình thương (5: Giáo dục trong hoà bình).

– Để trở thành những người thực sự kiến tạo hoà bình, chúng ta phải giáo dục bản thân về lòng từ bi, tình liên đới, cộng tác với nhau, thực hiện tình huynh đệ, tích cực hoạt động trong cộng đoàn và quan tâm gây ý thức về những vấn đề quốc gia và quốc tế, tầm quan trọng của việc tìm kiếm những phương pháp thích hợp để tái phân phối tài nguyên, thăng tiến sự tăng trưởng triển, cộng tác phát triển và giải quyết các xung đột (Ibid.)

– “Hoà bình cho tất cả mọi người chính là thành quả của công lý cho mọi người, theo lĩnh vực thẩm quyền và trách nhiệm của mỗi người” (ibid.) Vào cuối phần thứ hai trong Sứ điệp hoà bình, nói với các nhà giáo dục, ĐTC cũng đưa ra những lời kêu gọi giới truyền thông và chính người trẻ.

+ Với giới truyền thông, ngài viết: “Trong xã hội ngày này, các phương tiện truyền thông đại chúng có một trách vụ đặc biệt: chúng không phải chỉ thông tin nhưng còn huấn luyện tâm trí của người sử dụng, và do đó chúng có thể đóng góp rất nhiều cho việc giáo dục người trẻ. Điều quan trọng là không bao giờ được quên rằng có một quan hệ rất chặt chẽ giữa việc giáo dục và truyền thông: giáo dục diễn ra qua truyền thông, hoặc thông truyền: hành động này có ảnh hưởng tốt hoặc xấu đối với việc huấn luyện con người”.

+ Với những người trẻ, ĐTC khẳng định: “Người trẻ cần có can đảm sống theo những tiêu chuẩn cao mà họ đề ra cho người khác. Trách nhiệm của họ thật lớn lao: ước gì họ có thể tìm được sức mạnh và sử dụng tự do của mình một cách tốt đẹp và khôn ngoan. Họ cũng có trách nhiệm đối với chính việc giáo dục của họ, kể cả việc giáo dục về công lý và hoà bình!”.

Phần kết luận Sứ điệp hoà bình của ĐTC mang tựa đề “Hướng mắt nhìn lên Chúa”, qua đó ngài mời gọi mỗi người, nhất là những người trẻ, đừng nản chí thất vọng, và cũng đừng tìm kiếm những giải pháp dễ dàng cho các vấn đề khó khăn. ĐTC viết: “Các bạn đừng sợ dấn thân, đương đầu với những công việc cam go và hy sinh, chọn lựa những con đường đòi hỏi sự trung thành và bền chí, khiêm tốn và tận tuỵ. Hãy tin tưởng nơi tuổi trẻ của các bạn và ước muốn sâu đậm của người trẻ mong được hạnh phúc, sự thật, vẻ đẹp và tình yêu chân thực! Hãy sống trọn vẹn thời kỳ này trong cuộc sống của các bạn, một thời kỳ rất phong phú và đầy nhiệt huyết” (6: Hướng mắt lên nhìn Thiên Chúa). (SD 16-12-2011)

Họp báo

Trong buổi họp báo giới thiệu sứ điệp của ĐTC, ĐHY Turkson, người Ghana, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Công lý và Hoà bình, đã trả lời một số câu hỏi của giới báo chí quốc tế.

Trả lời câu hỏi về cuộc cách mạng Mùa Xuân Ảrập, ĐHY nhận xét rằng những yêu cầu của giới trẻ là điều chính đáng. “Người trẻ không phải là những người cô lập, một nhóm tách rời khỏi phần còn lại của xã hội, trái lại, họ họp thành một phần tích cực, sinh động nhất của gia đình nhân loại, vì thế, họ cần phải được hội nhập và lắng nghe những quan tâm lo lắng của họ, trong những yêu cầu của họ mà quá nhiều khi người ta cố tình không để ý tới”.
Tuy nhiên, ĐHY Turkson cũng nói rằng hiện nay vẫn còn quá sớm chưa thể nói về kinh nghiệm Ai Cập, nhưng điều chắc chắc là thách đố do người trẻ đề ra cho các chính phủ là một kinh nghiệm dạy cho bao nhiêu vị nguyên thủ quốc gia Phi châu, theo đó những đòi hỏi công bằng xã hội của họ là một kinh nghiệm đáng mong ước cho rất nhiều quốc gia ở Phi châu. Không phải chỉ Ai Cập, Syria, Yemen, nhưng cả Congo hoặc Zimbabwe nữa.

Về phần Đức cha Mario Toso, SDB, ngài giải thích rằng Sứ điệp của ĐTC để ý đến những lo âu của người trẻ trong Mùa Xuân Ảrập, nhưng cả những lo âu chính đáng và hợp pháp của những người phẫn nộ “Indignados”. Tuy nhiên, về phương pháp lại là một chuyện khác. Vả lại, “việc xây dựng dân chủ là một công trình mở rộng, tại Trung Đông và Bắc Phi cũng như tại Tây phương vốn là chiếc nôi của dân chủ. Vì thế, chúng ta phải giúp dục người trẻ về công bằng xã hội, luôn khởi hành từ đạo lý vững chắc của Giáo hội về xã hội”. (Ansa 16-12-2011)