23/12/2024

Chúa Nhật II Mùa Vọng – B: Con người là con đường của Chúa

Tiên tri Isaia đã nói: “Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Đức Chúa. Giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta” (Is 40,3). Chúng ta cùng tìm hiểu con đường này là gì, tình trạng của nó như thế nào để chúng ta có thể hoàn thành sứ mạng cao cả của mình là người dọn đường, sửa đường cho Chúa

Con người là con đường của Chúa

Hành Khất Kitô

 

Lời mở

Mùa Vọng như nhắc chúng ta về con đường và bảo chúng ta “Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Mc 1,3). Tiên tri Isaia trong bài đọc I (Is 40,1-5.9-11) hôm nay đã nói: “Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Đức Chúa. Giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta” (Is 40,3). Vậy chúng ta cùng tìm hiểu con đường này là gì, tình trạng của nó như thế nào để chúng ta có thể hoàn thành sứ mạng cao cả của mình là người dọn đường, sửa đường cho Chúa như Chúa phán hôm nay: “Này, Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con” (Mc 1,2). Trước hết, chúng ta hãy tìm hiểu con đường của Chúa.

1. Con đường của Chúa?

Trong nhiều thế kỷ, khi nói đến các đoạn Thánh Kinh mà chúng ta vừa nghe, người ta thường hiểu con đường đó là tâm hồn con người. Phải chuẩn bị con đường đó thật ngay thẳng, thật trong sáng, tốt đẹp cho Chúa. Giống như Tiên tri Isaia đã nhắc nhở: “Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống, nơi lồi lõm sẽ hoá thành đồng bằng, chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu. Bấy giờ vinh quang Đức Chúa sẽ tỏ hiện và mọi người phàm sẽ cùng được thấy rằng miệng Đức Chúa tuyên phán” (Is 40,4-5). Nhưng, nếu người ta hiểu con đường là tâm hồn của từng con người thì làm sao mọi người thấy được “điều miệng Thiên Chúa phán”?

Ngày nay, qua lời giải thích của Công đồng Vaticanô II, đặc biệt là ĐTC Gioan Phaolô II, trong Thông điệp Đấng cứu độ Con người (Redemptor Hominis, số 14), chúng ta hiểu con đường đó chính là con người cần phải sửa đổi lại cho tốt đẹp, ngay thẳng, trong sáng theo đúng con đường mẫu là Đức Giêsu. Chúa Giêsu nói: “Thầy là con đường, là sự thật, là sự sống. Không ai có thể đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6).

Con người chính là con đường của Giáo Hội (x. Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, số 62) vì “Giáo Hội không đứng ngoài hay đứng trên con người, Giáo Hội chỉ tồn tại nơi những con người, bởi đó, Giáo Hội tồn tại vì con người (Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, số 200). Nếu không có con người, nếu không phục vụ con người cho tốt đẹp thì Giáo Hội cũng không có l‎ý do tồn tại. Đó là xác định của Giáo Hội. Mỗi người chúng ta là thành phần của Giáo Hội, chúng ta hiểu mình là ai và mình phải phục vụ con người như thế nào thì chúng ta mới giúp cho Giáo Hội tồn tại và xứng đáng hiện diện trong xã hội loài người.

Hơn nữa, con người là con đường của Thiên Chúa vì “Ngôi Lời Thiên Chúa đã làm người và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Đây là đặc điểm của Kitô giáo. Trong khi các tôn giáo khác cố gắng lôi kéo con người về thần linh, về Thiên Chúa và quy tất cả những hoạt động hướng về các thần linh hay về một Thiên Chúa cao cả, xa tít ở một nơi nào đó thì Thiên Chúa Kitô giáo lại xuống với con người: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của mình để ai tin vào Con của Ngài thì không phải chết nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Chúa Giêsu đã nói với ông Nicôđêmô như vậy để cho chúng ta thấy rằng con người là con đường của Thiên Chúa. Nhưng con đường đó như thế nào và hiện nay ra sao?

2. Tình trạng con đường

2.1. Con đường nguyên thuỷ

Con đường khởi đầu mà Thiên Chúa xây dựng nên hết sức tốt đẹp: nó kéo dài vô tận, bằng phẳng và đầy bóng cây râm mát. Thiên Chúa đựng nên con người là con đường đầu tiên nên đã chia sẻ những gì tốt đẹp của mình để con người sống mãi, trẻ đẹp mãi, khôn ngoan tột cùng. Thế nhưng, khi con người lạm dụng tự do của mình, cắt đứt mối liên lạc với Chúa là nguồn của sự sống, của chân thiện mỹ, thì con người không thể sống mãi, trẻ đẹp mãi và khôn ngoan tột đỉnh nữa. Con đường ấy đã bị phá huỷ: nó ngắn ngủn, lồi lõm, cong queo, bẩn thỉu, tàn tạ.

Vì thế, Thiên Chúa đã muốn sửa lại con đường của mình. Ngay khi Ađam phạm tội, Chúa đã hứa ban ơn cứu độ và nói với con rắn: “Dòng dõi đó sẽ đánh vào đầu mi” (St 3,15). Trong suốt dòng lịch sử dân tộc Israel, Chúa đã mạc khải cho chúng ta thấy Ngài muốn sửa lại con đường con người. Ngài đã sai Con của Ngài đến để phục hồi con người, không phải chỉ trả lại cho con người những gì Ađam đánh mất khi phạm tội mà còn nâng cao và làm thăng hoa con người để con người không còn chỉ là một thụ tạo như Ađam trước kia mà trở thành con Thiên Chúa như Đức Giêsu Kitô.

Con người hiện nay sống trong tình trạng tầm thường, tội lỗi, yếu đuối nên Thiên Chúa đã sai Con mình là Đức Giêsu Kitô đến làm con đường mẫu, để tất cả những ai đi theo con đường ấy sẽ được Người chia sẻ chức vị làm con Thiên Chúa, chia sẻ ân sủng, quyền năng, ơn phúc của Thiên Chúa. Khi nhìn vào mình là con đường của Thiên Chúa, người Kitô hữu được mời gọi sửa đổi con đường ấy cho hợp với con đường mẫu Giêsu. Đồng thời, họ được sai đi để giúp anh chị em khác sửa lại đường đời theo đúng con đường Giêsu. Đó là nhiệm vụ cao qu‎ý của người tín hữu.

2.2. Con đường cụ thể

Chúng ta không có con đường trừu tượng cũng không có con người trừu tượng. Con người luôn luôn là người cụ thể thuộc về một dân tộc, một nền văn hoá, là người nam hay nữ, có cha mẹ, ông bà, tổ tiên, được xác định trong một không gian và thời gian rõ rệt chứ không bao giờ là một con người chung chung. Mỗi con người giống như con đường đều có những đặc tính, những sai hỏng khác nhau mà chúng ta cần phải sửa chữa cho tốt đẹp.

Để cấu thành con đường con người, có ba yếu tố chính sau đây:

– Di truyền: mỗi người được sinh ra bởi tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Các ngài truyền cho con cháu bản sắc văn hoá của dân tộc và những đặc tính di truyền.

– Năng lực bản thân: con người ấy tự thân học hành, làm việc, đào luyện và thăng tiến chính mình.

– Môi trường xã hội: sống trong cộng đồng xã hội nên con người bị các yếu tố khách quan tác động và trở thành những con người tốt xấu khác nhau.

Ông bà cha mẹ sinh ra chúng ta, cho chúng ta rất nhiều khả năng tốt đẹp, nhưng nếu tự thân chúng ta không chịu khó học hành làm việc thì những đặc tính di truyền kia cũng sẽ mai một và chúng ta khó có thể trở thành người tốt. Hoặc có thể ông bà cha mẹ cho chúng ta những đặc tính tốt đẹp, chúng ta cũng chăm chỉ học hành và thành công, nhưng nếu sống trong một môi trường xã hội đầy những con người xấu xa, nghiện ngập, dâm đãng, trộm cướp, thì những người này có thể làm chúng ta hư hỏng và đường đời của ta bị huỷ hoại. Vì thế, để sửa chữa được con đường con người, ta cần để ‎ý đến 3 yếu tố trên.

2.3. Quan tâm đến yếu tố di truyền hay bản sắc dân tộc

Nhiều khi chúng ta không để ‎ý đến yếu tố đầu tiên gọi là yếu tố di truyền hay bản sắc dân tộc: người Việt Nam khác với người Phi, người Anh, người Mỹ… vì chúng ta có bản sắc riêng. Bản sắc này dựa trên cấu trúc tâm lý xã hội của người Việt Nam, hình thành từ bao thế hệ trong quá khứ, trải qua nhiều thời kỳ lịch sử. Bản sắc bắt đầu từ những nhận thức của cá nhân, dẫn đến thái độ và hành động, rồi hành động lặp đi lặp lại tạo thành thói quen, thói quen lâu dần thành cá tính của một con người. Nhiều người có cá tính giống nhau trải qua một vài thế hệ tạo nên bản sắc dân tộc. Bản sắc này gồm nhiều tính tốt và tật xấu.

Người Việt Nam có nhiều tính tốt như: cần cù, chịu khó, tận trung tận hiếu, thông minh, sáng tạo, khéo léo, hiền hoà, nhẫn nại… nhưng cũng có không ít tật xấu như: giả dối, tham lam, ăn cắp vặt, không tôn trọng của chung, làm việc hời hợt, nghi ngờ, chia rẽ, thiếu đoàn kết…Nhiều khi chúng ta không biết hay không quan tâm tìm hiểu những tật xấu của người Việt Nam bắt nguồn từ đâu: tại sao chúng ta chia rẽ, không chịu khó làm việc, chỉ sống hời hợt bên ngoài…?

Đó là vì người Việt chúng ta trải qua 11 thế kỷ dưới ách đô hộ của người Trung Hoa, chúng ta luôn luôn sống trong sợ hãi, không bao giờ dám nói thật lòng, nhất là nói với người đang áp bức mình về những điểm tiêu cực của họ. Chúng ta chỉ cười nói xởi lởi trước mặt họ, nhưng sau lưng lại nói xấu họ, chỉ trích, chửi bới nặng nề. Trước mặt những kẻ áp bức, chúng ta tỏ vẻ tuân phục và làm việc chăm chỉ, giữ gìn của chung chỉ để an thân, nhưng khi họ vừa quay đi là chúng ta ngưng việc, hoặc làm việc cầm chừng, phá hoại của chúng vì nghĩ rằng tội gì làm lợi cho kẻ thù!… Đó là bản sắc của chúng ta được hình thành sau một thời gian dài bị đô hộ. Những nhà khoa học xã hội đã nghiên cứu và nhận xét về bản sắc của người Việt như thế.

Muốn sửa lại con đường của Chúa, chúng ta cần hiểu được những yếu tố trong cấu trúc tâm l‎ý của người Việt để tập cho mình và con cái mình loại trừ những tật xấu và đào luyện những đức tính tốt. Nhưng muốn sửa chữa được cấu trúc này, chúng ta cần có những nhận thức mới, tâm tình và cảm nghĩ mới để hành động tích cực và tạo thành những thói quen mới, bản sắc mới cho thế hệ mai sau. 

Kết luận

Hôm nay chúng ta hiểu được rằng con người là con đường của Thiên Chúa và cũng là con đường của Giáo Hội. Chúng ta được mời gọi sửa lại con đường này cho ngay thẳng tốt đẹp. Với ơn Chúa Thánh Thần, với tình yêu, sức mạnh và ân sủng mà Chúa Giêsu ban cho, chúng ta nhìn lại con đường của mình để sửa chữa cho xứng đáng với tình yêu Thiên Chúa và chắc chắn sẽ thành công. Từ đó ta xây dựng và sửa chữa con đường khác là những con người trong xã hội hôm nay, để làm cho mọi người càng ngày càng tốt đẹp hơn, nhìn được vinh quang, hạnh phúc, tình yêu của Thiên Chúa./.