23/12/2024

Chúa Nhật I Mùa Vọng – B: Người canh giữ cửa tâm hồn

Chúng ta bắt đầu năm phụng vụ mới. Các bài Kinh Thánh hôm nay mời gọi chúng ta phải tỉnh táo đổi mới con người mình, từ đó chúng ta mới có thể xây dựng được nền văn hoá sự sống và nền văn minh tình thương mà công nghị tổng giáo phận TPHCM …

Người canh giữ cửa tâm hồn

Hành Khất Kitô

 

Lời mở

Chúng ta bắt đầu năm phụng vụ mới. Các bài Kinh Thánh hôm nay mời gọi chúng ta phải tỉnh táo đổi mới con người mình, từ đó chúng ta mới có thể xây dựng được nền văn hoá sự sống và nền văn minh tình thương mà công nghị tổng giáo phận TPHCM 21-26/11/2011 mới kết thúc ngày hôm qua nhắc nhở.

Trong vài phút này chúng ta cùng nhau tìm hiểu tại sao phải tỉnh thức và tỉnh thức như thế nào?

1. Tại sao phải tỉnh thức?

1.1. Giải thích từ ngữ

Trong từ điển tiếng Việt thông dụng, không có từ tỉnh thức mà chỉ có từ thức tỉnh cũng không có từ canh thức mà chỉ có từ canh giữ, canh phòng. Thức tỉnh là tỉnh ra, nhận ra lẽ phải và thoát khỏi tình trạng mê muội, sai lầm hay gợi ra, làm trỗi dậy cái vốn tiềm tàng trong con người (x. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt 2005, NXB Đà Nẵng). Có thể các nhà Thánh Kinh ghép hai từ canh phòngtỉnh thức thành canh thức; hoặc hai từ tỉnh táo thao thức thành tỉnh thức để diễn tả một nội dung phong phú.

Chúng ta có từ tỉnh hay từ thức là ở trạng thái không say, không mê, không ngủ mà cảm biết và nhận thức được hoàn toàn như bình thường, hay từ tỉnh táo nghĩa là ở trạng thái tỉnh, không ngủ; hoặc ở trạng thái minh mẫn, không để cho tình hình rắc rối, phức tạp, tác động đến tư tưởng, tình cảm của mình.

Nói đến tỉnh thức hay canh phòng là nói đến tình trạng con người phải thức, phải tỉnh táo để đề phòng những nguy hiểm, bất trắc có thể xảy ra cho mình hay cho người khác.

1.2. L‎ý do cần tỉnh thức

Bài đọc I (Is 63,16-17.19.64,2-7) hôm nay như gợi ý cho chúng ta tình trạng của dân Do Thái khi trở về quê hương sau thời kỳ bị lưu đày ở Babylon, người dân rơi vào tình trạng đen tối, chạy theo những tham vọng, dục vọng. Họ không thấy Thiên Chúa bình an hiện diện giữa dân tộc. Chính vì thế, tiên tri Isaia đã mô tả tình trạng đó trong bài đọc I: “Ngài phẫn nộ vì tội lỗi của chúng con. Tất cả chúng con đã trở nên như người nhiễm uế, và mọi việc lành của chúng con khác nào chiếc áo dơ. Tất cả chúng con héo tàn như lá úa và tội ác chúng con đã phạm tựa cơn gió, cuốn chúng con đi. Không có ai cầu khẩn danh Chúa, cũng chẳng ai tỉnh dậy mà níu lấy Ngài” (Is 64,4-5).

Trước hết, chúng ta cũng giống như dân Do Thái đang sống trong bóng đêm, chúng ta có thể bị cuốn hút theo những tham vọng và dục vọng của con người. Chúng ta có thể rơi vào tình trạng mê ngủ như bất kỳ ai. Chúng ta cảm thấy con người của mình yếu đuối, cảm thấy những cơn cám dỗ của ma quỷ, của những dục vọng trần thế luôn cuốn hút chúng ta. Chúng ta muốn chiếm hữu rất nhiều, muốn đạt những danh lợi bằng bất cứ giá nào. Như thế, chúng ta sẽ rơi vào bóng đêm tội lỗi. Vì thế, l‎ý do đầu tiên để thức là chúng ta nhận ra tình trạng nguy hiểm, tội lỗi của mình hay của người khác.

L‎ý do thứ hai được diễn tả trong bài Tin Mừng (Mc 13,33-37). Như người chủ đi phương xa cắt đặt công việc cho người đầy tớ và nhắc nhở người canh cửa phải tỉnh thức. Nhiệm vụ của người giữ cửa không phải chỉ để bảo toàn tài sản, nhà cửa nhưng còn phải gìn giữ cho những người sống trong nhà ấy được bình an, tốt đẹp. Người Kitô hữu chính là người giữ cửa cho căn nhà dân tộc, cho gia đình nhân loại. Nếu chúng ta mê ngủ, không phải chỉ chúng ta nguy hiểm mà những anh chị em của chúng ta cũng rơi vào tình trạng không tốt, có thể mất đi sự bình an, hạnh phúc mà Chúa muốn gửi đến cho. Đó là l‎ý do đòi chúng ta phải tỉnh thức.

2. Nhưng chúng ta sẽ canh thức như thế nào?

2.1. Hai kiểu canh thức

Có phải chúng ta chỉ cần đốt lên những ngọn đèn và ngồi chờ đến sáng không? Đó là kiểu canh thức thụ động. Nếu ngồi yên chúng ta có thể lại rơi vào tình trạng ngủ thiếp đi để rồi đánh mất sự bình an cho mình và cho người khác. Chúa mời gọi chúng ta phải canh thức cách chủ động, tức là làm cho mình và cho người khác không những không rơi vào tình trạng mê ngủ mà còn sống trong tình trạng yên vui, thể xác khoẻ mạnh, tinh thần minh mẫn. Có những cách làm cho mình tỉnh ngủ để làm việc: đọc sách, nghe nhạc, ca hát, chơi bài.

Đối với chúng ta, đứng về phương diện thể l‎ý, thật sự chúng ta cần những giờ ngủ tối để tinh thần của chúng ta được thư giãn, thân xác được phục hồi sức khoẻ. Nhưng về phương diện tinh thần, chúng ta không được rơi vào tình trạng mê ngủ. Trong Thánh vịnh có câu: “Dầu mắt ngủ nhưng lòng vẫn thức” (x. Các Giờ kinh Phụng vụ, Thánh Thi của giờ Kinh Tối ). Tinh thần của chúng ta phải luôn tỉnh táo để canh phòng cho anh chị em mình. Vậy chúng ta phải canh thức chủ động như thánh Phaolô dạy rằng: “Đêm sắp tàn, chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu” (Rm 13,12).

2.2. Người giữ cửa tâm hồn

Nhìn vào xã hội hôm nay, chúng ta thấy màn đen tối phủ vây tứ phía. Mở tờ báo hằng ngày như Tuổi Trẻ, Thanh Niên chúng ta thường gặp đủ những loại tin đâm chém, lừa bịp, tham nhũng… nói lên tình trạng nguy hiểm không phải chỉ cho chúng ta mà cho biết bao con người. Tỉnh thức, không phải là chúng ta ngồi yên hay mở cuốn sách kinh ra đọc, lấy tràng hạt ra lần. Điều đó cần thiết, như Đức Giêsu từng nói: “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn” (Lc 21,36) nhưng chưa đủ, vì những cơn nguy hiểm ngày nay càng ngày càng phức tạp, lan rộng khiến chúng ta phải tích cực hành động. Chúng đòi hỏi chúng ta phải tích cực hành động, học hỏi, giúp đỡ anh chị em mình bằng những kiến thức, kỹ năng, ân sủng mà Chúa ban cho chúng ta qua Chúa Thánh Thần. Chính Ngài giúp ta biết phân định đâu là thử thách vốn cần thiết để con người nội tâm tăng trưởng (x. Lc 8,13-15; Cv 14,22; 2Tm 3,12) và nhằm thử thách nhân đức (x. Rm 5,3-5) và đâu là cơn cám dỗ dẫn đến tội lỗi và sự chết (x. Gc 1,14-15; Giáo l‎ý Hội Thánh Công giáo, số 2846-2849).

Thí dụ: đất nước chúng ta hiện nay có gần 90 triệu dân, trong đó có hơn 5 triệu người truy cập phim sex mỗi ngày, gần 10 triệu người truy cập trò chơi trực tuyến, trong đó có rất nhiều trò chơi sex. Có thể những người nghiện ngập đó là con, là em của chúng ta. Chúng ta phải học hỏi những kỹ năng nào để giúp cho chính mình khỏi rơi vào các cơn nghiện ngập đó và giúp con em của mình thoát khỏi tình trạng đó. Như vậy là chúng ta phải học hỏi, đào luyện. Đất nước của chúng ta mỗi năm có 2 triệu đến 2,4 triệu ca phá thai, 30% những người phá thai rơi vào tình trạng trầm cảm, rối loạn tinh thần. Mỗi năm chúng ta có khoảng 600 ngàn phụ nữ rơi vào tình trạng như vậy; mười năm là 6 triệu người. Chúng ta làm gì để giúp đỡ họ? Chúng ta đang có hơn 10 triệu người nghiện rượu và thuốc lá. Làm thế nào để giúp họ vượt qua cơn nghiện này? Đâu phải chỉ đơn giản bằng những lời khuyên và cầu nguyện!

Kết luận

Ngày hôm nay Chúa mời gọi chúng ta phải tỉnh thức để trở thành người canh cửa cho dân tộc, cho gia đình nhân loại. Xin Chúa đổ tràn muôn ơn phúc trên anh chị em để anh chị em gắn bó với Đức Giêsu, đón nhận những ơn Thánh Thần để tìm được sự bình an cho mình và cho những người mà chúng ta có trách nhiệm phải canh phòng. Đó là chúng ta đang xây dựng cho đất nước của chúng ta, xây dựng cho gia đình nhân loại mỗi ngày mỗi tốt đẹp hơn theo đúng tinh thần của Đấng Cứu Thế giáng sinh./.