23/12/2024

Chúa Nhật XXXIV TN – A: Vua Giêsu là điểm hội tụ cuối cùng

Hội tụ vào Vua Giêsu Kitô, chúng ta mới có thể xây dựng cho đời mình và đời người một trời mới đất mới và biến đổi mình thành con người mới tràn đầy sự thật và sự sống, thánh thiện và ân sủng, công l‎ý, tình thương và hoà bình.

  Vua Giêsu là điểm hội tụ cuối cùng

 Hành Khất Kitô

Lời mở

Trong lời Kinh Tiền Tụng của thánh lễ hôm nay, Giáo Hội nhắc nhở và tóm tắt tất cả đặc tính vương quyền của Chúa Giêsu Kitô. Đó là vương quốc hay nước “vĩnh cửu và vô biên, tràn đầy sự thật và sự sống, tràn đầy thánh thiện và ân sủng, tràn đầy công l‎ý, tình thương và hoà bình” (x. Tóm lược Học thuyết Xã hội Công Giáo, số 57). Trong tuần cuối cùng của năm Phụng vụ, Giáo Hội giới thiệu Đức Giêsu Kitô như điểm hội tụ duy nhất để mọi suy nghĩ, lời nói, hành động của tất cả chúng ta quy hướng về Người là Vua Vũ Trụ đồng thời cũng là điểm khởi đầu cho một giai đoạn mới của đời sống.

Hội tụ vào Vua Giêsu Kitô, chúng ta mới có thể xây dựng cho đời mình và đời người một trời mới đất mới (x. Sđd., số 57) và biến đổi mình thành con người mới tràn đầy sự thật và sự sống, thánh thiện và ân sủng, công l‎ý, tình thương và hoà bình.  

1. Điểm hội tụ cuối cùng

1.1. Những kẻ mộng du

Nhiều người chúng ta sống và bước đi trên đường đời mà không rõ mình đi đâu, đến đâu, tại sao lại đi như vậy. Chúng ta giống như người mộng du, đôi mắt mở mà chẳng xem thấy gì, đi lông bông lang bang rồi mệt quá nằm lăn ra ngủ ở một góc phố hay gầm cầu nào đó, không về được nhà mình. Tôi nhớ lại hình ảnh của đại tá Gaddafi, nhà lãnh đạo nước Lybia với quyền lực kinh khủng suốt mấy chục năm, với tài sản 200 tỷ Mỹ kim, nhưng đã chết cách đây hơn một tháng (20-10-2011) trong một ống cống ở thành phố quê hương ông mà không ai dám nhận xác ông.

Nhiều người khác lại dồn tất cả sức lực để học hành, làm việc, cốt để kiếm được một địa vị nào đó trong xã hội với bằng cấp, tiền của để được thoả mãn những tham vọng và dục vọng của mình. Có lẽ hình ảnh của thủ tướng Silvio Berlusconi, người Ý, trong tuần vừa rồi đã phải nhục nhã đi ra bằng cửa sau của quốc hội và phải từ chức thủ tướng sau 17 năm được tôn vinh là anh hùng dân tộc, như nhắc nhở ta về những kẻ mộng du trong cuộc đời vì không hiểu được cùng đích tối hậu của đời người.

Chúng ta giống như “các con chiên lạc vào những ngày mây đen mù mịt” (Ez 34,12). “Đức Chúa là Chúa Thượng phán: Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta. Con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về” (Ez 34,15-16). Đó là điều an ủi cho chúng ta để khỏi trở thành những kẻ mộng du trong đêm tối cuộc đời.

1.2. Điểm hội tụ cuối cùng

Hôm nay chúng ta được mời gọi để định hướng cho cuộc đời của mình, tìm lại điểm hội tụ cuối cùng cho cuộc đời để tất cả những ý nghĩ, lời nói, hành động của từng người được hội tụ vào đó, giống như chúng ta dùng kính hội tụ để đón nhận ánh sáng mặt trời. Khi đưa ánh sáng vào đúng tiêu điểm của kính, bấy giờ nó mới phát sáng rực rỡ, đốt cháy cả vật chất nằm trên tiêu điểm này. Vậy chúng ta thử hỏi điểm hội tụ cuối cùng của đời ta là gì?

Bài Tin Mừng hôm nay (Mt 25,31-46) cho ta thấy có người biết hành động để giúp đỡ người đói khát, trần trụi, tiếp rước khách lạ, thăm viếng tù nhân. Họ làm việc, yêu thương nhưng không ngờ rằng mình làm cho Đức Giêsu Kitô. Khi nghe Đức Giêsu trả lời: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40), họ mới hiểu ra rằng mình được thưởng như thế vì đã tình cờ hội tụ cuộc đời vào Chúa Giêsu.

Tuy nhiên, cũng có những người khác cùng sống với họ trong cộng đồng xã hội nhưng không biết hay không nhận ra những người nghèo khó, tàn tật, đói khát quanh mình để sẻ chia, giúp đỡ. Họ chăm chỉ học hành để trau dồi kiến thức tài năng, họ chuyên cần làm việc, bán buôn để thu tích thật nhiều tài sản, nhưng tất cả chỉ là lo cho mình, chứ chẳng nghĩ đến ai. Họ chỉ biết có mình, gia đình mình, lo lắng cho đứa con mình được học hành tốt đẹp, hy vọng nó nối dõi tông đường, làm rạng danh gia tộc. Tất cả ý nghĩa cuộc đời của họ chỉ là thế!

Vì điểm hội tụ của đời họ không có nên tất cả hoạt động của họ bị phân tán, tản mác. Nếu có, thì điểm hội tụ chỉ là chính họ hay là đứa con của họ, đó là những con người hữu hạn, tương đối, tầm thường chứ không phải là Đức Kitô tuyệt vời, là Thiên Chúa vô hạn, vô biên, tuyệt đối, phi thường. Do đó, đời họ không toả sáng mãi mãi. Nó kết thúc bằng chính cái chết vô nghĩa của họ. “Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời” (Mt 25,46). Thực ra, không phải Chúa phạt họ vì họ không làm việc bác ái mà chỉ vì điểm hội tụ cuộc đời họ chọn chỉ là thứ hữu hạn, tầm thường, bế tắc, không mở ra được cho cái tuyệt đối, siêu việt, vô biên (x. Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, số 130). Họ đã tự phạt mình cho đến muôn đời vì không chọn Đức Giêsu Kitô ẩn thân trong mọi người nghèo khổ quanh mình!

2. Vương quốc hay Nước của Vua Giêsu Kitô

2.1. Tại sao chọn Vua Giêsu Kitô?

Chúng ta chọn Người bởi vì Người là Thiên Chúa của chúng ta. Tất cả mọi loài mọi vật được dựng nên nhờ Người và cho Người. Tất cả những ân phúc, sức lực, quyền năng và những gì chúng ta đang có hay hiện hữu trong vũ trụ này đều do Người. Nhiều khi chúng ta không nhận ra Người, nhưng thật sự Người đang hiện diện trong cuộc đời ta, Người đang mời gọi ta quy hướng tất cả về Người.

Hơn nữa, chúng ta chọn Người vì “Lời hứa của Thiên Chúa và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô đã làm sống lại niềm hy vọng chắc chắn nơi các Kitô hữu về một chỗ ở mới mẻ và vĩnh cửu đã được chuẩn bị cho mỗi người, một trái đất mới nơi công l‎ý ngự trị (x. 2Cr 5,1-2; 2P 3,13). Sau khi sự chết đã bị khuất phục, con cái Chúa sẽ được sống lại trong Đức Kitô, những gì đã gieo trong yếu đuối và băng hoại, sẽ mặc lấy sự bất hoại: đức ái và các việc làm của đức ái sẽ tồn tại và toàn thể vũ trụ mà Chúa đã tạo dựng cho con người sẽ được giải thoát khỏi kiếp phù vân” (ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptor Hominis, số 13). Đó là ‎ý nghĩa của bài đọc II trong lễ hôm nay (1Cr 15,20-26.28).

Có như thế đời chúng ta mới bắt đầu được định hướng và từ đó mới toả sáng trong từng giây phút sống. Khi biết hội tụ vào vị vua cao cả Giêsu Kitô, cũng là vua lòng chúng ta, bấy giờ chúng ta mới nhận ra vương quốc hay nước của Người cao đẹp và diệu kỳ như thế nào.

2.2. Những đặc tính của nước Vua Kitô

Nước của Vua Kitô là nước của sự thật và sự sống, của thánh thiện và ân sủng, của công l‎ý, tình thương và hoà bình. Tất cả những giá trị tốt đẹp ấy nhằm xây dựng một nền văn minh tình thương, nền văn hoá sự sống vì Đức Giêsu là Thiên Chúa tạo hoá, là nguồn của sự thật và sự sống, là nguồn chân thiện mỹ và hạnh phúc vô biên.

Khi quy hướng về Người, Người chuyển thông cho ta tất cả những gì Người có từ trong thiên tính cao cả vô cùng của Người để đời của ta toả sáng. Toả sáng niềm vui, bình an, hạnh phúc, toả sáng sự thật, sự thiện, cái đẹp… trong con người yếu đuối, tầm thường, tội lỗi của ta. Nhờ đó, ta sẽ thấy con người mình thăng tiến, gia đình mình ổn định, đất nước mình phát triển theo đường hướng tích cực khác với hiện nay.

“Tất cả những điều tốt đẹp – như phẩm giá con người, tình huynh đệ và sự tự do, tất cả những hoa trái tốt đẹp của thiên nhiên và công lao của con người – đã lan tràn khắp mặt đất nhờ Thánh Thần của Chúa và theo lệnh của Ngài, sau khi được thanh tẩy khỏi mọi vết nhơ, được chiếu sáng và biến đổi, tất cả sẽ thuộc về vương quốc chân l‎ý và sự sống, vương quốc thánh thiện và ân sủng, vương quốc công l‎ý, tình yêu và hoà bình để Đức Kitô trình lên cho Chúa Cha, và tại nơi đó, chúng ta một lần nữa sẽ gặp lại chúng” (x.Tóm lược HTXHCG, số 57).

Kết luận

Hôm nay suy nghĩ về Vua Giêsu Kitô như điểm hội tụ cuối cùng cho đời mình và đời người, chúng ta xin dâng hiến cho Người mọi ‎ý nghĩ, lời nói, hành động trong năm phụng vụ này như một sự tín thác trọn vẹn vào Người. Chúng ta không xin Chúa tính sổ mọi việc ta làm vì biết mình yếu đuối tội lỗi, nhưng xin Chúa thanh tẩy và thánh hoá chúng để những gì tốt đẹp đều làm sáng danh Chúa và mưu cầu hạnh phúc cho con người.