23/12/2024

Tỉnh thức có nghĩa là đi theo Đức Kitô, là chọn lựa và yêu mến như Người

Cùng với Chúa Nhật I Mùa Vọng, chúng ta bước vào giai đoạn bốn tuần lễ mở đầu cho một năm Phụng vụ mới, là mùa giúp chúng ta chuẩn bị mừng đại lễ Giáng Sinh, ngày lễ tưởng niệm việc Chúa Kitô nhập thể vào trong lịch sử con người

Tỉnh thức có nghĩa là đi theo Đức Kitô, là chọn lựa và yêu mến như Người

Bài giảng nhân chuyến viếng thăm mục vụ tại Vương cung Thánh đường
Thánh Lôrenxô-ngoại-thành dịp kỷ niệm 1750 Thánh Phó tế tử đạo
Chúa Nhật I Mùa Vọng, 30/11/2008
Anh chị em thân mến,

Cùng với Chúa Nhật I Mùa Vọng, chúng ta bước vào giai đoạn bốn tuần lễ mở đầu cho một năm Phụng vụ mới, là mùa giúp chúng ta chuẩn bị mừng đại lễ Giáng Sinh, ngày lễ tưởng niệm việc Chúa Kitô nhập thể vào trong lịch sử con người. Tuy nhiên, sứ điệp thiêng liêng của Mùa Vọng thì sâu xa hơn thế, và đã hướng chúng ta đến cuộc quang lâm vinh hiển của Chúa, khi thời gian đến hồi viên mãn. Adventus là từ Latinh mà ta có thể dịch là “đến nơi”, “đến”, “hiện diện”. Theo ngôn ngữ của thế giới thời Thượng cổ, thì đây là một từ chuyên môn ám chỉ việc một quan chức nhà nước đi công tác, đặc biệt muốn nói đến cuộc kinh lý của các bậc vua chúa, hay của hoàng đế đến các tỉnh thành, nhưng từ ngữ này cũng còn có thể được sử dụng để chỉ cuộc thần hiện của một vị thần, từ một nơi cư ngụ bí mật nào đó, và như thế, biểu lộ quyền năng cao cả của mình: sự hiện diện của vị thần này được long trọng cử hành qua phụng tự.

Khi chấp nhận sử dùng từ Giáng lâm, các Kitô hữu muốn diễn tả mối tương giao đặc biệt liên kết họ với Đức Kitô chịu đóng đinh và phục sinh. Người là Vua, và khi bước vào trong tỉnh thành nghèo nàn có tên gọi là trần gian này, Người đã viếng thăm chúng ta, và sau khi đã sống lại và lên trời, trong bất cứ hoàn cảnh nào, Người cũng vẫn muốn ở lại với chúng ta: chúng ta nhận ra sự hiện diện nhiệm mầu của Người qua cộng đoàn Phụng vụ. Vì chưng, khi cử hành Bí tích Thánh Thể, chúng ta loan truyền rằng Người đã không hề rút khỏi trần gian, Người đã không hề muốn bỏ chúng ta mồ côi, và ngay cả khi chúng ta không còn thấy được Người và đụng chạm đến Người, như đụng chạm đến những thực thể vật chất, thế nhưng, Người vẫn ở với chúng ta, và ở giữa chúng ta; thậm chí còn ở trong chúng ta, bởi vì Người có thể lôi kéo và thông truyền sự sống của Người cho bất cứ tín hữu nào biết mở rộng lòng đón nhận Người. Như thế, Mùa Vọng có nghĩa là tưởng niệm việc Chúa đến lần đầu tiên, trong xác phàm, và đã nghĩ đến việc Người giáng lâm vinh hiển lần sau cùng, và đồng thời, điều này cũng có nghĩa là nhận ra Đức Kitô đang hiện diện giữa chúng ta và đã trở nên người bạn cùng song hành với chúng ta trong đời sống của Giáo Hội, một Giáo Hội đang cử hành mầu nhiệm của Đức Kitô. Anh chị em thân mến, ý thức này, một ý thức được nuôi dưỡng qua việc lắng nghe Lời Chúa, phải giúp chúng ta nhìn thế giới với một cái nhìn khác, phải giúp chúng ta cắt nghĩa những biến cố khác nhau trong cuộc đời và lịch sử như những lời của Thiên Chúa gởi đến cho chúng ta, như những dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu bảo đảm cho chúng ta thấy rằng Người luôn ở gần chúng ta trong mỗi tình huống của cuộc đời; và đặc biệt, ý thức này cũng phải giúp chúng ta chuẩn bị tâm hồn đón tiếp Người, khi “Người sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết, và Nước Người sẽ không bao giờ cùng”, mà lát nữa đây, chúng ta sẽ nhắc lại trong Kinh Tin Kính. Theo nhãn quan này, thì Mùa Vọng sẽ trở nên một thời gian mong chờ và hy vọng, một thời gian ưu tiên để lắng nghe và suy nghĩ cho tất cả mọi Kitô hữu, với điều kiện là ta để cho Phụng vụ hướng dẫn mình, một nền phụng vụ luôn mời gọi chúng ta đi gặp Chúa là Đấng đang đến.

“Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”: các bạn thân mến, lời kêu xin thật nồng nàn này của cộng đoàn Kitô hữu thời sơ khai cũng phải trở nên nỗi khát vọng thường xuyên của chúng ta, nỗi khát vọng của Giáo Hội mọi thời đang ước ao và chuẩn bị tâm hồn đi gặp Chúa của mình. Lạy Chúa, ngày hôm nay, xin Ngài hãy đến, xin hãy chiếu soi chúng con, xin hãy ban cho chúng con bình an, xin hãy giúp chúng con thắng được vũ lực. Lạy Chúa, xin hãy đến, đó là lời kinh mà chúng ta đang dâng lên Chúa trong những tuần lễ này. “Lạy Chúa, xin hãy làm rạng rỡ dung nhan Ngài, và chúng con sẽ được cứu thoát”: đấy là lời kinh mà chúng ta mới vừa dâng lên Chúa qua những ngôn từ trong Thánh vịnh đáp ca. Và Sứ ngôn Isaia, trong Bài đọc một, đã mạc khải cho chúng ta thấy rằng gương mặt của Đấng Cứu Chuộc chúng ta là gương mặt của một người Cha dịu hiền và giàu lòng thương xót, Người là Đấng, trong bất cứ hoàn cảnh nào, cũng đều chăm sóc chúng ta, bởi vì chúng ta là tác phẩm do bàn tay Người tác tạo: “Ôi Giavê, lạy Đức Chúa, Ngài là Cha chúng con, là Đấng Cứu Chuộc chúng con, đó là danh của Ngài từ muôn muôn thưở” (63, 16). Thiên Chúa của chúng ta là một người Cha sẵn lòng tha thứ cho tội nhân biết thống hối ăn năn, và tiếp nhận tất cả những ai trông cậy vào lòng thương xót của Người (x. Is 64, 4). Chúng ta lạc xa Người, vì tội lỗi chúng ta, khi nằm dưới ách đô hộ của thần chết, nhưng Người đã xót thương chúng ta, và do sáng kiến riêng của Người, chứ chúng ta chẳng có công trạng gì, Người đã quyết định đi đến gặp gỡ chúng ta, khi sai người Con duy nhất của Người làm Đấng Cứu Chuộc chúng ta. Khi đối diện với một mầu nhiệm tình yêu quá ư vĩ đại như thế, lời kinh tạ ơn của chúng ta dễ dàng vang lên trước tôn nhan Người, và lời van xin của chúng ta càng trở nên tín thác hơn: “Lạy Chúa, ngày hôm nay, ở vào thời đại chúng con, trên tất cả mọi vùng đất của toàn thế giới, xin hãy chỉ cho chúng con thấy lòng thương xót của Chúa, xin hãy làm cho chúng con cảm thấy sự hiện diện của Ngài, và xin hãy ban cho chúng con ơn cứu độ(x. Tung hô Tin Mừng).

Anh chị em thân mến, ý nghĩ về sự hiện diện của Đức Kitô, và ý nghĩ về cuộc giáng lâm chắc chắn của Người, khi thời gian đến hồi viên mãn, hơn bao giờ hết, có một ý nghĩa thật đặc biệt đối với Vương cung Thánh đường của anh chị em, là ngôi Thánh đường nằm sát đại nghĩa trang Verano, nơi một số đông những người anh chị em quá cố của chúng ta đang nằm yên nghỉ chờ ngày Sống lại. Đã có biết bao nhiêu lần chúng ta cử hành Phụng vụ an táng trong ngôi đền này; đã có biết bao nhiêu lần vang lên những lời Phụng vụ đầy an ủi sau đây: “Nơi Đức Kitô Con Chúa, Đấng Cứu Chuộc chúng con, niềm sống lại vinh phúc đã chiếu toả trên chúng con, để những ai buồn sầu vì số phận chắc chắn phải chết cũng được an ủi, vì Chúa đã hứa ban phúc trường sinh bất diệt sau này!” (x. Kinh Tiền tụng I cầu cho những người đã qua đời).

Nhưng Vương cung Thánh đường nguy nga của anh chị em đã làm cho chúng ta liên tưởng đến Vương cung Thánh đường đầu tiên do chính Hoàng đế Constantin xây dựng, và sau đó, được thay đổi để rồi mặc lấy hình thái như hiện nay, Vương cung Thánh đường ấy đã đặc biệt nói đến cuộc tử đạo vinh hiển của Thánh Lôrenxô, là Tổng Phó tế của Đức Giáo Hoàng Sixtô II, và cũng là vị đại diện của người trong việc quản lý tài sản chung của cộng đoàn. Ngày hôm nay, tôi đến đây cử hành Bí tích Thánh Thể, để cùng kết hiệp với anh chị em, tôn vinh thánh nhân trong một trường hợp hết sức đặc biệt, nhân dịp công bố Năm Thánh Lôrenxô, để tưởng nhớ 1750 năm Sinh nhật trên trời của Thánh Phó tế. Lịch sử đã cho chúng ta thấy tên tuổi của vị Thánh này vinh hiển biết bao, vị Thánh mà chúng ta đang quây quần chung quanh mồ của người. Người ân cần chăm sóc người nghèo khổ, quảng đại phục vụ Giáo Hội Rôma trong phạm vi cứu tế và bác ái, trung thành với Đức Giáo Hoàng đến độ bước theo người trong thử thách tột cùng của cái chết vi đạo Chúa, và chứng tá anh dũng bằng máu đào mà Thánh nhân đã đổ ra chỉ vài ngày trước đó, tất cả những điều trên đây ai cũng đều biết cả. Thánh Lêô Cả, trong một bài giảng thuyết thật tuyệt vời, đã chú giải cái chết vì đạo thật thảm khốc của vị “Anh hùng nổi danh” này như sau: “Những ngọn lửa cháy bùng không thể nào thắng được tình yêu của người dành cho Đức Kitô; và ngọn lửa hồng đốt cháy người bên ngoài cũng còn kém xa so với ngọn lửa thiêu huỷ người bên trong”. Và Thánh Giáo Hoàng nói tiếp: “Chúa đã muốn đề cao danh vinh hiển của tôi tớ Người, đến độ, trên toàn thế giới này, từ Đông sang Tây, trong ánh sáng chói ngời toả ra từ những vị Phó tế vĩ đại nhất trần gian, cùng một ánh vinh quang đã đến Giêrusalem, qua Têphanô, thì giờ đây, cũng đã đến Rôma, nhờ Lôrenxô” (Bài giảng 85, 4: Pl 54, 486).

Năm nay, chúng ta tưởng niệm 50 năm ngày người Tôi tớ Chúa là Đức Giáo Hoàng Piô XII qua đời, và việc tưởng niệm này nhắc chúng ta nhớ lại một biến cố đầy kịch tính trong lịch sử nhiều thế kỷ của Vương cung Thánh đường của anh chị em, đó là biến cố xảy ra trong Thế chiến Thứ hai đúng vào ngày 19/7/1943, một cuộc oanh tạc dữ dội đã gây nhiều tổn hại nặng nề cho ngôi giáo đường và cho toàn khu phố. Người ta sẽ không bao giờ xoá được khỏi trí nhớ của lịch sử cử chỉ thật quảng đại mà vị Tiền nhiệm khả kính của tôi đã thể hiện vào lúc đó. Người đã tức tốc chạy đến giúp đỡ và uỷ lạo dân chúng đang phải gánh chịu cảnh tang thương, giữa những đống đổ nát đang còn bốc cháy. Ngoài ra, tôi cũng không thể nào quên được rằng cũng chính Vương cung Thánh đường này đang cất giữ những quách đựng hài cốt của hai nhân vật quan trọng khác: thật thế, trong hầm mộ dưới tầng hầm đền thờ, tín hữu có thể đến kính viếng hài cốt của Chân Phước Giáo Hoàng Piô IX, và trong đại điện là ngôi mộ của Alcide de Gasperi, là nhà lãnh đạo đầy khôn ngoan và ôn hoà của nước Ý, trong những năm dài khó khăn trong việc tái thiết thời hậu chiến, và đồng thời, cũng là chính khách có khả năng nhìn châu Âu dưới một lăng kính Kitô giáo.

Trong khi chúng ta quy tụ nơi đây để cầu nguyện, tôi vui mừng gởi lời chào thân ái đến tất cả anh chị em, bắt đầu từ Đức Hồng y giám quản, Đức Giám mục phụ tá giám quản, và cũng đồng thời là Viện phụ phụ trách Vương cung Thánh đường này, Đức Giám mục Phụ tá vùng phía Bắc, và Cha sở của anh chị em là Cha Bruno Mustacchio mà tôi xin được cám ơn về những lời chào hỏi tốt đẹp mà người đã dành cho tôi trước giờ cử hành Phụng vụ. Tôi xin chào Bề trên Thượng cấp Dòng Capucinô, cũng như những anh em thuộc cộng đoàn của người, những người đã hăng say và tận tâm phục vụ, trong việc đón tiếp vô số các khách hành hương, khi lấy tình bác ái mà cứu giúp những người nghèo khổ, và làm chứng cho niềm trông cậy vào Đức Kitô Phục Sinh trước mặt tất cả những ai đi viếng nghĩa trang Verano này. Tôi muốn chứng tỏ với anh chị em lòng biết ơn của tôi, và nhất là nhớ đến anh chị em trong kinh nguyện. Ngoài ra, tôi cũng xin được gởi những lời chào hỏi thân tình của tôi đến nhiều nhóm người đang hoạt động trong lãnh vực dạy giáo lý, Phụng vụ, bác ái, và các đoàn viên trong hai ca đoàn hợp xướng, Dòng ba Phansinh tại địa phương và tại thành phố. Ngoài ra, tôi cũng vui mừng được biết rằng, từ vài năm nay, nơi đây là “trung tâm hoạt động truyền giáo của giáo phận”, nhằm giáo dục các cộng đoàn giáo xứ về ý thức truyền giáo, và tôi xin sẵn lòng kết hợp với anh chị em, để cầu mong cho sáng kiến của giáo phận chúng ta được góp phần làm phát sinh hoạt động mục vụ thừa sai đầy can đảm, một hoạt động loan báo tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa cho khắp mọi nơi, và cho mỗi địa điểm của kinh thành Rôma này, đặc biệt tác động đến các bạn trẻ và các gia đình. Và cuối cùng, tôi cũng nhớ đến các dân cư trong khu phố, đặc biệt nhớ đến những người cao tuổi, các bệnh nhân, những người neo đơn và những người đang phải đương đầu với những khó khăn. Tôi xin nhớ đến tất cả mọi người, và từng người một trong Thánh lễ này.

Anh chị em thân mến, vào đầu Mùa Vọng này, chúng ta sẽ lãnh nhận được sứ điệp nào tốt đẹp hơn của Thánh Lôrenxô ngoài sứ điệp của sự thánh thiện? Thánh nhân vẫn không ngừng nhắc lại cho chúng ta rằng sự thánh thiện, nghĩa là việc đi gặp gỡ Đức Kitô là Đấng luôn đến thăm viếng chúng ta, không bao giờ là lỗi thời, nhưng cùng với thời gian, nó lại càng chiếu sáng và biểu lộ lực căng thường xuyên giữa con người luôn hướng về Thiên Chúa. Như thế, ước gì buổi cử hành Năm Thánh này là một dịp để cho cộng đoàn giáo xứ của anh chị em thêm gắn bó với Đức Kitô, đào sâu hơn nữa ý thức về sự tháp nhập vào Nhiệm thể của Người là Giáo Hội, cam kết luôn rao giảng Tin Mừng qua tình bác ái. Ước gì Thánh Lôrenxô, là Chứng nhân anh dũng của Đức Kitô chịu đóng đinh và phục sinh, là một tấm gương cho anh chị em trong việc gắn bó vâng nghe lời Chúa để, như chúng ta đã nghe Thánh Tông đồ nhắc lại cho tín hữu thành Côrintô, chúng ta sống “không gì đáng trách” trong ngày Chúa quang lâm (x. 1Cr 11,29).

Chuẩn bị tâm hồn để đón Đức Kitô ngự đến cũng còn là lời khuyến dụ mà chúng ta nhận được từ bài Phúc Âm hôm nay. “Anh em hãy tỉnh thức”, đó là lời Đức Giêsu nói với chúng ta qua bài dụ ngôn ngắn gọn kể lại việc chủ nhà trẩy đi phương xa, và không biết là liệu mình có còn trở về hay không (x. Mc 13, 33-37). Tỉnh thức có nghĩa là đi theo Chúa, là chọn lựa những gì Người đã lựa chọn, yêu mến những gì Người đã mến yêu, là làm cho đời sống của chúng ta nên giống đời sống của Người; tỉnh thức cũng còn có nghĩa là đem mỗi khoảnh khắc của thời gian chúng ta vào trong chân trời tình yêu của Chúa, mà không hề để cho những khó khăn không thể tránh được, cũng như những vấn nạn của cuộc sống thường nhật làm cho chúng ta phải ngã quỵ. Đó là điều Thánh Lôrenxô đã làm, và đó cũng là điều chúng ta sẽ phải làm, và chúng ta cầu xin Chúa ban ơn cho mọi người biết bước đi theo đường hướng này. Ước gì Đức Trinh Nữ khiêm nhường thành Nadarét, là Đức Maria, người được Thiên Chúa tuyển chọn để làm Mẹ Đấng Cứu Chuộc, Thánh Anrê mà chúng ta mừng kính ngày hôm nay, và Thánh Lôrenxô, là tấm gương của sự trung thành Kitô giáo thật gan dạ cho đến nỗi chết vì đạo Chúa, hướng dẫn và đồng hành với chúng ta qua lời cầu thay nguyện giúp của các ngài. Amen!