23/12/2024

Chúa Nhật XXXIII TN – A: Làm chứng cho sự thật và tình yêu

Hôm nay Giáo hội Việt Nam long trọng mừng kính 117 anh hùng tử đạo đã can đảm làm chứng cho đức tin và tình yêu của Kitô giáo trong những giai đoạn khó khăn của dân tộc. Chúng ta cùng tìm hiểu những điểm cơ bản trong lời chứng của các ngài để tìm ra những hướng mới trong đời sống chứng nhân của từng người chúng ta hôm nay.

Làm chứng cho sự thật và tình yêu

 Hành Khất Kitô

Lời mở

Hôm nay Giáo hội Việt Nam long trọng mừng kính 117 anh hùng tử đạo đã can đảm làm chứng cho đức tin và tình yêu của Kitô giáo trong những giai đoạn khó khăn của dân tộc. Tử đạo, theo gốc tiếng Hy Lạp marturion – tiếng Anh là martyr – nghĩa là người làm chứng cho Đức Kitô bằng cái chết của mình (x. Cv 22,20). Trong ít phút này, chúng ta tìm hiểu những điểm cơ bản trong lời chứng của các thánh tử đạo Việt Nam để tìm ra những hướng mới trong đời sống chứng nhân của từng người chúng ta.

1. Những nhân chứng lịch sử

1.1. Giai đoạn khó khăn

Chúng ta có thể nói rằng các thánh tử đạo ở Việt Nam là những nhân chứng của lịch sử dân tộc trong khoảng 5 thế kỷ gần đây. Cuộc sống của dân tộc ta vào thời các vị, có thể nói là thời khó khăn nhất. Từ năm 1662-1772, đất nước rơi vào thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh. Miền Bắc có vua Lê chúa Trịnh, miền Nam có chúa Nguyễn. Hai bên tranh quyền gây nên những cuộc chiến liên miên, hàng trăm ngàn dân lành đã phải chết cho cuộc tranh chấp ngai vàng. Người ta dồn tất cả sức mạnh dân tộc để sắm lương thực, mua tàu chiến, giết hại lẫn nhau. Nhưng đây cũng là thời kỳ những bậc tổ tiên anh hùng đã nêu cao gương sáng đời sống yêu thương, tha thứ và đón nhận tất cả những thử thách để làm chứng cho Đức Kitô, cho Thiên Chúa là sự thật và sự sống.

Chúng ta biết rằng, năm 1533, một thừa sai nước ngoài tên là Inikhu đã lén truyền đạo ở làng Ninh Cường và làng Trà Lũ, thuộc tỉnh Nam Định bây giờ, nhưng sử sách không nói gì đến kết quả truyền đạo của vị thừa sai này (x. Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, q.33, tờ 5-6). Sau đó, giai đoạn mở đạo chính thức bắt đầu từ năm 1615-1665 với các vị thừa sai dòng Tên đến truyền đạo cho cả hai miền Nam Bắc. Trong vòng 50 năm đó có khoảng 100 ngàn người đã tin theo Đức Kitô, sống theo sự thật mà Thiên Chúa đã chia sẻ cho nhân loại qua Người Con của Ngài (x. Niên giám Giáo hội Công giáo Việt Nam, 2005, NXB Tôn Giáo, tr.187-188).

1.2. Sự thật đó là gì?

Là Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người, tôn trọng sự sống của mọi người. Thời đó, dân tộc ta sống dưới chế độ quân chủ chuyên chế, theo l‎ý thuyết của Khổng – Mạnh, vua chúa chủ trương bế quan toả cảng, không liên lạc với các nước khác. Các vị tử đạo đã cố gắng nêu gương sáng cho con cháu và dạy mọi người tinh thần dân chủ: lấy dân làm gốc vì tất cả mọi người đều là anh em với nhau trong đại gia đình Thiên Chúa. Chính gương sống của các ngài đã gây nên những căng thẳng, vì một khi giới thiệu sự thật dân chủ như thế, chính quyền không thể chấp nhận. Theo quan điểm Nho giáo, vua là thiên tử, là con trời, có toàn quyền sinh sát trong tay. Vua bắt thần dân chết mà không chết là bất trung. Trong khi các tín hữu Công giáo rao giảng rằng: Đức Giêsu mới là Thiên Tử đích thực, là con của Vua Trời, đã chết cho muôn loài nên các bậc anh hùng tổ tiên sẵn sàng làm chứng cho tình yêu thương của Thiên Chúa và chết cho người khác để kêu gọi mọi người yêu thương và tôn trọng lẫn nhau.

1.3. Cuộc sống tràn đầy niềm tin và hy vọng

Các tín hữu thời đó nêu cao gương sáng gia đình gồm một vợ một chồng trong xã hội đang cổ vũ chế độ đa thê, các ngài nêu cao thái độ bình đẳng nam nữ trong một xã hội trọng nam khinh nữ, các ngài giới thiệu khoa học kỹ thuật trong một đất nước lạc hậu bằng đời sống tràn đầy hạnh phúc, niềm vui và niềm tin hết sức cụ thể của mình. Đất nước chúng ta cho đến đầu thế kỷ XX vẫn còn đóng kín với khoa học kỹ thuật, nhưng các vị thừa sai Tây phương đã truyền giảng khoa học thường thức cho tín hữu Công giáo để họ không tắm rửa bằng nước ao tù mà phải lọc bằng than, cát, sỏi và chỉ uống khi được nấu chín. Nhờ thế, người Công giáo ai cũng đẹp đẽ, khoẻ mạnh… trong khi đó, cho đến năm 1939, cứ 10 trẻ được sinh ra thì có 7 trẻ chết yểu; 10 sản phụ thì có 5 người bị chết vì hậu sản.

Trong suốt 20 thế kỷ, đất nước ta lấy chữ Hán của Trung Hoa làm chữ chính thức của dân tộc. Sau đó, một số nhà Nho ái quốc mới dùng chữ Nôm nhưng vẫn là gốc chữ Trung Hoa, thêm thắt vài nét để làm thành chữ của người phương Nam (nên gọi là chữ Nôm). Các Kitô hữu ngay từ đầu, nhờ các vị thừa sai cùng với một vài nhà Nho Việt Nam, đã sáng chế ra chữ Quốc Ngữ rồi truyền bá cho nhau để dùng trong cộng đồng (x. Đỗ Quang Chính, Lịch sử Chữ Quốc ngữ, 1620-1659, tủ sách Ra Khơi, Sài Gòn, 1972). Năm 1651, Alexandre de Rhodes, là một thừa sai người Bồ Đào Nha, đã xuất bản cuốn Phép Giảng Tám Ngày, Từ điển Việt-Bồ-La và sách Văn phạm Việt Nam làm nền tảng cho chữ Quốc Ngữ mà chúng ta đang dùng ngày nay (Sđd. Niên giám Giáo hội Công giáo Việt Nam, 2005, NXB Tôn Giáo, tr.188-190). Ngay từ năm 1865, tờ báo tiếng Việt đầu tiên “Gia Định Báo” được phát hành ở miền Gia Định, là thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, đã chứng tỏ sức lan toả của chữ Việt trong xã hội.

2. Làm chứng bằng cái chết và đời sống

2.1. Nhân chứng cho sự thật

Chính vì ‎ý hướng đưa ánh sáng Tin Mừng vào nền văn hoá Việt Nam mà các vị anh hùng tiền bối đã bị những nhà Nho cổ hủ phản đối kịch liệt. Chúng ta đừng quên rằng các nhà Nho thời ấy, vừa là thành phần trí thức cơ bản của đất nước vừa là giai cấp thống trị nắm giữ chính quyền, và chữ Hán với việc dạy học là “cần câu cơm” của họ. Do đó khi thấy dân chúng sống theo những sự thật dân chủ, bình đẳng, khoa học tiến bộ, dùng chữ Việt của người Công giáo, các Nho gia hết sức lo sợ và khởi xướng phong trào Văn Thân – tức là thân với những nhà Nho – để chống lại đạo Công giáo. Trong khoảng 1 thế kỷ, từ năm 1780-1885, không phải chỉ có 117 vị tử đạo mà hàng trăm ngàn tín hữu đã chết vì những cuộc cướp phá, giết hại, đày đoạ, phân sáp, chia cắt gia đình để làm nô lệ cho lương dân, chạy trốn vào rừng sâu, núi thẳm như ở La Vang, Trà Kiệu… để làm chứng cho sự thật kỳ diệu và mới lạ mà Đức Giêsu nói cho chúng ta qua bài Tin Mừng (x. Ga 17, 11-19) trong lễ Kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam hôm nay: “Lời Cha là sự thật” (Ga 17,17).

Cuộc bách hại xảy ra rất nặng nề, nhất là từ khi quân Pháp bắn phá Đà Nẵng năm 1847 và nhà nước quân chủ Việt Nam phải k‎ý hoà ước Nhâm Tuất năm 1862 nhường 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ cho Pháp. Số tín hữu chết nhiều nhất vào các triều vua: Minh Mạng (1820-1841), Thiệu Trị (1841-1847) và Tự Đức (1847-1883). Các nhà Nho vu khống người tín hữu Công giáo cộng tác với quân Pháp để phản bội dân tộc, chống lại giới cầm quyền và nêu khẩu hiệu “Bình Tây sát Tả”. Sau khi Pháp k‎ý hoà ước Qu‎ý Mùi năm 1883, người Công giáo mới chính thức được tự do giữ đạo. Nhưng phong trào Văn Thân vẫn tiếp tục tàn sát người Công giáo cho đến khi những nhà Nho ái quốc như cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Kỳ  Ngoại Hầu Cường Để, Lương Văn Can khởi xướng lên phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, phong trào Đông Du, hô hào hãy sống theo tinh thần của người Công giáo thì cuộc bách hại mới ngừng hẳn vào năm 1885.

Quần chúng đã hưởng ứng lời kêu gọi của các cụ: không tàn sát người Công giáo, những nhà Nho bắt đầu cắt bỏ búi tóc củ hành, cắt móng tay dài, mặc Âu phục, học chữ Quốc Ngữ, sống một vợ một chồng, bình đẳng nam nữ, ‎ý thức dân chủ… Tất cả những giá trị thật sự đó bắt nguồn từ người Công giáo mà các vị anh hùng của chúng ta đã phải đổ biết bao máu đào để minh chứng sự thật này.

2.2. Con đường chân l‎ý và tình yêu vẫn mở

Bây giờ dân tộc Việt Nam đã đón nhận những sự thật ấy, nhưng người Công giáo chúng ta đâu phải chỉ có những điều đó. Còn rất nhiều sự thật của Tin Mừng, nhất là Tám Mối Phúc Thật, cần được giới thiệu cho cộng đồng dân tộc đang sống trong thời đại hôm nay. Con người hiện nay đang khát khao vật chất, đánh giá con người theo hình thức, của cải bên ngoài, chúng ta được mời gọi giới thiệu tinh thần nghèo khó của Đức Kitô. Con người đang chạy theo những dục vọng, với hơn 5 triệu người xem phim sex mỗi ngày, với những quán cà phê-bia ôm-massage trá hình mọc lên khắp nơi, chúng ta có thể giới thiệu tình yêu trong sáng, cao thượng của Đức Giêsu Kitô bằng những hành động cụ thể. Con người đang có tham vọng chiếm hữu vật chất, quyền lực bằng bất cứ giá nào (x. Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, NXB Tôn Giáo, 2007, số 119), chối bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi sống tinh thần yêu thương, chia sẻ, tôn trọng công bình và bác ái với nhau như Đức Giêsu đã nêu gương hy sinh và chết cho chúng ta. Có như thế  chúng ta mới thấy dân tộc Việt Nam đang cần đến Tin Mừng và các nhân chứng của Tin Mừng như thế nào trong thời đại hiện nay.

Chúng ta cũng được thánh Tông đồ nhắc nhở: “Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta, dù là sự chết hay sự sống, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào hay bất cứ loài thọ tạo nào” (Rm 8,38-39). Không có gì có thể tách biệt chúng ta vì chúng ta có sức mạnh và tình yêu của Chúa Thánh Thần để chúng ta luôn gắn bó với Đức Kitô trong việc làm chứng cho dân tộc này, cũng như giúp dân tộc ngày một phát triển tốt đẹp, đất nước ngày một hùng cường, người dân mỗi ngày cảm nhận được hạnh phúc trong niềm tin vào sự thật và tình yêu mà các thánh tử đạo đã làm chứng.

Kết luận

Trong tinh thần đó, chúng ta cảm tạ Chúa cùng với các Thánh Tử Đạo Việt Nam và xin hứa với các ngài từ nay sẽ luôn cố gắng để trở thành những chứng nhân sống động của sự thật mới mẻ và sự sống diệu kỳ của Thiên Chúa cho dân tộc Việt Nam thân yêu.