Niềm hy vọng sống vĩnh cửu dựa vào cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô
Thật là quan trọng cho chúng ta là những Kitô hữu, chúng ta sống mối tương giao với những người đã qua đời trong chân lý đức tin, và chúng ta nhìn cái chết và thế giới bên kia trong ánh sáng mạc khải.
Niềm hy vọng sống vĩnh cửu dựa vào cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô
Bài nói chuyện giờ Kinh Truyền Tin,
Quảng trường Thánh Phêrô
Chúa Nhật XXXI Thường Niên, 2/11/2008
Anh chị em thân mến!
Ngày hôm qua, ngày Lễ các Thánh Nam Nữ cho chúng ta chiêm ngưỡng “Thành Giêrusalem thiên quốc là mẹ chúng con” (Kinh tiền tụng Lễ các Thánh Nam Nữ). Ngày hôm nay, tâm hồn chúng ta còn hướng về những thực tại sau cùng này, chúng ta tưởng nhớ những tín hữu đã qua đời “được ghi dấu đức tin, đã ra đi trước chúng con và đang nghỉ giấc bình an” (Kinh nguyện Thánh Thể I). Thật là quan trọng cho chúng ta là những Kitô hữu, chúng ta sống mối tương giao với những người đã qua đời trong chân lý đức tin, và chúng ta nhìn cái chết và thế giới bên kia trong ánh sáng mạc khải. Thánh Tông đồ Phaolô, khi viết cho các cộng đoàn tiên khởi, đã khích lệ các tín hữu “đừng thất vọng như những kẻ không có niềm hy vọng”. Thánh Phaolô viết: “Bởi vì chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chết và đã sống lại, thì cũng thế, những ai đã an nghỉ trong Đức Giêsu, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giêsu” (1Tx 4,13-24). Ngày hôm nay cũng thế, chúng ta cũng cần phải loan báo Tin Mừng về thực tế cái chết và sự sống vĩnh cửu, một thực tế đặc biệt dễ bị tác động bởi những niềm tin có tính cách dị đoan và bởi những chủ nghĩa hỗn hợp, để cho chân lý Kitô giáo không có nguy cơ pha lẫn với những loại hình thần thoại khác nhau.
Trong Thông điệp của tôi về đức trông cậy Kitô giáo, tôi đã tự hỏi về mầu nhiệm sự sống vĩnh cửu (x. Spe salvi, Được cứu rỗi trong niềm hy vọng, s.10-12). Tôi tự hỏi: đức tin Kitô giáo đối với con người ngày hôm nay có còn là một niềm hy vọng biến đổi và nâng đỡ cuộc sống của họ không (x. Sđd s.10)? Và một cách tận căn hơn: những người đàn ông và phụ nữ trong thời đại chúng ta có còn ước muốn cuộc sống vĩnh cửu nữa không? Hay cuộc sống ở trần gian này đã trở thành chân trời duy nhất của họ? Trong thực tế, như Thánh Âutinh đã nhận xét, tất cả chúng ta đều muốn “cuộc sống đại phúc”, đều muốn hạnh phúc. Chúng ta không biết cuộc sống ấy là gì, cũng như cuộc sống ấy được làm nên như thế nào, nhưng chúng ta cảm thấy cuộc sống ấy lôi kéo chúng ta. Đây là một niềm hy vọng phổ quát, chung cho hết mọi người thuộc mọi thời và mọi nơi. Thành ngữ “cuộc sống vĩnh cửu” muốn mang lại một tên gọi cho miềm mong đợi mà ta không thể nào cưỡng lại được: không phải là một sự tiếp nối không cùng, mà là một sự thâm nhập vào trong đại dương của tình yêu bao la, mà trong đó, thời gian, trước và sau sẽ không còn hiện hữu nữa. Một cuộc sống và niềm vui sung mãn: đó là điều chúng ta hy vọng và mong đợi từ cuộc sống của chúng ta cùng với Đức Kitô (x. Sđd, s.12).
Ngày hôm nay chúng ta lại nói lên niềm hy vọng được sống muôn đời, niềm hy vọng thực sự dựa trên cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô. Chúa nói với chúng ta: “Ta đã sống lại, và nay Ta mãi mãi ở bên con”. Bàn tay Ta nâng đỡ con. Con có ngã xuống nơi đâu, thì cũng sẽ ngã vào trong lòng bàn tay của Ta mà thôi. Ta hiện diện đến tận ngưỡng cửa của cái chết. Nơi mà không còn ai có thể đồng hành với con, và nơi mà con không thể mang theo được gì, thì chính nơi đó, Ta đang đợi chờ con, và Ta sẽ biến bóng tối thành ánh sáng cho con. Tuy nhiên, niềm hy vọng Kitô giáo không bao giờ chỉ có tính cách cá nhân, niềm hy vọng ấy cũng luôn luôn là vì người khác. Cuộc sống của chúng ta luốn gắn liền với nhau một cách thâm sâu, và những điều thiện hay điều ác mà mỗi người trong chúng ta làm đều liên hệ đến người khác. Như thế, lời kinh nguyện của một tâm hồn đang còn lữ hành trên trần gian này có thể giúp một linh hồn khác đang thanh luyện sau cái chết. Do đó, đây là lý do mà hôm nay Giáo Hội mời gọi chúng ta cầu nguyện cho những người quá cố thân yêu của chúng ta, và đi viếng nghĩa trang để cầu nguyện cho các đẳng linh hồn. Ước gì Đức Maria, là ngôi sao của niềm hy vọng, làm cho đức tin của chúng ta vào trong cuộc sống đời đời được vững mạnh và đích thực hơn, và nâng đỡ lời kinh tạ ơn của chúng ta để cầu nguyện cho những người anh em quá cố.
Cuối giờ Kinh Truyền Tin
Tôi vui mừng đón tiếp các khách hành hương nói tiếng Pháp quy tụ về đây để đọc Kinh Truyền Tin. Ngày hôm nay, chúng ta nhớ đến và cầu nguyện cho những ai trải qua thử thách vì mất người thân yêu. Chúng ta phó dâng tất cả những người đã qua đời cho lòng từ tâm của Đức Maria và Thánh Giuse. Khi bước theo Đức Kitô phục sinh là Đấng đã chỉ đường dẫn lối cho chúng ta, ước gì niềm hy vọng của chúng ta còn mạnh thế hơn những cơ cực chúng ta phải gánh chịu. Tôi xin ban Phép Lành Toà Thánh của tôi cho anh chị em.
Tôi xin chúc tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật tốt đẹp trong sự tưởng nhớ các người thân của chúng ta đã qua đời.