23/11/2024

Kitô giáo chống nền văn hoá băng hoại ngày nay

Chủ thuyết duy khoa học có các hạn hẹp của nó, vì nó không có các câu trả lời cho mọi câu hỏi, nhất là câu hỏi liên quan tới ý nghĩa cuộc sống của con người. Cũng chính vì thế, Giáo Hội phải luôn luôn hiện diện trong các vấn đề liên quan tới nhân loại như luân lý sinh học, trợ tử hay vũ khí nguyên tử…

 Kitô giáo chống nền văn hoá băng hoại ngày nay


Phỏng vấn nhà báo Jean Pierre Denis về Kitô giáo như lực lượng chống lại nền văn hoá băng hoại thống trị ngày nay

Trong các ngày 7 đến 10-10- 2011, Đại hội Văn hoá Pháp đã diễn ra tại thành phố Lille, miền bắc nước Pháp. Tham dự đại hội đã có hàng trăm nhà trí thức gồm cả các giám mục, các mục sư Tin lành, các triết gia, văn nghệ sĩ, giới báo chí và hàng ngàn người thuộc nhiều thành phần xã hội khác nhau. Trong 3 ngày đại hội, hàng trăm thuyết trình viên đã hướng dẫn 60 cuộc hội thảo khác nhau về đề tài: “Có cần phải sợ hãi hay không?”.

Trong số các thuyết trình viên có ông Jean Vanier, người sáng lập Cộng đoàn “Con Tàu”; Jean Claude Guillebaud, nhà báo chuyên viết khảo luận; Fabrice Hadjadj, triết gia; Chantal Delsol, nữ tư tưởng gia; Therèse Lebrun, nữ Viện trưởng Đại học Công giáo Lille; Claude Baty, Chủ tịch Liên hiệp Tin lành Pháp; Đức cha Vincent Landel, Tổng Giám mục Rabat ở Marốc…

Ngoài ra, còn có 2 buổi hoà nhạc, một trong Nhà thờ Chính toà Lille với tựa đề “Người hành hương Santiago” do Jean Francois Capony sáng tác; một trong Nhà thờ Thánh Maurice với tựa đề “Đêm của Kitô giáo”.

Xem kẽ cũng có những lúc thinh lặng cầu nguyện và các chứng từ của Marine Ulrich, thành viên Đại Nhạc hội “Anuncio” Madrid, và của Guy Aurenche, Chủ tịch Tổ chức Trái đất Liên đới.

Cùng tham dự Đại hội nói trên cũng có ông Jean Pierre Denis, văn sĩ, nhà báo, phóng viên kiêm thi sĩ, chủ bút tuần san “La Vie” và là tác giả cuốn sách mới xuất bản với tựa đề “Tại sao Kitô giáo gây gương mù gương xấu?”. Trong cuốn sách, văn sĩ Denis đã lấy lại luận thuyết của triết gia Jacques Ellul, cho rằng khi bị gạt ra “vùng ngoại ô” và trở thành một lực lượng chống lại nền văn hoá duy vật, tiêu thụ, hưởng thụ và tương đối hoá luân lý hiện đại, Kitô giáo bị coi là “phá hoại” đối với tư tưởng đang thống trị xã hội ngày nay. Tuy là thiểu số, các tín hữu Công giáo có thể trở thành một điểm tham chiếu, vì chỉ có họ là có các câu trả lời cho cuộc khủng hoảng xã hội hiện nay.

Ngày 26-1-2011, trong buổi thuyết trình thảo luận về đề tài “Tại sao Kitô giáo gây gương mù gương xấu?” tại thành phố Saint Etienne, văn sĩ Denis khẳng định ý muốn của mình là tái lập uy tín cho Kitô giáo trong niềm tin và tinh thần lạc quan, trong một xã hội đã đánh mất đi các giá trị Kitô nhưng đồng thời cũng đang mò mẫm kiếm tìm các giá trị vững vàng cho cuộc sống. Thật thế, rất nhiều tín hữu Kitô bị mất tinh thần và bi quan tự hỏi: “Kitô giáo sẽ đi về đâu? Ai sẽ là những người làm đầy các nhà thờ của chúng ta trong tương lai? Chúng ta có thế đứng nào trong một xã hội không còn là xã hội Kitô nữa?” Nhà văn Denis lấy lại câu nói của Linh mục Chính thống Alexander Men, bị ám sát trong các đường phố thủ đô Matscơva, “Kitô giào mới chỉ bắt đầu” và ông bày tỏ sự lạc quan hy vọng của mình. Theo ông, Giáo Hội không bị khủng hoảng, chỉ có xã hội nói chung là bị khủng hoảng mà thôi. Lịch sử Kitô giáo bao gồm các cuộc khủng hoảng đối với khoa học, nhưng các cuộc khủng hoảng này mời gọi Giáo Hội chuyển động và duyệt xét lại nhiều vấn đề quan trọng.

Chủ thuyết duy khoa học có các hạn hẹp của nó, vì nó không có các câu trả lời cho mọi câu hỏi, nhất là câu hỏi liên quan tới ý nghĩa cuộc sống của con người. Cũng chính vì thế, Giáo Hội phải luôn luôn hiện diện trong các vấn đề liên quan tới nhân loại như luân lý sinh học, trợ tử hay vũ khí nguyên tử…

Tuy nhiên, Kitô giáo không còn ở trong trung tâm của nền văn hoá ngày nay nữa, nhưng là ở ngoài lề xã hội và trở thành lực lượng chống lại nền văn hoá hiện đại. Các Kitô hữu là những người “không tưởng” trong nghĩa tích cực của từ này, vì họ cho rằng xã hội loài người có thể tốt lành hơn. Họ là những người đem lại niềm hy vọng với các giá trị mà họ bảo vệ; chúng khác xa với các giá trị đang khống chế xã hội hiện nay.

Hỏi: Thưa văn sĩ Denis, nhiều người trong giới văn hoá đời, như Régis Debray và Marcel Gauchet, thừa nhận sức nặng của nền văn hoá Kitô tại Âu châu. Nhưng trên bình diện xã hội và truyền thông, đức tin Kitô đã phải chịu một sự thụt lùi nặng nề. Làm thế nào để ra khỏi ngõ cụt này, thưa ông?

Đáp: Tôi tin rằng giới ưu việt truyền thông văn hoá tiếp tục nghĩ rằng Kitô giáo không còn có gì để nói với xã hội chúng ta nữa; trái lại, cần phải trấn áp Kitô giáo và khoá miệng tín hữu Kitô. Tuy nhiên, trên bình diện tổng quát hơn, trong xã hội tại Pháp so với cách đây vài năm, người ta được biết là có sự tò mò lớn hơn đối với Kitô giáo. Vì vậy, phải đạp đổ bức tường phân cách giữa Giáo Hội và cuộc sống xã hội. Thực tế là Kitô giáo bị gạt ra bên lề trong môi trường văn hoá của chúng tôi. Tự nó, đây không phải là một điều xấu, vì nó diễn tả việc trở lại với tình trạng ban đầu, nghĩa là với bản chất bị chỉ trích và gạt ra ngoài lề trong các thế kỷ đầu của Giáo Hội. Tại Pháp, các Kitô hữu không phải là một sức mạnh xã hội, trái lại, họ là thí dụ của “sự yếu đuối”. Và với các giá trị của Kitô giáo, tín hữu có thể thực sự phục vụ nhân loại, đặc biệt trong các xã hội Tây phương. Chúng ta đang đứng trước một điểm quặt trong lịch sử của Kitô giáo Tây phương: việc bị gạt bỏ ngoài lề trở thành yếu tố canh tân đối với đức tin, và một khả năng mới của sự hợp thức hoá văn hoá.

Hỏi: Văn sĩ coi vài giá trị Kitô như sự khiết tịnh, tính chất nhưng không, sự giòn mỏng, việc phụng tự… như là các yếu tố “ngược với văn hoá” của thời đại chúng ta. Cả từ phía những người không tín ngưỡng cũng có các tín hiệu như thế hay sao?

Đáp: Xã hội Âu châu đang thay đổi: càng ngày càng có nhiều người nhận ra rằng họ bị hệ thống duy vật hiện hành khống chế, trong đó người ta buôn bán mọi sự, và tiêu chuẩn cuối cùng chỉ là kinh tế. Nhưng cũng có những người, có tín ngưỡng cũng như không có tín ngưỡng, hiểu được cuộc khủng hoảng của mô thức này, và họ tìm kiếm các giá trị khác để tái định nghĩa minh ước xã hội. Họ tin nơi một xã hội có mô thức hợp với con người. Vì thế, khi thấy giới truyền thông trình bày Kitô giáo như là cái gì già nua và bảo thủ, nó khiến cho tôi nực cười. Đức tin chính là điều trái ngược: nó “tiến bộ”, nó “đi trước” vì nó đề nghị các kiểu sống chống lại khuynh hướng duy tự do và chống lại chủ trương duy tiêu thụ. Càng ngày càng có nhiều người coi các Kitô hữu và các giá trị Kitô như là “chống văn hoá”. Tôi cầu mong cho các người ấy gặp gỡ Chúa Kitô và các giá trị Kitô.

Hỏi: Thưa văn sĩ Denis, ông có thể đơn cử vài thí dụ liên quan tới các giá trị khác, giữa những người tin và những người không tin hay không?

Đáp: Cách đây vài năm tại nước Pháp này, người ta đã hăng say thảo luận về việc mở các siêu thị và hàng quán trong ngày Chúa Nhật. Giáo Hội đã mạnh mẽ chống lại chủ trương này, và giải thích rằng lập trường của mình không có tính cách “tôn giáo”, nhưng là để bảo vệ thiện ích của con người, bảo vệ giá trị của ngày lễ, của tính cách nhưng không, giá trị của gia đình… Các tín hữu Công giáo đã bênh vực giá trị cho rằng thời gian không thể là một món hàng để buốn bán. Rất nhiều người Pháp đã hiểu rằng Giáo Hội chống lại hiện tượng làm việc ngày Chúa Nhật không phải vì lợi lộc của mình, mà chỉ vì thiện ích và hạnh phúc của con người mà thôi.

Một thí dụ khác là vấn đề luân lý sinh học: từ vài năm nay, càng ngày người ta càng hiểu hơn rằng Giáo Hội không nói “không” với vài lập trường nào đó, bởi vì Giáo Hội là kẻ thù của sự tiến bộ. Nhưng Giáo Hội nói không vì bảo vệ phẩm giá con người như giá trị đại đồng. Một thí dụ cụ thể đó là, cách đây ít lâu trong một cuộc thảo luận trên đài truyền hình, bà Sylvie Agacinski, triết gia theo huynh hướng nữ quyền, vợ của nguyên thủ tướng Jospin, tuy là người không tín ngưỡng nhưng cũng đã đồng ý với lập trường của Giáo hội Công giáo liên quan tới đề tài “cho mướn tử cung”, chính vì lý do bảo vệ phẩm giá con người của Giáo Hội.

Hỏi: “Ở đâu có Thiên Chúa, ở đó có tương lai”, đó là khẩu hiệu chuyến viếng thăm mục vụ Cọng hoà Liên bang Đức của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI và là điều được ngài nhấn mạnh nhiều lần. Văn sĩ là một trong những người linh hoạt đại hội “Các tình trạng chung của Kitô giáo” tại Lille này. Trong cuộc khủng hoảng hiện nay, tín hữu Kitô phải góp phần như thế nào?

Đáp: Trong đại Hội tại Lille, chúng tôi đưa ra câu hỏi này: “Có cần phải sợ hãi không?”. Tại Pháp, chúng tôi đã bất đầu sống bầu khí bầu cử tống thống sẽ diễn ra vào năm 2012 tới đây. Có các nỗi lo sợ len lỏi vào trong lòng xã hội: lo sợ không chỉ trên bình diện kinh tế, nhưng cũng còn có sự sợ hãi Hồi giáo và sợ hãi cho tương lai của con người nữa. Thế rồi, còn có sự không chắc chắn khiến cho chúng tôi lo sợ rằng con cái của chúng tôi sẽ không có được cùng các điều kiện sống như chúng tôi. Các nỗi sợ hãi cũng phổ biến trong các quốc gia khác của Âu châu. Vì thế, theo tôi, vai trò của các Kitô hữu trước hết là phải lắng nghe các nỗi sợ hãi đó, và đừng làm như thể là không có các sợ hãi liên quan tới kinh tế, môi sinh, ý nghĩa cuộc sống. Câu trả lời thứ hai liên quan tới việc loan báo sự hiệp nhất của con người đối với mọi nỗi sợ hãi: các sợ hãi đó liên quan tới toàn con người và chúng cần một câu trả lời toàn cầu. Tại Âu châu ngày nay, các Kitô hữu là những người duy nhất có một câu trả lời mạnh mẽ cho cuộc khủng hoảng hiện nay trong xã hội.

(Avvenire 7-10-2011)