22/01/2025

Ngày Thế giới Truyền giáo 2011

Chúa Nhật 23-10-2011, Ngày Thế giới Truyền giáo đã được cử hành khắp nơi trên thế giới. Mục đích ngày này là tạo ý thức cho Kitô hữu biết bổn phận của từng người phải rao truyền Tin Mừng cho các anh chị em chưa biết Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng yêu thương của Người.

 Ngày Thế giới Truyền giáo 2011

Phỏng vấn Đức TGM Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ Truyền Giáo, về Ngày Thế giới Truyền giáo 2011

Chúa Nhật 23-10-2011, Ngày Thế giới Truyền giáo đã được cử hành khắp nơi trên thế giới. Mục đích ngày này là tạo ý thức cho Kitô hữu biết bổn phận của từng người phải rao truyền Tin Mừng cho các anh chị em chưa biết Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng yêu thương của Người.

Ngày Thế giới Truyền giáo đã được Bộ Truyền giáo đề nghị với Đức Giáo hoàng Pio XI năm 1926. Năm sau đó, Đức Giáo Hoàng đã chấp nhận đề nghị này, và Ngày Thế giới Truyền giáo đã được cử hành lần đầu tiên năm 1927. Đức Pio XI cũng ấn định việc cử hành vào Chúa Nhật áp chót tháng 10 hằng năm, mà truyền thống cũng coi là tháng truyền giáo.

Thật ra, nguồn gốc sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội bắt nguồn từ chính lệnh truyền của Chúa Giêsu Kitô. Trước khi về trời Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh đã trao phó sứ mệnh này cho các Tông đồ khi nói với các vị: “Các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây, Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20). Tuy nhiên, trong 3 năm rao giảng Tin Mừng Nước Trời, Chúa Giêsu cũng đã cho các môn đệ và dân chúng thấy Ngài được Thiên Chúa Cha sai đến cho mọi dân tộc. Khi dân chúng miền Giuđêa muốn giữ Ngài ở lại với họ lâu hơn, Chúa Giêsu nói: “Thầy còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì Thầy được sai đi cốt để làm việc đó” (Lc 4,43).

Trong cuộc tranh luận với người Do Thái, Chúa Giêsu khẳng định Ngài là Mục Tử Nhân Lành và nói: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng Tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (Ga 10,16). Là môn đệ Chúa Giêsu, các Kitô hữu cũng có cùng sứ mệnh loan báo Tin Mừng Nước Trời, mỗi người trong cương vị, khả năng và hoàn cảnh sống của mình.

Sau đây, chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn một số nhận định của Đức Tổng Giám mục Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ Truyền giáo, về Ngày Thế giới Truyền giáo năm 2011.

Hỏi: Thưa Đức cha Tổng trưởng Bộ Truyền giáo, Ngày Thế giới Truyền giáo năm nay có chủ đề là: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”, trích từ Phúc Âm Thánh Gioan. Đức Cha nghĩ gì về chủ đề này?

Đáp: Việc Đức Thánh Cha chọn chủ đề này trước hết liên quan tới Thiên Chúa Cha, vì sứ mệnh truyền giáo đến từ Chúa Cha, được Chúa Cha giao phó cho Đức Giêsu và Đức Giêsu trao phó cho con người: ở đây là các Tông đồ, và các Tông Đồ trao lại cho các người kế vị và cho toàn Giáo Hội. Thế rồi, lịch sử cho phép chúng ta đem lời loan báo này tới khắp nơi và tới với mọi quốc gia trên thế giới. Cho tới khi nào còn có một người chưa biết tới Tin Mừng, chưa biết tới tình yêu của Thiên Chúa, thì Giáo Hội và cách riêng Bộ Truyền giáo của chúng tôi, vẫn còn có nhiệm vụ loan báo Tin Mừng cho người ấy: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai chúng con”. Giáo Hội đang ở trong thời điểm này, là được sai đi để thực hiện lệnh truyền của Chúa Giêsu.

Hỏi: Thưa Đức Cha, Bộ Truyền giáo đã được thành lập để đặc trách việc rao giảng Tin Mừng đầu tiên cho các dân nước. Nhưng ngày nay, Ngày Thế giới Truyền giáo có ý nghĩa gì trong bối cảnh của việc tái truyền giảng Tin Mừng?

Đáp: Việc tái truyền giảng Tin Mừng đặc biệt liên quan tới những người đã lãnh nhận và hiểu biết Tin Mừng hay đã chấp nhận Tin Mừng trong Bí tích Rửa Tội, nhưng hầu như đã quên đi, nếu không nói rằng không còn biết tới Tin Mừng nữa. Ngày Thế giới Truyền giáo, trái lại, nhấn mạnh công tác loan báo Tin Mừng đầu tiên như Công đồng Chung Vatican II đã khẳng định trong Sắc lệnh về Truyền giáo “Ad Gentes”: “Nhiệm vụ đầu tiên của Giáo Hội là loan báo Tin Mừng. Nhưng cùng với việc loan báo cũng có việc tái truyền giảng Tin Mừng cho những ai đã nhận Tin Mừng nữa. Như là Bộ đặc trách về việc truyền giáo, chúng tôi dấn thân đi đến với 5 tỷ anh chị em trên thế giới chưa biết Tin Mừng, và đó là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi.

Hỏi: Việc quyên góp trong Ngày Thế giới Truyền giáo có nhắm mục đích đặc biệt nào không, thưa Đức Cha?

Đáp: Các cuộc quyên góp trong Ngày Thế giới Truyền giáo đều nhắm tới các hoạt động truyền giáo khác nhau, từ việc loan báo Tin Mừng cho đến việc cấy trồng Giáo Hội tại những nơi nào chưa có và đảm trách mọi dự án để cho công tác truyền giáo được tiến triển. Như thế, các cuộc lạc quyên này nhằm trợ giúp việc thành lập các giáo phận, đào tạo hàng giáo sĩ, huấn luyện hàng tu sĩ, tạo ra các cơ cấu và mọi yếu tố cần thiết cho cuộc sống sinh động của Giáo Hội, cho việc rao truyền Tin Mừng, cho cuộc sống phụng vụ, cũng như cho việc xây cất các nhà thờ, các cơ sở cho việc đào tạo giới trẻ nam nữ như các trường học, thường là các trường tiểu học, nhưng cũng có các trường trung học, và trong một vài trường hợp cũng có có các đại học nữa. Việc trợ giúp này cũng liên quan tới toàn thực tại cuộc sống của con người, và như thế cũng liên quan tới công tác thăng tiến cuộc sống con người, cuộc sống của các trẻ em và việc săn sóc sức khoẻ… Như vậy, có cả một thế giới mênh mông được trợ giúp nhờ lòng quảng đại của các tín hữu Kitô. Qua các đóng góp đó, tín hữu tham dự một cách cụ thể vào việc loan báo Tin Mừng, mà họ không trực tiếp thi hành. Như thế, chúng ta có các thừa sai là những người dấn thân loan báo Tin Mừng một cách trực tiếp, họ là các linh mục tu sĩ và giáo dân nam nữ dấn thân truyền giáo. Thế rồi cũng có việc trợ giúp vật chất để việc loan báo Tin Mừng có thể đến với con người sống tại khắp mọi nơi. Do đó, mỗi đóng góp đều quan trọng. Nó giống như sự đóng góp của bà goá nghèo. Nó sẽ không cứu thoát, nhưng sẽ yểm trợ rất nhiều cho công trình cứu rỗi của Thiên Chúa và việc trợ giúp các anh chị em khác là bổn phận của tất cả mọi Kitô hữu.

Hỏi: Thưa Đức Cha Tổng trưởng Bộ Truyền giáo, Chúa Nhật 16-10 vừa qua Đức Thánh Cha đã công bố “Năm Đức Tin”, bắt đầu cử hành vào tháng 10-2012 để đẩy mạnh sứ mệnh của toàn thể Giáo Hội. Đức Cha nhìn Năm Đức Tin này với tinh thần nào?

Đáp: Tôi nhìn Năm Đức Tin này với tinh thần tràn đầy hy vọng, đặc biệt đối với việc rao truyền Tin Mừng. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã cố ý chọn loan báo Năm Đức Tin trước Ngày Thế giới Truyền giáo. Ngài nói rằng “đức tin phải được loan báo với niềm vui trong thời đại chúng ta”. Nó là một đức tin phải được đem đến cho những người đã hiểu biết nó, cũng như cho những người không hiểu biết nó. Việc ấn định cử hành bắt đầu vào tháng 10 là tháng mang nhiều ý nghĩa: Đức Chân phước Giáo hoàng Gioan XXIII đã bắt đầu Công đồng Chung Vatican II vào ngày 12-10; tháng 10 cũng thường là tháng nhóm họp các Thượng Hội đồng Giám mục, kể cả Thượng Hội đồng Giám mục cho Phi châu; rồi chính trong bối cảnh của Ngày Thế giới Truyền giáo tháng 10, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã loan báo việc cử hành Năm Đức Tin bắt đầu vào tháng 10 sang năm. Sự kiện này nhắc tới chiều kích đại đồng, không chỉ của việc tái truyền giảng Tin Mừng, mà của việc tái truyền giảng Tin Mừng trong sự hoà hợp đối với sứ mệnh “đến với muôn dân”, là nhiệm vụ đặc thù của Bộ Truyền giáo.

Hỏi: Thưa Đức Tổng Giám mục Filoni, như là Tổng trưởng Bộ Truyền giáo cho các Dân tộc, Đức Cha sẽ tháp tùng Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong chuyến công du mục vụ sắp tới của ngài tại Benin ở Phi châu với tinh thần nào?

Đáp: Chúng tôi đã có một giai đoạn chuẩn bị cho Thượng Hội đồng Giám mục Phi châu lần thứ II. Đức Thánh Cha đã sang Phi châu để trao “Tài liệu làm việc” giúp các Giám mục Phi châu chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng này. Thế rồi chúng tôi đã nhóm họp Thượng Hội đồng Giám mục tại Rôma, và giờ đây là thời điểm kết thúc. Đức Thánh Cha sẽ sang Benin để trao Tông huấn hậu Thượng Hội đồng Giám mục Phi châu lần thứ II cho Giáo Hội tại Phi châu. Nó là hoa trái của các chuẩn bị và cử hành vừa kể trên đây. Và Đức Thánh Cha làm điều này ngay trên đất Phi châu, để phục vụ sự hoà giải, công lý và hoà bình, mà lục địa này đang thực sự cần có. Dĩ nhiên, khẩu hiệu của Thượng Hội đồng Giám mục cho Phi châu lần thứ II, “Các con là muối đất, các con là ánh sáng thế gian”, cũng trở thành lệnh khẩn, mà Giáo Hội được mời gọi thi hành trong lục địa Phi châu này.

(RG 20-20-211)