23/12/2024

Chúa Nhật XXVII TN – A: Trách nhiệm với vườn nho Chúa

Dụ ngôn vườn nho trong Tin Mừng nói lên toàn bộ lịch sử của dân Do Thái, họ đã phản bội Chúa như thế nào và vẫn còn được Chúa Giêsu kêu gọi trở lại với Thiên Chúa ra sao.

  Trách nhiệm với vườn nho Chúa

Hành Khất Kitô

 Lời mở

Các bài Kinh Thánh của Chúa Nhật 27 Thường Niên hôm nay như mời gọi chúng ta suy nghĩ về vườn nho của Chúa. Vườn nho ấy là gì, tình trạng như thế nào và làm sao để phát triển vườn nho ấy?

1. Vườn nho Chúa là dân tộc Israel, là Giáo hội Chúa Kitô

1.1. Vườn nho Israel

Bài ca vườn nho mà tiên tri Isaia nói trong bài đọc I (x. Is 5,1-7) luôn được những người Do Thái hát lên vào mỗi mùa hè, khi thu hoạch trái nho, để nhắc nhở họ về tình trạng dân tộc: họ chính là vườn nho được Chúa yêu thương, săn sóc, đỡ nâng và ban muôn ơn lành như ông chủ vườn đã rào dậu chung quanh, xây tháp, trồng vào đó những giống nho tốt để mong thu lợi trong mùa gặt hái.

Thế nhưng, dân Do Thái đã không đáp lại ơn Chúa, họ đã trở thành những trái nho chua qua đời sống bất chính: “Chúa mong họ sống công bình mà chỉ thấy toàn là đổ máu, đợi chờ họ làm điều chính trực mà chỉ nghe vẳng tiếng khóc than” (Is 5,7). Vì thế, Chúa đã nổi giận với dân Israel, để cho dân ngoại bang đến xâm lăng, tàn phá, nhiều người phải bị lưu đày sang Babylon từ năm 587-538 trước Công nguyên. Sau đó Chúa lại quy tụ họ về vào năm 539, cho phát triển, cho xây dựng lại đền thờ Giêrusalem vào năm 515 trước Công nguyên. Mỗi khi hát lại bài ca này, người Do Thái nhớ lại lịch sử dân tộc để trung thành với Chúa, sống công chính, tốt đẹp.

1.2. Vườn nho Giáo Hội

Chúng ta cũng đang được mời gọi để nhìn vào dân Thiên Chúa, nhìn vào Giáo hội Việt Nam cũng như Giáo Hội toàn cầu vì đó cũng là vườn nho của Chúa: được Chúa yêu thương, săn sóc và ban muôn ơn lành. Nhưng chúng ta đã sống thế nào? Chúng ta có sống công chính, tốt đẹp để người khác nhìn vào đời sống mà tin theo Chúa Kitô và gia nhập Hội Thánh? Đó là câu hỏi đặt ra cho chúng ta trong tháng Mười này, tháng có Chúa Nhật Truyền giáo, nhất là chúng ta vừa kính nhớ thánh Têrêsa, Bổn mạng các xứ truyền giáo.

Nhìn vào cánh đồng truyền giáo tại châu Á: hiện nay châu Á có hơn 4 tỷ người, trong đó có khoảng 140 triệu người Công giáo – tức là chỉ chiếm có 3% dân số. Trong 2000 năm truyền giáo chúng ta đạt kết quả rất ít. Nếu so sánh với anh em Tin Lành, nhất là phái Ngũ Tuần, trong 100 năm qua, toàn thế giới có khoảng 600 triệu người có cảm tình với phái Ngũ Tuần; tại châu Á có 165 triệu người (theo báo cáo tại Hội nghị Liên tôn 2010 và Đại hội Truyền giáo châu Á 2010 ở Seoul do Hội đồng Giám mục Hàn Quốc tổ chức). Sau100 năm, người ta có 165 triệu; sau 2000 năm, chúng ta chỉ có 140 triệu! Chúng ta tự hỏi đời sống chúng ta có còn đủ sức thu hút người khác đến với Chúa không?

Tại Việt Nam, 50 năm qua, hay đúng hơn: từ 125 năm qua, chúng ta vẫn giữ nguyên 7% dân số Công giáo, không tăng được phần trăm nào. Trong khi anh em Tin Lành, vào năm 1999, có khoảng 400 ngàn tín hữu tại Việt Nam; năm 2009 tăng tới trên 734 ngàn người, nghĩa là tăng gần gấp đôi theo số liệu Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở tại Việt Nam vào ngày 1-4-2009. Chúng ta nghĩ thế nào về cuộc sống của người tín hữu Công giáo Việt Nam? Chúng ta hãnh diện vì có rất đông linh mục tu sĩ chủng sinh và giáo l‎ý viên, giáo đân đi lễ rất đông, làm việc bác ái cũng khá nhưng tại sao đời sống của chúng ta lại không giúp người ngoài Công giáo cảm nghiệm được Đức Giêsu Kitô mà tin theo Người?

2. Những tá điền canh tác vườn nho

2.1. Những người chịu trách nhiệm về vườn nho Israel

Trong bài Phúc Âm (x. Mt 21,33-43), chúng ta thấy vườn nho của Chúa là Nước Chúa. Nước Chúa gồm tất cả những con người, trong đó có các dân tộc, tin theo Đức Kitô. Chúa đã yêu thương, ban muôn ơn lành và làm tất cả cho vườn nho của Ngài. Rồi Ngài đã giao phó vườn nho đó cho những người có trách nhiệm canh tác bảo vệ như những tá điền được ông chủ thuê mướn.

Thế nhưng, trong lịch sử dân Do Thái, những người có trách nhiệm như vua quan, tư tế, luật sĩ đã không bảo vệ và yêu qu‎ý Nước Thiên Chúa. Nhất là những thượng tế và kỳ lão của dân tộc Israel: họ đã không gìn giữ vườn nho Chúa, trái lại họ chỉ tìm lợi cho mình. Vào thời Chúa Giêsu, họ cộng tác với chính quyền Roma để đạt được những lợi ích vật chất. Chúa đã sai các Tiên tri đến với dân tộc giống như người chủ sai các đầy tớ đến với bọn tá điền bất lương, nhưng tất cả đều bị nhục mạ, bị đánh đập, hay bị giết chết. Sau cùng, Chúa sai chính Con Một của Ngài là Đức Giêsu đến và họ cũng giết luôn Con của Ngài. Vào năm 70 sau Công nguyên, đền thờ Giêrusalem lại bị phá bình địa, dân tộc Do Thái lưu lạc khắp thế giới và mới chỉ xây dựng lại đất nước vào năm 1948.

Dụ ngôn vườn nho trong Tin Mừng nói lên toàn bộ lịch sử của dân Do Thái và tất cả những người có trách nhiệm đối với dân Chúa, họ đã phản bội Chúa như thế nào và vẫn còn được Chúa Giêsu kêu gọi trở lại với Thiên Chúa ra sao.

2.2. Những người có trách nhiệm với Nước Chúa hôm nay

Tuy nhiên, đây cũng là dịp để chúng ta suy nghĩ về trách nhiệm của chúng ta đối với cộng đồng Dân Chúa. Chúng ta là các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân ưu tuyển. Chúng ta đã được Chúa yêu thương, kêu gọi, chọn lựa, ban muôn vàn ân sủng và giao phó cho chúng ta trách nhiệm làm cho dân ấy mỗi ngày một phát triển hơn, để cho nhiều người khác tin vào Đức Giêsu Kitô hơn. Nhưng chúng ta đã sống như thế nào và vườn nho ấy có thật sự phát triển không?

Chúng ta đang được mời gọi nhìn lại đời sống của chúng ta, nhất là những người có trách nhiệm, để tích cực phát triển Nước Trời, không phải chỉ bằng cầu nguyện mà thôi, nhưng còn phải biết tổ chức, phải hành động tích cực cho vườn nho thiêng liêng này như những tá điền biết bón phân, tưới nước, nhổ cỏ, bắt sâu, tỉa cành cho các cây nho sinh trái. Đức Giêsu là cây nho thật, cây nho thần linh và chúng ta là những cành nho gắn kết mật thiết với Người để sinh ra những trái ngọt sự sống diệu kỳ.

Vì thế, nhiệm vụ căn bản của mỗi người là phải liên kết với Chúa Giêsu bằng đời sống cầu nguyện và tham dự các bí tích, nhất là bí tích thánh Thể. ĐTC Bênêđictô XVI đã khẳng định: “Trở thành Kitô hữu không phải là kết quả của một sự lựa chọn đạo đức hay của một ý tưởng cao cả, nhưng là sự gặp gỡ với một biến cố, một con người, Đức Giêsu Kitô. Cuộc gặp gỡ này đem sức sống đến cho một chân trời mới và một hướng đi có tính quyết định… Sự gặp gỡ thân mật này giúp cho các cá nhân chia sẻ mối quan hệ của Chúa Con với Cha của Người và trải nghiệm quyền năng Chúa Thánh Thần… Đây là kinh nghiệm mới mẻ về Thiên Chúa của người Kitô hữu” (x. Đề Cương THĐGM 2012, số 11).

 

2.3. Làm thế nào để phát triển vườn nho Chúa?

Là những người có trách nhiệm trong Giáo Hội, chúng ta hãy nhìn lại cuộc sống của mình, không phải chỉ tham dự thánh lễ, đọc kinh cầu nguyện hay làm vài việc bác ái mà, như lời của ĐTC Gioan Phaolô II nhắc nhở nhiều lần: chúng ta hãy trở về với Đức Giêsu và xuất phát lại từ Người. Trở lại với Đức Kitô để được Người chuyển thông sức mạnh, tình yêu, ân phúc cho ta và biến đổi từng hành động, dù là rất nhỏ bé của ta trong đời sống hằng ngày, thành hành động rao giảng Tin Mừng cứu độ của Chúa Giêsu. Lúc bấy giờ những hành động nhỏ bé ấy mới mang giá trị vô biên, giống như thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu: cả một đời không ra khỏi tu viện mà vẫn được phong làm bổn mạng các xứ truyền giáo. Chị đã biến những hy sinh, lời cầu nguyện, thánh lễ và các công việc thường ngày thành hành động truyền giáo.

Chúng ta hãy đưa Tin Mừng của Chúa Giêsu vào trong đời sống hằng ngày để cho niềm vui, bình an, sự sống diệu kỳ của Chúa chứa đựng trong từng lời nói, cử chỉ, nụ cười, hành động dù rất nhỏ bé của ta thành hành động rao giảng Tin Mừng. Cuộc gắn bó ấy rất đơn sơ, nhẹ nhàng, không đòi chúng ta phải làm những việc lạ lùng, chúng ta chỉ cần nói với Chúa: “Lạy Chúa, con xin ăn giờ này, làm việc này, chịu đựng nỗi nhục nhã này vì yêu Chúa, yêu anh chị em con!”. Khi gắn bó với Chúa Giêsu như vậy, Người sẽ chuyển thông sức mạnh, quyền năng, ân sủng cho chúng ta để khi chúng ta tiếp xúc với ai, người đó được vui mừng; khi đụng chạm đến ai thì người đó được chữa lành; khi gặp gỡ ai thì người đó được thoát khỏi sự kiềm chế của ma quỷ.

Chúng ta hãy nhìn vào Người Mẹ Thánh. Hãy bắt đầu bằng tràng hạt Mân Côi, nhưng không phải cố gắng đọc hết chuỗi này đến chuỗi khác. Tràng hạt Mân Côi luôn luôn nhớ nhở chúng ta gắn bó với Đức Giêsu Kitô như Người Mẹ Thánh để đọc bằng Thần Khí: “Thánh Thần sẽ đến với Bà và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm Bà”. Chúa Thánh Thần chính là Thần Khí với những ơn phúc của Ngài, nên chỉ khi nào chúng ta kết hợp với Chúa Thánh Thần giống như Mẹ Maria, chúng ta mới cưu mang được Chúa Giêsu trong lòng và mới sinh Chúa Giêsu cho người khác. Nếu không đọc bằng Thần Khí, lời kinh Mân Côi chỉ còn là lời ngoài môi miệng.

Lời kết

Hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta tìm cách trở về với Đức Kitô và xuất phát lại từ Người trong đời sống hằng ngày và qua tràng chuỗi Mân Côi, chúng ta sẽ biến đời sống mình thành lời kinh truyền giáo, lời kinh mang lại ơn cứu độ cho con người, chuyển cầu những ân phúc cho người khác giống như Mẹ Maria. Như thế, chúng ta mới trở thành một Tin Mừng sống động, giới thiệu Đức Kitô cho người khác và xứng đáng là người thợ làm vườn nho qu‎ý giá của Chúa Cha.