24/01/2025

Giáo hội Đức có gương mặt trẻ trung

Tôi sung sướng thấy Giáo hội Đức có gương mặt trẻ trung và niềm vui là người Công giáo. Đức Thánh Cha đã khẳng định như trên trong buổi tiếp kiến hơn 25.000 tín hữu và du khách hành hương 5 châu sáng thứ tư 28-9-2011 tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Giáo hội Đức có gương mặt trẻ trung

Tôi sung sướng thấy Giáo hội Đức có gương mặt trẻ trung và niềm vui là người Công giáo.

Đức Thánh Cha đã khẳng định như trên trong buổi tiếp kiến hơn 25.000 tín hữu và du khách hành hương 5 châu sáng thứ tư 28-9-2011 tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Đức Thánh Cha vừa mới viếng thăm Cộng hoà Liên bang Đức, nên trong bài huấn dụ ngài đã chia sẻ với tín hữu một số cảm tưởng của ngài về chuyến viếng thăm mục vụ vừa qua. Chuyến viếng thăm đã khiến cho ngài đi từ miền nam lên miền bắc, từ đông sang tây, từ thủ đô Berlin tới Erfurt và Eichsfeld và sau cùng là Freiburg, thành phố gần biên giới hai nước Pháp và Thuỵ Sĩ.

Đức Thánh Cha nói: Chuyến viếng thăm này diễn ra với khẩu hiệu “Ở đâu có Thiên Chúa, ở đó có tương lai”, đã thực sự là một ngày đại lễ của đức tin: trong các cuộc gặp gỡ và nói chuyện, trong các buổi cử hành, đặc biệt là các thánh lễ trang trọng với dân Chúa. Các thời điểm này đã là một ơn quý báu làm cho chúng ta tái nhận thức được Thiên Chúa ban cho cuộc sống chúng ta ý nghĩa sâu xa hơn và sự tràn đầy đích thật chừng nào, còn hơn thế nữa, chỉ có Chúa mới ban cho chúng ta và cho tất cả mọi người một tương lai mà thôi.

Đức Thánh Cha bày tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với sự tiếp đón nồng hậu và hăng say cũng như sự chú ý và lòng trìu mến đối với ngài tại các nơi khác nhau ngài đã thăm viếng. Tiếp đến, Đức Thánh Cha đã kể lại các biến cố của chuyến viếng thăm.

Tại Berlin, nơi Tổng thống Liên bang đã nhân danh toàn dân Đức chào mừng và bày tỏ sự quý mến đối với một Giáo hoàng sinh ra trên đất Đức, Đức Thánh Cha nói ngài đã có thể đưa ra một tư tưởng về tương quan giữa tôn giáo và sự tự do, bằng cách nhắc lại một câu nói nổi tiếng của Đức cha Wilhelm von Ketteler, vị Giám mục cải cách xã hội: “Cũng như tôn giáo cần sự tự do, sự tự do cũng cần tôn giáo”.

Tại Quốc hội Liên bang, lần đầu tiên một vị Giáo hoàng đã đọc diễn văn trước các dân biểu Đức. Trong dịp này, tôi đã trình bày nền tảng của quyền con người và của nhà nước pháp quyền tự do, nghĩa là mẫu mực của mọi quyền được Đấng Tạo Hoá khắc ghi trong chính bản chất các thụ tạo của Người. Vì thế, cần phải nới rộng ý niệm bản chất, bằng cách hiểu nó không chỉ như là một tổng thể các nhiệm vụ, mà còn đi xa hơn như là ngôn ngữ của Đấng Tạo Hoá để giúp chúng ta phân biệt lành dữ.

Trong cuộc gặp gỡ vài đại diện của cộng đoàn Do Thái tại Đức, tôi đã nhắc tới các gốc rễ chung trong niềm tin nơi Thiên Chúa của các tổ phụ Abraham, Isaác và Giacóp, và chúng tôi đã minh nhiên các hoa trái đạt được trong cuộc đối thoại giữa Giáo hội Công giáo và Do Thái giáo tại Đức. Tôi cũng đã gặp vài thành viên của cộng đoàn Hồi giáo, và đồng thuận về tầm quan trọng của quyền tư do tôn giáo đối với sự phát triển hoà bình của nhân loại.

Trong Thánh lễ cử hành tại sân vận động thủ đô Berlin, tôi đã cùng cầu nguyện với tín hữu và khích lệ họ trong đức tin và suy niệm về tầm quan trọng phải kết hợp với Chúa Kitô như các cành nho gắn liền với thân nho. Sự kết hợp ấy sinh tử đối với cuộc sống của từng tín hữu và đối với Giáo Hội là thân mình mầu nhiệm của Chúa.

Tiếp tục bài huấn dụ, Đức Thánh Cha kể lại những sinh hoạt trong chặng thứ hai của chuyến viếng thăm trong vùng Thueringen, là vùng đất của cuộc cải cách Tin lành. Trong thành phố Erfurt, Đức Thánh Cha đã có thể sống kinh nghiệm đại kết, vì chính trong thành phố này Martin Luther đã gia nhập dòng Thánh Augustinô và được thụ phong linh mục. Đức Thánh Cha đã rất vui mừng gặp gỡ các thành viên của Hội đồng Giáo hôi Tin lành Đức và cùng nhau cầu nguyện trong đan viện trước đây của các tu sĩ Augustinô.

Đức Thánh Cha đưa ra nhận xét: Chúng tôi đã thấy trở lại rằng chứng tá chung của niềm tin nơi Chúa Giêsu Kitô trong thế giới ngày nay quan trọng biết chừng nào, một thế giới thường không biết Thiên Chúa hay không chú ý tới Người nữa. Cần phải nỗ lực tiến tới sự hợp nhất trọn vẹn, nhưng chúng tôi cũng ý thức được rằng chúng tôi không thể làm ra đức tin cũng như sự hợp nhất hằng mong ước. Một đức tin do chính chúng ta tìm kiếm không có giá trị nào, và đúng hơn sự hợp nhất đích thực là ơn Thiên Chúa ban. Chúa đã cầu nguyện và luôn cầu nguyện cho sự hợp nhất của các môn đệ Người.

Đức Thánh Cha cũng cảm động nhắc lại buổi hát kinh chiều trọng thể kính Đức Mẹ tại Trung tâm Hành hương Etzelsbach, với sự tham dự của rất đông tín hữu.

Chính trong vùng Eichsfeld này, tín hữu Công giáo đã can đảm kháng cự lại các chế độ độc tài Đức quốc xã và Cộng sản. Tại đây có tượng Đức Mẹ Sầu Bi ôm xác Chúa Kitô, và trong bao thế kỷ, các tín hữu đã phó thác cho Mẹ các lời cầu, các lo lắng và khổ đau của họ, và họ đã nhận được rất nhiều ơn thánh và phước lành của Mẹ. Đức Thánh Cha đã nhắc lại gương sống của các thánh vùng Thueringen như Thánh nữ Elisabeth, Thánh Bonifazio và Thánh Kilian, cũng như gương can đảm của các tín hữu hiên ngang làm chứng cho Chúa dưới các chế độ độc tài, và ngài mời gọi tín hữu nên thánh, trở thành các chứng nhân giá trị của Chúa Kitô và góp phần xây dựng xã hội. Các thánh đã luôn luôn là những người được thấm nhuần tình yêu của Chúa Kitô và thực sự biến đổi xã hội.

Đức Thánh Cha cũng đã gặp gỡ Đức ông Hermann Scheipers, Linh mục cựu tù nhân cuối cùng của Trại Tập trung Dachau còn sống sót. Tại Erfurt, Đức Thánh Cha cũng gặp vài nạn nhân của các vụ giáo sĩ làm dụng tính dục và chia sẻ nỗi khổ đau của họ.

Chặng cuối cùng của chuyến viếng thăm nước Đức là thành phố Freiburg, nơi có nhiều tín hữu Pháp và Thuỵ Sĩ cũng đến tham dự các buổi gặp gỡ.

Đức Thánh Cha đã nói lên cảm tưởng của ngài về buổi canh thức với giới trẻ: Tôi đã hạnh phúc trông thấy rằng đức tin trong quê hương Đức của tôi có một gương mặt trẻ trung, sống động và có một tương lai. Trong lễ nghi ánh sáng gợi hứng tôi đã trao cho người trẻ ngọn lửa của nến Phục sinh, biểu tượng ánh sáng là Chúa Kitô, và khuyến khích họ: “Các con là ánh sáng thế gian”.

Tôi đã lặp lại với họ rằng Giáo hoàng tin tưởng nơi sự cộng tác tích cực của người trẻ: với ơn thánh Chúa Kitô, họ có thể đem lửa tình yêu của Thiên Chúa tới cho thế giới.

Đức Thánh Cha cũng nhắc tới cuộc nói chuyện với các đại chủng sinh dựa trên nội dung bức thư họ gửi cho ngài mấy tuần trước đó. Trong đại chủng viện, ngài cũng gặp gỡ vài dại diện của các Giáo hội Chính thống và Đông phương, là các Giáo hội rất gần gũi với tín hữu Công giáo. Chính từ đó phát xuất nhiệm vụ chung là men cho cuộc canh tân xã hội. Ngoài ra, Đức Thánh Cha cũng gặp đại diện giáo dân Công giáo Đức.

Trong Thánh lễ tại Phi trường Freiburg, Đức Thánh Cha đã chính thức cám ơn tất cả mọi người đã dấn thân trong nhiều lĩnh vực và sinh hoạt khác nhau của Giáo Hội, đặc biệt là các thiện nguyện viên và các cộng sự viên của các sinh hoạt bác ái. Chính nhờ họ mà Giáo hội Đức đã có thể trợ giúp Giáo Hội hoàn vũ, đặc biệt trong các vùng truyền giáo. Sinh hoạt của họ sẽ luôn luôn phong phú, khi bắt nguồn từ đức tin đích thực và sống động, trong sự hiệp nhất với các giám mục, với Đức Giáo Hoàng và với Giáo Hội.

Cuộc gặp gỡ sau cùng là với hàng ngàn tín hữu Công giáo dấn thân trong Giáo Hội và xã hội. Đức Thánh Cha đã đưa ra vài suy tư về hoạt động của Giáo Hội trong một xã hội tục hoá, và mời gọi Giáo Hội thoát ra khỏi các gánh nặng vật chất và chính trị để trong sáng hơn đối với Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau rồi ngài cất kinh Lạy Cha và ban phép lành Toà Thánh cho mọi người.