23/01/2025

Tường thuật ngày thứ ba chuyến viếng thăm CHLB Đức (3/5)

Đức Thánh Cha mời gọi mọi người cảm tạ Chúa, hiên ngang sống đức tin và noi gương các Thánh Kilian, Bonifazio, Adelar, Eoban và Elisabét Thueringen đã từng sống và hoạt động tại đây, để đi đến với tha nhân và mời họ cùng khám phá ra sự phong phú tràn đầy của Tin Mừng.

 Tường thuật ngày thứ ba chuyến viếng thăm CHLB Đức (3/5)

Thứ bảy 24-9-2011 là ngày thứ ba trong chuyến viếng thăm Cộng hoà Liên bang Đức 4 ngày của Đức Thánh Cha. Đức Thánh Cha đã có 5 sinh hoạt chính: lúc 9 giờ sáng, ngài chủ sự Thánh lễ kính Thánh nữ Elisabeth Thueringen trong Nhà thờ Chính toà Erfurt. Tiếp đến, ngài ra phi trường Erfurt đáp máy bay đi Freiburg. Tại đây, Đức Thánh Cha đã viếng thăm Nhà thờ Chính toà trước khi có lễ nghi chào đón tại Quảng trường Muenster của thành phố. Sau 5 giờ chiều, Đức Thánh Cha gặp gỡ đại điện các Giáo hội Chính thống trong Đại Chủng viện Freiburg, rồi nói chuyện với các chủng sinh. Tiếp đến ngài gặp Hội đồng Uỷ ban Trung ương Công giáo Đức, và vào lúc 7 giờ tối, Đức Thánh Cha chủ sự buổi canh thức với giới trẻ tại khu vực hội chợ của thành phố Freiburg. Sau đây là chi tiết các sinh hoạt của Đức Thánh Cha.

Lúc 8 giờ 15 sáng thứ bảy, Đức Thánh Cha đã đi xe bọc kính từ Đại Chủng viện đến quảng trường Nhà thờ Chính toà Erfurt cách đó 3 cây số để chủ sự Thánh lễ kính Thánh nữ Elisabeth Thueringen.

Giảng trong Thánh lễ, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người cảm tạ Chúa, hiên ngang sống đức tin và noi gương các Thánh Kilian, Bonifazio, Adelar, Eoban và Elisabét Thueringen đã từng sống và hoạt động tại đây, để đi đến với tha nhân và mời họ cùng khám phá ra sự phong phú tràn đầy của Tin Mừng.

Một trong những lý do để cảm tạ Thiên Chúa đó là các thay đổi chính trị xã hội. Trong năm Thánh nữ Elisabeth 1981, tức cách đây 30 năm khi Erfurt còn là vùng đất của Đông Đức, có ai ngờ được rằng chỉ ít năm sau bức tường ngăn cách hai miền Tây và Đông Đức sụp đổ? Rồi lùi lại 70 năm nữa, tức vào năm 1941 dưới thời Đức quốc xã, có ai có thể thấy trước là 4 năm sau đó thì “Vương quốc ngàn năm” chìm nghỉm trong đống tro tàn đổ nát? Người dân vùng Thueringen này đã phải gánh chịu hai chế độ độc tài “nâu” của Đức quốc xã và “đỏ” của Cộng sản, và chúng đã gây ra hậu quả giống như một trận mưa axít. Có biết bao nhiêu hậu quả còn phải được tiêu hoá, nhất là trên bình diện trí thức và tôn giáo. Đa số dân chúng bang này đã xa rời niềm tin nơi Chúa Kitô và sự hiệp thông của Giáo Hội. Nhưng các biến cố trong 20 năm qua cũng cho thấy các kinh nghiệm tích cực, chứng minh cho thấy Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta và dẫn đưa chúng ta bước đi trên các con đường mới.

Tiếp tục bài giảng, Đức Thánh Cha nhận định: Chúng ta tất cả xác tín rằng sự tự do mới đã giúp trao ban cho cuộc sống con người một phẩm giá lớn hơn và mở ra nhiều khả thể mới. Cả đối với Giáo Hội, với lòng biết ơn, chúng ta cũng có thể nêu bật nhiều dễ dãi: các khả thể mới đối với các sinh hoạt xứ đạo, việc tái thiết và mở rộng các nhà thờ và các trung tâm giáo xứ, các sáng kiến mục vụ hay văn hoá giáo phận. Nhưng các khả thể ấy có giúp gia tăng đức tin hay không? Có phải tìm gốc rễ đức tin và cuộc sống Kitô ở đâu khác chứ không phải nơi sự tự do xã hội hay không?… Nhiều tín hữu đã chấp nhận các thiệt thòi, miễn là có thể sống đức tin của họ. Đặc biệt trong vùng Eichsfeld, nhiều tín hữu Công giáo đã kháng cự lại ý thức hệ cộng sản. Sự hiện diện của Thiên Chúa được biểu lộ trong cuộc đời của các thánh. Chứng tá của các vị trao ban can đảm cho cuộc thức tỉnh mới. Đó là các thánh bổn mạng của Giáo phận Erfurt. Bắt đầu là Thánh nữ Elisabeth gốc Hungari, sống đời cầu nguyện sâu đậm, hãm mình và khó nghèo. Từ lâu đài Wartburg, thánh nữ thường xuyên xuống thành phố Eisenach để săn sóc các người nghèo đói, bệnh tật, và tuy qua đời năm 24 tuổi, thánh nữ đã để lại hoa trái thánh thiện phong phú. Tiếp đến là Thánh Bonifazio, “tông đồ dân Đức”, từ Anh quốc đến thành lập Giáo phận Erfurt năm 742 và chịu tử đạo cùng với 2 cộng sự viên là các Thánh Eoban và Adelar, có mộ trong Nhà thờ Chính toà này. Trước đó đã có Thánh Kilian, thừa sai người Ai Len, tử đạo tại Wuerzburg cùng với 2 bạn đồng hành vì dám phê bình lối sống sai lạc của quận công Thueringen. Ngoài ra, còn có thánh tích của Đức cha Severino, Giám mục Ravenna, Italia, được đưa về Erfurt năm 836.

Đức Thánh Cha nêu bật sứ điệp của các thánh: Vâng, các thánh chỉ cho chúng ta thấy rằng có thể và thật là tốt đẹp sống tương quan với Thiên Chúa một cách triệt để, dành chỗ nhất cho Thiên Chúa chứ không phải ở xa giữa các thực tại khác. Các thánh minh nhiên rằng chính Thiên Chúa hướng tới chúng ta trước, đã và đang tự tỏ hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu. Chúa Kitô đến gặp chúng ta, nói với chúng ta và mời gọi chúng ta đi theo Ngài.

Đức tin luôn luôn có chiều kích tập thể. Tôi có thể tin là nhờ Chúa thương nhìn đến tôi và nhóm lên ngọn lửa đức tin nơi tôi. Nhưng một cách cụ thể, tôi phải cám ơn các anh chị em khác đã tin trước tôi và cùng tin với tôi. Chính việc “tin với” ấy làm thành Giáo Hội, và Giáo Hội không dừng lại trước các hiên giới. Nếu chúng ta rộng mở cho toàn đức tin trong toàn lịch sử và trong các chứng tá của toàn Giáo Hội, thì khi đó đức tin Công giáo có một tương lai và là sức mạnh cho cả nước Đức nữa.

Thánh lễ đã kết thúc sau 2 giờ đồng hồ. Tiếp đến, Đức Thánh Cha đã đi xe ra phi trường để lấy máy bay đi Freiburg, cách Erfurt 380 cây số. Sau 1 giờ bay, máy bay đã đến phi trường Lahr của thành phố Freiburg. Tiếp đón Đức Thánh Cha tại chân thang máy bay có ông Windfried Kretschmann, Bộ trưởng Chủ tịch bang Baden-Wuertenberg, và phu nhân cũng như Đức cha Robert Zollitsch, Tổng Giám mục Freiburg kiêm Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức. Bang Baden-Wuertenberg rộng gần 36.000 cây số vuông, có 10,7 triệu dân và là bang lớn thứ ba của Liên bang Đức. Phân nửa diện tích dành cho nông nghiệp, và 1/3 là rừng gọi là Rừng Đen. Bang này nổi tiếng có kỹ thuật cao, đặc biệt trong việc dùng năng lượng măt trời, có thức ăn và nhiều thứ rượu ngon, dân chúng trẻ trung và số người thất nghiệp thấp nhất trong nước.

Từ phi trường, Đức Thánh Cha đã đi xe vào thành phố cách đó 50 cây số. Thành phố Freiburg có 200.000 dân trong đó có 30.000 sinh viên. Được thành lập năm 1091, thành phố phát triển mạnh nhờ các mỏ bạc trong Rừng Đen. Năm 1457, Quận công trưởng Albrecht VI cho xây đại học và giao cho các tu sĩ dòng Tên điều khiển. Vì dân chúng thành phố chống lại cuộc cải cách Tin lành Freiburg trở thành pháo đài kiên cố của Công giáo vùng sông Rhein Thượng. Trong thời đệ nhị thế chiến, thành phố bị hư hại nặng vì các cuộc dội bom, nhưng các dinh thự lịch sử đã được tái thiết như cũ. Thành phố sống về nghề du lịch.

Tổng Giáo phân Freiburg được thành lập năm 1821 có hơn 4,7 triệu dân, 42% theo Công giáo, với 1.075 giáo xứ, 949 linh mục triều, 215 linh mục dòng, 299 tu huynh, 1.709 nữ tu, 226 phó tế vĩnh viễn và 70 đại chủng sinh. Giáo Hội điều khiển 1.012 cơ sở giáo dục và 620 trung tâm từ thiện bác ái.

Sau khi tới thành phố, Đức Thánh Cha đã đổi sang xe bọc kính để đến quảng trường Muenster và viếng thăm Nhà thờ Chính toà Đức Bà. Nhà thờ Chính toà được xây theo kiểu gô tích giữa thế kỷ XII và XVI, có tháp chuông cao 116 mét, biểu tượng cho thành phố và bao gồm 19 quả chuông lớn nhỏ khác nhau, trong đó có một quả cổ xưa nhất tại Đức, gọi là “Chuông Hosanna”, đúc năm 1258. Bên trong nhà thờ có các kính màu thuộc các thế kỷ XIII-XVI và nhiều tác phẩm nghệ thuật, trong đó có bàn thờ chính của Điêu khắc gia Hans Baldung Grien.

Đức Thánh Cha đã được Kinh sĩ đoàn nhà thờ tiếp đón. Bên trong có 800 người gồm các nam nữ tu sĩ và một nhóm người khuyết tật. Sau khi viếng Mình Thánh Chúa, Đức Thánh Cha đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành Toà Thánh cho mọi người. Ngài đã ký vào sổ vàng của bang và thành phố trước khi có lễ nghi chào đón chính thức tại quảng trường.

Ngỏ lời với mọi người, Đức Thánh Cha đã bày tỏ niềm vui được viếng thăm Giáo phận Freiburg trong tư cách là người kế vị Thánh Phêrô, để cầu nguyện với tín hữu, loan báo Lời Chúa và cử hành Thánh lễ. Đức Thánh Cha xin mọi người cầu nguyện cho các ngày viếng thăm đem lại nhiều hoa trái, để Thiên Chúa củng cố đức tin, niềm hy vọng và gia tăng lòng mến của mọi người.

Lễ nghi chào đón kết thúc lúc 2 giờ 30 chiều, sau đó Đức Thánh Cha lên xe về Đại Chủng viện Borromeo, cách đó 300 mét để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi chốc lát.

Lúc 16:50, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ nguyên Thủ tướng Helmut Kohl và phu nhân. Ông Kohl sinh năm 1930, gia nhập Đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo năm 1947. Ông đã từng là Bộ trưởng Chủ tịch bang Rheinland-Pfalz giữa các năm 1969-1976, và được bầu làm Thủ tướng Liên bang Đức giữa các năm 1982-1989, rồi là Thủ tướng của nước Đức thống nhất cho tới năm 1998.

Vào lúc 17:15, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ 15 đại diện các Giáo hội Chính thống cùng với các hồng y và giám mục tuỳ tùng cũng như hai giám mục chuyên viên đại kết của Hội đồng Giám mục Đức.

Các tín hữu chính thống tại Đức bắt nguồn từ 3 đợt di cư: đợt đầu tiên từ Nga hồi năm 1917; đợt thứ hai từ Hy Lạp và Serbia trong thập niên phát triển kinh tế 1960; và đợt thứ ba từ các nước Đông Âu sau khi chế độ cộng sản sụp đổ và chiến tranh cựu Yugoslavia. Theo nhu cầu, các nhân viên mục vụ được gửi sang giúp các tín hữu, và các giáo phận được chính thức thành lập sau đó. Theo thống kê hồi tháng 4 năm nay, các Giáo hội Chính thống tại Đức có 467 cộng đoàn với 17 giám mục, trong đó có 12 vị thường trú, 267 linh mục và 40 phó tế. Số tín hữu khoảng 1.300.000, trong đó có 400.000 thuộc Toà Thượng phụ Chính thống Costantinopoli, 300.000 thuộc Toà Thượng phụ Chính thống Rumani, 200.000 thuộc Toà Thượng phụ Chính thống Serbi, 250.000 thuộc Toà Thượng phụ Chính thống Matscơva, 60.000 thuộc Toà Thượng phụ Chính thống Bulgari, 13.000 thuộc Toà Thượng phụ Chính thống Antiokia, và 10.000 thuộc Toà Thượng phụ Chính thống Georgia.

Liên quan tới các tín hữu Chính thống Đông phương, có 80.000 thuộc Giáo hội Chính thống Siro Antiokia, 40.000 thụộc Giáo hội Chính thống Tông truyền Armeni, 20.000 thuộc Giáo hội Chính thống Etiopi, 6.000 thuộc Giáo hội Chính thống Copte Alessandria và 1.000 thuộc Giáo hội Chính thống Eritrea.

Đáp lời chào của Đức Tổng Giám mục Augostinos, Đức Thánh Cha bày tỏ nỗi vui sướng được gặp các vị đại diện các Giáo hội Chính thống và Đông phương. Ngài chia vui với các vị về sự phát triển và củng cố cơ cấu của các Giáo hội trong đại lục Âu châu nói chung và trong Cộng hoà Liên bang Đức nói riêng.

Ngài nói: Trong bối cảnh này, tôi sẵn sàng lặp lại điều tôi đã nói ở nơi khác rằng: giữa các Giáo Hội và cộng đoàn Kitô, trên bình diện thần học, Giáo hội Chính thống gần gũi với chúng tôi nhất; các tín hữu Công giáo và Chính thống đều có cùng một cơ cấu của Giáo Hội ban đầu. Như thế, chúng ta có thể hy vọng rằng không còn xa lắm ngày chúng ta có thể cùng nhau cử hành Bí tích Thánh Thể.

Đức Thánh Cha nhắc lại rằng ngay từ khi còn là giáo sư thần học tại Bonn và là Tổng Giám mục Muenchen Freising, ngài đã vun trồng tình bạn với các vị dại diện của Giáo hội Chính thống. Và trong thời gian này, Hội đồng Giám mục Đức cũng đã thành lập Uỷ ban Hỗn hợp Công giáo Chính thống để thăng tiến sự hiểu biết, củng cố và phát triển các tương quan giữa hai Giáo Hội.

Đức Thánh Cha cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với công việc của Uỷ ban Quốc tế Đối thoại Thần học giữa Giáo hội Công giáo và các Giáo hội Chính thống Đông phương. Trong khuynh hướng của thời đại hiện nay muốn giải phóng cuộc sống chung khỏi Thiên Chúa, các Giáo hội Kitô tại Đức càng cần phải cùng nhau dấn thân bước đi trên con đường thăng tiến sự hiểu biết và hiệp thông giữa các dân tộc, bảo vệ phẩm giá và sự sống con người từ khi thụ thai cho tới khi chết tự nhiên, mạnh mẽ chống lại mọi lèo lái sự sống con người, và thăng tiến giá trị của hôn nhân và gia đình khỏi mọi giải thích sai lạc.

Sau khi gặp gỡ đại diện các Giáo hội Chính thống, Đức Thánh Cha đã nói chuyện với các đại chủng sinh trong nhà nguyện đại chủng viện.

Vào lúc 18:15, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến Hội đồng Uỷ ban Trung ương Tín hữu Công giáo Đức. Uỷ ban này đã được thành lập năm 1952 và kế thừa Uỷ ban Trung ương Tổ chức Đại hội Công giáo Đức, thành lập năm 1848, nhằm mục đích bảo vệ Giáo hội Công giáo khỏi sự kiểm soát của nhà nước. Ngày nay, Uỷ ban gồm đại diện của các hội đồng giáo phận, các tổ chức Công giáo, các hiệp hội tông đồ giáo dân và các nhân vật của Giáo Hội và xã hội.

Ngỏ lời với mọi người, Đức Thánh Cha đề cập tới chương trình trợ giúp phát triển, trong đó giới chức hữu trách chính trị, kinh tế và giáo hội sang sống một thời gian với dân nghèo bên Phi châu, Á châu hay châu Mỹ Latinh, chia sẻ cuộc sống thường ngày của họ, nhìn cuộc đời với đôi mắt của họ để học hiểu phải liên đới với họ như thế nào. Áp dụng nó ngay trên nước Đức này chúng ta sẽ thấy có nhiều nghèo nàn trong tương quan giữa con người với nhau và nghèo nàn trong lĩnh vực tôn giáo.

Chúng ta đang sống trong một thời đại trong đó chủ thuyết tương đối thấm nhập mọi lĩnh vực cuộc sống. Đôi khi nó trở thành hiếu chiến và chống lại những người cho rằng họ biết tìm sự thật hay ý nghĩa cuộc sống ở đâu. Chúng ta nhận thấy chủ nghĩa tương đối đó ngày càng ảnh hưởng trên các tương quan giữa con người với nhau và trên xã hội. Nó cũng được diễn tả trong sự không bền chí và liên tục của biết bao nhiêu người và trong một chủ nghĩa cá nhân thái quá.

Có người không còn có khả năng khước từ một điều gì đó hay hy sinh cho người khác. Cả việc dấn thân cho công ích, trong các lĩnh vực xã hội và văn hoá cũng như cho những người cần giúp được giúp đỡ cũng suy giảm. Có người khác thì không thể trung thành sống với một người bạn đường một cách vô điều kiện. Người ta hầu như không tìm ra can đảm hứa trung thành với nhau và tuỳ thuộc nhau suốt đời nữa, hay quyết định sống chung thuỷ, chân thực và cùng nhau thành tâm tìm giải pháp cho các vấn đề.

Tiếp tục bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nói trong thế giới Tây Âu giàu có này cũng có sự thiếu thốn: biết bao nhiêu người thiếu kinh nghiệm về lòng lành của Chúa. Tại sao họ lại không tìm thấy điểm tiếp cận nào với các Giáo Hội và các cơ cấu truyền thống? Tìm trả lời cho câu hỏi này là nhiệm vụ của Hội đồng Toà Thánh Tái Truyền giảng Tin Mừng cho Âu châu, nhưng nó cũng liên quan tới mọi ngưới chúng ta. Tại Đức, Giáo Hội đươc tổ chức rất tuyệt hảo. Nhưng đàng sau các cơ cấu ấy có sức mạnh tinh thần và niềm tin nơi Thiên Chúa hằng sống hay không? Phải thành thật nhìn nhận rằng có nhiều cơ cấu hơn là Thần Khí. Cuộc khủng hoảng đích thực của thế giới Tây Âu là một cuộc khủng hoảng đức tin. Nếu chúng ta không đi tới chỗ canh tân đích thực trong lòng tin, thì mọi cải cách cơ cấu đều không hữu hiệu. Do đó, phải tìm ra các con đường mới của việc loan báo Tin Mừng. Một trong những con đường đó là các cộng đoàn nhỏ, trong đó có thể sống tình bạn, cùng nhau thờ lạy Chúa; trong đó tín hữu có thể chia sẻ kinh nghiệm đức tin trong nơi làm việc và trong gia đình, giữa những người thân quen và làm cho Giáo Hội tới gần xã hội hơn. Điều quan trọng là sự gắn bó với nhựa sống là Bí tích Thánh Thể, vì không có Chúa Kitô chúng ta không thể làm được gì.