Thánh lễ đầu tiên của ĐTC tại thủ đô Berlin
BERLIN – Chiều ngày 22-9-2011, ĐTC Bênêđictô XVI đã cử hành Thánh lễ đầu tiên trong cuộc viếng thăm 4 ngày tại Đức với gần 80.000 tín hữu tại Sân vận động Olympic.
Thánh lễ đầu tiên của ĐTC tại thủ đô Berlin
BERLIN – Chiều ngày 22-9-2011, ĐTC Bênêđictô XVI đã cử hành Thánh lễ đầu tiên trong cuộc viếng thăm 4 ngày tại Đức với gần 80.000 tín hữu tại Sân vận động Olympic.
Khi đến đây vào lúc hơn 6 giờ chiều, ĐTC đã dùng xe đi một vòng sân vận động để chào thăm các tín hữu. Hiện diện tại đây cũng có Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và nhiều vị bộ trưởng trong chính phủ. Đồng tế với ĐTC có 80 hồng y, giám mục và hàng trăm linh mục. Nhiều thanh thiếu niên giơ cao các băng rôn màu vàng với hàng chữ đen “Thiên Chúa là tương lai”, phản ánh chủ đề cuộc viếng thăm của ĐTC: “Nơi nào có Thiên Chúa, nơi đó có tương lai”.
Đầu Thánh lễ, Đức TGM Rainier Woelki đã chào mừng ĐTC và trình bày về tình hình giáo phận của ngài: tại đây, các tín hữu Công giáo chỉ chiếm 7% dân số và đại đa số dân là người không tín ngưỡng. Nếu tính cả các tín hữu Tin lành thì cứ 3 người dân mới có 1 tín hữu Kitô. Ngoài ra, một tỷ lệ lớn các tín hữu Công giáo ở đây là người gốc nước ngoài. Các tín hữu Kitô tại Berlin đang cố gắng hoạt động để mang lại một cuộc sống mới cho đức tin. Đức TGM cũng nhắc đến những hy sinh lớn lao của các tín hữu để bảo vệ đức tin và đồng loại trong thời Đức quốc xã và ngài nói: “Đây không phải là một thành phố không có Chúa. Đây thực là một thành phố của các vị tử đạo”.
Bài giảng của ĐTC
Giảng trong Thánh lễ, Đức Thánh Cha đã mời gọi tín hữu sống kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu và với nhau, cũng như hiểu biết mầu nhiệm đích thực Giáo Hội và đừng nhìn dáng vẻ bề ngoài. Để được như vậy, phải nhìn lên các Thánh và các Chân phước như hai Lm. Bernhard Lichtenberg và Karl Leiner mà Đức Gioan Phaolô II đã tôn phong Chân phước cũng tại sân vân động này hồi tháng 6-1996.
Quảng diễn hình ảnh biểu tượng trong Phúc Âm Chúa Giêsu là cây nho và các môn đệ là ngành nho, để trình bày bản chất của Giáo Hội, Đức Thánh Cha nói:
“Trong dụ ngôn cây nho, Chúa Giêsu không nói: “Các con là cây nho”, nhưng ‘Thầy là cây nho các con là ngành’ (Ga 13,5). Điều này có nghĩa là: “Như các ngành nho gắn liền vào thân nho, các con cũng thuộc về Thầy như thế! Nhưng khi thuộc về Thầy, các con cũng thuộc về nhau”. Và việc thuộc nhau và thuộc về Chúa không phải là bất cứ tương quan lý tưởng, tưởng tượng hay biểu tượng nào, nhưng tôi muốn nói là một việc tuỳ thuộc vào Chúa Giêsu Kitô một cách sinh học, tràn đầy sự sống. Đó là Giáo Hội, cộng đoàn sự sống với Chúa và với nhau, được xây dựng trên Bí tích Rửa Tội và ngày càng được đào sâu trong Bí tích Thánh Thể. “Thầy là cây nho thật”; tuy nhiên, điều này trong thực tại có nghĩa là “Thầy là các con và các con là Thầy” – một sự đồng hoá chưa từng thấy của Chúa với chúng ta và Giáo Hội của Người. Chính sự đồng hoá ấy đã khiến cho Chúa Kitô Phục Sinh hỏi Saul trên đường đến thành Damasco: “Tại sao ngươi bách hại Ta?” (Cv 9,4). Qua đó, Chúa diễn tả thân phận chung phát xuất từ cuộc sống hiệp thông thân tình của Giáo Hội với Người. Chúa Kitô Phục Sinh tiếp tục sống trong Giáo Hội trong thế giới này. Người ở với chúng ta, và chúng ta ở với Người. Như vậy, các cuộc bách hai chống lại Giáo Hội là bách hại chính Chúa Giêsu. Chúng ta không cô đơn, khi chúng ta bị áp bức vì đức tin, vì có Chúa Giêsu ở với chúng ta.
Tiếp tục bài giảng, Đức Thánh Cha nói trong dụ ngôn Thiên Chúa Cha là người trồng nho dùng dao để tỉa các cành khô và tỉa các cành đang có trái để chúng sinh nhiều trái hơn. Để nói như ngôn sứ Edekiel trong bài đọc 1: Thiên Chúa muốn cất khỏi lòng chúng ta trái tim bằng đá đã chết, để ban cho chúng ta một trái tim bằng thịt sống động (x. Ed 36,26). Người muốn ban cho chúng ta một cuộc sống mới và tràn đầy sức mạnh. Chúa Kitô đã đến để kêu gọi những người tội lỗi. Chính họ là những người cần thầy thuốc, chứ không phải những người khoẻ mạnh (x. Lc 5,31tt). Vì thế Công đồng Chung Vatica II đã nói Giáo Hội là “bí tích cứu độ phổ quát (LG 48), hiện hữu cho kẻ có tội. Đây là sứ mệnh đích thực và cao cả mà Chúa Kitô đã trao cho Giáo Hội.
Tuy nhiên, cũng có những người không hiểu biết bản chất thực sự của Giáo Hội. Đức Thánh Cha nói:
“Có vài người chỉ chỉ nhìn khía cạnh bề ngoài của Giáo Hội. Khi đó Giáo Hội chỉ là một trong biết bao tổ chức trong một xã hội dân chủ, và cũng cần phải phán xử một gương mặt vĩ đại của Giáo Hội theo các luật lệ của xã hội ấy. Thêm vào đó là kinh nghiệm đớn đau trong Giáo Hội có cá tốt và cá xấu, lúa tốt và cỏ lùng nữa. Vì thế, nếu chỉ nhìn vào các điều tiêu cực đó thôi thì sẽ không còn thấy mầu nhiệm cao cả và sâu thẳm của Giáo Hội nữa. Và khi đó, việc tuỳ thuộc vào cây nho là Giáo Hội không còn làm nảy sinh niềm vui nữa, nhưng chỉ có bất mãn và không hài lòng, khi người ta thấy các tư tưởng hời hợt và sai lầm về Giáo Hội và các giấc mơ riêng của mình không được thực hiện.
Kết thúc bài giảng, Đức Thánh Cha nói: Lời Chúa Giêsu mời gọi ở lại trong Ngài để sinh hoa trái đặt để chúng ta trước quyết định sự sống có trách nhiệm. Ở lại trong Chúa có nghĩa là ở lại trong Giáo Hội. Khi kết hợp với Chúa Giêsu chúng ta trở thành rượu chín muồi. Thiên Chúa biết biến đổi cả những gì là nặng nề và áp bức trong cuộc sống chúng ta trở thành tình yêu. Điều quan trong là “ở lại trong cây nho”, ở lại trong Chúa Kitô và trong Giáo Hội. Chúng ta không tin một mình, nhưng tin với toàn thể Giáo Hội. Giáo Hội loan báo Lời Chúa và ban phát các bí tích hiệp nhất chúng ta với Chúa Kitô là cây nho thật. Giáo Hội là món quà xinh đẹp nhất của Chúa Kitô.