22/01/2025

“Chúng ta đã đi sai đường, và giờ đây…”

Hội nghị về Phát triển Bền vững lần 2 nhấn mạnh đến vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong phát triển bền vững nhằm cân bằng lợi ích giữa phát triển sản xuất với môi trường và xã hội.

 “Chúng ta đã đi sai đường, và giờ đây…”

Với khoảng 700 lãnh đạo tập đoàn, quan chức, đại diện các tổ chức phi chính phủ tham dự, Hội nghị về phát triển bền vững 2011 tại Bangkok, Thái Lan ngày 19-9 do SCG (Siam Cement Group), một trong những tập đoàn lớn nhất Thái Lan, đăng cai tổ chức, có yêu cầu đặc biệt: trang phục gọn nhẹ, không thắt cà vạt hay đóng hộp đồ vest, và nhiệt độ trong phòng họp được đặt ở 25 độ C.

Đó không chỉ là một hình ảnh đơn thuần mang tính biểu tượng nữa khi mà những hội nghị “xanh” nhằm giảm lượng CO2 như vậy đang ngày càng trở thành một đòi hỏi.

Nếu xem hội nghị về phát triển bền vững lần 1 vào tháng 10-2010 là sự khởi động bước đi mới cho các doanh nghiệp Thái Lan, thì hội nghị lần 2 này lại nhấn mạnh đến vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong phát triển bền vững nhằm cân bằng lợi ích giữa phát triển sản xuất với môi trường và xã hội.

“Đó là cách duy nhất giúp con người tồn tại”

Tại hội nghị, tổng thư ký ASEAN, tiến sĩ Surin Pitsuwan, đã hỏi cử toạ: “Các vị thử tính xem khi đến dự hội nghị, chúng ta đang thải ra bao nhiêu carbon vào môi trường?”. Ông lưu ý giảm thiểu, tái sử dụng và từ chối sử dụng lãng phí theo cách gây hại tới môi trường và cho người khác là những giải pháp cho nhiều vấn đề môi trường mà con người đang phải đối mặt. Sự tồn tại của mỗi người, mỗi doanh nghiệp, mỗi quốc gia đang phụ thuộc vào sự chuyển đổi nhận thức để hướng tới sự phát triển bền vững và “đó không phải là lựa chọn, mà là cách duy nhất giúp con người tồn tại”.

Trong một báo cáo được đưa ra vào cuối những năm 1980, lần đầu tiên Liên Hiệp Quốc đã đề cập đến mô hình phát triển bền vững mà giờ đây đang được nhắc tới rất nhiều trên các diễn đàn, hội nghị. Mô hình này gồm ba trụ cột: phát triển kinh tế bền vững + xã hội và cộng đồng có điều kiện sống tốt và độc lập + môi trường được bảo tồn, tài nguyên thiên nhiên được gìn giữ và hệ sinh thái cân bằng.

Diễn giả chính tại hội nghị, ông Bjorn Stigson, chủ tịch Hội đồng kinh doanh phát triển bền vững trên thế giới (WBCSC), nhận định: “Không có giải pháp nào tốt hơn ngoài việc hợp tác giữa chính phủ (công) và doanh nghiệp (tư)”. Ông nhấn mạnh dù khối kinh tế công có khả năng sử dụng nguồn vốn và tài nguyên quốc gia, nhưng “việc thay đổi hoạt động của các tổ chức, cơ quan chính phủ theo hướng phát triển bền vững sẽ phải rất lâu mới có hiệu quả. Trong khi đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại chuyển đổi nhanh hơn, thích ứng nhanh hơn”.

Đưa ra những sản phẩm thân thiện với môi trường

Vitool Viraponsavan, CEO và là chủ tịch công ty chuyên sản xuất đồ chơi của Thái Lan Plan Creation Co., Ltd., đã chia sẻ kinh nghiệm về việc cân bằng giữa lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội của doanh nghiệp qua việc trồng hơn 10.000 cây để hấp thụ lượng CO2 mà quá trình sản xuất của doanh nghiệp mình đã thải ra… “Tôi muốn làm hơn thế, vì trồng cây là việc dễ, ai cũng làm được. Cần có những dự án để thực hiện trách nhiệm xã hội của mình” – ông nhấn mạnh.

Ông Suphat Tanameth, giám đốc bán hàng của Công ty Panasonic ở Thái Lan, đề cập việc doanh nghiệp không chỉ cần đưa ra những sản phẩm thân thiện với môi trường mà còn phải có trách nhiệm hợp tác với các cơ quan giáo dục để nâng cao ý thức cho người tiêu dùng, truyền bá kiến thức cho người dân.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ bên lề hội nghị, ông Vichai Assarasakorn, tổng thư ký Cục Thương mại Thái Lan, cho biết Thái Lan đang hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp có sáng kiến trong lĩnh vực phát triển bền vững. “Chúng tôi có cơ quan đánh giá mức giảm thiểu carbon. Nếu doanh nghiệp chứng minh dự án của họ thật sự là bền vững, họ sẽ được hỗ trợ tiền, ngược lại, thải ra nhiều thì họ phải bồi thường. Tất nhiên, thay đổi suy nghĩ là điều khó nhất. Nhưng trong quá khứ chúng ta đã khai thác quá nhiều từ môi trường nhân danh lợi ích kinh doanh và phát triển kinh tế. Chúng ta đã thấy hậu quả rõ ràng”.

Ông cũng cho rằng sự nỗ lực không chỉ ở phía sản xuất mà cả từ phía tiêu dùng. Ngoài việc chỉ chăm chú tới câu hỏi “sản phẩm đó có lợi gì cho tôi?” là yêu cầu cơ bản khi xem xét mua hàng, họ phải tính tới “nó sẽ ảnh hưởng gì tới môi trường?” và “sẽ ảnh hưởng gì tới thế giới?”…