22/12/2024

Dùng nấm diệt rầy

Thạc sĩ Phạm Thành Chơn là tác giả công trình nghiên cứu sử dụng nấm xanh trừ rầy nâu rất hiệu quả, được Bộ NN&PTNT trao giải thưởng Lương Định Của cuối năm 2010. Loại nấm xanh này hiện đang được nông dân ĐBSCL sử dụng rất phổ biến.

 Dùng nấm diệt rầy

Trưa, Chơn ra ruộng lúa. Chỉ những con rầy nâu chết hàng loạt, nổi lềnh bềnh trên mặt nước quanh gốc lúa, Chơn bảo: “Rầy chết không phải do thuốc trừ rầy mà do nấm xanh Metarhizium anisopliae đó. Sử dụng biện pháp này vừa không mất nhiều tiền vừa bảo vệ môi trường nữa” – Chơn giải thích.

Thạc sĩ Phạm Thành Chơn là tác giả công trình nghiên cứu sử dụng nấm xanh trừ rầy nâu rất hiệu quả, được Bộ NN&PTNT trao giải thưởng Lương Định Của cuối năm 2010. Loại nấm xanh này hiện đang được nông dân ĐBSCL sử dụng rất phổ biến.

Người bạn của môi trường

Không chỉ hướng nông dân đến việc sử dụng các sản phẩm sinh học để tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, Phạm Thành Chơn còn dành nhiều thời gian giải thích làm thay đổi quan niệm sản xuất cũ. Thay vào đó là phải tiến tới một nền sản xuất nông nghiệp bền vững và bảo vệ môi trường. Sử dụng nấm xanh diệt rầy nâu là một hành động cụ thể. Đến thời điểm này đã có rất nhiều nông dân ở Sóc Trăng, An Giang, Tiền Giang… quen sử dụng sản phẩm vi sinh.

Thử nghiệm ở ruộng nhà

Phạm Thành Chơn lấy bằng kỹ sư tại khoa nông nghiệp và sinh học ứng dụng Trường ĐH Cần Thơ năm 2008. Cũng thời điểm này rầy nâu hại lúa đang lan nhanh thành dịch trên khắp cả nước. Chơn nghĩ: “Mình phải làm gì đó góp phần phòng trừ dịch rầy nâu bảo vệ lúa chứ?”. Chơn quyết định chọn đề tài luận án thạc sĩ của mình là phát triển các chế phẩm sinh học phòng trừ dịch hại cây trồng.

Với sự hướng dẫn của PGS.TS Trần Văn Hai (Trường ĐH Cần Thơ), Chơn bắt đầu làm quen với những con nấm xanh ký sinh trên các loài sâu bọ hại cây trồng như bọ cánh cứng hại dừa, sâu ăn lá đậu phộng, sâu ăn tạp rau màu, rồi đến rầy nâu hại lúa. Hai năm cùng thầy giáo hướng dẫn bỏ hết công sức nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và triển khai thực tế bước đầu có kết quả tốt. Điều đó giúp anh nhận được tấm bằng thạc sĩ ngành bảo vệ thực vật năm 2010.

Chơn bảo đến giờ anh vẫn còn nhớ rõ những ngày đầu đem sản phẩm xuống dân để mời họ hợp tác thử nghiệm. Xem qua thứ bột mịn không mùi, không vị, không gây hại cho người ngay cả khi bôi lên da, hầu như người nào cũng lắc đầu lè lưỡi, thậm chí có người cười khẩy bảo: “Thằng này khùng quá. Thuốc trừ sâu cực độc mà rầy chẳng chết, dùng vi sinh sao được!”.

Thất vọng, Chơn quyết định mang sản phẩm về ruộng lúa của cha ở huyện Cái Bè (Tiền Giang) để thử nghiệm. Ban đầu ngay cả cha của anh cũng nghi ngờ về loại bột con mình mang về. Nhưng tin con, ông gật đầu đồng ý. Không ngờ khi làm thì rầy chết thật, giống như phun thuốc trừ rầy. Ông Phạm Văn Nguyên – cha của Chơn – kể: “Thật tình lúc đầu tui cũng không tin nhưng không ngờ hiệu quả thế, mà còn tiết kiệm chi phí được 30-40%. Từ đó đến giờ tôi không còn phun thuốc hoá học nữa, chỉ sử dụng nấm xanh diệt rầy”.

Chơn mô tả ngắn gọn “cơ chế” diệt rầy thế này: “Khi phun nấm xanh lên rầy nâu, nấm xanh sẽ bám chặt lấy cơ thể rầy, mọc ra sợi nấm hút chất dinh dưỡng. Ba, bốn ngày sau rầy nâu sẽ bị mệt mỏi, bỏ ăn, không di chuyển được rồi chết dần. Cái hay là nếu nấm xanh bám trên các loại thiên địch, cá tôm ở ruộng lúa không hề hấn gì. Loại này chỉ diệt rầy nâu thôi”.

Thân thiện với môi trường

Chơn nói rằng sản phẩm vi sinh bao giờ cũng có tác dụng chậm hơn so với sử dụng thuốc hoá học. Trong điều kiện rầy nâu chưa đến mức nguy cấp, sử dụng nấm xanh diệt rầy sẽ hiệu quả và bảo vệ môi trường. “Còn nếu mật độ rầy trên lúa nhiều quá thì sao?”.

Chơn giải thích: “Nấm xanh sau khi phun khoảng 3-5 ngày mới có tác dụng, và sau 10-15 ngày rầy sẽ bị diệt hoàn toàn. Do đó trong trường hợp rầy quá nhiều cần phải diệt ngay thì sử dụng kết hợp với thuốc hoá học, hiệu quả sẽ gấp đôi. Nấm xanh có thể hoà lẫn với thuốc hoá học để phun cho lúa”.

Thạc sĩ Chơn cho biết nấm xanh diệt rầy nâu nông dân có thể tự nhân ra để sử dụng, chứ không phải chỉ có cách bỏ tiền ra mua như thuốc hoá học. Cách nhân giống là từ nấm nguồn đem cấy vào môi trường (gạo nấu chín). Sau 15 ngày mật độ nấm xanh được nhân lên (có màu xanh) và thu hoạch nấm đem phun trên ruộng. Tuy nhiên, thường nông dân làm sản phẩm dễ bị nhiễm tạp chất nên không hiệu quả bằng sản phẩm được sản xuất trong phòng thí nghiệm.

Phạm Thành Chơn là một trong những sinh viên đầu tiên của Trường ĐH Cần Thơ góp phần nhân rộng mô hình nuôi ong ký sinh diệt bọ cánh cứng hại cây dừa khi còn đi học. Cơ chế hoạt động của loại ong ký sinh nhỏ li ti như sợi tóc này là chúng hút chất dinh dưỡng của ấu trùng loài bọ cánh cứng. Từ đó giúp tận diệt bọ cánh cứng, bảo vệ cây dừa. Ong này cũng không diệt thêm bất cứ loài côn trùng nào khác.