15/11/2024

Tường thuật ngày thứ 3 chuyến viếng thăm Tây Ban Nha của Đức Thánh Cha

Thứ bảy 20-8-2011 là ngày thứ ba Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI viếng thăm Tây Ban Nha để chủ sự Ngày Quốc tế Giới trẻ lần thử 26 tại Madrid. Đức Thánh Cha đã chỉ có hai sinh hoạt chính: ban sáng lúc 10 giờ, Đức Thánh Cha dâng thánh lễ cho các đại chủng sinh trong Nhà thờ Chính toà Đức Bà Almudena và lúc 20:30 tối, ngài chủ sự buổi canh thức với giới trẻ tại phi trường “Cuatro Vientos”.

 Tường thuật ngày thứ 3 chuyến viếng thăm Tây Ban Nha của Đức Thánh Cha 


Thứ bảy 20-8-2011 là ngày thứ ba Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI viếng thăm Tây Ban Nha để chủ sự Ngày Quốc tế Giới trẻ lần thử 26 tại Madrid. Đức Thánh Cha đã chỉ có hai sinh hoạt chính: ban sáng lúc 10 giờ, Đức Thánh Cha dâng thánh lễ cho các đại chủng sinh trong Nhà thờ Chính toà Đức Bà Almudena và lúc 20:30 tối, ngài chủ sự buổi canh thức với giới trẻ tại phi trường “Cuatro Vientos”. Sau đây là diễn tiến các sinh hoạt của Đức Thánh Cha.

Lúc 8:45, Đức Thánh Cha đã rời Toà Sứ thần Toà Thánh để đi xe tới công viên Buen Ritiro, nằm cách đó 3 cây số. Công viên này là “lá phổi xanh” của thủ đô Madrid, vì nó rộng tới 118 mẫu tây và được thực hiện giữa các năm 1630-1640 như là nơi giải trí của triều đình Tây Ban Nha thời đó. Công viên đã được vua Carlo III, cai trị giữa các năm 1759-1788, mở rộng cho dân chúng cùng hưởng. Trong thời hoàng đế Napoleon xâm lăng Tây Ban Nha năm 1808, công viên được biến thành pháo đài phòng thủ. Sau chiến tranh độc lập công viên Buen Ritiro được tái thiết và năm 1868 trở thành công viên thành phố và là một trong các công viên được dân chúng thủ đô Madrid ưa thích nhất. Công viên trở thành gánh xiếc ngoài trời với rất nhiều nghệ sĩ trình diễn trong bầu khí tươi vui của thủ đô Madrid.

Trong công viên này từ ngày Chúa Nhật 14-8 tới nay, 2.500 linh mục đã thay phiên nhau ban Bí tích Hoà Giải cho các bạn trẻ tại 200 toà giải tội bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Lúc 9 giờ, Đức Thánh Cha cũng đã giải tội trong vòng nửa giờ cho 4 bạn trẻ, trong đó có 2 bạn trẻ Pháp và 1 bạn trẻ Đức. Sau đó, Đức Thánh Cha đã đến Nhà thờ Chính toà Almudena, cách đó 3 cây số.

Nhà thờ Chính toà Thánh Maria Almudena toạ lạc đối diện với Dinh Hoàng gia, được bắt đầu xây năm 1883 trên một nhà thờ cũ và được hoàn thành 100 năm sau đó. Nhà thờ đã được Đức Gioan Phaolô II thánh hiến năm 1993 trong chuyến công du Tây Ban Nha lần thứ tư.

Hình Đức Bà Almudena, Bổn mạng thủ đô Madrid, là một bức tượng khắc thuộc thế kỷ XVI và là bức tượng cổ xưa nhất còn giữ được kể từ khi việc sùng kính bắt đầu hồi thế kỷ XI. “Almudena” là từ Ảrập có nghĩa là “kinh thành nhỏ” người ta dùng để gọi phần cao của thành phố, nơi có nhà thờ kính Đức Mẹ.

Nhà thờ Chính toà Almudena quy tụ ảnh hưởng của nhiều kiểu kiến trúc khác nhau, mà nền văn hoá Tây Ban Nha đã trải qua dọc dài các thế kỷ, đặc biệt là kiểu kiến trúc Ảrập, còn ảnh hưởng rất mạnh tại Madrid và các vùng lân cận. Cửa vào kiểu tân cổ điển, hầm nhà thờ kiểu tân roman, trong khi bên trong nhà thờ kiểu tân gô tích. Bên trong nhà thờ bằng đá cẩm thạch trắng với các bức khảm đá nhiều màu sặc sỡ trên mái vòm. Bàn thờ bằng cẩm thạch màu xanh. Các nhà nguyện nhỏ hai bên được dâng kính các thánh đương thời. Chặng đàng thánh giá cũng theo kiểu tân gô tích. Nhà thờ Chính toà Đức Bà Alnudena có thể chứa được 1.300 người và quảng trường bên cạnh có chỗ cho 3.000 chủng sinh đến từ khắp nơi trên thế giới theo dõi thánh lễ trên 2 màn truyền hình khổng lồ.

Đức Thánh Cha đã được Kinh sĩ đoàn tiếp đón tại cửa Nhà thờ Chính toà. Thánh lễ kính Chúa Giêsu Kitô Linh Mục Thượng Phẩm đời đời đã bắt đầu lúc 10 giờ. 

Giảng trong thánh lễ, Đức Thánh Cha đã mời gọi các chủng sinh chuẩn bị trở thành các tông đồ của Chúa Kitô, và như Chúa Kitô đồng hành với con người và phục vụ con người. Ngài nói: Hôm nay, Nhà thờ Chính toà Đức Bà Almudena giống như một Nhà Tiệc Ly mênh mông, nơi Chúa Giêsu Kitô Linh Mục Thượng Phẩm cử hành Lễ Vượt Qua của Ngài với những người ước ao một ngày kia nhân danh Chúa chủ sự các mầu nhiệm cứu độ. Các chủng sinh là bằng chứng cho thấy Chúa Kitô tiếp tục kêu mời các môn đệ trẻ trở thành tông đồ, và như thế sứ mệnh của Giáo Hội và việc cống hiến Tin Mừng cho thế giới tồn tại.

Quảng diễn các bài đọc phụng vụ, Đức Thánh Cha nói cuộc đời Chúa Giêsu đã là một việc phục vụ và hiến dâng bầu cử đời đời bằng cách đặt mình trước Thiên Chúa Cha, nhân danh tất cả mọi người và như là Trưởng Tử của đàn em đông đúc. Việc thành lập Bí tích Thánh Thể như tường trình trong Phúc Âm diễn tả ơn thánh vô điều kiện, mà Chúa Giêsu cống hiến cho tất cả mọi người, kể cả những người phản bội Ngài: đó là của lễ mình và máu Người cho sự sống và cho ơn thứ tha tội lỗi của loài người. 

Tiếp đến, Đức Thánh Cha đã nói về nhiệm vụ của các chủng sinh phải chuẩn bị cho mình trở thành tông đồ của Chúa: Trước hết, các năm chuẩn bị phải là những năm thinh lặng nội tâm, cầu nguyện liên lỉ, học hành kiên trì, và thận trọng sát nhập vào trong hoạt động và các cơ cấu mục vụ của Giáo Hội. Giáo Hội là cộng đoàn và cơ cấu, gia đình và sứ mạng, đã được Chúa Kitô tạo dựng qua Chúa Thánh Thần, đồng thời cũng là kết quả của những người làm thành nó với sự thánh thiện và với các tội lỗi của họ. Thiên Chúa đã muốn thế và không ngại biến các kẻ nghèo nàn tội lỗi trở thành bạn hữu và dụng cụ cứu độ nhân loại của Ngài. Sự thánh thiện của Giáo Hội trước hết là tất cả sự thánh thiện khách quan của chính Chúa Kitô, của Tin Mừng và các Bí tích của Ngài, sự thánh thiện đến từ trời cao và thôi thúc Giáo Hội… Chính vì thế, các con hãy suy gẫm mầu nhiệm đó của Giáo Hội và sống các năm đào tạo với niềm vui sâu xa, trong thái độ ngoan ngoãn, sáng suốt, và triệt để trung thành với Tin Mừng cũng như trong tương quan bằng hữu với thời đại và con người ngày nay. Mỗi thời đại đều có các vấn đề của nó, nhưng Thiên Chúa cống hiến cho mỗi thời đại ơn thánh thích hợp, giúp lo lắng cho các vấn đề đó và thắng vượt chúng với tình yêu thương và óc thực tiễn. Vì thế, trong mọi hoàn cảnh, dù có khó khăn đến đâu đi nữa, linh mục phải sinh hoa trái tốt lành trong mọi môi trường, và luôn gìn giữ trong tim các lời của ngày chịu chức.

Tiếp tục bài giảng, Đức Thánh Cha khích lệ các chủng sinh cố gắng trở nên đồng hình dạng với Chúa Kitô. Nhưng để noi gương Chúa Kitô, trái tim của chủng sinh phải trưởng thành và hoàn toàn sẵn sàng để Chúa sử dụng. Sự sẵn sàng đó linh hứng cho quyết định sống độc thân vì Nước Trời, không dính bén với các của cải trần gian, sống khổ hạnh và vâng lời chân thành không giả dối. Đức Thánh Cha cũng khuyến khích các chủng sinh xin Chúa Giêsu cho họ biết sống bác ái như Chúa, đi đến với mọi người, không loại trừ những người xa lạ và kẻ tội lỗi, trái lại giúp họ trở về đường ngay nẻo chính. Thế rồi cũng cần phải gần gũi với các bệnh nhân và người nghèo khó một cách đơn sơ và quảng đại nữa; đương đầu với các thách đố này mà không mặc cảm và tầm thường, trái lại, như một kiểu ý nghĩa thực hiện cuộc sống trong sự nhưng không và tinh thần phục vụ. 

Đức Thánh Cha còn khích lệ các chủng sinh: Được đỡ nâng bởi tình yêu của Chúa, các con đừng để cho mình sợ hãi bởi một môi trường trong đó người ta yêu sách loại bỏ Thiên Chúa, trong đó quyền lực, chiếm hữu và khoái lạc thường là các tiêu chuẩn chính yếu của cuộc sống. Có thể họ khinh rẻ các con như họ quen làm đối với những người nhắc tới các mục tiêu cao cả hơn, hay lột mặt nạ các thần tượng mà nhiều người ngày nay bái lạy… Hãy mở rộng linh hồn cho ánh sáng của Chúa để xem con đường đòi hỏi sự táo bạo và chân thực này có phải là con đường của các con hay không, và hãy chỉ tiến tới chức linh mục, nếu các con xác tín vững mạnh rằng Thiên Chúa mời gọi các con là thừa tác viên của Người, và cương quyết thực thi thừa tác đó với sự vâng phục các định liệu của Giáo Hội.

Sau cùng, Đức Thánh Cha nhắn nhủ các chủng sinh học hỏi nơi Chúa Kitô là Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng, tín thác mọi ước mong cho Ngài, không tìm kiếm chính mình nhưng làm gương cho các anh em khác noi gương Thánh Gioan Avila. Đức Thánh Cha xin Mẹ Maria là Mẹ các linh mục rèn luyện tâm hồn họ theo mẫu gương của Chúa Kitô Con Mẹ, và dạy các chủng sinh giữ gìn các kho tàng mà Chúa Kitô đã chiếm hữu được trên núi Sọ cho ơn cứu chuộc của thế giới. Cuối Thánh lễ, Đức Thánh Cha đã tuyên bố Thánh Gioan Avila là Tiến sĩ Hội Thánh.

Thánh lễ đã kết thúc lúc 12:30 trưa. Sau đó, Đức Thánh Cha và đoàn tuỳ tùng đã đến Toà Tổng Giám mục Madrid cách đó 1,5 cây số để dùng bữa trưa, rồi về Toà Sứ Thần nghỉ ngơi chốc lát, trước khi tiếp tục các sinh hoạt vào ban chiều.

Lúc 17 giờ chiều, Đức Thánh Cha đã tiếp các Uỷ ban tổ chức Ngày Quốc tế Giới trẻ Madrid trong phòng khách Toà Sứ Thần. Ngỏ lời với mọi người, Đức Thánh Cha nồng nhiệt cám ơn Ban Tổ chức vì tất cả những gì họ đã làm cho việc chuẩn bị và tiến hành Ngày Quốc tế Giới trẻ này. Ngài nhận định: “Chỉ có tình yêu đối với Giáo Hội và mối quan tâm rao giảng Tin Mừng cho giới trẻ mới có thể giải thích được sự dấn thân quảng đại của anh chị em, hy sinh thời giờ và năng lực, để mang lại thành quả tông đồ dồi dào. Trong nhiều tháng qua, anh chị em đã cố gắng hết sức để phục vụ sứ mạng của Giáo Hội. Xin Chúa trả công gấp bội cho anh chị em… và cho cả gia đình và các tổ chức của anh chị em, đã hy sinh nâng đỡ lòng tận tuỵ và chuyên cần của anh chị em”.

Đức Thánh Cha không quên cám ơn Uỷ ban hỗn hợp giữa Toà Tổng Giám mục Madrid, chính quyền quốc gia Tây Ban Nha và thành phố Madrid, đã được thành lập, với cái nhìn hướng về hàng trăm ngàn bạn trẻ hành hương đến Madrid này là một thành phố cởi mở, đẹp đẽ và liên đới. Ngài nói: “Chắc chắn là nếu không có sự cộng tác chuyên chăm như vậy, thì không thể thực hiện được một biến cố phức tạp và quan trọng như thế này”.

Sau bữa ăn chiều lúc 19:15, Đức Thánh Cha đã đi thăm Học viện Thánh Giuse do các tu sĩ Dòng Bệnh viện Gioan Thiên Chúa điều khiển. Học viện này được Bá tước Vallejo và Thánh Benedetto Menni, tu sĩ dòng xây năm 1899. Đây là một nhà thương săn sóc các người tàn tật thể lý và tâm thần, đặc biệt các người bị bệnh động kinh. Nó gồm 10 khu vực và có 400 giường, với 300 nhân viên gồm các bác sĩ và y tá phục vụ.

Ngỏ lời trong dịp này, Đức Thánh Cha nhấn mạnh phẩm giá của những người khuyết tật và người chịu đau khổ, như mẫu gương của Chúa Giêsu và các thánh đã chứng tỏ. Ngài nói: “Chúa Giêsu, và theo gương Chúa, Mẹ Đau khổ của Người và các thánh là những chứng nhân dạy chúng ta sống thảm trạng đau khổ để mưu ích cho chúng ta và cho phần rỗi của thế giới. Các chứng nhân ấy trước tiên nói với chúng ta về phẩm giá của mỗi người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Không một sầu khổ nào có thể xoá bỏ dấu vết Chúa đã ghi khắc nơi thẳm sâu của con người. Không những thế, từ lúc Con Thiên Chúa muốn tự nguyện đón nhận đau khổ và cái chết, thì hình ảnh Thiên Chúa cũng được ban cho chúng ta cả nơi khuôn mặt của người chịu khổ đau. Lòng yêu thương đặc biệt này của Chúa đối với người đau khổ làm cho chúng ta nhìn tha nhân với đôi mắt trong sáng, để trao tặng họ cái nhìn yêu thương mà họ đang cần, ngoài những nhu cầu bề ngoài. Nhưng ta chỉ có thể làm điều ấy như kết quả của một cuộc gặp gỡ bản thân với Chúa Kitô. Trong tư cách là các tu sĩ, thân nhân, các chuyên gia y tế và người thiện nguyện, anh chị em biết rất rõ điều đó, khi sống và làm việc hằng ngày với những người trẻ này”.

Đức Thánh Cha nhận xét thêm: “Anh chị em cũng làm chứng về thiện ích vô biên, mà cuộc sống của những người trẻ này mang lại cho những người sống bên cạnh họ, cũng như cho toàn thể nhân loại. Sự hiện diện của họ – một cách huyền nhiệm và rất thực tế – khơi dậy nơi tâm hồn nhiều khi chai đá của chúng ta một sự dịu dàng, mở ra cho chúng ta ơn cứu độ. Chắc chắn là đời sống của những người trẻ này thay đổi con tim của nhiều người, và chúng ta cảm tạ Chúa vì đã được biết họ”.

Đức Thánh Cha kết luận: “Các bạn thân mến, xã hội chúng ta – trong đó quá nhiều khi người ta nghi ngờ phẩm giá khôn lường của sự sống, của mọi sự sống – xã hội ấy đang cần đến anh chị em: anh chị em đóng góp một phần quan trọng vào việc xây dựng nền văn minh tình thương. Hơn nữa, anh chị em giữ vai chính trong việc xây dựng nền văn minh ấy. Trong tư cách là những người con của Giáo Hội, anh chị em hãy dâng lên Chúa cuộc sống, những vất vả và vui mừng của anh chị em, cộng tác với Chúa, nhờ đó anh chị em cũng được “thuộc về kho tàng từ bi thương xót mà nhân loại đang cần” (Spe salvi 40).