22/01/2025

Ông Tám lúa giống

Một nông dân không có bằng cấp nào lận lưng… đã chọn lọc, lai tạo thành công 146 dòng lúa giống mới!

 Ông Tám lúa giống

Chuyện lai tạo giống lúa xưa nay là của các nhà khoa học, vậy mà có một nông dân không có bằng cấp nào lận lưng… đã chọn lọc, lai tạo thành công 146 dòng lúa giống mới.

Hai Lúa thứ thiệt

Nói đến chọn lọc, lai tạo giống lúa mới thành công ở Bạc Liêu thì ai cũng biết đến lão nông Nguyễn Văn Lạc (71 tuổi, ấp Láng Giày, thị trấn Hoà Bình, H.Hoà Bình). Ông thứ tám, nên được mọi người thường gọi là “Tám lúa giống”. Hơn 40 năm lam lũ với nghề nông, bám trụ với đồng ruộng, ông biết rõ giống lúa là một trong những nhân tố quan trọng quyết định đến năng suất, chất lượng. Từ đó, ông luôn ấp ủ hoài bão làm sao chính tay mình lai tạo ra nhiều giống lúa mới đạt năng suất cao, cho nhiều người dân ở địa phương áp dụng, góp phần tăng thu nhập, thoát cảnh nghèo khó.

Thăm nhà ông Tám lúa giống, sẽ thấy một chiếc bàn rất đặc biệt đặt ở cạnh cửa sổ. Trên đó có cả trăm chiếc hũ nhựa vuông, tròn trong suốt, được xếp đều tăm tắp, chứa những hạt lúa giống. Bên cạnh là những chùm bông lúa vàng ươm được bó thành từng bó nhỏ, mỗi bó có kẹp mảnh giấy ghi tên dòng lúa. Những hạt lúa giống này do ông tự tay vò từng bó lúa, rồi sau đó chăm chút lựa ra từng hạt.

Ông kể, từ năm 1995, ông bắt tay vào chọn lọc, lai tạo giống lúa. Dù nhiều lần thất bại nhưng không nản chí, tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu. Năm 2005, ông được Viện Nghiên cứu hệ thống canh tác ĐBSCL tập huấn tăng cường kỹ thuật chọn tạo giống lúa trong cộng đồng. Từ “mớ” kiến thức này, ông tiếp tục lao vào nghiên cứu sản xuất lúa giống, từ chọn lọc giống lúa cấp xác nhận đến chọn giống thuần chủng rồi đến lai tạo giống lúa mới. Ban đầu ông nhận lúa giống lai Khao Hom X MTL 156 (F1) của Viện Nghiên cứu phát triển (NCPT) ĐBSCL về chọn lọc thử và đã thành công. Từ kết quả đó, ông tiếp tục nhân rộng, đến nay qua gần 8 năm chọn lọc, ông đã lai tạo thành công 146 dòng lúa giống mới, trong đó có trên 10 dòng lúa cho năng suất rất cao, từ 8 – 8,5 tấn/ha/vụ, vượt trội so với các giống lúa khác. Đơn cử, vụ đông xuân năm 2003, ông đã lai tạo ra một dòng lúa mới được đặt tên là BL29, vụ hè thu năm 2004, dòng lúa này được Viện NCPT ĐBSCL đưa đi trồng so sánh thử nghiệm tại các tổ giống trong mạng lưới chọn tạo giống cộng đồng. Kết quả cho thấy các điểm trồng khảo nghiệm dòng lúa BL29 do ông lai tạo phát triển tốt, năng suất cao hơn các dòng lúa khác.

 

Hiện ông Tám lúa giống có gần 20 dòng lúa được Trung tâm giống Bạc Liêu và các viện, trường chọn khảo nghiệm và khuyến cáo người dân trong tỉnh sản xuất nhân rộng

 

Hiện ông Tám lúa giống có gần 20 dòng lúa được Trung tâm giống Bạc Liêu và các viện, trường chọn khảo nghiệm và khuyến cáo người dân trong tỉnh sản xuất nhân rộng. 

Xây dựng thương hiệu lúa giống Bạc Liêu

Không chỉ chọn lọc, lai tạo giống lúa, ông còn tự lai tạo giống nhằm tìm ra dòng lúa thơm mới, có nhiều ưu điểm vượt trội hơn giống lúa VD20, Jasmine 85. Vụ thu đông năm 2003, ông bắt đầu thực hiện việc lai tạo giữa Jasmine 85 (mẹ) với VD20 (cha). Từ 36 hạt lúa giống lai đầu tiên đem về gieo trồng trên một cái đĩa và cẩn thận chăm sóc, ông lựa chọn 13 cây lúa sinh trưởng tốt đem cấy trồng trong xô. Ông chăm chút, luôn quan sát thật kỹ về tiến trình sinh trưởng của từng cây lúa và áp dụng cho tạo giống qua các mùa vụ. Trong 64 dòng lúa giống mới, có 5 giống lúa BL17, BL29, BL45, BL46, BL47 đề nghị được thực nghiệm giống lúa quốc gia. Hai giống lúa BL17, BL29 được nhiều hộ dân ở các tỉnh trong khu vực ĐBSCL áp dụng sản xuất. Hiện ông đang nhân giống lúa BL29 để cung cấp giống cho tỉnh sản xuất trên diện tích 300 ha.

Ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, ông vẫn mê say việc chọn lọc, lai tạo giống lúa. Trò chuyện với chúng tôi, ông Tám lúa giống tươi cười nói: “Hầu hết nông dân mình hiện đang sản xuất lúa giống ở các địa phương khác, thậm chí được nhập từ nước ngoài. Tôi muốn dành trọn thời gian còn lại của đời mình làm công việc chọn lọc, lai tạo tìm ra nhiều giống lúa mới mang thương hiệu Bạc Liêu. Bởi tâm nguyện của tôi trước khi nghỉ là cố gắng tìm ra một giống lúa thơm mới để lại cho con cháu mai sau”. Đi đâu thì thôi chứ cứ về tới nhà, ông lại cưỡi chiếc xe đạp cà tàng ra đồng thăm những thửa lúa giống lai tạo của mình.

Theo ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, việc chọn lựa, lai tạo các giống lúa mới của ông Tám lúa giống thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng canh tác ở Bạc Liêu và khu vực ĐBSCL đáng được biểu dương, khen ngợi. 

Ông Tám lúa giống – người tiên phong trong chọn lọc, lai tạo lúa giống lúa ở Bạc Liêu đã được nhiều tổ chức, viện lúa trong và ngoài nước tặng bằng khen. Ông cũng rất vui khi được Trung tâm giống Bạc Liêu tạo mọi điều kiện để ông xây dựng thương hiệu lúa giống Bạc Liêu.

Qua đánh giá 146 dòng lúa lai tạo, ông Tám lúa giống thích nhất là dòng BL15, vì dòng lúa này có nhiều ưu việt như lúa cứng cây, không đổ ngã, năng suất rất cao, bình quân 8,5 tấn/ha/vụ. Đây là một giống lúa lai mới cho năng suất cao chưa từng thấy ở Bạc Liêu xưa nay. Theo ông Phan Văn Liêm, Giám đốc Trung tâm giống Bạc Liêu, dòng lúa BL15 đời F9 còn có nhiều ưu điểm khác thường như chiều cao từ 9 tấc đến 1 thước, kháng sâu bệnh, cây lúa gọn đẹp, bông dài từ 28 – 30 cm, hạt gạo to, thời gian sinh trưởng từ 95 – 100 ngày, chất lượng gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.