Lời tuyên tín của Thánh Phêrô
Thay mặt cho tất cả Nhóm, với niềm hăng say và quả quyết, Phêrô lên tiếng: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Một lời tuyên tín long trọng, mà từ đó cho đến nay, Giáo Hội vẫn tiếp tục lập lại
Lời tuyên tín của Thánh Phêrô
Bài nói chuyện giờ Kinh Truyền Tin
Tại Castelgandolfo
Chúa Nhật XXI Thường Niên, 24/8/2008
Anh chị em thân mến,
Phụng vụ Chúa Nhật hôm nay đặt ra cho tất cả chúng ta là những Kitô hữu, nhưng đồng thời, cũng đặt ra cho mọi người, nam cũng như nữ, hai câu hỏi sau đây, hai câu hỏi mà một ngày nọ Đức Giêsu đã đặt ra cho các môn đệ của mình. Trước tiên Người hỏi họ: “Người ta nói Con Người là ai?”. Các môn đệ trả lời rằng, theo một số người, thì Người là một Gioan Tẩy giả mới, còn theo những người khác, thì Người là Giêrêmia hay một trong các Tiên tri. Lúc đó Chúa ngỏ lời trực tiếp với Nhóm Mười hai: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?” Thay mặt cho tất cả Nhóm, với niềm hăng say và quả quyết, Phêrô lên tiếng: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Một lời tuyên tín long trọng, mà từ đó cho đến nay, Giáo Hội vẫn tiếp tục lập lại. Ngày hôm nay, chúng ta cũng thế, với một niềm xác tín sâu xa, chúng ta muốn tuyên bố: Phải, lạy Chúa Giêsu, Ngài là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống! Chúng ta tuyên xưng điều này với ý thức rằng Đức Kitô là “kho tàng” thực sự rất đáng cho chúng ta hy sinh tất cả để có được kho tàng ấy; chính Người là người bạn không bao giờ bỏ rơi chúng ta, bởi vì Người biết đâu là những mong đợi sâu xa nhất của tâm hồn chúng ta. Đức Giêsu là “Con Thiên Chúa hằng sống”, là Đấng Thiên Sai được hứa hẹn, đã đến trong trần gian để mang lại cho nhân loại ơn cứu độ, và để đáp ứng cơn khát sự sống và tình yêu trong mỗi hữu thể nhân văn.Thật là một cái lợi tuyệt vời mà nhân loại có thể rút ra được khi đón nhận lời loan báo này, lời loan báo mang lại niềm vui và bình an!
“Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”: qua lời tuyên tín được Cha Trên Trời mạc khải cho Phêrô, Chúa Giêsu đã đáp lại: “Con là là Đá, và trên đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và các cửa hoả nguc sẽ không thể nào chống lại được. Thầy sẽ ban cho con chìa khoá Nước Trời”. Đây là lần đầu tiên Chúa Giêsu nói về Giáo Hội, một Giáo Hội mà sứ mệnh là thực hiện chương trình vĩ đại của Thiên Chúa giao phó, đó là quy tụ toàn thể nhân loại vào trong một gia đình duy nhất trong Chúa Kitô. Sứ mệnh của Thánh Phêrô và của những người kế vị người, chính là sứ mệnh phục vụ sự hợp nhất của Giáo Hội Chúa, một Giáo Hội được cấu tạo bởi người Do Thái và lương dân thuộc mọi dân tộc; thừa tác vụ cốt yếu của Thánh Phêrô, đó là làm thế nào để Giáo Hội không bao giờ bị đồng hoá với một quốc gia, với một nền văn hoá nào, nhưng luôn là Giáo Hội của mọi dân tộc, để làm cho hoà bình của Chúa và sức mạnh canh tân của tình yêu Người được hiện diện giữa mọi người luôn bị những chia rẻ và vô số đối kháng tác động. Như thế, sứ mạng đặc biệt của Đức Giáo Hoàng, là Giám mục Rôma, và là người Kế vị Thánh Phêrô, đó là phục vụ cho sự hợp nhất nội tại xuất phát từ bình an của Chúa, sự hợp nhất của những ai đã trở nên anh chị em với nhau trong Đức Giêsu Kitô.
Đứng trước trách nhiệm to lớn của chức vụ này, tôi ngày càng cảm thấy rõ ràng hơn nữa sự cam kết và tầm quan trọng của công việc phục vụ Giáo Hội và thế giới mà Chúa đã giao phó cho tôi. Anh chị em thân mến, chính vì thế, tôi xin anh chị em nâng đỡ tôi bằng kinh nguyện, để một khi trung thành với Đức Kitô, chúng ta có thể cùng nhau loan báo Đức Kitô đang hiện diện trong thời đại chúng ta và làm chứng cho Người. Ước gì Đức Maria, Đấng mà chúng ta tin tưởng cầu xin, với tư cách là Mẹ của Giáo Hội và là Ngôi sao rao giảng Tin Mừng, cầu cùng Chúa ban cho chúng ta ân huệ này.
Sau giờ Kinh Truyền Tin
Kêu gọi hoà bình và công lý trong một bối cảnh quốc tế khó khăn
Trong những tuần vừa qua, những căng thẳng trong bối cảnh quốc tế ngày càng leo thang làm cho mọi người vô cùng bận tâm lo lắng. Chúng ta phải cay đắng nhìn nhận rằng bầu khí tin tưởng và cộng tác giữa các quốc gia với nhau, thay vì làm nổi bật những tương giao thân thiện, đã dần dần bị phá huỷ. Trong tình hình như hiện nay, làm sao mà ta lại không đo lường được toàn bộ sự khó khăn mà nhân loại đã gặp phải khi cùng nhau ý thức mình là “gia đình của mọi quốc gia“, là lý tưởng mà Đức Gioan Phaolô II đã giới thiệu cho Đại hội đồng Liên hiệp quốc? Ta phải ý thức một cách sâu xa rằng mình có cùng một số phận, mà xét cho cùng, thì đó là một số phận siêu việt (x. Sứ điệp cho Ngày Quốc tế Hoà bình 1/1/2006, s. 6), để loại trừ việc quay trở lại với những đối nghịch mang màu sắc duy quốc gia, đã gây nên những hậu quả hết sức bi thảm vào những thời đại khác nhau của lịch sử. Những biến cố mới đây đã làm cho nhiều người không còn xác tin rằng những kinh nghiệm như thế sẽ mãi mãi bị đẩy lùi vào trong quá khứ.
Nhưng chúng ta không được phép bi quan. Mà đúng hơn, ta phải tích cực dấn thân để chống lại cơn cám dỗ muốn đương đầu với những hiện tình mới bằng những hệ thống cũ kỹ. Vũ lực cần phải loại bỏ! Sức mạnh luân lý của quyền lợi, những cuộc thương thuyết công bằng và trong sáng, nhằm giải quyết những cuộc tranh luận, bắt đầu từ những cuộc tranh luận liên quan đến sự toàn vẹn lãnh thổ và quyền tự quyết của các dân tộc, sự trung thành với lời đã cam kết, việc tìm kiếm công ích: đó là một vài hướng đi chính mà ta phải đeo đuổi một cách kiên nhẫn và sáng tạo, để xây dựng những mối tương quan phong phú và chân thành, và để bảo đảm cho các thế hệ hiện tại và tương lai có được những thời kỳ sống thuận thảo và tiến bộ về mặt luân lý và công dân! Chúng ta hãy biến đổi những tư tưởng và ước nguyện này thành kinh nguyện, để cho mọi thành viên của Cộng đồng quốc tế, đặc biệt những ai đang nắm giữ những trách nhiệm cao nhất, biết hành động một cách quảng đại, để tái lập những lý do cao cả hơn cho hoà bình và công lý. Lạy Mẹ Maria, là Nữ Vương hoà bình, xin cầu cho chúng con!
Khi ngỏ lời vớ anh chị em, tôi muốn bảo đảm với anh chị em rằng tôi tiếp tục cầu nguyện cho những ai đã thiệt mạng trong tai nạn máy bay thảm khốc xảy ra hôm thứ tư vừa qua tại phi trường Madrid được an nghỉ đời đời, cũng như cho những người bị thương. Tôi cầu xin Chúa ban sức mạnh, sự khích lệ và niềm hy vọng cho gia đình của họ, và tôi cũng muốn bày tỏ lại với họ tình cảm sâu đăm, sự gần gũi tinh thần của tôi. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!
Anh chị em là những khách hành hương nói tiếng Pháp đến đây để đọc kinh Truyền Tin cùng với người Kế vị của Thánh Phêrô thân mến, tôi xin chào anh chị em. Vị Tông đồ đầu tiên được Chúa giao cho chìa khoá Nước Trời, đã nhận lãnh sứ mạng làm nền tảng để Chúa xây dựng Hội Thánh của Người. Xin cám ơn anh chị em đã đồng hành với tôi qua kinh nguyện, và tình yêu mến của anh chị em dành cho thừa tác vụ của tôi. Cầu xin Chúa kiên vững đức tin của chúng ta, giúp chúng ta luôn sống và hành động theo tư tưởng của Thiên Chúa. Tôi xin ban Phép Lành Toà Thánh của tôi cho anh chị em.
Tôi xin chúc tất cả hưởng một ngày Chúa nhật và một tuần lễ tốt đẹp. Xin gởi lời cám ơn cùng với những lời chúc tốt đẹp nhất của tôi.