22/12/2024

Trung Quốc: khi dân ra nghị quyết

Có hơn 12.000 người đổ về tụ tập trước toà nhà chính quyền để yêu cầu di dời nhà máy sản xuất paraxylene ra khỏi khu dân cư của họ.

 Trung Quốc: khi dân ra nghị quyết

Chính quyền thành phố Đại Liên (Liêu Ninh) ngày 14-8 phải lập tức ra lệnh đóng cửa Nhà máy sản xuất paraxylene Phúc Giai và cam kết sẽ di dời nhà máy này ra khỏi Khu công nghiệp cảng Đại Liên dưới sức ép trực tiếp của người dân.

Cuộc biểu tình ngày 14-8 được xem là bản sao của cuộc biểu tình ở thành phố Hạ Môn (tỉnh Phúc Kiến) bốn năm trước.

Phiên bản Hạ Môn

Năm ấy (2007), hàng chục ngàn người dân rầm rộ biểu tình đòi chính quyền thành phố phải di dời nhà máy sản xuất paraxylene do Đài Loan đầu tư, cuối cùng chính quyền thành phố phải cho di dời nhà máy ra khỏi khu trung tâm.

Bốn năm sau, số phận tương tự được lặp lại với Nhà máy paraxylene Phúc Giai. Giao thông và mọi hoạt động ở khu quảng trường Nhân Dân (Đại Liên) gần như bị tê liệt trong nhiều giờ liền khi có hơn 12.000 người đổ về tụ tập trước toà nhà chính quyền để yêu cầu di dời nhà máy này khỏi khu dân cư của họ.

Nhật báo Đô Thị Phương Nam cho biết người dân sống gần nhà máy đã phải sơ tán do lo ngại hoá chất độc hại bị rò rỉ sau khi những cột sóng cao do bão Muifa đã xé nát bờ đê bảo vệ nhà máy tuần qua. Tức nước vỡ bờ, như Thời Báo Hoàn Cầu mô tả, người dân Đại Liên lo sợ thảm hoạ rò rỉ hoá chất xảy ra nếu như lại có bão hay lũ lụt, bởi nhà máy chỉ cách khu dân cư 20km.

“Bảo vệ môi trường và cuộc sống của nhân dân nên được quan tâm trước khi tính đến tăng trưởng kinh tế “

Giáo sư trúc Lập Gia

Với dòng chữ “Hãy trả lại thành phố Đại Liên xinh đẹp cho chúng tôi”, dòng người đã đổ về quảng trường ngày một đông trong gần bảy giờ. “Phúc Giai hãy cút khỏi. Tôi muốn sống thêm vài năm nữa” – họ hô to.

Cảnh sát và an ninh đã có mặt nhưng không thể vãn hồi trật tự. Người biểu tình đã ném chai lọ và cố vượt qua vòng vây cảnh sát để tiến vào toà nhà chính quyền. Chủ tịch thành phố Đại Liên Lý Vạn Tài và Bí thư thành uỷ Đường Quân đã phải xuất hiện và cam kết sẽ di dời nhà máy, song không đưa ra thời gian chính xác. “Thời gian, thời gian, lúc nào cũng cần thời gian. Chính xác là khi nào hãy cho chúng tôi thời gian cụ thể, chúng tôi muốn sống sót, chúng tôi cần một môi trường trong lành” – một người biểu tình nói. Những người biểu tình chỉ chịu giải tán khi chính quyền buộc phải ra tuyên bố chính thức bằng văn bản về việc đóng cửa và di dời nhà máy. Trước lúc ra về, họ không quên: “Chúng tôi sẽ giám sát việc thực thi này”.

Cuộc biểu tình ở Đại Liên là một trong những cuộc biểu tình lớn nhất ở Trung Quốc để phản đối nạn gây ô nhiễm môi trường. Phần lớn những người biểu tình cho biết họ không còn tin các báo cáo của chính phủ đưa ra.“Dù cho có xảy ra rò rỉ hay ô nhiễm thì chính quyền cũng sẽ chặn tin tức lan ra ngoài” – Cindy Tân, một người tham gia biểu tình, cho biết.

Bốn ngày trước đó, báo Đô Thị Phương Nam cho biết Nhà máy hoá chất Đàm Thành, tỉnh Sơn Đông, đã rò rỉ khí chlorine khiến 125 người ngộ độc cho đến nay vẫn còn nằm bệnh viện, phần lớn là công nhân nhà máy và cư dân sống gần đó. Ba tháng trước, Nhà máy sản xuất hoá chất Lục Lương đã đổ 5.222 tấn hoá chất chromium ở ba thị trấn của thành phố Khúc Tịnh (Vân Nam). Lượng hoá chất trên đã được đổ xuống những hồ nước nhỏ chảy ra sông Nam Bàn, một nhánh của sông Châu Giang từ tháng 4 đến tháng 6-2011. Đất và nguồn nước trong một số khu vực đã bị ô nhiễm trầm trọng, hàng loạt gia súc chết bất ngờ. Sự việc được người dân báo từ tháng 6-2011 song gần đây thông tin mới được chính thức công bố. Báo Đô Thị Phương Nam nhận định đây chính là những nguyên nhân khiến người dân Trung Quốc nổi điên vì môi trường sống của họ đang bị xâm hại nặng nề mà chính quyền gần như ít đoái hoài đến.

Xem nhẹ mạng sống người dân

Nhà máy hoá chất Phúc Giai chuyên sản xuất chất paraxylene, một chất hoá dầu gây ung thư được sử dụng trong sản xuất nhựa và dệt may. Hoá chất này có thể gây sưng tấy cổ họng, mắt và mũi, nếu thấm lâu ngày có thể dẫn đến tử vong. Nhà máy này đã đi vào hoạt động từ tháng 6-2009 nhưng không được Sở Bảo vệ môi trường Liêu Ninh cấp phép cho đến tháng 4-2010.

Ô nhiễm môi trường là một trong những nguyên nhân chính gây nên bất ổn xã hội ở Trung Quốc trong những năm gần đây. Theo một nghiên cứu của Trường đại học Nam Khai (Thiên Tân), năm 2009 ở Trung Quốc đã có 90.000 cuộc biểu tình các loại.

Người dân Đại Liên còn chưa hết phẫn nộ từ sau vụ tràn dầu hồi tháng 6-2010. Đường ống dẫn dầu vào kho chứa ở cảng Đại Liên đã phát nổ và dầu tràn lan rộng 50km2. Họ lại như ngồi trên lửa khi Nhà máy Phúc Giai chỉ cách hiện trường vụ tràn dầu không tới 200m rung rinh dưới cơn bão Muifa. Báo Kinh Tế Thế Kỷ 21 cho rằng hai sự kiện xảy ra liên tục chứng tỏ quy hoạch phát triển của thành phố này có vấn đề. “Rõ ràng chính quyền địa phương đã bỏ sót vấn đề an toàn khi lên kế hoạch xây dựng khu công nghiệp. Họ cũng không dự báo những nguy cơ tiềm ẩn quanh khu vực” – báo này viết.

Giáo sư Trúc Lập Gia, Học viện Hành chính quốc gia, kêu gọi chính quyền các địa phương ở Trung Quốc phải “suy nghĩ kỹ” trước khi ra quyết định kêu gọi đầu tư. “Bảo vệ môi trường và cuộc sống của nhân dân nên được tính đến trước khi tính đến tăng trưởng kinh tế. khi lên kế hoạch xây dựng nhà máy nào, nên hỏi ý kiến dân trước khi làm” – giáo sư Trúc nhấn mạnh.

Nhiều người dân Trung Quốc cho rằng giờ đây dù cho có đánh đổi mạng sống họ cũng đấu tranh để các nhà máy như Nhà máy sản xuất paraxylene Phúc Giai phải biến khỏi nơi sinh sống của họ. “Đó là làm cho thế hệ mai sau, làm cho con cái của chúng ta… Chính phủ phải biết rằng những đứa trẻ là hi vọng cuối cùng của cha mẹ chúng. Họ sẽ làm bất cứ điều gì để phản đối nếu con cái họ không được sống hạnh phúc và khoẻ mạnh” – Trương Lập Tân đã viết trên blog của anh.