22/01/2025

Bộ Giáo sĩ gửi thư cho các vị Giám đốc Đền thánh

ĐHY Mauro Piacenza, Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ, gửi thư tới các vị Giám đốc và các Trung tâm Hành hương trên thế giới, khuyến khích tăng cường việc các hoạt động truyền giảng Tin Mừng và mục vụ tại các nơi thánh này.

 Bộ Giáo sĩ gửi thư cho các vị Giám đốc Đền thánh 


VATICAN – ĐHY Mauro Piacenza, Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ, gửi thư tới các vị Giám đốc và các Trung tâm Hành hương trên thế giới, khuyến khích tăng cường việc các hoạt động truyền giảng Tin Mừng và mục vụ tại các nơi thánh này.

Theo Giáo luật hiện hành, Bộ Giáo sĩ là cơ quan thẩm quyền về các Đền Thánh. Trong thư công bố ngày 12-8-2011 gửi tới các GM giáo phận kèm theo lá thư gửi các vị Giám đốc Đền thánh, ĐHY Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ đề cao vai trò của các nơi này và khẳng định: “Qua dòng lịch sử, các Đền thánh tỏ ra là những nơi tuyệt vời được Chúa Quan Phòng sử dụng để hoán cải, nâng đỡ và an ủi nhiều người. Ngày nay, các Đến thánh tiếp tục soi sáng cho nhiều người bằng niềm vui đức tin Kitô và góp phần giúp các tín hữu nhạy cảm lắng nghe tiếng gọi tất cả mọi người nên thắng. Những nguồn mạch đó có thể cộng tác khiêm tốn vào việc ngăn chặn trào lưu tục hoá và gia tăng việc thực hành đạo. Vì thế, chúng tôi ao ước canh tân lòng nhiệt thành của các linh mục đặc trách mục vụ tại các Đền thánh, mong muốn các vị hiểu biết đầy đủ hơn về tầm quan trọng đề cao giá trị của mỗi cơ hội để chăm sóc phụng vụ, huấn giáo, giảng thuyết, giải tội, cử hành các bí tích và cả nghệ thuật thánh nữa, nhờ đó có thể giúp đỡ những ai đến Đền thánh, dù chỉ đến theo dịp nào đó mà thôi”.

Trong lá thư dài gửi các vị Giám đốc Đền thánh, ĐHY Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ cũng đề cao vai trò và tầm quan trọng của các Đền thánh trong công trình cứu độ và ngài lần lượt bàn đến: trước tiên là việc loan báo Lời Chúa, cầu nguyện và lòng đạo đức bình dân (2); tiếp đến là lòng từ bi của Thiên Chúa trong Bí tích Thống Hối; thứ ba là Thánh Thể, nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Kitô; sau cùng là một năng động mới cho công cuộc truyền giảng Tin Mừng.

ĐHY Piacenza nêu bật tầm quan trọng của lòng đạo đức bình dân đối với đức tin, văn hoá và căn tính Kitô của nhiều dân tộc. Ngài viết: “Những hình thức sùng mộ đa dạng, nhiều khi xuất phát từ sự nhạy cảm và các truyền thống văn hoá, chứng tỏ lòng nhiệt thành sốt sắng của đời sống thiêng liêng được liên tục nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện và ước muốm thâm sâu ngày càng gắn bó hơn với Chúa Kitô”.

Vì thế, ĐHY kêu gọi đừng ngăn cản hoặc loại bỏ, trái lại cần cổ võ việc thực hành lòng đạo đức bình dân, tuy rằng việc thực hành này không thể thay thế việc tham gia phụng vụ… Nơi nào lòng đạo đức ấy có những thái độ hoặc não trạng không phù hợp với cảm thức tôn giáo lành mạnh, thì cần phải can thiệp, thanh tẩy những yếu tố lệch lạc, hoặc thực hiện những buổi suy niệm và các khoá học hỏi”.

Thư của Bộ Giáo sĩ cũng đề cao các Đền thánh như nơi thực thi trường kỳ lòng thương xót của Thiên Chúa, và khuyến khích tăng cường sự hiện diện thường xuyên của các linh mục, quảng đại ngồi toà giải tội cho các tín hữu tại các Đền thánh. “Các cha giải tội, khi soi sáng lương tâm các hối nhân, cũng hãy nêu bật mối liên hệ giữa Bí tích Giải Tội và một cuộc sống mới, hướng tới sự quyết liệt hoán cải. Vì thế, các vị hãy khuyên các tín hữu siêng năng sốt sắng lãnh nhận Bí tích Giải Tội”.

Bộ Giáo sĩ đặc biệt nhắn nhủ hãy tôn trọng tự do của mỗi tín hữu, thiết lập toà giải tội tại những nơi thích hợp, như tại Nhà nguyện hoà giải, và các toà giải tội cần có chấn song cố định, theo các quy luật do các HĐGM liên hệ ban hành.

Trong lĩnh vực hôn nhân, Bộ Giáo sĩ nhắc nhở các cha giải tội “hãy tôn trọng những gì Huấn Quyền của Giáo Hội tuyên dạy. Hãy tránh biểu lộ trong toà giải tội những đạo lý riêng tư, những ý kiến cá nhân hoặc những thẩm định theo ý riêng không phù hợp với những gì Giáo Hội tin và dạy”.

Về việc cử hành thánh lễ tại các Đền thánh, thư của Bộ Giáo sĩ nhắc nhở rằng việc việc đồng tế, hãy làm sao để có một vị trưởng nghi, không đồng tế, và hãy lo liệu hết sức để các vị đồng đế mặc áo lễ, hoặc áo đồng tế. Bộ cũng cảnh giác “một lối cử hành, tự động du nhập những đổi mới về phụng vụ theo ý mình, chẳng những gây hoang mang và chia rẽ nơi các tín hữu, nhưng còn làm thương tổn đến Truyền Thống đáng kính và chính uy tín và sự hiệp nhất của Giáo Hội”. (SD 12-8-2011)