22/12/2024

Bất thường tại phiên toà phúc thẩm

Điều lạ lùng là hầu hết các bị hại có mặt ở toà đều thay đổi lời khai và ngay cả chủ toạ cũng đồng tình với những hành vi bị xem là có dấu hiệu phạm tội mà án sơ thẩm đã quy kết!

 Bất thường tại phiên toà phúc thẩm

* Hoãn xử để triệu tập thêm các bị hại

Hôm qua, HĐXX TAND tối cao tại TP.HCM do thẩm phán Phạm Hùng Việt làm chủ toạ, xét xử phúc thẩm 6 bị cáo trong vụ án “tập đoàn” massage kích dục Tân Hoàng Phát. Điều lạ lùng là hầu hết các bị hại có mặt ở toà đều thay đổi lời khai và ngay cả chủ toạ cũng đồng tình với những hành vi bị xem là có dấu hiệu phạm tội mà án sơ thẩm đã quy kết!

Trước đó, bản án sơ thẩm tuyên phạt Phan Cao Trí 12 năm tù, Phan Việt Hậu (em vợ Trí) 10 năm tù, Phan Quốc Cường 9 năm tù, Phan Thị Yến (vợ Trí) 6 năm tù, Nguyễn Hoài Nhanh 2 năm tù, Nguyễn Minh Phương 3 năm tù về một hoặc hai tội “bắt giữ người trái pháp luật” và “cưỡng đoạt tài sản”.

HĐXX sơ thẩm nhận định, lấy danh nghĩa công ty dịch vụ massage, Trí cùng những người trong gia đình đã biến tướng thành hoạt động kinh doanh không lành mạnh (massage kích dục). Các nhân viên nữ tuy được ký hợp đồng lao động nhưng thực tế không được trả lương, chỉ sống bằng tiền “boa” của khách, phải làm việc từ 9 giờ sáng hôm trước đến 1 giờ sáng hôm sau. Thậm chí, các cô không được nghỉ phép, không được tự do đi lại, phải ăn ở tại cơ sở và chịu sự quản lý, canh giữ của bảo vệ, tiền “boa” cũng bị quản lý để chi trả phí sinh hoạt đắt đỏ do chính vợ chồng Trí – Yến cung cấp. Trí cũng ép buộc các cô gái chiều khách, xâm phạm quyền tự do thân thể của họ; đánh đập, phạt tiền; nếu bỏ trốn sẽ bị bắt về để xử lý… Biết sự hung bạo của các bị cáo, gia đình các bị hại phải chấp nhận nộp tiền “chuộc” để giải thoát con em họ. Tổng cộng, các bị cáo đã chiếm đoạt của 9 bị hại 169 triệu đồng. Sau phiên xử, 4 bị cáo kháng cáo kêu oan, 2 bị cáo xin giảm hình phạt.

Tại phiên xử hôm qua, 9/12 bị hại có mặt tại toà đã đồng loạt “kêu oan” hoặc xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Các bị hại cho rằng bản thân họ không bị vợ chồng Trí – Yến cũng như các bị cáo khác đánh đập, ép buộc, bắt giữ hoặc buộc phải nộp tiền thế chân khi về nghỉ phép; số tiền bị chiếm giữ là tiền lương tháng cuối cùng Tân Hoàng Phát chưa thanh toán do bị bắt. Chưa hết, có bị hại còn “gửi” lời cám ơn đến vợ chồng Trí – Yến, khi cho rằng nhờ các bị cáo mà họ có công ăn việc làm, có thu nhập cao nuôi sống gia đình… Đáng lưu ý, cách xét hỏi và những câu nói của vị chủ toạ khiến nhiều người ngỡ ngàng. Chẳng hạn, khi chị N.T.M.T khai bị Hậu cảnh cáo, doạ cho đi dọn vệ sinh vì phản ứng bị khách sờ mó, vị chủ toạ “chua” thêm: “Ừ…, mới doạ thôi chứ chưa bắt đi dọn vệ sinh!”. Chị N.T.T.D khai: “Đi chợ phải đặt tiền thế chân, không được tự do ra ngoài, chỉ được đi lòng vòng trong cơ sở thôi, muốn ra ngoài phải xin phép và có bảo vệ đi theo” thì vị chủ toạ nói như giải thích thay cho bị cáo: “Người ta đào tạo các chị mà để các chị đi lại tự do, bỏ qua chỗ khác làm thì cơ sở sập tiệm còn gì?!”…

Trước những tình tiết bất ngờ này, vị đại diện Viện KSND tối cao giữ quyền công tố tại phiên toà đã gọi chị Đ.T.N và M.T.K.L thẩm vấn để tìm nguyên nhân vì sao thay đổi lời khai so với trước đó. N. khai “khi bị bắt mấy anh làm dữ quá”, còn L. khai do viết theo mẫu. Vị công tố hỏi vậy lý giải như thế nào về những lá đơn tố cáo tự viết, thì cả hai đều im lặng.

Sau khi hội ý nhanh, HĐXX quyết định hoãn xử để triệu tập thêm các bị hại cùng những người liên quan khác.