Chúa nắm lấy bàn tay chúng ta
Bài Phúc Âm Chúa nhật hôm nay lại dẫn chúng ta, đi từ địa điểm nghỉ dưỡng này, để quay về cuộc sống thường nhật: sau khi hoá bánh ra nhiều, Chúa Giêsu lại đi lên núi để ở với Cha Người
Chúa nắm lấy bàn tay chúng ta
Bài nói chuyện giờ Kinh Truyền Tin
Tại Bressanone,
Chúa nhật XIX Thường Niên, 10/8/2008
Anh chị em thân mến,
Có một điểm trong Phúc Âm theo Thánh Marcô kể lại rằng sau nhiều ngày căng thẳng, Chúa nói với các môn đệ: “Các con hãy đi với Thầy đến một nơi thanh vắng và hãy nghỉ ngơi một lát” (x. Mc 6,31). Và bởi vì Lời của Đức Kitô không bao giờ chỉ được gắn liền vào một thời khắc được nói ra, nên tôi đã áp dụng lời Chúa mời gọi các môn đệ vào trong trường hợp của tôi, và tôi đã đến địa điểm đẹp đẽ và yên tĩnh này để nghỉ ngơi một thời gian. Tôi phải cám ơn Đức Cha Egger và những cộng sự viên của người, cám ơn toàn thành phố Bressanone và vùng tỉnh, vì họ đã dành cho tôi địa điểm yên tĩnh này, mà trong suốt thời gian hai tuần lễ này, tôi có thể thư giãn, nghĩ đến Chúa và nghĩ đến mọi người, cũng như lấy lại được những sức lực mới. Xin Chúa trả công cho anh chị em.
Có lẽ tôi phải cám ơn từng người một trong một con số rất đông người, nhưng tôi sẽ làm một việc đơn giản hơn: tôi xin gởi gắm tất cả anh chị em để cho Thiên Chúa chúc lành. Người biết tên từng người một trong số anh chị em, và ơn Phúc lành của Chúa sẽ đến trên từng người một trong anh chị em. Tôi hết lòng kêu xin Chúa ban cho tôi điều này, và ước gì đây là lời cám ơn của tôi dành cho tất cả mọi người.
Bài Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay lại dẫn chúng ta, đi từ địa điểm nghỉ dưỡng này, để quay về cuộc sống thường nhật. Bài Phúc Âm kể lại làm sao, sau khi hoá bánh ra nhiều, Chúa lại đi lên núi để ở với Cha Người. Trong khoảng thời gian đó, các môn đệ đang còn ở lại trên biển hồ, và với con thuyền yếu ớt, họ nhọc công đương đầu với gió ngược. Có thể lúc đó câu chuyện này đã hiện ra trong tâm trí thánh Sử như là hình ảnh Giáo Hội thời người đang sống: Giáo Hội bấy giờ như chiếc thuyền con đang trôi giạt theo cơn gió ngược của lịch sử, và hình như Chúa đã quên đi con thuyền nhỏ bé ấy rồi. Chúng ta cũng thế, chúng ta có thể nhìn thấy ở đây một hình ảnh về Giáo Hội của thời đại chúng ta, một Giáo Hội mà nhiều nơi đang phải đương đầu với những khó khăn để tiến bước, mặc cho gió ngược và dường như Chúa đang ở thật xa. Nhưng Tin Mừng mang lại cho chúng ta một câu trả lời, mang lại sự nâng đỡ và khích lệ, và đồng thời, Tin Mừng cũng chỉ cho chúng ta thấy con đường phải đi.
Thật thế, Tin Mừng nói với chúng ta: vâng, đúng thế, Chúa đang ở gần Chúa Cha, nhưng chính vì thế mà Người không hề ở xa chúng ta, nhưng Người thấy mỗi người, bởi vì Người ở gần Thiên Chúa, Người không ra đi, nhưng Người ở gần người anh em chúng ta. Và trong thực tế, Chúa thấy họ, và đến thời đến buổi, Người đến với họ. Và khi Phêrô đi đến gặp Người, đang có nguy cơ chết chìm, thì Người đã nắm lấy bàn tay ông và Người đã đưa ông đến nơi an toàn, đưa lên con thuyền. Chúa cũng luôn nắm lấy bàn tay chúng ta: Người nắm lấy bàn tay chúng ta vào một ngày Chúa nhật đẹp trời, Người nắm lấy bàn tay chúng ta qua một buổi cử hành phụng vụ thật long trọng, Người nắm lấy bàn tay chúng ta qua kinh nguyện khi chúng ta ngỏ lời với Người, Người nắm lấy bàn tay chúng ta khi chúng ta gặp gỡ Lời Chúa, Người nắm lấy bàn tay chúng ta qua nhiều tình huống của cuộc sống thường nhật – Người nắm lấy bàn tay chúng ta. Và chỉ khi nào chúng ta nắm lấy bàn tay của Chúa, chỉ khi nào chúng ta để cho Người hướng dẫn, thì lúc ấy, con đường chúng ta đi mới là con đường đúng đắn và tốt đẹp.
Chính vì thế, chúng ta kêu cầu Người, để luôn có thể nắm lấy bàn tay Người. Và đồng thời, điều này cũng bao hàm một lời khuyến dụ: là nhân danh Người, chúng ta cũng phải đưa tay ra cho người khác, cho những ai đang cần bàn tay của chúng ta, để dẫn đưa họ qua những dòng nước của lịch sử chúng ta.
Các bạn thân mến, những ngày qua, tôi vẫn còn nhớ đến kinh nghiệm đã trải qua tại Sydney, nơi mà tôi đã gặp gỡ những gương mặt vui tươi của những chàng trai cô gái đến từ khắp nơi trên thế giới. Và như thế đã chin muổi trong tôi một suy nghĩ về biến cố này, và giờ đây tôi muốn chia sẻ với các bạn. Trong đại thủ phủ của quốc gia Úc non trẻ, những người bạn trẻ này là một dấu hiệu của niềm vui chân chính, đôi khi ồn ào náo động, nhưng luôn hoà hiếu và tích cực. Mặc dầu họ đến thật đông đảo, nhưng họ không hề gây nên một xáo trộn hay thiệt hại nào. Để sống vui vẻ, họ không cần dùng đến những cách thế thô kệch hay vũ phu, hoặc rượu bia hay những chất kích thích nào khác. Họ vui mừng khi gặp gỡ nhau, hay cùng nhau khám phá ra một thế giới mới.
Làm sao mà ta lại không so sánh họ với những người bạn trẻ cùng trang, cùng lứa, đang đi tìm những thú tiêu khiển giả hiệu, đang trải qua những kinh nghiệm đốn mạt lắm khi đưa đến những thảm kịch gây xáo trộn xã hội? Đó là một loại sản phẩm tiêu biểu của cái mà ngày nay ta gọi là “xã hội an lạc“, một xã hội, mà để lấp đầy lỗ hổng nội tâm và sự chán chường kèm theo, lại đi đến việc thử nghiệm những cảm nghiệm mới, mang nặng xúc cảm hơn, và “quá khích“ hơn. Ngay cả những kỳ nghỉ hè cũng có nguy cơ biến thành một sự kiếm tìm vô vọng những ảo ảnh khoái lạc. Nhưng hành động như thế, thì tâm trí chẳng được nghỉ ngơi, tâm hồn chẳng có niềm vui và chẳng tìm được sự bình an, mà trái lại, ta càng cảm thấy mỏi mệt và buồn bã hơn trước. Tôi đã gợi lại trường hợp của các bạn trẻ, bởi vì họ là những người khao khát được sống nhất, khao khát có được những cảm nghiệm mới, và vì lý do đó, mà họ chuốc lấy nhiều nguy cơ hơn. Nhưng điều tôi đang suy nghĩ đây cũng đúng cho hết mọi người: con người chỉ được phục hưng thật sự trong mối tương giao với Thiên Chúa, và ta chỉ gặp được Thiên Chúa, bằng cách học lắng nghe tiếng nói của Người, trong sự an tĩnh nội tâm và trong thinh lặng (x.1 V 19, 12).
Chúng ta hãy cầu nguyện cho những kỳ nghỉ hè, trong một xã hội mà người ta luôn sống vội vã, được trở nên những ngày giải trí thật sự, và trong suốt kỳ nghỉ này, ta biết dành ra những giây phút cho việc tĩnh tâm và kinh nguyện, thật cần thiết để tìm lại được chính mình, cũng như anh em mình một cách sâu xa hơn. Chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta ân huệ này nhờ lời bầu cử của Đức Trinh Nữ Maria Chí Thánh, là Nữ Vương của sự thinh lặng và lắng nghe.
Cuối giờ Kinh Truyền Tin
Những nguồn tin ngày càng bi thảm hơn về những biến cố đau thương đã diễn ra tại Géorgie, và từ vùng Ossétie phía Nam trở đi, đã làm cho nhiều người phải trở nên những nạn nhân vô tội, và đã cưỡng bức một số rất đông thường dân phải rời bỏ nhà cửa, những nguồn tin ấy vẫn còn làm cho mọi người phải thực sự lo âu.
Lời cầu mong chân thành nhất của tôi là chấm dứt ngay những hành động quân sự, và đồng thời, nhân danh di sản chung của Kitô giáo, mọi người nên chấm dứt ngay những cuộc xung đột mới và những lời bắt bẽ có tính vũ phu, có thể dẫn tới một cuộc xung đột mang một tầm vóc lớn lao hơn; trái lại, ta nên cương quyết nối lại con đường thương lượng và đối thoại có tính tôn trọng và xây dựng, và như thế, tránh được những đau khổ mới xâu xé những dân tộc rất thân thương này.
Mặt khác, tôi kêu gọi Cộng đồng quốc tế, và những quốc gia có ảnh hưởng nhất trong tình hình hiện nay, cố gắng làm hết sức mình để nâng đỡ, và đẩy mạnh những sáng kiến, nhằm đạt đến một giải pháp hoà bình và trường cửu cho công việc chung sống biết cởi mở và tôn trọng.
Đối với những người anh em Chính thống, chúng ta tha thiết cầu cho những ý nguyện này, và với niềm tin tưởng, chúng ta dâng lên Rất Thánh Trinh Nữ Maria, là Mẹ của Chúa Giêsu và Mẹ của mọi Kitô hữu, những ý chỉ cầu nguyện này, để nhờ Mẹ cầu thay nguyện giúp cho chúng ta.
Tôi cũng xin chào hỏi những ký giả nhà báo, và những chuyên gia về phương tiện truyền thông đã theo dõi tôi trong suốt thời gian tôi lưu trú nơi đây. Các bạn thân mến, tôi xin cám ơn các bạn về những công việc các bạn đã làm, và tôi hứa sẽ cầu nguyện cho gia đình cũng như công việc của các bạn. Xin cám ơn!