23/01/2025

Ngày Quốc tế Giới trẻ tại Madrid

Anh chị em giáo dân là tầng lớp chiếm đại đa số trong Giáo Hội, vì thế họ đáng được các chủ chăn chú ý đặc biệt. Việc khám phá ra và trân trọng ơn gọi của họ, đâm rễ sâu trong các bí tích khai tâm Kitô, luôn là một thách đố lớn.

 Ngày Quốc tế Giới trẻ tại Madrid


Phỏng vấn Đức ông Miguel Delgado Galindo, Phó Tổng Thư ký Hội đồng Toà Thánh về Giáo dân, về Ngày Quốc tế Giới trẻ tại Madrid


Chỉ còn hai tuần nữa là Ngày Quốc tế Giới trẻ lần thứ XXVI sẽ khai diễn tại Marid, thủ đô Tây Ban Nha. Cho tới nay đã có khoảng nửa triệu người trẻ ghi danh tham dự. Phái đoàn từ Việt Nam cũng có 65 người. Trong khi từ các nước bắc Mỹ và Âu châu cũng có hàng trăm bạn trẻ Việt Nam tham dự, chung với bạn trẻ các giáo xứ giáo phận hay riêng rẽ. Có rất nhiều bạn trẻ thuộc các nước nghèo cũng muốn tham dự nhưng không đủ phương tiện tài chính. Cả Philippines là quốc gia Á châu có đông bạn trẻ tham dự nhất, nhưng số người trẻ có cơ may sang Madrid cũng ít. Lý do là vì chi phí lên tới 78.000 pesos, tương đương với 1.800 mỹ kim, là số tiền quá lớn đối với đa số các bạn trẻ. Cũng chính vì vậy mà Uỷ ban Mục vụ Giới trẻ của Hội đồng Giám mục Philippines mở một trang Web cho các người trẻ không thể đi tham dự biến cố này, để họ có thể theo dõi các diễn tiến Ngày Quốc tế Giới trẻ diễn ra trong các ngày 16 đến 21-8 này tại Madrid. 

Đức cha Joel Baylon, Chủ tịch Uỷ ban Mục vụ Giới trẻ, đã khích lệ các bạn trẻ có thể tham dự cố gắng gửi vào địa chỉ này các hình ảnh và tin tức, cũng như các bài tường thuật để chia sẻ với các bạn trẻ ở nhà. Đức cha Baylon cũng mời gọi mọi tổ chức dấn thân trong lĩnh vực mục vụ giới trẻ tại Philipiines thăng tiến các sáng kiến để giúp giới trẻ ý thức được tầm quan trọng của Ngày Quốc tế Giới trẻ. Nó không phải chỉ là biến cố xảy ra tại Madrid, mà còn liên quan tới người trẻ toàn thế giới và mỗi một người trẻ đều được mời gọi tham dự trong tinh thần như có thể. Đức cha Baylon cũng cho biết không phải quốc gia nào cũng có phái đoàn chính thức tham dự. Điển hình như giới trẻ Nepal đã không thể tham dự Ngày Quốc tế Giới trẻ tại Sydney hồi năm 2008 và lần này tại Madrid cũng không, vì lý do tài chính cũng như vì lý do chưa được chuẩn bị và đào tạo tinh thần.

Sau đây, chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn bài phỏng vấn Đức ông Miguel Delgado Galindo, Phó Tổng Thư ký Hội đồng Toà Thánh Giáo dân về Ngày Quốc tế Giới trẻ tại Madrid. Ngày 18-6-2011, Đức Ông đã được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI chỉ định làm Phó Tổng Thư ký Hội đồng Toà Thánh về Giáo dân thay thế Giáo sư Guzman Carriquiry được chỉ định làm Thư ký Hội đồng Toà Thánh đặc trách về Châu Mỹ Latinh. Cho tới nay, Đức Ông đã là chủ sự đặc trách về các hiệp hội và phong trào của Hội đồng Toà Thánh về Giáo dân.

Hỏi: Thưa Đức Ông, có người cho rằng trong các dịp hội họp đông như Ngày Quốc tế Giới trẻ, người trẻ chỉ là một đám đông vô danh làm cảnh cho buổi trình diễn thôi, Đức Ông nghĩ sao?

Đáp: Ai hiểu Ngày Quốc tế Giới trẻ đều biết rằng nó là một dịp tuyệt vời để rao giảng Tin Mừng cho giới trẻ, một kiểu giúp gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu trước sự hiện diện của Đức Thánh Cha. Vì thế, nhân vật chính của Ngày Quốc tế Giới trẻ là Chúa Giêsu Kitô chứ không phải là buổi trình diễn, cũng không phải là đám đông các bạn trẻ. Không thể coi Ngày Quốc tế Giới trẻ là một lễ hội đa văn hoá của các bản trẻ Công giáo và là một biến cố không để lại dấu vết gì, khi ánh đèn cuối cùng của sân khấu tắt đi. Ngày Quốc tế Giới trẻ là một biến cố của Giáo Hội với 5 triệu bạn trẻ tại Manila hồi năm 1995 và 2 triệu bạn trẻ tại Rôma hồi Năm Thánh 2000. Tuy nhiên, dù là một biến cố quy tụ các đám đông như thế, nhưng mỗi bạn trẻ tham dự đều được đánh động một cách sâu đậm. Nếu sống nó như một cơ may gặp gỡ Chúa Kitô, Ngày Quốc tế Giới trẻ có thể thay đổi cuộc đời của người tham dự. Dĩ nhiên, nó đòi hỏi một lộ trình chuẩn bị lâu dài, bắt đầu với sứ điệp mà Đức Giáo Hoàng viết gửi hàng năm cho người trẻ trong Ngày Giới trẻ giáo phận cử hành vào Chúa Nhật Lễ Lá. Có rất nhiều giáo xứ, hiệp hội, phong trào, và các nhóm trẻ tổ chức các buổi học hỏi và đào sâu sứ điệp ấy của Đức Thánh Cha. Nhưng các hoa trái quý báu nhất thuộc lĩnh vực cá nhân riêng tư giữa Thiên Chúa và người trẻ, và đó là điều hợp lý thôi.

Hỏi: Đức Ông có thể đơn cử vài thí dụ không?

Đáp: Có rất nhiều chúng từ rất đẹp của các người trẻ tìm đến với Bí tích Sám Hối sau nhiều năm không xưng tội, và họ bắt đầu một lộ trình hoán cải và thay đổi cuộc sống; hay có những người trẻ khám phá ra rằng Giáo Hội là một thực thể sống động và trẻ trung như Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI khẳng định ngày khai mào chức vụ chủ chăn Giáo Hội hoàn vũ. Và như thế những người trẻ đó đã củng cố đức tin của mình. Hoặc cũng có những người trẻ khác đã khám phá ra ơn gọi của mình sống như giáo dân tận hiến giữa đời hay trong ơn gọi hôn nhân hoặc sống ơn gọi linh mục tu sĩ của những người sống đời thánh hiến. Dưới ánh sáng của các hoa trái tông đồ và truyền giáo đó, người ta không thể chối cãi được sự kiện biến cố lớn này của Giáo Hội đã trao ban sự hăng say mới cho công tác mục vụ cho người trẻ trong Giáo Hội. Ngày Quốc tế Giới trẻ đã trở thành một dịp dạy giáo lý, và các giám mục toàn thế giới đều nói về điều này, khi đến viếng thăm Hội đồng Toà Thánh về Giáo dân.

Hỏi: Nhưng mà thưa Đức Ông, Hội đồng Toà Thánh về Giáo dân đâu có chỉ tổ chức Ngày Quốc tế Giới trẻ không thôi. Tình trạng sức khoẻ của giáo dân trong Giáo Hội hiện nay ra sao?

Đáp: Anh chị em giáo dân là tầng lớp chiếm đại đa số trong Giáo Hội, vì thế họ đáng được các chủ chăn chú ý đặc biệt. Việc khám phá ra và trân trọng ơn gọi của họ, đâm rễ sâu trong các bí tích khai tâm Kitô, luôn là một thách đố lớn. Ngoài ra nó phải luôn luôn được nâng đỡ bởi một việc đào tạo thích hợp khiến cho giáo dân ý thức được ơn gọi truyền giáo của họ, nghĩa là đem Chúa Kitô tới cho người khác.

Hỏi: Thưa Đức Ông, trước khi đi tu làm linh mục, Đức Ông đã là một luật sư và đã làm việc trong guồng máy hành chính. Các kinh nghiệm của nghề luật sư này có ích lợi cho chức thừa tác hiện nay của Đức Ông hay không?

Đáp: Việc đào tạo mà tôi đã nhận được trong đại học dân sự, và các kinh nghiệm nghề nghiệp mà tôi đã có, giúp tôi đương đầu với các đề tài mỗi ngày. Tôi đã là linh mục từ 15 năm nay, và điều ích lợi nhất từ kinh nghiệm luật sư đối với tôi đó là đã có tâm thức giáo dân; nó giúp tôi hiểu căn cước của giáo dân trong Giáo Hội dễ dàng hơn, và nó cho phép tôi có một thái độ trân trọng đối với giáo dân.

Hỏi: Đức ông là một thành viên của Hiệp hội Opus Dei. Trong cương vị ấy Đức Ông có thể đóng góp gì cho việc cai quản trong Giáo Hội?

Đáp: Ai là thành viên của Hiệp hội Opus Dei – bất kể giáo dân hay linh mục – đều coi công việc của mình là việc phục vụ tha nhân, một đóng góp cho lợi ích chung của xã hội. Thánh Josemaria đã rất yêu thích động từ “phục vụ”. Người coi mình là đầy tớ của các linh hồn. Thánh nhân nói rằng ước vọng duy nhất của Hiệp hội Opus Dei là phục vụ Giáo Hội như Giáo Hội muốn được phục vụ. Với các tâm tình ấy và tín thác nơi sự bầu cử của đấng sáng lập hiệp hội, tôi thi hành thừa tác vụ của tôi.

Hỏi: Trong nhiều năm trời Đức Ông đã phụ trách việc lo cho các hiệp hội và phong trào giáo dân. Ngày nay Hội đồng Toà Thánh về Giáo dân đã công nhận 150 phong trào và hiệp hội khác nhau trên thế giới. Chúng có tầm quan trọng nào đối với Giáo Hội, thưa Đức Ông?

Đáp: Hiện tượng các hiệp hội của giáo dân nhằm thăng tiến các sáng kiến tông đồ, bác ái, hay đào tạo Kitô là một trong những hoa trái chín mùi của Công đồng Chung Vatican II. Các thực tại đã nảy sinh và tiếp tục đâm chồi theo các giáo huấn của Công Đồng. Chúng là các nơi thích hợp cho việc đào tạo các tín hữu giáo dân, và đều nhắm dưỡng nuôi nơi tất cả mọi thành viên ý thức trách nhiệm phải làm chứng cho Chúa Kitô trong các môi trường sống khác nhau của mình.

Hỏi: So sánh với các thế hệ trẻ trong qúa khứ, Đức Ông thấy các người trẻ ngày nay như thế nào?

Đáp: Trong thập niên 1980 của thế kỷ vừa qua, người ta cảm thấy rất nhiều ảnh hưởng ý thức hệ mác xít trong nền văn hoá và trong tâm thức của người trẻ Âu châu. Tiếp theo đó, người trẻ có các thái độ sống thực dụng hơn. Chúng bắt nguồn từ khuynh hướng tương đối hoá luân lý và khuynh hướng hư vô, mà chúng ta vẫn chứng còn đang kiến hiện nay. Và vì thế, người ta nhận thấy nơi giới trẻ một ý thức về sự bất ổn đối với tương lai; chúng ta cứ thử nghĩ tới các vấn đề liên quan tới hiện tượng người trẻ thất nghiệp, thì hiểu được các tâm tình bất ổn của họ.

Hỏi: Người ta thường nói tới một thế hệ không có giá trị, có đúng thế không, thưa Đức Ông?

Đáp: Theo tôi, đó là một kiểu nói quá đáng. Có thể các người lớn của mọi thời đại đều nói như vậy đối với các thế hệ đến sau chăng? Nhưng tôi tin rằng giới trẻ xứng đáng được người lớn tin cậy hơn, đồng thời cũng cần có các nhà giáo dục tốt. Đó chính là điều mà Đức Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã làm, khi người thiết lập với giới trẻ một tương quan tình bạn tuyệt diệu. Người đã là một người bạn trung thành của giới trẻ, nhưng cũng là một người bạn đòi hỏi. Người đã không bao giờ miễn cho giới trẻ điều gì liên quan tới các việc của Thiên Chúa. Người đã triệu tập họ và đi tìm họ khắp nơi để nói với họ. Ngày nay cuộc đối thoại đó được tiếp tục với Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI.

(SD 29-7-2011)