15/11/2024

Xem nhẹ những lời cảnh báo

Seoul đã không có sự chuẩn bị đầy đủ để đối phó với đợt mưa lớn chưa từng có như vậy. Đó là một trong những nguyên nhân khiến hậu quả của mưa lũ trở nên vô cùng nghiêm trọng

 Xem nhẹ những lời cảnh báo

Chính quyền thủ đô Hàn Quốc đang phải hứng chịu những lời chỉ trích nặng nề sau khi mưa lớn gây ra lũ quét, lở đất tràn lan, cướp đi sinh mạng 59 người và làm 10 người khác mất tích.

Theo giới truyền thông Hàn Quốc, Seoul đã không có sự chuẩn bị đầy đủ để đối phó với đợt mưa lớn chưa từng có như vậy. Đó là một trong những nguyên nhân khiến hậu quả của mưa lũ trở nên vô cùng nghiêm trọng. Báo giới và các chuyên gia cho rằng đường ống thoát nước, hệ thống tích trữ nước ngầm và các con đập phải được xây ở những khu vực dễ bị lụt lội. Các hệ thống ngăn ngừa lụt lội hiện không còn hiệu quả trong các đợt mưa lớn nữa, do các tiêu chuẩn xây dựng chỉ phù hợp với thời quá khứ.

Nhân tai chứ không phải thiên tai!

Xem ra những cảnh báo trước đó ít được lắng nghe. Một số chuyên gia nhận định khí hậu ở Hàn Quốc đã trở thành cận nhiệt đới do sự thay đổi khí hậu toàn cầu. Có người còn e ngại Hàn Quốc sẽ có mùa mưa như những nước nhiệt đới từ tháng 6 đến tháng 9 hằng năm. Trong vòng một thập niên qua, Hàn Quốc đã ghi nhận vào mùa khô lượng mưa còn nhiều hơn cả vào mùa mưa.

Các chuyên gia và truyền thông Hàn Quốc đã đặt câu hỏi “Đây là thảm họa do thiên tai hay nhân tai?”. Chính quyền Seoul bị cáo buộc đã gián tiếp khiến tình hình tồi tệ hơn vì đã phát triển các ngọn đồi gần khu dân cư sinh sống ở phía nam thủ đô một cách cẩu thả.

Một số sườn đồi đã được chuyển thành công viên và những con đường tản bộ. Do vậy, nước mưa rơi xuống không có chỗ rút và nhanh chóng biến các con đường thành hồ nhân tạo. “Trời đất nào gây nên thảm họa này? Chính sự phát triển cẩu thả của con người mới khiến thảm họa kinh khủng hơn. Đó là lý do có những lời chỉ trích cho rằng thảm họa này là do con người gây ra” – xã luận của báo Joongang Ilbo viết. Các chuyên gia từ lâu đã cảnh báo việc phát triển “cho đẹp” thì chuyện lở đất chỉ còn là vấn đề thời gian. “Nhưng nhà chức trách lại mũ ni che tai trước những lời cảnh báo đó – xã luận viết tiếp – Phát triển mà không nhìn xa sẽ gây thảm họa”.

Một số cư dân sống dưới núi Umyeon ở phía nam Seoul, nơi có tám vụ lở đất đã xảy ra, cho rằng lẽ ra đã có thể tránh được thảm họa. Trận bão tháng 9-2010 đã quật đổ rất nhiều cây trên núi Umyeon, nhưng chính quyền rất chậm chạp trong việc trồng cây bù vào chỗ cây đổ, cho dù không ít người đã đưa ra các bản yêu cầu thúc giục nhà chức trách đẩy nhanh tiến độ. Do đó mưa lũ dễ gây ra lở đất.

Cơ quan dự báo thời tiết của Hàn Quốc cũng bị chỉ trích nặng nề vì không dự báo được đầy đủ lượng mưa rất lớn trong những ngày qua, khiến thủ đô 10 triệu dân khốn đốn. Chỉ trong ngày 27-7, lượng mưa rơi xuống Seoul là 301,5mm, là lượng mưa lớn nhất trong một ngày vào tháng 7 hằng năm, kể từ năm 1907. Từ ngày 26 đến 29-7, Seoul hứng chịu lượng mưa 536mm, cao nhất trong ba ngày kể từ năm 1907.

Tìm mìn và chất nổ bị cuốn trôi

Cơ quan Kiểm soát thảm họa Hàn Quốc cho biết đến nay mưa lớn đã làm cho tổng số hơn 1.100 người thuộc 5.250 hộ dân mất nhà cửa, 130.000 hộ dân trên cả nước mất điện, 978ha đất trồng trọt bị ngập nước. Thủ đô Seoul cũng tê liệt. Bộ Quốc phòng thông báo để thực hiện được công việc dọn sạch sẽ những nơi bị lở bùn, lở đất, chính quyền đã huy động 17.000 binh lính cùng với các thiết bị máy móc chuyên dụng.

Mấy ngày qua, các đợt mưa lớn kỷ lục đã khiến các cơ quan quân sự của Hàn Quốc bị ảnh hưởng lớn. Các khối chất nổ bị nước cuốn, đến nay chưa tìm thấy hết. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Kim Min Seok thừa nhận cơ hội tìm thấy một số quả mìn còn lại là rất mong manh. Hơn nữa, nhiều khả năng mìn từ thời chiến tranh liên Triều đã dịch chuyển vị trí, gây nguy hiểm cho những người xung quanh. Binh sĩ được trang bị máy dò tìm kim loại sẽ phải tìm mìn trước.