15/11/2024

90 chưa phải là già!

Hình ảnh sống động, rõ nét và xuyên suốt trong không gian ấy là: vị giáo sư ngồi trên chiếc xe lăn, người mặc một chiếc áo dài dân tộc, đầu đội khăn đóng, tay nâng niu cây đàn

 90 chưa phải là già!

Tối 24-7, trời Sài Gòn đổ mưa tầm tã và lạnh lẽo nhưng trong không gian cổ xưa của FaiFoo Boutique Hotel, buổi lễ mừng thượng thọ giáo sư Trần Văn Khê tròn 90 tuổi vẫn ấm cúng lạ thường.

Hình ảnh sống động, rõ nét và xuyên suốt trong không gian ấy là: vị giáo sư ngồi trên chiếc xe lăn, người mặc một chiếc áo dài dân tộc, đầu đội khăn đóng, tay nâng niu cây đàn.

Hình ảnh ấy gây xúc động cho hầu hết những vị khách mời có mặt tại buổi lễ, trong đó có những nhân vật đặc biệt như bà Tôn Nữ Thị Ninh, tổng lãnh sự các nước Hoa Kỳ, Singapore, Indonesia, kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, nhạc sĩ Miên Đức Thắng, nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng, nhà thiết kế Sỹ Hoàng, á hậu Dương Trương Thiên Lý…

Cùng với người bạn là nhạc sĩ Vĩnh Bảo, giáo sư Trần Văn Khê đã song tấu một bản nhạc mà cách đây nhiều chục năm họ đã từng thu tại Paris. Bây giờ cả hai đều đã trên 90 tuổi, tai không còn nghe rõ và ngón tay không còn linh hoạt như trước nhưng tiếng đàn vẫn trầm bổng dặt dìu, đủ để gợi lại cả một vùng ký ức.

Trong những năm tháng ấy, giáo sư đã đem tiếng đàn của mình đi khắp năm châu bốn bể để nói với thế giới rằng VN có một nền âm nhạc lâu đời và kỳ diệu. Đó cũng là khoảng thời gian mà ông miệt mài gieo mầm và nuôi dưỡng trong nhiều thế hệ học trò của mình một tình yêu âm nhạc dân tộc vô hạn.

Và cũng là thời gian mà, tình cờ gặp vài người bạn ở nơi đất khách quê người, ông bảo: “Đừng gọi anh là giáo sư nữa, gọi là “anh Hai” đi, cho đỡ nhớ nhà!”.

Tiệc sinh nhật, nhưng giáo sư Trần Văn Khê đề nghị mọi người không tặng quà vật chất cho mình. Vậy nên những học trò của ông “đành” tìm cách khác: thể hiện vốn hiểu biết và niềm đam mê nhạc dân tộc như một món quà ý nghĩa tặng thầy. Những âm thanh của các loại nhạc cụ như đàn tranh, đàn bầu, đàn kìm, sáo… mà cả đời ông đã nghe nằm lòng, đã thuộc đến từng cung, nhịp vẫn khiến ông lặng người xúc động.

Đặc biệt, cô gái trẻ Kim Hải – một kỹ sư tin học vừa đoạt giải cao nhất trong cuộc thi hoa hậu FPT – xúng xính trong bộ lễ phục rồi lắc lư múa chén và hát chầu văn, như góp thêm một niềm tin nho nhỏ vào con đường mà giáo sư đã và đang miệt mài mở lối: làm cho người trẻ biết đến và yêu thương nhạc dân tộc mình.

Ở tuổi 90 đã vào hàng xưa nay quá hiếm. Nhưng 90 tuổi mà mỗi ngày vẫn vào mạng lướt net xem tin tức và chat với học trò bốn phương của mình thì có lẽ khó ai được như giáo sư Trần Văn Khê. Rồi cả việc nhớ như in những chuyện của năm nảo năm nào, đến nỗi nhắc lại mà nhiều học trò của ông có người nhớ người quên.

Hay như cái cách ông trò chuyện lưu loát bằng tiếng Anh, tiếng Pháp với những người bạn  nước ngoài về những vấn đề sâu rộng của cuộc sống và nghệ thuật, đủ khiến bất kỳ ai chứng kiến cũng phải cúi đầu thán phục.

Có mặt tại buổi lễ mừng thọ, ông Lê Thành Ân – tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM – đã gửi tặng giáo sư một món quà nhỏ từ Tổng thống Obama và nói: “Tôi cho rằng giáo sư Trần Văn Khê chính là một báu vật sống của VN. Đừng nghĩ 90 tuổi là già (“90 years old”), tôi thấy như giáo sư thì là “90 tuổi trẻ” (“90 years young”) mới đúng!”.