Một bài học cho mọi Giáo Hội địa phương
Giáo Hội đó sẽ phục vụ Chúa Giêsu tốt hơn bao giờ bằng cách dẫn đưa các thành viên của mình đến tình yêu chân chính và nếp sống theo Tin Mừng, tôn trọng và chấp nhận mọi luật lệ chính đáng của xã hội, nhất là trân trọng vẻ đẹp và sự ngây thơ tuyệt vời nơi những con người được Thiên Chúa yêu thương: tức là những trẻ thơ.
Một bài học cho mọi Giáo Hội địa phương
Cách đây gần 10 năm, Giáo hội Công giáo Hoa Kỳ đã trải nghiệm scandal tồi tệ nhất trong lịch sử. Người dân cũng như báo chí đã yêu cầu cách chính đáng, phải trừng phạt những giáo sĩ lạm dụng sự ngây thơ của trẻ em cũng như những thành phần lãnh đạo trong hàng giáo phẩm đã có những sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết một vài vụ lạm dụng tình dục.
Nhưng biến cố đau thương này của Giáo hội Hoa Kỳ cũng trở thành cơ hội cho những đối thủ lâu đời của Giáo Hội nắm lấy thời cơ. Bằng cách xuyên tạc và thổi phồng những sự kiện, những đối thủ này tìm cách tấn công Giáo Hội ở những gì cốt lõi nhất, hy vọng sẽ vĩnh viễn xoá bỏ đức tin và đời sống Công giáo khỏi xã hội Mỹ.
Mới đây khi có dịp đến thăm Ireland vào đúng lúc công bố bản tường trình của Uỷ ban điều tra về những vụ lạm dụng tình dục trẻ em trong Giáo phận Cloyne (Cloyne Report), tôi thấy lịch sử được lặp lại.
Chân lý và công bằng là những phương thế qua đó chúng ta phải khảo sát mọi mặt của scandal hiện nay trong Giáo Hội. Những chuẩn mực về ngay thẳng và thành thật phải được áp dụng đồng đều cho các nạn nhân cũng như người bị tố cáo và người có tội, cho đất nước và cho Giáo hội Công giáo. Dưới ánh sáng đó, tôi xin đề nghị 10 điểm sau đây để suy nghĩ khi tìm kiếm câu trả lời đúng đắn cho scandal hiện nay trong Giáo hội. Hy vọng rằng những điểm này sẽ làm thành nền tảng vững chắc cho việc bảo vệ và tôn trọng trẻ em ở Ireland trong tương lai, cũng như cho xã hội, tự do tôn giáo và căn tính sâu xa của đất nước Ireland.
1. Lạm dụng tình dục trẻ em là sự vi phạm khủng khiếp và đáng ghét chống lại trẻ em, chống lại bất cứ xã hội chân chính nào và chống lại chính Thiên Chúa. Khi một thành viên trong hàng giáo sĩ công giáo vướng vào việc lạm dụng tình dục trẻ em dưới bất cứ hình thái nào, thế quyền và giáo quyền phải nghiêm khắc trừng phạt bằng những hình phạt lâu dài.
2. Đức Bênêđictô XVI đã khẳng định rõ ràng, bất cứ giáo sĩ Công giáo nào bị tố cáo lạm dụng tình dục trẻ em thì phải thông báo cho chính quyền dân sự biết, và nếu người đó có tội thì phải nhận hình phạt như luật định, dù người đó là ai. Đây là lập trường chính thức của Giáo hội Công giáo về những giáo sĩ vi phạm việc lạm dụng tình dục trẻ em.
3. Nếu một giám mục hay linh mục nào không làm theo những chỉ dẫn của Đức Bênêđictô XVI, nghĩa là không báo cho chính quyền dân sự bất cứ trường hợp nào về giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ em, thì giám mục và linh mục đó, dù giữ chức vụ gì, cũng vi phạm những chỉ dẫn rõ ràng của Đức Giáo hoàng, do đó vi phạm những chỉ dẫn chính thức của Giáo hội Công giáo.
4. Giáo quyền địa phương và những đương sự vi phạm lạm dụng tình dục trẻ em phải khiêm tốn nhận tội, chân thành xin lỗi và đền bù xứng đáng bao nhiêu có thể cho những nạn nhân.
5. Dựa vào những vi phạm nghiêm trọng của một số tương đối ít giám mục và linh mục để kết án tất cả Giáo hội Công giáo Ireland và những giáo sĩ vô tội, đó chính là sự vi phạm chân lý và công bằng. Những phát biểu trên các phương tiện truyền thông và những tờ báo lớn ở Ireland cho người ta cảm giác rằng đại đa số hàng giáo sĩ ở đất nước này đều có tội lạm dụng tình dục trẻ em. Phải khẳng định rằng đại đa số các giáo sĩ trên đất nước này chưa bao giờ bị tố cáo hoặc bị kết án phạm tội lạm dụng tình dục trẻ em.
6. Khi những nhân vật hàng đầu trong chính quyền Ireland nói đến việc ra luật yêu cầu bãi bỏ ấn tòa giải tội trong việc cử hành bí tích giao hòa để tường trình về người vi phạm lạm dụng tình dục trẻ em, họ vừa hiểu sai về Bí tích Giao Hoà vừa không biết gì về lịch sử. Giáo hội Công giáo không thể và sẽ không bao giờ bỏ ấn tòa giải tội, vì dựa trên Thánh Kinh, chính Chúa Giêsu đã trực tiếp thiết lập bí tích này nhằm mục đích tha thứ tội lỗi và dẫn đưa con người đến sự sống vĩnh cửu, và không có thiện hảo trần gian nào có thể sánh được với thiện hảo của ơn cứu độ vĩnh hằng.
Trong quá khứ, những đất nước tìm cách vi phạm những quyền tôn giáo của người công giáo bằng những cách tương tự đã hiểu ra rằng vi phạm tự do tôn giáo như thế chỉ làm cho Giáo hội mạnh mẽ hơn.
7. Khi chính quyền đưa ra ý tưởng cắt đứt quan hệ ngoại giao với Toà Thánh Vatican và đóng cửa các sứ quán, vì cho rằng Vatican bảo trợ cho một giám mục người Ireland, chống lại luật pháp Ireland và chống lại cả những chỉ dẫn rõ ràng của Đức Bênêđictô XVI trong việc phải thông báo cho chính quyền những trường hợp vi phạm, thì chúng ta đã không có được sự quân bình.
Chẳng hạn, nếu một văn phòng ngoại giao cụ thể, chủ trương ngược lại chính sách rõ ràng của người đứng đầu nước Anh, Pháp, hay Italia, khuyến khích những người có quốc tịch nước họ và đang sống ở Ireland coi thường một luật dành cho số ít những người vi phạm ở Ireland, thì liệu chúng ta có cắt đứt quan hệ ngoại giao với những đất nước đó không?
8. Khi các nhà bình luận cổ vũ việc thiết lập một “Giáo hội Công giáo mới”, đặt nền trên nguyên tắc dân chủ tuyệt đối và không chấp nhận quyền bính của Rôma, có lẽ họ đã không hiểu được điều này:
a) Người công giáo tin rằng Chúa Giêsu Kitô đã thiết lập Giáo Hội của Người trên quyền bính nhân loại được Chúa hướng dẫn trong chân lý (Mt 16,15-20), và không bao giờ được thay thế quyền bính ấy bằng luật lệ tính theo số đông của loài người, thứ luật lệ không vững chắc;
b) Những Giáo hội do Nhà nước dựng nên ít thành công trong lịch sử vì những giáo thuyết của họ sẽ qua đi khi những thể chế chính trị ấy qua đi;
c) Kêu gọi loại bỏ quyền bính của Giáo hội Công giáo nhân danh tự do cá nhân và xã hội phi giai cấp chỉ là sự thay đổi chút ít những gì đã xảy ra trong lịch sử với những khuôn mặt như Robespierre, Marx, Lenin, Stalin, Mussolini, và Mao. Những hệ tư tưởng ấy đã đem lại những hậu quả xã hội nào cho đất nước của họ? Quý vị có thực sự muốn đưa đất nước Ireland đến những hậu quả đó?
9. Người Công giáo ở Ireland là những môn đệ trực tiếp của Đức Giêsu Kitô và được hướng dẫn bởi Đức Bênêđictô XVI là vị đại diện của Chúa trên trái đất này. Họ không phải là môn đệ trực tiếp của bất cứ giám mục, linh mục hay nhà thần học nào. Vì thế thật là phi lý khi người công giáo Ireland phải rời bỏ Giáo hội chỉ vì hành động sai lầm hoặc gương xấu của một giám mục hay linh mục, hoặc kể cả một nhóm giáo sĩ sai lạc nào đó.
10. Người công dân Ireland chắc chắn sẽ không thay đổi quốc tịch của mình chỉ vì bực bội trước những hành động của những viên chức chính phủ hoặc những đại diện chính trị của họ. Khi chịu phép Rửa Tội, người công giáo Ireland lãnh nhận căn tính siêu nhiên của họ là Kitô hữu Công giáo, và trong niềm tin công giáo, điều đó còn quan trọng hơn căn tính dân tộc nhiều vì ảnh hưởng trực tiếp đến vận mệnh vĩnh cửu của họ. Vì thế, không gương xấu nào của hàng giáo sĩ, ở địa phương hay cấp quốc gia, có thể tước đoạt niềm tin của họ vào Đức Giêsu Kitô, Đấng họ trung thành bước theo, cũng như niềm tin của họ vào Giáo hội mà người Công giáo tin rằng chính Chúa Giêsu đã thiết lập cách trọn vẹn.
Mười năm sau scandal trong Giáo hội Công giáo Hoa Kỳ, Giáo Hội đã trở nên khiêm tốn và được thanh lọc hơn, một Giáo Hội hy vọng đã học được bài học từ những lỗi lầm, cố gắng trung thành hơn với Chúa Giêsu và Tin Mừng trong chân lý, công bằng và bác ái. Tôi tin rằng những hoa trái tương tự cũng sẽ sớm nảy sinh trong Giáo hội Công giáo Ireland: một Giáo hội được thanh luyện, khiêm tốn và đổi mới. Giáo Hội đó sẽ phục vụ Chúa Giêsu tốt hơn bao giờ bằng cách dẫn đưa các thành viên của mình đến tình yêu chân chính và nếp sống theo Tin Mừng, tôn trọng và chấp nhận mọi luật lệ chính đáng của xã hội, nhất là trân trọng vẻ đẹp và sự ngây thơ tuyệt vời nơi những con người được Thiên Chúa yêu thương: tức là những trẻ thơ.
Mark Miravalle, giáo sư Thần học và Thánh Mẫu học tại Đại học Steubenville,
10 Points to Ponder in Examining the Cloyne Report
(HTT lược dịch)
Mark Miravalle