10/01/2025

Nam Sudan trước các nguy cơ và bấp bênh

Ngày 9-7-2011, Nam Sudan đã tổ chức lễ tuyên bố độc lập và lập nước trong bầu khí lễ hội tươi vui. Tham dự các lễ nghi cũng có phái đoàn đại diện của Toà Thánh. Ngày 11-7-2011, Liên Hiệp Quốc đã chính thức thừa nhận Nam Sudan như quốc gia thành viên thứ 193.

 Nam Sudan trước các nguy cơ và bấp bênh


Phỏng vấn bà Anna Maria Gentili, giáo sư sử học và các cơ cấu tại các quốc gia Phi châu và Á châu.

Ngày 9-7-2011, Nam Sudan đã tổ chức lễ tuyên bố độc lập và lập nước trong bầu khí lễ hội tươi vui. Tham dự các lễ nghi cũng có phái đoàn đại diện của Toà Thánh. Ngày 11-7-2011, Liên Hiệp Quốc đã chính thức thừa nhận Nam Sudan như quốc gia thành viên thứ 193.

Hiện diện trong buổi lễ nhìn nhận tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, Hoa Kỳ, có cả phái đoàn Toà Thánh do Đức Tổng Giám mục Francis Chullikat, quan sát viên thường trực cạnh Liên Hiệp Quốc, dẫn đầu. Nhân dịp này, Đức Tổng Giám mục Chullikat đã chuyển tới quốc gia thành viên mới của Liên Hiệp Quốc những lời cầu chúc của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, cầu xin Thiên Chúa đổ nhiều ơn lành trên dân nước và chính quyền Nam Sudan và giúp Nam Sudan tiến bước trên con đường hoà bình, tự do và phát triển.

 

Đề cập đến những vấn đề hiện nay của đất nước tân lập này, Đức Tổng Giám mục Chullikat nhận định rằng vấn đề cấp thiết nhất hiện nay là giải quyết tình trạng của hơn 300.000 người tản cư nội địa. Hàng giáo phẩm của Giáo Hội địa phương cũng như các tổ chức bác ái và dòng tu đang nỗ lực trợ giúp người di tản. Ngoài ra còn có nhiều vấn đề khác như bảo đảm an ninh, mạng sống và tài sản cho người dân, gìn giữ quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng, canh tân tình trạng y tế và giáo dục trong nước, nhất là bảo vệ sức khoẻ cho các bệnh nhân HIV và nạn nhân của các dịch tễ khác, đồng thời đề ra chương trình phát triển và tái thiết đất nước. Đức Tổng Giám mục Chullikat nhấn mạnh rằng: Giáo Hội nêu bật tầm quan trọng của sự tha thứ và hoà giải, là những điều kiện thiết yếu của một nền hoà bình vững bền và lâu dài, không những đối với Nam Sudan, nhưng còn cho toàn vùng này nữa.

Sau đây, chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn bài phỏng vấn bà Anna Maria Gentili, giáo sư môn sử học và các cơ cấu tại các quốc gia Phi châu và Á châu, về các nguy cơ và bấp bệnh mà dân nước Nam Sudan phải đương đầu.

Hỏi: Thưa giáo sư Gentili, nền độc lập của Nam Sudan đã đến sau 6 năm thương thuyết kết thúc với việc ký thoả hiệp ngày 9-1-2005 giữa Tổng thống Omar Hassam el Bashir và ông John Garang, lãnh tụ Quân đội Nhân dân Giải phóng Sudan (SPLA). Trong thời gian này, lý tưởng tách rời đã chín muồi tại miền Nam Sudan. Nhưng nó đã không phải là mục tiêu của ông John Garang, qua đời ít lâu sau đó. Xem ra ông John Garang cũng đã không bắt đầu chuẩn bị các điều kiện cho một sự phát triển xã hội cũng như viễn tượng của chế độ đa đảng chính trị. Giáo sư có đồng ý không?

Đáp: Vâng, cần phải nhớ rằng cuộc chiến đấu của miền Nam Sudan cho sự tự quyết chứ không phải cho sự tách rời, là một cuộc chiến đấu kéo dài nhiều chục năm trời. Và phần lớn dân chúng được đại diện bởi phong trào của ông Garang, muốn tạo ra một nước Sudan dân chủ, đời và hiệp nhất. Ngoài ra, khuynh hướng quốc gia hiện nay đã được biết tới ngay hồi thập niên 1920, do các sĩ quan của quân đội nam Sudan chủ trương chống lại đường lối chính trị tách rời miền bắc và miền nam Sudan, do thực dân Anh chủ trương. Đại tá Garang đã thương thuyết thoả hiệp chọn lựa sự thống nhất trong một hệ thống liên bang. Nhưng điều này dự kiến một cuộc cải cách nền tảng hệ thống chính trị Sudan. Đó đã không phải chỉ là niềm hy vọng của ông Garang, mà là của đại đa số dân chúng Sudan. Khi ông Garang đến Khartum, sau khi ký thoả hiệp hoà bình, không phải chỉ có người gốc di cư miền nam Sudan vui mừng tiếp đón ông, mà cả người dân miền bắc và của các vùng khác muốn tự trị nữa. Việc tách rời hai miền cũng là hậu quả của các cải cách đã không được thực hiện tại miền bắc cũng như tại miền nam Sudan.

Hỏi: Thưa giáo sư, sau vụ Eritrea tách rời khỏi Etiopia, sự kiện nảy sinh ra nước Nam Sudan là một vi phạm nguyên tắc bất khả xâm phạm biên giới do tổ chức thống nhất Phi châu và Liên hiệp Phi châu đề ra. Nó có thể trở thành tiền lệ cho các tình trạng muốn tách rời khác như Somaliland hay Ogaden trong vùng Sừng Phi châu, hoặc các vùng khác tại Sudan hay không?

Đáp: Đối với vùng Somaliland thì có thể xảy ra, vì dân chúng vùng này sẽ củng cố thỉnh cầu cộng đồng quốc tế thừa nhận sự độc lập của họ. Còn đối với các vùng khác tại Sudan từ lâu vẫn có chiến tranh như Darfur, Abyei miền nam Kordofan, và sông Nil xanh, tôi không thấy có khả thể nào. Vả lại, trong tất cả các tình trạng này, chỉ có vài nhóm thiểu số đã đe doạ tách rời với các mục đích riêng. Trái lại, các nhóm phiến quân khác nhau đã chiến đấu chống lại việc thiếu cải cách của chính quyền Sudan, nhất là sau khi đảng của ông Bashir lên cầm quyền. Đáp lại, Tổng thống Bashir đã đưa ra một đường lối chính trị gia tăng chia rẽ nhằm duy trì quyền kiểm soát bằng cách tài trợ cho nạn gian tham hối lộ kinh tế và chính trị.

Hỏi: Theo một số các quan sát viên, Nam Sudan có thể trở thành quốc gia thứ 6 của Vùng Đông Phi bao gồm các nước Kenya, Rwanda, Tanzania và Uganda. Điều này có thể gia tăng sự chia rẽ giữa Phi châu da trắng và Phi châu da đen miền nam sa mac Sahara và gây ra các hậu quả phức tạp liên quan tới các vùng miền, chẳng hạn như việc chia chác nước sông Nil giữa các quốc gia trong vùng hay không? Hay là Nam Sudan sẽ duy trì nhiều tương quan với Khartum, với việc khai thác dầu hoả và các ống dẫn dầu, thưa giáo sư?

Đáp: Chắc chắn là sẽ có việc củng cố các tương quan giữa Nam Sudan và Bắc Sudan cũng như với các quốc gia trong vùng. Tuy nhiên, đối với tân quốc gia mới thành hình, ưu tiên vẫn là tương quan với Bắc Sudan, vì sự hội nhập giữa người dân miền Bắc và miền Nam Sudan lớn hơn điều người ta tưởng nghĩ rất nhiều. Chỉ cần nghĩ tới sự hiện diện của các người di cư tị nạn ở cả hai miền Bắc và Nam Sudan thì đủ hiểu. Liên hệ chặt chẽ này sẽ có ảnh hưởng trên bình diện liên minh chính trị, nếu không thì bởi vì sự thay đổi của miền Nam Sudan cũng tuỳ thuộc nơi sự thay đổi tương tự của chính quyền Khartum. Đây là điều đáng cầu mong, tuy vẫn chưa có. Thế rồi cần phải nhớ rằng vấn đề biên giới rất tế nhị, không chỉ đối với việc kiểm soát các nguồn dầu hoả và các ống dẫn dầu, mà cũng liên quan tới sự hiện diện lâu đời của các dân tộc du mục chuyên sống về nghề chăn nuôi và họ có các liên hệ phức tạp với các dân tộc định cư nữa.

Hỏi: Xin giáo sư nói về các miền có nhiều nguy cơ bất ổn, như các vụ xung đột vũ trang xảy ra trong thời gian qua, đặc biệt là từ tháng 5 vừa qua, khi quân đội Khartum đánh chiếm vùng Abyei, là nơi có các mỏ dầu hoả.

Đáp: Vâng, đã có các vi phạm có hệ thống, cả trên bình diện chủng tộc, cũng như các đe doạ vá các vụ tấn công lực lượng bảo hoà của Liên Hiệp Quốc. Người ta lại còn đi đến chỗ gài mìn trên các con đường đã được gỡ khỏi các mìn chôn trong thời chiến tranh giữa hai miền Nam Bắc Sudan. Điều này chứng minh cho thấy vấn đề chính phải giải quyết là vấn đề tương quan với chính quyền Khartum. Cả khi không thể chối bỏ sự hiện diện của các vấn đề khác như việc chia nguồn nước ngọt của sông Nil. Nổi bật hơn nữa là vấn đề các quyền công dân. Chắc chắn là phải tránh lặp lại đều đã xảy ra trong thời Eritrea tuyên bố độc lập khỏi Etiopia, khiến xảy ra cảnh đi đầy của hàng trăm ngàn người Eritrea sinh ra tại Etiopia.

Hỏi: Ngoài các vấn đề tương quan với chính quyền Khartum, xem ra chính quyền Nam Sudan cũng gặp kho khăn trong nội bộ của mình, có đúng thế không, thưa giáo sư?

Đáp: Vâng, đúng thế. Đó là các vấn đề giải giáp các lực lượng dân quân; chỉ nội trong bang Unity đã có cả chục nhóm khác nhau, và các nhóm này lại được chính quyền Khartum yểm trợ. Dĩ nhiên, các lực lượng dân quân này có các chương trình hành động riêng, nhưng sẽ là lầm lẫn lớn, nếu nghĩ tới việc giải quyết vấn đề mà không có một thoả hiệp với chính quyền Khartum.

Hỏi: Thưa giáo sư Gentili, liên quan tới các lập trường triệt để Tổng thống El Bashir đã nói là muốn áp đặt luật Sharia của Hồi giáo trên toàn nước Sudan. Theo giáo sư, đâu là các nguy cơ đối với các nhóm tôn giáo thiểu số?

Đáp: Đây là một đe doạ đè nặng trên người dân Sudan. Có người cho rằng Tổng thống El Bashir đã thực sự đánh đổi nền độc lập của Nam Sudan với khả thể áp đặt trên phần còn lại của Sudan một Hiến pháp Hồi giáo mới thay cho Hiến pháp hiện hành vẫn để cho các chủng tộc và các nhóm tôn giáo khác nhau được tự tự trị. Hiện nay tại Khartum có người muốn áp đặt luật Sharia, có người không muốn. Trong số những người chủ trương áp đặt luật Sharia có tổng thống El Bashir, nhưng cả trong trường hợp này nữa ông cũng đang theo mô thức thông thường là đe doạ trước rồi sau đó lại thu xếp để đạt được các thế đứng mạnh. Dầu sao đi nữa thì đây cũng là một vấn đề nghiêm trọng tại nhiều vùng Sudan: bên cạnh đa số theo Hồi giáo muốn áp đặt luật Sharia như luật lệ quốc gia, còn có các các nhóm thiểu số theo Kitô giáo có nguy cơ bị chính quyền chà đạp.

Hỏi: Trở lại với tân quốc gia Nam Sudan, người ta có cảm tưởng rằng chính quyền Juba vẫn theo đường lối chính trị phổ thông tại nhiều vùng khác ở Phi châu, và xem ra phù hợp với một loại khuynh hướng tân thực dân, chẳng hạn nhượng các vùng đất có thể trồng trọt được cho người nước ngoài, có đúng thế không, thưa giáo sư?

Đáp: Sau thời gian được độc lập, đã có rất nhiều hình thức tân thực dân khác nhau. Điều quý vị nêu trên đây chỉ là một trong biết bao nhiêu hình thức tân thực dân. Mọi người đều tập trung chú ý vào dầu lừa, và có ít người duyệt xét sâu xa điều gì xảy ra liên quan tới các tài nguyên trong thời toàn cầu hoá. Người ta đã tạo ra cả một khả năng phân phối quyền bính cho các khách hàng qua hệ thống tài trợ quốc tế, tại Sudan, nhất là qua hệ thống tài chính Hồi. Tại miền Nam Sudan hiện đang xảy ra tình trạng tương tự: có những vùng đất rộng được nhường cho các hãng xưởng nước ngoài khai thác, đa số là của Hoa Kỳ, với danh nghĩa là các tổ hợp địa phương ít trong sáng. Đây là một đường lối chính trị vô luân, ẩn nấp dưới lớp áo phát triển, nhưng ăn cướp các tài nguyên của nông dân, và biến họ thành giai cấp bần cố nông không quyền lợi. Đây là một trong các lý do khiến cho số người di cư gia tăng. Trong lĩnh vực này, cộng đồng quốc tế mang rất nhiều trách nhiệm.

(SD 13-7-2011;RG/FIDES 15.07.11)