Tuy là thiểu số nhưng các tín hữu Kitô tại Thánh Địa là món quà cho xã hội
LUÂN ĐÔN – Tuy là môt thiểu số nhưng các tín hữu Kitô tại Thánh Địa là một món quà có giá trị cho xã hội tại đây. Vì thế, đối thoại liên tôn là điều rất quan trọng và cần thiết.
Tuy là thiểu số nhưng các tín hữu Kitô tại Thánh Địa là món quà cho xã hội
LUÂN ĐÔN – Tuy là môt thiểu số nhưng các tín hữu Kitô tại Thánh Địa là một món quà có giá trị cho xã hội tại đây. Vì thế, đối thoại liên tôn là điều rất quan trọng và cần thiết.
Đức Hồng y Jean Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Đối thoại Liên tôn đã khẳng định như trên trong bài tham luận đọc tại Hội nghị Quốc tế về các Kitô hữu Thánh Địa diễn ra tại thủ đô Luân Đôn của Anh quốc ngày 19-7-2011.
Đức Hồng Y đã nêu bật điều kiện sống bấp bênh vì chiến tranh xung khắc và các khó khăn mà các kitô hữu Thánh Địa phải đương đầu, khiến cho họ phải di cư ra nước ngoài. Tuy phải gánh chịu nhiều thiệt thòi như thế, nhưng họ là món quà quý báu cho xã hội vì họ cộng tác vào việc rộng mở cho văn hoá, củng cố ý nghĩa của phẩm giá con người, đặc biệt đối với nữ giới, góp phần vào ý niệm tự do hoà hợp các quyền lợi và bổn phận và cống hiến một tư tưởng xã hội chính trị có thể dẫn đến nền dân chủ. Ngoài ra, các Kitô hữu có ơn gọi là cây cầu nối kết và hiệp thông. Cùng với các tín hữu Do Thái và Hồi giáo, họ phải là các người loan báo niềm hy vọng nhân danh ký ức về tổ phụ Abraham, người cha chung của 3 tôn giáo độc thần. Vì tôn giáo dạy rằng chỉ có một tương lai duy nhất: tương lai được chia sẻ.
Đức Hồng y Tauran đã kêu gọi đừng để cho Thánh Địa biến thành một vùng khảo cổ, một bảo tàng viện ngoài trời trả tiền để thăm viếng. Đối với Kitô hữu, các nơi thánh là các chứng tích sống động, là vùng đất mạc khải của Thiên Chúa, là nơi Chúa Giesu đã sống đã chết và đã phục sinh.
Các tín hữu Kitô Thánh Địa và vùng Trung Đông còn có 2 đặc thái nữa: họ là các người nối dõi trực tiếp niềm tin của các tông đồ và là các người gốc Ảrập, đã đến đây lâu đời trước các tín hữu Hồi. Vì thế, họ không xin tị nạn vì họ sống trong nhà của họ, liên tục từ đầu cho tới nay. Như thế, vấn đề nòng cốt là phải tìm ra một giải pháp cho quy chế pháp lý của thành Giêrusalem.
Đức Hồng y Tauran cầu mong rằng phần ý nghĩa nhất của thành Giêrusalem nơi có các di tích thánh của cả 3 tôn giáo độc thần có được một quy chế đặc biệt được quốc tế bảo đảm. Như thế, để bảo đảm cho các tín hữu Kitô, Do Thái và Hồi giáo, các quyền nền tảng như tự do lương tâm, tự do tôn giáo, tự do đi lại, các quyền dân sự, quyền được giáo dục, săn sóc sức khoẻ và có các cơ cấu riêng. Các Kitô hữu tại Thánh Địa không yêu sách áp đặt, nhưng chỉ muốn nở hoa tại những nơi họ đã được Thiên Chúa vun trồng, và khiến cho các công dân khác hiểu rằng mọi tôn giáo đều là một lời mời gọi tiến tới, không có các ngẫu tượng và có khả năng liên đới.
Sau cùng, Đức Hồng y Tauran kêu gọi tín hữu của cả 3 tôn giáo “dám tiến bước, không ngừng đối thoại nhưng tiếp tục tiến tới sự thật với lòng xác tín”.
(SD 19-7-20 RG 20-7-2011)