Sân golf uy hiếp an toàn bay
Dự án sân golf ở đây cần được hiểu đầy đủ là gồm cả sân golf và dịch vụ. Nếu trong sân bay chỉ trồng cỏ để đánh golf thì không có gì để nói, nhưng chủ đầu tư dự định xây cụm nhà hàng, khách sạn, biệt thự… với chiều cao tối đa đến 12 tầng
Sân golf uy hiếp an toàn bay
Người dân ở khu vực quanh sân bay muốn xây đến 7 – 8 tầng cũng khó vì lý do an toàn bay, vậy mà không hiểu sao ngay trong sân bay, sát vòng lượn của máy bay lại cho xây đến 12 tầng – tương đương độ cao 50m?
Ông Lê Trọng Sành – nguyên Trưởng phòng Quản lý bay, sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) – khi trao đổi với Thanh Niên về dự án sân golf rộng 157 ha nằm trong sân bay TSN đã nhấn mạnh đến việc dự án này có thể uy hiếp an toàn bay.
Dự án sân golf ở đây cần được hiểu đầy đủ là gồm cả sân golf và dịch vụ. Chính phần dịch vụ mới là vấn đề đáng bàn. Nếu trong sân bay chỉ trồng cỏ để đánh golf thì không có gì để nói, nhưng chủ đầu tư dự định xây cụm nhà hàng, khách sạn, biệt thự… với chiều cao tối đa đến 12 tầng.
Ông Sành đặt vấn đề: “Người dân ở khu vực quanh sân bay muốn xây đến 7 – 8 tầng cũng khó vì lý do an toàn bay, vậy mà không hiểu sao ngay trong sân bay, sát vòng lượn của máy bay lại cho xây đến 12 tầng – tương đương độ cao 50m? Thực tế, tất cả cao ốc trong phạm vi bán kính 30 km từ sân bay đều có khả năng ảnh hưởng đến an toàn bay, và theo quy định, công trình có độ cao từ 45m trở lên được xem là cao hơn mức an toàn và đều phải xin ý kiến về an toàn tĩnh không. Nói như vậy để thấy rằng, một công trình ở cách rất xa sân bay cũng có khả năng ảnh hưởng an toàn bay, chứ đừng nói chuyện xây cao ốc đến 50m ngay sát vòng lượn, đường cất hạ cánh của máy bay mà lại cho rằng không ảnh hưởng”.
|
||
|
Người dân ở khu vực quanh sân bay muốn xây đến 7 – 8 tầng cũng khó vì lý do an toàn bay, vậy mà không hiểu sao ngay trong sân bay, sát vòng lượn của máy bay lại cho xây đến 12 tầng – tương đương độ cao 50m? |
|
|
||
Ông Lê Trọng Sành – nguyên Trưởng phòng Quản lý bay, sân bay Tân Sơn Nhất |
||
|
Hiện nay, các chướng ngại vật của sân bay TSN đều nằm cách tâm sân bay từ 3 – 10 km (như nhà thờ Gia Định cao 32m nằm cách 6,5 km, nhà thờ Đức Bà cao 46m cách gần 5 km, nhà thờ Tân Định cao 51m cách 4,8 km, khách sạn Caravelle cao 100m cách 7 km…) trong khi khu dịch vụ sân golf cao 50m lại nằm cách chưa đầy 1 km. Chướng ngại vật không chỉ có thể ảnh hưởng đến an toàn bay mà còn có thể hạn chế hoạt động của các đài, trạm thông tin, radar dẫn đường hàng không và các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời…
Nhưng thưa ông, chủ đầu tư cho rằng khu đất làm dự án nằm song song và có khoảng cách an toàn với đường băng của sân bay nên sẽ đảm bảo tuyệt đối an toàn cho hoạt động của sân bay TSN?
An toàn bay không thể chỉ tính đến các yếu tố trên mặt đất, mà phải kể đến tĩnh không sân bay, là phần không gian an toàn để máy bay thực hiện các giai đoạn cất cánh lên cao, hạ thấp độ cao, hạ cánh và bay trên các đường băng. Như vậy, không phải cứ có một khoảng cách nhất định với đường băng là đã có thể khẳng định đảm bảo an toàn. Vì khi máy bay cất – hạ cánh xuống đường băng bao giờ cũng cần một khoảng không gian để nâng – hạ độ cao theo vòng lượn (circling) được thiết lập. Theo quy chế bay trong khu vực sân bay TSN, vòng lượn của máy bay không bao giờ được thiết lập ở phía nam đường cất – hạ cánh, bởi ở khu vực này đã có nhà ga, sân đỗ máy bay, kho xăng, khu dân cư… Do đó, vòng lượn chỉ được thiết lập ở phía bắc đường cất – hạ cánh, tức là về hướng khu đất trống dự định làm sân golf hiện nay. Máy bay nhỏ chỉ cần vòng lượn hẹp, nhưng máy bay lớn tốc độ nhanh cần vòng lượn rất rộng. Do đó, việc xây dựng hàng rào và công trình cao tầng sát vòng lượn của máy bay là rất nguy hiểm, có khả năng uy hiếp an toàn bay.
Chưa kể, trong hoạt động hàng không, bao giờ chúng ta cũng phải dự tính đến tình huống xấu nhất là máy bay hoạt động ban đêm, thời tiết xấu (mưa to, gió lớn, mây thấp, tầm nhìn xấu), chưa kể máy bay có sự cố kỹ thuật. Khi đó, nếu chẳng may phi công không xử lý hạ cánh xuống đường băng được mà bị dạt sang, va chạm hàng rào, cao ốc 12 tầng thì thế nào? Cần lưu ý đến tâm lý mệt mỏi của phi công sau một chuyến bay dài, nhất là các chuyến bay quốc tế kéo dài trên 10 tiếng, phi công cần một không gian quang đãng, không có chướng ngại vật để hạ cánh. Nếu xây các chướng ngại vật ngay sát nơi hạ cánh sẽ tạo áp lực rất lớn cho phi công. Mỗi ngày, tại sân bay TSN có hàng trăm chuyến bay quốc tế, quốc nội, sử dụng máy bay loại lớn, ai dám chắc 100% máy bay không gặp trục trặc?
Dự kiến đến năm 2020 khi hoàn thành sân bay Long Thành thì sân bay TSN chủ yếu phục vụ các chuyến bay quốc nội, nghĩa là tần suất bay sẽ giảm?
Theo chủ đầu tư, sân golf dự kiến hoàn thành và đưa vào hoạt động từ năm 2013. Cứ cho là đến năm 2020 có thể hoàn thành sân bay Long Thành và di dời ga quốc tế đến đây, thì trong vòng 7 năm đó, hàng trăm ngàn chuyến bay cất hạ cánh tại sân bay TSN vẫn cứ phải đối mặt với nguy cơ mất an toàn. Chỉ một chuyến trong số đó gặp trục trặc thôi thì hậu quả rất nghiêm trọng. Ai cũng biết trong ngành hàng không, vấn đề an ninh, an toàn bay là cực kỳ quan trọng, bởi tỷ lệ tai nạn máy bay tuy thấp nhưng khi xảy ra tai nạn thì cực kỳ thảm khốc. Do đó, mọi công trình cao tầng xây dựng trong sân bay phải tính tới tình huống xấu nhất.
Theo phê duyệt của UBND Q.Tân Bình, khu sân golf và dịch vụ tại sân bay TSN có quy mô 157 ha, do Công ty CP đầu tư Long Biên làm chủ đầu tư. Trong đó, sân golf chiếm 111 ha có 36 đường golf, còn lại là các công trình phụ trợ (21 ha), khu nhà hàng, khách sạn, trường học (6 ha), biệt thự và căn hộ cao cấp (9,7ha)… |
Chủ đầu tư cho rằng phần đất này bỏ trống nhiều năm nay nên việc xây dựng sân golf sẽ giúp khai thác hiệu quả quỹ đất?
Đó là cách lý luận của người ở dưới đất, hoàn toàn không am hiểu chuyện an toàn trên không. Không phải đất bỏ không là không có tác dụng gì đối với an toàn bay, và cũng không phải trong sân bay còn trống bao nhiêu thì cứ lấy xây nhà cao tầng để tận dụng đất “vàng” như suy tính của người kinh doanh. Trong hàng không, an toàn vẫn là vấn đề được đặt lên hàng đầu.
Lý lẽ của chủ đầu tư là làm dự án để tạo việc làm, thu hút khách du lịch, đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí, học tập… Song tôi băn khoăn, sẽ có bao nhiêu người dám mạo hiểm vào ở trong các khách sạn, biệt thự nằm ngay sát vòng lượn cất hạ cánh của máy bay? Chưa kể, với hàng trăm chuyến bay mỗi ngày, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn sẽ cực kỳ nghiêm trọng, vì máy bay khi đến khu vực này sẽ hạ độ cao còn khoảng 300m để lượn vào đường băng… Không hiểu người ta sẽ nghỉ ngơi, học tập thế nào, khi mà khu dân cư ở cách sân bay khá xa còn không chịu nổi tiếng ồn khi máy bay cất hạ cánh? Chưa biết hiệu quả của dự án đến đâu, nhưng tôi lo khi tự tạo ra quá nhiều chướng ngại vật trong sân bay, các nước sẽ e ngại việc mở các chuyến bay đến TP.HCM. Như vậy, nguy cơ thất thu từ hàng không coi chừng còn lớn hơn hiệu quả thu được từ dự án sân golf!
Ông đánh giá thế nào về vấn đề an ninh khi xây khu sân golf và dịch vụ trong sân bay?
Đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng. Hiện nay, toàn khu vực sân bay có hệ thống tường rào bảo vệ, được xây bằng gạch có trụ bê tông cốt thép, trên mặt tường chằng dây thép gai. Dọc tường rào có đường công vụ với hàng loạt chốt gác để thực hiện tuần tra canh gác. Bên trong đường công vụ lại tăng cường thêm một hàng rào kẽm gai rất cao. Nghĩa là, công tác đảm bảo an ninh sân bay rất nghiêm ngặt, ngăn chặn mọi sự xâm nhập bất hợp pháp. Thế nhưng, khi xây một khu dịch vụ tập trung đông người, chưa kể lại cho phép sinh sống lâu dài ngay trong sân bay thì cần lường định các tình huống mất an ninh. Dù có xây tường rào cũng chưa chắc ngăn được các trường hợp người từ khu sân golf trèo qua hàng rào, vào khu vực cất hạ cánh, phá máy bay, kho xăng, gây mất an ninh và đe dọa an toàn bay…
Nên tổ chức hội thảo Ông Lê Trọng Sành nói: “Dự án sân golf TSN được nghiên cứu từ năm 2006, phê duyệt năm 2007, song không hiểu sao đến giờ mới công bố cho người dân biết? Chúng tôi là những người sống cạnh sân bay và nhiều người đã có hàng chục năm phục vụ trong ngành hàng không nhưng lại không hề hay biết gì về một dự án được âm thầm chuẩn bị trong sân bay bên cạnh mình suốt 5 năm trời. Dù dự án đã được phê duyệt, song tôi cho rằng, trên tinh thần dân biết, dân bàn, vẫn cần phải tổ chức hội thảo để lắng nghe các ý kiến đóng góp, phản biện của nhà khoa học, dư luận, người dân…, nhất là xung quanh vấn đề an toàn bay”. |