23/11/2024

Phải sửa quy trình đánh giá

Có thể thấy việc “bày” ra khâu lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo cách làm hiện nay chỉ là hình thức, dẫn đến tiêu cực, tham nhũng chứ không có ý nghĩa thực tế. Nhiều công trình gây ô nhiễm, thảm hoạ cho môi trường, đời sống người dân đã chứng minh điều này

 Phải sửa quy trình đánh giá

Là người làm ở một đơn vị tư vấn, có chức năng lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), qua sự việc tranh luận về ĐTM dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A, tôi xin có vài ý kiến.

1 Thông lệ ở nước ta hiện nay thì đối với những dự án có nguy cơ gây hại môi trường, chủ đầu tư phải thuê đơn vị tư vấn làm báo cáo ĐTM. Như vậy người đánh giá, xem xét các tác động, ảnh hưởng đến môi trường để đi đến đề xuất, kết luận có nên triển khai thực hiện công trình đó không (là đơn vị tư vấn) có dám thẳng thắn nói đúng, nói rõ những tác động xấu, ảnh hưởng đến môi trường, ngược lại ý của chủ đầu tư là người đã bỏ tiền ra thuê mình làm việc đó không?

Không bao giờ có vì đơn giản nếu làm thế, chủ đầu tư sẽ không trả tiền cho đơn vị tư vấn làm thuê khi kết quả không đạt theo yêu cầu của họ.

2 Sau khi báo cáo ĐTM được gửi lên, tuỳ tính chất, quy mô của công trình sẽ có hội đồng cấp bộ hoặc cấp tỉnh thẩm định, trình lên cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Hội đồng thẩm định này hầu như không đi thực địa, không nắm được thực chất vấn đề, chỉ dựa vào báo cáo của đơn vị tư vấn để phản biện thì liệu có khách quan và đạt yêu cầu không? Chưa kể, trước khi cuộc họp thẩm định được tổ chức vài ngày, thường thì chủ đầu tư và đơn vị tư vấn phải ghé thăm từng vị trong hội đồng thẩm định để “trình bày trước” một số nội dung… mới mong báo cáo thẩm định được thông qua dễ dàng.

3 Ở các tỉnh, những dự án bắt buộc phải có ĐTM do tỉnh quản lý, chủ đầu tư khôn ngoan thường tìm đến thuê phòng môi trường của sở tài nguyên – môi trường tỉnh đó để họ vừa làm (lấy tên đơn vị khác ký bảo chứng) vừa phản biện, trình ký là chắc ăn nhất…

Với những vấn đề nêu trên, có thể thấy việc “bày” ra khâu ĐTM theo cách làm hiện nay chỉ là hình thức, dẫn đến tiêu cực, tham nhũng chứ không có ý nghĩa thực tế. Nhiều công trình gây ô nhiễm, thảm hoạ cho môi trường, đời sống người dân đã chứng minh điều này.

Do đó, đề nghị sau khi có quy hoạch (các dự án), Nhà nước nên bỏ kinh phí làm ĐTM thật khách quan (thông qua hình thức đấu thầu công khai). ĐTM được phê duyệt là cơ sở để cấp có thẩm quyền xem xét, có tiếp tục cho thực hiện dự án đó hay không. Đơn vị tư vấn và hội đồng thẩm định ĐTM là người chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có hệ quả xấu về môi trường xảy ra sau đó…

 

Cục trưởng Cục thẩm định và đánh giá tác động môi trường:

Quốc hội quyết chủ trương mới thẩm định

Trao đổi với Tuổi Trẻ, cục trưởng Cục Thẩm định và đánh giá tác động môi trường (Tổng cục Môi trường) Mai Thanh Dung cho biết đầu năm 2011, cục có nhận được hồ sơ về dự án và báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A, nhưng sau đó đã gửi trả lại cho chủ dự án để đơn vị này tiến hành bổ sung. Đến nay cục vẫn chưa nhận thêm hồ sơ và báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án này.

Theo ông Dung, với quy mô lớn như dự án Đồng Nai 6 và 6A, hồ sơ và báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án này sẽ do Bộ Tài nguyên – môi trường thẩm định. Việc thẩm định cũng phải tiến hành theo đúng quy trình và làm rất chặt chẽ theo các bước như lập hội đồng thẩm định bao gồm đủ các đơn vị, chuyên gia mới xem xét thẩm định được mọi yếu tố tác động nêu trong báo cáo.

Ngoài lý do hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án này chưa được đơn vị thực hiện trình Bộ Tài nguyên – môi trường thẩm định, ông Dung cho biết với quy mô của dự án thuỷ điện lớn như Đồng Nai 6 và 6A, theo nghị quyết số 49/2010 của Quốc hội về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, đây là dự án phải được Quốc hội quyết chủ trương mới được thực hiện. Ông Dung khẳng định hiện tại dự án này chưa được Quốc hội quyết chủ trương nên hồ sơ và báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án chưa đủ cơ sở pháp lý để thẩm định kỹ.

Cũng theo ông Dung, đối với báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án nói chung, dự án thuỷ điện nói riêng, điều quan trọng nhất là báo cáo phải đánh giá đúng thực tế, nêu đầy đủ các mặt tác động của dự án, tác động của việc lấy đất rừng, tác động tới môi trường đa dạng sinh học và đời sống của người dân trong khu vực. Đặc biệt phải đánh giá được toàn diện các nguy cơ tiềm ẩn hoặc khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường có thể xảy ra để có phương án khắc phục, giảm nhẹ.

Còn nghị quyết 49 của Quốc hội quy định những dự án, công trình có ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường như công trình sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan… phải trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án.

XUÂN LONG

* GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh (chủ tịch Hội Động vật học VN):

Tê giác chắc chắn sẽ tuyệt chủng

Tôi đã đọc bản báo cáo đánh giá tác động môi trường của Viện Quy hoạch thuỷ lợi miền Nam cho hai dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A. Tôi nhận thấy họ chưa làm rõ được những tác hại, thiệt hại mà vườn quốc gia Cát Tiên phải gánh chịu. Ngay như khu vực rừng, sinh thái tại tỉnh Đắk Nông cũng chưa được báo cáo đánh giá tác động môi trường đánh giá những thiệt hại đúng mức.

Thế nhưng tôi được biết Bộ NN&PTNT cũng như trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của Viện Quy hoạch thuỷ lợi miền Nam cho rằng thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A không ảnh hưởng gì nhiều đến môi trường vườn quốc gia Cát Tiên và các vùng lân cận. Đánh giá như vậy là chưa chính xác, chưa thật đầy đủ.

Ngoài ra, bản báo cáo đánh giá tác động môi trường cho rằng dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến môi trường sống của quần thể tê giác tại Cát Tiên.

Họ lý luận rằng nơi xây dựng đập thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A cách khu vực hoạt động của tê giác 7-11km, do đó không ảnh hưởng đời sống của loài tê giác. Thế nhưng theo nghiên cứu nhiều năm của chúng tôi, tê giác là một loài thú lớn nên khu vực hoạt động của chúng rất rộng và rất xa. Để kiếm ăn, một ngày tê giác có thể đi trong bán kính ít nhất 10-15km.

Tê giác như chúng ta biết là loài thú cực kỳ quý hiếm của VN và cả thế giới. Trong khi đàn tê giác (cùng loài với tê giác tại VN) của Indonesia ngày càng phát triển về mặt số lượng và chất lượng sống, còn ở VN ngày càng giảm cả về số lượng và điều kiện sống cũng bị xâm hại, ảnh hưởng nặng nề.

Điều đáng buồn hơn nữa là hiện nay người ta đang cho rằng việc xây dựng thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A không ảnh hưởng đến đời sống của tê giác và một số loài động vật khác như bò tót, bò rừng, chà vá chân đen… tại Cát Tiên. VN có những vùng sinh thái với tính đa dạng sinh học cao, các nước trên thế giới cũng quan tâm nghiên cứu và ưu ái đầu tư kinh phí để chúng ta giữ được sự đa dạng sinh học tại đây.

Nếu ta phá rừng để xây dựng thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A thì dứt khoát quần thể tê giác trong vườn quốc gia Cát Tiên sẽ không còn, tê giác chắc chắn sẽ tuyệt chủng hoàn toàn. Nếu việc này xảy ra thì đó là điều đáng buồn cho VN và cả thế giới. Là những người làm khoa học, chúng tôi thật sự thấy lo ngại nếu thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A được cho phép xây dựng.

Tôi cho rằng việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường của hai dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A cần phải được thực hiện lại kỹ hơn. Có nên xây dựng hai dự án thuỷ điện này ngay chỗ dự kiến hiện nay hay nên chọn nơi khác để ta cứu được quần thể tê giác và hệ sinh thái của Cát Tiên cũng như những khu vực xung quanh.

Rừng khu vực thượng và hạ nguồn sông Đồng Nai – nơi dự kiến xây dựng thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A – là những cánh rừng còn được giữ gìn tương đối tốt. Thế nhưng có một số người cho rằng rừng khu vực này là rừng nghèo và không có những loài động thực vật quý hiếm cần được bảo vệ. Đánh giá như thế không chính xác và họ nhận xét như vậy chủ yếu để đạt được mục đích cuối cùng là xây dựng thuỷ điện tại đây.

GIA ĐỨC ghi