15/11/2024

“Bà tiên” của đàn chim

Ngọn đồi rộng khoảng 4ha này chính là khu rừng rậm rạp với các loại cây: tre, mít, thanh thất, xoan chanh…, nơi trú ngụ cho các loài chim, đàn cò hàng nghìn con với các loại: cò tum, cò cổ vằn, cò ruồi, cò bợ…

“Bà tiên” của đàn chim

“Đàn chim, đàn cò đã tin tưởng gửi đời chúng cho mảnh đất này thì tôi dám nỡ nào bán chúng mà sống”, lý do đơn giản ấy đã khiến một bà cụ năm nay 70 tuổi, thân gầy guộc, gánh vác nuôi năm đứa cháu, vẫn giữ được đàn cò và các loại chim hơn nửa thế kỷ nay sống trong vườn nhà mình. Đó là bà Vũ Thị Khiêm, chủ nhân vườn cò ở xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc.

Con đường dẫn vào xóm gập ghềnh bùn đất. Từ xa đã thấy ngọn đồi xanh um của cụ Khiêm rập rờn từng đàn chim, đàn cò trắng bay lượn. Ngọn đồi rộng khoảng 4ha này chính là khu rừng rậm rạp với các loại cây: tre, mít, thanh thất, xoan chanh…, nơi trú ngụ cho các loài chim, đàn cò hàng nghìn con với các loại: cò tum, cò cổ vằn, cò ruồi, cò bợ…

Rất nhiều người đã đến gạ gẫm bà cụ bắt chim, cò đem bán. Lại có người gạ bà bán cả khu đồi với giá hơn 10 tỉ đồng để xây biệt thự nghỉ dưỡng. Bà lắc đầu vì một lý do: “10 tỉ bạc to thật đấy, nhưng tiêu rồi cũng hết. Còn ngọn đồi này là còn nơi đi về cho lũ cò, lũ chim. Cũng như tôi ở đây làm nơi cho mấy đứa cháu đi đâu cũng có chốn mà về”.

Những kẻ săn trộm cũng nhìn ngó đồi cò. Chúng hoạt động ngang nhiên ngay cả ban ngày, mang theo cả súng săn, bẫy nhựa. Vì vậy, chỉ cần nghe đàn chim, cò kêu xao xác bất thường là bà tức tốc cầm theo con dao dắt sau cánh cửa bếp trèo lên ngọn đồi để bảo vệ chúng.

Từ khi sinh ra bà đã gắn bó với đồi cò này. Trước đây, khi bố mẹ bà chạy loạn chiến tranh từ Quảng Ninh lên quả đồi toàn lau sậy này đã khai hoang trồng cây. Bà Khiêm lớn lên, quả đồi đã xanh mướt với các loại cây khác nhau.

Năm 1957, quả đồi bắt đầu lác đác xuất hiện vài con chim, con cò đầu tiên. Rồi mỗi năm chúng về một đông hơn, làm huyên náo cả một khu vực. Quả đồi được người dân xung quanh gọi là “đồi cò” từ đó.

Lớn lên, bà tiếp tục nối tiếp gia đình gìn giữ đồi cò. Nhiều người khuyên bà hãy bán cây, bán cò đi mà sống nhưng bà bảo: “Chặt một vài cây, bắt một vài con, sợ chúng không còn tin tưởng mình, bỏ đi lang thang thì tội lắm”.

Trải qua hơn nửa thế kỷ, ngọn đồi vẫn xanh tốt, các loài chim, đàn cò vẫn đông đúc. Tài sản của bà là mỗi tháng nhận được trợ cấp 2 triệu đồng vì có công bảo tồn thiên nhiên, một con đường của “dự án vườn cò” đã bị xói lở gần hết, đầy ổ gà, ổ trâu. Một căn nhà cũ kỹ đắp chằng chịt những miếng bạt trên mái để che mưa.

Điều bà ước không gì hơn là có hàng rào bao quanh khu đồi để bảo vệ đàn chim, đàn cò.