23/12/2024

Lật tẩy báo cáo tác động môi trường

Đi thực địa gần một tuần trong khu vực dự án, các nhà khoa học nhận xét những người làm báo cáo tác động môi trường dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A chưa trực tiếp đến khảo sát vùng bị ảnh hưởng

 


Lật tẩy báo cáo tác động môi trường

Đi thực địa gần một tuần trong khu vực dự án, các nhà khoa học nhận xét những người làm báo cáo tác động môi trường dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A chưa trực tiếp đến khảo sát vùng bị ảnh hưởng.

 

Sau gần một tuần đi thực địa khu vực dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A, phóng viên Tuổi Trẻcùng các thành viên trong đoàn cán bộ Viện Sinh học nhiệt đới (Viện Khoa học – công nghệ VN) đều nhận thấy đánh giá tác động môi trường của hai dự án này có quá nhiều sai sót, trái ngược với thực tế, khiên cưỡng.

Dự án đập thuỷ điện Đồng Nai 6, 6A do Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai làm chủ đầu tư. Viện Quy hoạch thuỷ lợi miền Nam được Bộ NN&PTNT giao nhiệm vụ lập báo cáo đánh giá tác động về môi trường cho hai dự án thuỷ điện này.

Trái ngược thực tế

Dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 nằm trên bờ sông Đồng Nai thuộc địa phận xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng và xã Hưng Bình, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông. Công trình thuỷ điện Đồng Nai 6 sẽ làm ngập gần 171ha đất rừng. Theo tính toán của ban giám đốc vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên, có 87ha đất rừng thuộc tiểu khu 506 – phân khu chức năng phục hồi sinh thái và phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của VQG Cát Tiên – sẽ bị thuỷ điện Đồng Nai 6 “nuốt”.

Thuỷ điện Đồng Nai 6A cũng nằm trên bờ sông Đồng Nai nhưng trong vùng lõi VQG Cát Tiên và một phần thuộc địa phận xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng và xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Công trình này làm ngập hơn 110ha đất rừng, trong đó trên 50ha đất rừng nằm trong tiểu khu 497 thuộc phân khu chức năng bảo vệ nghiêm ngặt của VQG Cát Tiên.

Tính chung, hai dự án thuỷ điện Đồng Nai 6, 6A sẽ “ăn” 137,5ha đất rừng của VQG Cát Tiên. Thế nhưng, báo cáo đánh giá tác động môi trường (bản tóm tắt) của hai dự án này, Viện Quy hoạch thuỷ lợi miền Nam khẳng định: “Trong diện tích đất bị chìm ngập (của cả hai dự án Đồng Nai 6, 6A) không có những hệ sinh thái tự nhiên cần được bảo vệ và trên các diện tích đó cũng hầu như không có các loài thực vật quý hiếm cần được bảo vệ…”.

“Tôi nghĩ rằng những người tiến hành lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho hai dự án Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A chưa trực tiếp xuống khảo sát vùng bị ảnh hưởng ngay tại khu vực đập dự kiến được xây dựng của hai dự án thuỷ điện này”

TS VŨ NGỌC LONG

Theo TS Vũ Ngọc Long – viện phó Viện Sinh học nhiệt đới, đại diện Mạng lưới Sông ngòi VN phía Nam và là người trực tiếp dẫn đầu đoàn khảo sát, điều tra, kết luận sau chuyến thực địa: khu vực xây dựng thuỷ điện Đồng Nai 6, 6A là khu vực sinh cảnh rừng nguyên sinh đặc trưng của VQG Cát Tiên.

“Ngay trong chuyến khảo sát, chúng tôi cũng thấy rất nhiều loại cây gỗ quý có tên trong sách đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế tại VN như cẩm lai, trắc, mun, gõ mật, sao đen, dầu, ko nia (Irvingia malayana)… Ở đây còn có tầng thảm bao phủ nhiều loài hùng lan Việt Orchidantha vietnamica (họ Lowiaceae) – một loài thực vật đặc hữu đặc trưng cho riêng khu rừng Cát Lộc.

Tại khu vực dự kiến xây dựng thuỷ điện Đồng Nai 6A, đoàn khảo sát đã phát hiện một loài hoa trà (Camellia sp) phân bố rất phổ biến. Đây là một phát hiện rất có ý nghĩa về mặt bảo tồn” – TS Long nói.

Trong chuyến khảo sát vừa qua, các thành viên trong đoàn bắt gặp và chụp được hình các loài thú quý hiếm có tên trong sách đỏ VN đang hiện diện tại khu vực dự kiến xây dựng hai thuỷ điện Đồng Nai 6, 6A như chà vá chân đen, khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi lợn, cầy hương… cùng một số loài bò sát lạ.

Đó là chưa kể rừng Cát Lộc thuộc vùng đệm và vùng lõi của VQG Cát Tiên nằm ngay gần khu sinh sống của loài tê giác một sừng (các nhà khoa học ước lượng còn 5-7 cá thể). Tuy nhiên, trong phần đánh giá tác động đối với các loài động vật trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, Viện Quy hoạch thuỷ lợi miền Nam lại kết luận: “Đối với động vật quý hiếm trong khu vực này hầu như không còn do ngư dân đã thâm nhập sâu vào hầu hết các nơi của dự án”.

Ông Trần Văn Bình, Hạt phó hạt kiểm lâm vườn quốc gia Cát Tiên, chỉ toạ độ mực nước sẽ dâng lên (hơn 70m) khi đập thuỷ điện Đồng Nai 6 được xây dựng (ảnh) và sơ đồ vị trí Nhà máy thuỷ điện Đồng Nai 6 và vùng ảnh hưởng ngập trên rừng Nam Cát Tiên – Ảnh: Đ.Tuyên – Đồ hoạ: Như Khanh

Thuỷ điện Đồng Nai có lợi cho… Quảng Nam

Nhiều nhà khoa học khi đọc bản báo cáo về tác động môi trường (bản tóm tắt) do Viện Quy hoạch thuỷ lợi miền Nam lập cho dự án thuỷ điện Đồng Nai 6, 6A đều dễ dàng nhận ra không ít chi tiết được sao chép từ một số tài liệu hoặc bản báo cáo tác động môi trường ở những vùng miền khác.

Cụ thể trong phần đánh giá tác động của dự án Đồng Nai 6, 6A đến môi trường trong giai đoạn thi công, Viện Quy hoạch thuỷ lợi miền Nam có một câu: “Ảnh hưởng đến môi trường sinh thái do việc chặt bỏ cây cối ven bờ kênh trong quá trình giải phóng mặt bằng xây dựng các hạng mục, đặc biệt là dừa nước hai bên bờ”. Qua gần một tuần đi thực địa, đoàn khảo sát nhận thấy nơi dự kiến xây dựng đập thuỷ điện Đồng Nai 6, 6A nằm ngay trên dòng sông Đồng Nai – một dòng sông với những thác ghềnh và dòng nước ào ào cuộn chảy – chứ không là kênh rạch như miền Tây Nam bộ. Đặc biệt, tìm mỏi mắt không có một cây dừa nước hai bên bờ sông.

Tương tự, báo cáo đánh giá tác động môi trường tiếp tục nêu: “Việc đào bới lòng hồ và kênh dẫn qua vùng đất chua, lầy úng đọng sinh phèn, nước mang chất phèn muối, axit, chất độc… lan truyền rộng”. Nhận xét về đánh giá này, TS Lê Anh Tuấn (Trường ĐH Cần Thơ) nói: “Mấy từ này nông dân vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long nghe thấy quen quen”. Thực tế cho thấy vùng đất dự kiến xây dựng thuỷ điện Đồng Nai 6, 6A là vùng đất rừng bazan với đồi núi nối tiếp nhau cùng những con suối với nước ngọt.

Trong phần kết luận về các lợi ích của hai dự án thuỷ điện Đồng Nai 6, 6A, Viện Quy hoạch thuỷ lợi miền Nam viết: “Các lợi ích kinh tế xã hội do hai công trình thuỷ điện đem lại là cung cấp nguồn năng lượng cho hệ thống điện phía Nam, thúc đẩy sự phát triển kinh tế khu vực, đặc biệt là các huyện vùng sâu vùng xa của tỉnh Quảng Nam”. Dự án thuỷ điện Đồng Nai 6, 6A dự kiến được xây dựng trên sông Đồng Nai, không hề dính dáng đến tỉnh Quảng Nam.

Nhận xét về bản báo cáo đánh giá tác động môi trường của cả hai dự án thuỷ điện Đồng Nai 6, 6A, giám đốc VQG Cát Tiên Trần Văn Thành cho rằng: “Nếu chỉ nhìn vào con số 137,5ha rừng bị mất thì đúng là không đáng kể (so với diện tích rừng bị mất trong cả nước). Tuy nhiên, đây là diện tích rừng đặc dụng và việc xây dựng công trình sẽ không chỉ đơn thuần làm mất số diện tích rừng mà còn gây ảnh hưởng đến cả hệ sinh thái trong khu vực, làm giảm tính đa dạng sinh học, tăng nguy cơ săn bắt thú và chặt phá cây rừng. Những điều này báo cáo đánh giá tác động môi trường chưa đánh giá, nhận định”.

 

Chưa tính tới đời sống dân cư

Anh Điểu Khiên (dân tộc Stiêng, ngụ thôn 1, xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, đã có 14 năm đánh bắt cá trên đoạn sông Đồng Nai, nơi dự kiến xây dựng thuỷ điện Đồng Nai 6A) cho biết mấy năm gần đây lượng cá đã giảm nhiều bởi các đập thuỷ điện phía trên (Đồng Nai 4, 5) xây dựng, ngăn dòng cá xuống hạ lưu.

“Trước đây mỗi ngày tôi có thể đánh được 30-40kg cá gồm các loài lăng, chép, trình, trạch lấu, long tượng…, nhưng giờ mỗi ngày chỉ kiếm được 2-3kg cá nhỏ. Một số loài cá lớn như cá lăng, trình, trạch lấu, long tượng lâu lâu mới đánh bắt được” – anh Điểu Khiên nói. Tương tự, chị Điểu Thị Thanh (dân tộc Stiêng, thôn Bù Gia Rá, xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên cùng chồng hành nghề đánh cá hàng chục năm nay trên đoạn sông Đồng Nai dự kiến xây dựng thuỷ điện Đồng Nai 6) cũng đang lo lắng mất nguồn sống. “Giờ đã đói, nếu có thêm thuỷ điện chắc gia đình tôi khó sống rồi” – chị Thanh nói.

Sau khi điều tra thực địa, đánh giá về tác động xã hội do dự án thuỷ điện Đồng Nai 6A gây ra, chuyên viên môi trường Lâm Đình Uy (Viện Sinh học nhiệt đới) cho rằng việc xây dựng đập thuỷ điện sẽ gây ảnh hưởng lớn đến người dân vùng hạ lưu do nước sông bị chặn. Ngoài ra, còn có khoảng vài chục hộ dân sống bằng nghề đánh bắt cá sẽ rơi vào nguy cơ mất nghề nghiệp. Riêng việc trồng trọt ven sông nơi khu vực thuỷ điện Đồng Nai 6A dự kiến xây dựng sẽ có khoảng 30 hộ dân (phía thượng nguồn) người dân tộc M’Nông bị ảnh hưởng trực tiếp.

Dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 gây ảnh hưởng khá lớn đến đời sống của bà con dân tộc đang sinh sống phía thượng nguồn. Việc mở đường vào để xây dựng thuỷ điện cũng sẽ tạo điều kiện cho nhiều người ngoài kéo đến, gia tăng áp lực vốn dĩ đã lớn đến đời sống đồng bào bản địa. Nhiều giá trị đời sống văn hoá của đồng bào bà con dân tộc có nguy cơ mất đi. “Những tác động xấu này chưa được thể hiện trong bản báo cáo đánh giá tác động môi trường của cả hai dự án thuỷ điện Đồng Nai 6, 6A” – ông Uy nhận xét.

 

Có nên xây dựng thuỷ điện Đồng Nai 6, 6A?

Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên tại VN đã đưa ra cảnh báo: việc xây dựng thuỷ điện Đồng Nai 6, 6A sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp lên hệ sinh thái VQG Cát Tiên, đặc biệt là khu Bàu Sấu – khu hệ đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế Ramsar. “Bàu Sấu là một trong những khu có hệ sinh

thái nước ngọt nguyên sơ nhất tại VN hiện nay nên cần được bảo vệ. Theo quy mô của đập thuỷ điện Đồng Nai 6, 6A, có thể phải dùng khoảng 1.000 tấn thuốc nổ trong quá trình thi công. Khi đó tiếng ồn do nổ mìn và độ rung mặt đất sẽ làm xáo trộn đời sống các loài động vật trong VQG Cát Tiên, đặc biệt là đối với con người nơi gần địa điểm xây dựng đập. Điều này là mối nguy lớn cho hệ sinh thái, thậm chí gây ra nguy cơ tuyệt chủng các loài vốn dĩ đã có nguy cơ tuyệt chủng cao”.

TS Lê Anh Tuấn còn đưa ra hàng loạt điều luật hiện hành để chứng minh rằng VQG Cát Tiên là khu bảo tồn, cần nghiêm cấm xây dựng công trình ở đây. “Theo nghị quyết của Quốc hội, những dự án, công trình sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất VQG, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học từ 50ha trở lên… thì phải trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Như vậy hai công trình thuỷ điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A chiếm dụng 137,5ha đất rừng thuộc VQG Cát Tiên phải được Quốc hội quyết định chủ trương trước, bỏ qua bước này là làm trái quy định của pháp luật” – TS Tuấn nói.