31/10/2024

Chúng ta được thánh hiến và được dành riêng để phục vụ Thiên Chúa

Bất cứ người tôi tớ trung thành nào, vào một vài phút giây nào đó, cũng đều cảm thấy cái nóng và gánh nặng của ngày sống (x. Mt 20,12), và cố gắng chiến đấu để mang lại một chứng tá có tính cách tiên tri cho một thế giới có vẻ như bưng tai bịt mắt trước những đòi hỏi của Lời Chúa

 Chúng ta được thánh hiến và được dành riêng để phục vụ Thiên Chúa

 

Bài giảng nhân chuyến công du Tông Toà tại Sydney (Úc)

Ngày quốc tế giới trẻ lần XXIII (12-21/7/2008)

Thánh Lễ cùng với các Giám mục Úc, các Chủng sinh và Tập sinh

Tại Vương cung thánh đường Đức Maria

Thứ bảy, 19/7/2008


Anh chị em thân mến,


Trong ngôi nhà thờ chánh toà cao quý này, tôi vui mừng chào các chư huynh Giám mục và linh mục, phó tế, những người sống đời tận hiến và giáo dân thuộc tổng giáo phận Sydney.  Đặc biệt, tôi xin chào các chủng sinh và các tu sĩ trẻ tuổi đang hiện diện ở giữa chúng ta. Cũng như những người Do Thái trẻ tuổi được nói đến trong Bài đọc một hôm nay, họ là dấu hiệu của niềm hy vọng và đổi mới cho Dân Chúa; và cũng như những người trẻ tuổi trong dân Israel, họ cũng sẽ có bổn phận xây dựng nhà Chúa cho thế hệ tương lai. Trong khi chúng ta thán phục toà nhà lộng lẫy này, làm sao mà ta lại không nghĩ đến vô số các linh mục, tu sĩ và giáo dân, mỗi người tuỳ theo ơn gọi riêng của mình, đã cộng tác vào việc xây dựng Giáo Hội tại Úc? Tâm trí chúng ta đặc biệt nhớ đến những gia đình di dân mà Cha Jeremiah O’Flynn đã giao cho nhiệm vụ cất giữ Bí tích Thánh Thể trước khi cha ra đi, một “đoàn chiên bé nhỏ“ đã để tâm gìn giữ kho tàng quý báu này, và đã giao phó lại cho các thế hệ kế tiếp gìn giữ, và họ đã xây lên ngôi nhà tạm vĩ đại này để làm vinh danh Thiên Chúa. Chúng ta vui mừng vì lòng trung thành và bền đỗ của họ, và chúng ta cố gắng nối tiếp những cố gắng của họ, để loan báo Tin Mừng, để cho các tâm hồn cải tà quy chánh, và cho Giáo Hội được tăng triển trong đường thánh thiện, trong hợp nhất và trong tình yêu thương!


Chúng ta chuẩn bị thánh hiến bàn thờ mới của ngôi nhà thờ chánh toà đáng kính này. Cũng như tấm biển điêu khắc ở mặt tiền đường nhà thờ nhắc nhở cho ta, mọi bàn thờ là biểu tượng của Đức Giêsu Kitô đang hiện diện trong nhà thờ của Người như tư tế, bàn thờ và lễ phẩm (x. Kinh Tiền tụng Lễ Phục Sinh s. 5). Người đã chịu đóng đinh, được mai táng và phục sinh từ trong kẻ chết, sống lại trong Thánh Thần và đang ngự bên hữu Đức Chúa Cha, Đức Kitô đã trở nên vị Đại Tư Tế của chúng ta, và muôn đời bầu cử cho chúng ta. Trong phụng vụ của Giáo Hội, và nhất là trong hy tế Thánh Lễ được hoàn tất trên các bàn thờ trên trần gian, Người mời gọi chúng ta, với tư cách là chi thể của Nhiệm thể Đức Kitô, chia sẻ hiến tế tự do của Người. Người kêu gọi chúng ta, với tư cách là dân tư tế của Giao ước mới và vĩnh cửu, hãy cùng với Người hiến dâng những hy sinh ta chịu hàng ngày để cứu rỗi trần gian.


Trong phụng vụ hôm nay, Giáo Hội nhắc chúng ta nhớ rằng, cũng như bàn thờ này, chúng ta cũng được thánh hiến, cũng được “dành riêng” để phục vụ Thiên Chúa và xây dựng triều đại của Người. Tuy nhiên, lắm khi, chúng ta lại ngụp lặn trong một thế giới muốn gạt bỏ Thiên Chúa “ra một bên“. Nhân danh sự tự do và  tự trị của con người, người ta không còn nhắc đến tên của Thiên Chúa nữa, tôn giáo cũng bị thu hẹp lại như một công việc đạo đức cá nhân, và đức tin bị gạt ra khỏi nơi công cộng. Đôi khi, một não trạng như thế, hoàn toàn đi ngược lại yếu tính của Tin Mừng, thậm chí còn có thể làm cho ta hiểu sai lạc về Giáo Hội và sứ mạng của Giáo Hội. Chúng ta cũng thế, chúng ta có thể bị cám dỗ thu hẹp đời sống đức tin vào một vấn đề tình cảm không hơn không kém, và như thế, làm suy yếu khả năng gợi hứng cho một cái nhìn có mạch lạc về thế giới, và đối thoại chặt chẽ với những cái nhìn khác cùng nhắm đến việc chinh phục tâm trí và con tim của những người sống đương thời với chúng ta.


Thế nhưng, lịch sử, kể cả lịch sử của thời đại chúng ta, đều chứng minh rằng ta  không thể nào không đề cập đến vấn đề về Thiên Chúa, cũng như sự dửng dưng đối với chiều kích tôn giáo trong cuộc hiện sinh của con người rồi ra thì chỉ hạ giá và phản bội con người mà thôi. Đấy chẳng phải là sứ điệp mà ngôi nhà thờ chánh toà này muốn nói lên sao, một ngôi nhà có một kiểu kiến trúc đáng làm cho chúng ta phải ngạc nhiên?  Đấy chẳng phải là mầu nhiệm đức tin được loan báo từ bàn thờ này, qua mỗi lần chúng ta cử hành Bí tích Thánh Thể đó sao? Đức tin dạy chúng ta biết rằng trong Đức Giêsu Kitô, là Lời nhập thể, chúng ta có thể hiểu được nét cao thượng của bản tính nhân loại chúng ta, mầu nhiệm cuộc sống chúng ta trên trần gian này và số phận tuyệt vời đang đợi chờ chúng ta trên Thiên quốc (x. Gaudium et Spes, Vui mừng và Hy vọng, s. 24). Hơn nữa, đức tin dạy ta biết rằng chúng ta là những thụ tạo của Thiên Chúa, được dựng nên theo hình ảnh Người và giống như Người, được điểm tô bằng một phẩm giá bất khả xâm phạm, và được kêu gọi để hưởng sự sống vĩnh cửu. Nơi nào con người bị hạ giá, thì nơi đó thế giới bao quanh con người cũng bị hạ giá; con người mất đi ý nghĩa tối hậu và xa rời cùng đích của mình. Và hậu quả là nền văn hoá ấy không phải là nền văn hoá của sự sống, mà là của sự chết. Làm sao ta có thể xem đó là một sự “tiến bộ“ được? Trái lại, đó là một bước thụt lùi, là một hình thức thoái hoá, và cuối cùng, sẽ làm khô cạn ngay cả những nguồn suối sự sống của cá nhân cũng như của toàn thể xã hội.


Chúng ta biết rằng cuối cùng – như Thánh Inhatiô thành Loyola đã thấy rất rõ  – Thánh giá và sứ điệp tình yêu mà chúng ta chẳng đáng lãnh nhận là “tiêu chuẩn“ đích thật duy nhất để đo lường mọi thực thể của nhân loại, đã chiến thắng điều ác, tội lỗi và sự chết, đã làm phát sinh một cuộc sống mới, và một niềm vui vĩnh cửu. Thánh giá mạc khải cho ta biết rằng chúng ta chỉ có thể tìm lại được chính mình, khi trao ban sự sống của chúng ta, khi đón nhận tình yêu Thiên Chúa như  một hồng ân mà chúng ta chẳng đáng lãnh nhận, và khi hành động để đem hết mọi người, nam cũng như nữ, về với vẻ đẹp của tình yêu này, về với ánh sáng của chân lý duy nhất mang lại cho thế giới ơn cứu độ.


Chính trong chân lý này là mầu nhiệm đức tin mà chúng ta đã được thánh hiến (x. Ga 17, 17-19), và cũng chính trong chân lý này mà Chúa kêu gọi chúng ta, nhờ ơn Chúa giúp đỡ, để lớn lên trong sự trung thành hàng ngày với Lời Chúa,  trong mối hiệp thông sống động với Giáo Hội. Thế nhưng, con đường thánh hiến này khó khăn biết bao! Con đường ấy đòi hỏi chúng ta không ngừng “hối cải“,  đòi hỏi chúng ta phải chết đi với chính mình, và đó là điều kiện để trọn vẹn thuộc về Thiên Chúa, đòi hỏi chúng ta phải biến đổi tinh thần và con tim, một sự biến đổi sẽ mang lại tự do đích thật và cái nhìn rộng thoáng mới. Phụng vụ hôm nay đưa ra cho chúng ta một biểu tượng hùng hồn về sự biến đổi tinh thần tiệm tiến này, một sự biến đổi mà mỗi người trong chúng ta đều được kêu mời thể hiện.  Việc rảy nước thánh, việc tuyên đọc Lời Chúa, lời kinh cầu các Thánh, lời nguyện thánh hiến, việc xức dầu và tẩy rửa bàn thờ, sự trang hoàng bàn thờ bằng khăn trắng và ánh sáng – tất cả những lễ nghi này nhắc ta nhớ đến việc chúng ta được thánh hiến ngày chịu Phép Rửa tội. Những lễ nghi ấy mời gọi chúng ta xa lánh tội lỗi, và những cám dỗ giả dối của nó, mời gọi chúng ta tới uống thoả thích nơi dòng suối thánh hoá của ân sủng Chúa.


Các bạn thân mến, ước gì buổi cử hành này, cùng với sự hiện diện của người Kế vị Thánh Phêrô, trở nên một thời kỳ thánh hiến mới và canh tân cho toàn thể Giáo Hội tại Úc châu! Nhân đây tôi cũng muốn dừng lại trong giây lát để nhớ lại sự nhục nhã, mà tất cả chúng ta đã cảm nhận tiếp theo sau những vụ lạm dụng tình dục của một vài linh mục và tu sĩ trong đất nước này đối với những vị thành niên. Tôi thật sự hết sức đau buồn về nỗi đau và buồn khổ mà các nạn nhân đã phải gánh chịu, và với tư cách là Mục tử, tôi xin chia sẻ sự đau khổ với họ. Những việc làm sai trái này là một sự phản bội nặng nề đối với niềm tin mà ta cần phải lên án một cách phân minh.  Những hành động ấy đã gây nên những đau khổ lớn lao và làm phương hại đến chứng tá của Giáo Hội. Tôi xin mỗi người trong anh chị em ủng hộ và hỗ trợ các Đức Giám mục của anh chị em, và cộng tác với các ngài để chiến đấu chống lại điều xấu xa này. Các nạn nhân phải được yêu thương, chăm sóc, và những ai gây ra những điều xấu xa này phải trình diện trước công lý. Đẩy mạnh cho có được một môi trường an toàn hơn và lành mạnh hơn, đặc biệt cho những người trẻ, là một ưu tiên cấp bách.


Trong những ngày này, được đánh dấu bằng Ngày quốc tế Giới trẻ, Chúa mời gọi chúng ta suy nghĩ về kho tàng quý báu, là những người bạn trẻ, đã được giao phó cho chúng ta, suy nghĩ để thấy được công việc giáo dục và đồng hành với giới trẻ là một phần quan trọng biết bao trong sứ mạng của Giáo Hội trên quốc gia này. Trong khi Giáo Hội tại Úc châu, dựa theo tinh thần của Tin Mừng, đang tiếp tục đương đầu một cách có hiệu quả với thánh đố mục vụ nghiêm trọng này, thì tôi xin được cùng kết hợp với anh chị em trong kinh nguyện, cầu xin Chúa cho thời gian thanh luyện này sẽ chữa lành, giao hoà và giúp chúng ta sống trung thành hơn đối với những đòi hỏi luân lý của Tin Mừng.


Giờ đây tôi muốn ngỏ lời với các chủng sinh và các tu sĩ trẻ tuổi đang hiện diện ở giữa chúng ta, để bày tỏ với họ tâm tình yêu thương và sự khích lệ của tôi.  Các bạn thân mến, các bạn đã quảng đại bước đi trên con đường thánh hiến một cách đặc biệt, được cắm rễ sâu trong Bí tích Thánh tẩy, và được đeo đuổi để đáp lại tiếng gọi cá biệt của Chúa. Bằng nhiều cách thế khác nhau, các bạn đã cam kết chấp nhận lời mời gọi của Đức Kitô để bước đi theo Người, đã cam kết từ bỏ tất cả, và hiến dâng cuộc đời đi tìm sự thánh thiện và phục vụ dân Chúa.


Trong bài Tin Mừng ngày hôm nay, Chúa kêu gọi chúng ta “tin vào ánh sáng“ (x. Ga 12, 36). Các bạn trẻ, là chủng sinh và tu sĩ thân mến, lời Chúa có một ý nghĩa đặc biệt đối với các bạn. Lời Chúa kêu gọi chúng ta tin tưởng vào chân lý  Lời Người và hy vọng chắc chắn lời Chúa hứa sẽ được thực hiện. Lời Chúa mời gọi chúng ta dùng cặp mắt đức tin để nhận ra công trình vô ngộ của ân sủng Chúa chung quanh chúng ta, ngay cả trong những lúc tăm tối này, khi mà mọi nỗ lực của chúng ta dường như luống công vô ích. Các bạn hãy để cho bàn thờ này, với bức ảnh về người Tôi Tớ đau khổ được diễn tả một cách thật gợi cảm này, mang lại cho các bạn một nguồn cảm hứng thường xuyên. Bất cứ người tôi tớ trung thành nào, vào một vài phút giây nào đó, cũng đều cảm thấy cái nóng và gánh nặng của ngày sống (x. Mt 20, 12), và cố gắng chiến đấu để mang lại một chứng tá có tính cách tiên tri cho một thế giới có vẻ như bưng tai bịt mắt trước những đòi hỏi của Lời Chúa. Thế nhưng, các bạn đừng sợ hãi!  Các bạn hãy tin vào ánh sáng! Hãy hết lòng đón nhận chân lý mà hôm nay chúng ta đã nghe trong Bài đọc hai: “Đức Giêsu Kitô, hôm qua, hôm nay, cũng chỉ là một, và như vậy mãi cho đến muôn đời“ (Dt 13, 8). Ánh sáng Phục sinh vẫn tiếp tục làm tan đi bóng tối!


Chúa kêu gọi chúng ta bước đi trong ánh sáng (x. Ga 12, 35). Mỗi người trong các bạn đã thể hiện được trận chiến lớn lao và vinh quang nhất trong những trận chiến, đó là trận chiến tận hiến trong chân lý, trận chiến lớn lên trong nhân đức, trận chiến đạt được sự hoà hợp, một đàng giữa tư tưởng và lý tưởng, và đàng khác, giữa lời nói và hành động. Các bạn hãy bước đi trong kỷ luật và trong tinh thần của những chương trình đào tạo một cách chân thành và sâu xa. Mỗi ngày  hãy bước đi trong ánh sáng của Đức Kitô, và trung thành với kinh nguyện cá nhân cũng như kinh nguyện thần vụ, và hãy nuôi dưỡng mình qua việc suy gẫm Lời linh ứng của Thiên Chúa. Các Giáo phụ rất thích xem Kinh Thánh như một khu vườn địa đàng thiêng liêng, một khu vườn, mà nơi đó, ta có thể tự do dạo chơi với Thiên Chúa, và thán phục vẻ đẹp cũng như sự hài hoà trong chương trình cứu rỗi của Người, một chương trình mang lại hoa trái cho đời sống cá nhân của chúng ta, cho đời sống của Giáo Hội, và cho đời sống dọc suốt lịch sử.


Như thế, ước gì kinh nguyện và việc suy gẫm Lời Chúa trở nên ngọn đèn soi chiếu, thanh luyện và hướng dẫn bước chân của các bạn trên suốt con đường  Chúa đã vạch sẵn cho các bạn! Các bạn hãy làm cho buổi cử hánh Bí tích Tạ Ơn trở thành tâm điểm cho cuộc đời của mình. Trong mỗi Thánh lễ, khi linh mục giơ cao Mình và Máu Thánh Chúa vào phần cuối kinh nguyện Thánh Thể, các bạn cũng hãy nâng tâm hồn và cuộc sống mình lên trong Đức Kitô, để nhờ Người, và với Người, trong sự hợp nhất với Chúa Thánh Thần, các bạn trở nên một của lễ thơm tho đẹp lòng Thiên Chúa là Cha chúng ta.


Như thế, các bạn trẻ là chúng sinh và tu sĩ thân mến, các bạn cũng hãy trở nên những bàn thờ sống động, mà trên đó, hy tế tình yêu của Đức Kitô sẽ hiện diện như một mẫu mực và nguồn lương thực thiêng liêng cho tất cả những ai các bạn sẽ gặp gỡ. Khi đáp lại tiếng Chúa gọi mời để đi theo Người trong đức khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục, với tư cách là môn đệ, các bạn đã thể hiện một lối sống triệt để làm cho các bạn trở nên những “dấu hiệu chống đối“ (x. Lc 2, 34) cho nhiều người sống đương thời với các bạn. Mỗi ngày hãy khuôn đúc cuộc sống của mình dựa vào hy tế đầy tình yêu của Chúa, trong vâng phục Thánh ý Chúa Cha. Theo cách này, các bạn sẽ khám phá ra sự tự do và niềm vui có thể lôi kéo những người khác về với Tình yêu này, một tình yêu vượt lên trên mọi tình yêu, như suối nguồn và sự thể hiện tối hậu của mọi tình yêu. Các bạn đừng bao giờ quên rằng đức khiết tịnh vì Nước Trời có nghĩa là chấp nhận một cuộc sống hoàn toàn hiến dâng để mà yêu mến. Tình yêu sẽ làm cho các bạn có khả năng để hoàn toàn tận hiến đời mình phục vụ Thiên Chúa, và hoàn toàn hiện diện với anh chị em mình, nhất là với những người lâm cơn túng quẫn. Lý tưởng, sự quảng đại, thời giờ và những năng lực của các bạn là những kho tàng cao cả nhất mà các bạn chia sẻ với những người bạn trẻ khác, và là những hy sinh đích thật mà các bạn đặt lên trên bàn thờ Chúa. Ước gì các bạn luôn quý mến đặc sủng kỳ diệu này, đặc sủng mà Chúa đã ban cho các bạn để làm vinh danh Chúa và xây dựng Giáo Hội!


Các bạn thân mến, tôi xin được kết luận những dòng suy nghĩ này, qua việc mời gọi các bạn để ý đến tấm cửa kiếng màu lớn nằm trong gian cung thánh của ngôi nhà thờ chánh toà này. Đức Trinh Nữ Maria, Nữ Vương Thiên đàng, được mô tả trong cánh cửa kiếng màu này, Người oai vệ ngự trên ngai, bên cạnh người Con thần thánh của Người. Nghệ nhân đã biểu thị Đức Maria như một Eva mới, đang dâng cho Đức Kitô, là Ađam mới, một quả táo. Cử chỉ này biểu thị việc Mẹ đã biến tội bất tuân của nguyên tổ chúng ta thành hoa trái phong phú mà ân sủng Chúa đã mang đến trong cuộc đời của Mẹ, và biểu thị những hoa trái đầu tiên của một nhân loại được cứu thoát và được vinh quang, mà Mẹ là người đã đi trước vào trong vinh quang Thiên quốc. Chúng ta hãy cầu xin Đức Maria, là Đấng Phù hộ các giáo hữu, nâng đỡ Giáo Hội tại Úc được trung thành với ân sủng này, ân sủng mà qua đó Chúa chịu đóng đinh tiếp tục “lôi kéo” toàn thể thụ tạo và mỗi một tâm hồn “về với Người” (x. Ga 12, 32). Ước gì sức mạnh của Thần Khí Chúa thánh hiến trong chân lý những tín hữu của vùng đất này, sản sinh những hoa trái thánh thiện và công lý thật dồi dào để cứu rỗi trần gian, và hướng dẫn toàn thể nhân loại đến cuộc sống viên mãn chung quanh bàn thờ này, mà nơi đó, trong vinh quang của phụng vụ thiên quốc, chúng ta được kêu mời góp lời ca khen Thiên Chúa đến muôn ngàn đời.  Amen.