Cơn sốt vàng và nạn tàn phá môi sinh tại Châu Mỹ Latinh
Cơn sốt vàng cũng làm nảy sinh ra các trận chiến, các xung đột, các vụ biểu tình đình công, các ngăn chặn từ phía các cộng đoàn địa phương. Văn phòng quan sát các xung đột tại châu Mỹ Latinh đã ghi nhận tới 120 vụ xảy ra tại 15 quốc gia hồi năm ngoái, nhiều nhất là tại Brasil.
Cơn sốt vàng và nạn tàn phá môi sinh tại Châu Mỹ Latinh
Từ mấy thập niên qua, kỹ nghệ khai thác vàng đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi sinh trầm trọng tại châu Mỹ Latinh và đang tàn phá hàng ngàn mẫu rừng già, đặc biệt là rừng gìa vùng Amazzonia, cũng như gây ra nhiều thứ bệnh giết người, nhất là đối với các thổ dân.
Hiện nay, 25% tổng số lượng vàng trên thế giới đến từ các nước châu Mỹ Latinh. Vì các lợi nhuận rất lớn nên các công ty khai thác vàng tranh đua nhau đấu thầu, và song song là nạn khai thác vàng lậu. Thật thế, cơn sốt vàng lan tràn từ Guatemala sang Argentina đi ngang qua các nước Perù, Colombia, Ecuador, Mehico, Cile và Brasil.
Cách đây không lâu, vùng Madre de Dios bên Peru là vùng rừng xanh có cây cối um tùm, nhưng nay dân chúng gọi nó là “mặt trăng”, vì nó đã biến thành một vùng sa mạc bùn lầy rộng 180 cây số vuông đầy các hố sâu. Mỗi ngày có tới 40.000 người, nhưng theo các tổ chức nhân quyền thì có tới 100.000 người tới đây tìm vàng.
Theo thống kê của Uỷ ban Môi sinh, thuộc Hội Quặng mỏ Quốc gia Peru, mỗi năm Peru cung cấp 16.000 ký vàng trị giá 6 tỷ mỹ kim. Theo các nguồn tin khác, mỗi năm vùng Madre de Dios sản xuất gấp đôi, và một phần năm vàng toàn nước Peru đến từ đây. Với giá vàng lên cao, từ năm 2006 tới nay, số lượng vàng sản xuất đã gia tăng gấp 5 lần. Bên cạnh việc khai thác có giấy phép có nhiều vụ khai thác bất hợp pháp. Năm ngoái, các tổ chức siêu quốc đã dành một phần tư tổng ngân khoản đầu tư vào mạn nam vùng Rio Bravo khiến cho châu Mỹ Latinh đứng hàng đầu trong lĩnh vực khai thác vàng, vì các tổ chức này đã chi ra 5,4 tỷ mỹ kim để tài trợ cho kỹ nghệ khám phá và khai thác vàng. Đứng đầu là ba nước Mehicô, Cile và Peru, nơi đã có tới 7.000 đơn xin khai thác. Tiếp đến là Brasil và Argentina, và mới đây có thêm nước Colombia trong danh sách, vì nạn bạo lực tại đây đã giảm bớt và Tổng thống Juan Manuel Santos cũng đang chú ý tới việc khai thác mỏ vàng để đẩy mạnh đà tiến kinh tế quốc gia.
Sự kiện các chính quyền trong vùng đều đẩy mạnh kỹ nghệ khai thác vàng khiến cho các tổ chức siêu quốc có các hợp đồng làm ăn rất tốt với Tổng thống Calderon của Mehicô, cũng như với nguyên Tổng thống Lula của Brasil và bà Tổng thống Kirchner của Argentina, hay với Tổng thống Correa của Ecuador. Chỉ có nước Costa Rica là đã ra lệnh hạn chế việc khai thác vàng, bằng cách thu hồi giấy phép của hãng thầu “Vàng bất tận” của Canada.
Mặc dù có sự báo động khẩn cấp của các tổ chức bảo vệ môi sinh và các quyền con người, số các mỏ vàng được khai thác ngày càng gia tăng. Phương pháp thông thường nhất là khai thác lộ thiên, vì các lớp quặng mỏ không sâu lắm, nên thay vì đào các đường hầm, thì các tổ chức tìm vàng đào ra các miệng hố rộng. Sau đó, vàng được tách ra khỏi đá bằng nước pha với chất cianuro gọi là tẩy vàng. Chất cianuro rất độc, chảy vào lòng đất và ngấm vào các mạch nước gây ô nhiễm. Cách đây gần một năm, Liên hiệp Âu Châu đưa ra luật cấm rửa vàng bằng chất cianuro. Ngoài ra, việc rửa vàng tốn rất nhiều nước, vốn khan hiếm trong vùng nam bán cầu. Theo thống kê của hãng khai thác vàng Martin, Guatemala, mỗi giờ người ta sử dụng tới 250.000 lít nước để rửa đất đá.
Cơn sốt vàng cũng làm nảy sinh ra các trận chiến, các xung đột, các vụ biểu tình đình công, các ngăn chặn từ phía các cộng đoàn địa phương. Văn phòng quan sát các xung đột tại châu Mỹ Latinh đã ghi nhận tới 120 vụ xảy ra tại 15 quốc gia hồi năm ngoái, nhiều nhất là tại Brasil.
Song song với các sinh hoạt khai thác có giấy phép của chính quyền là các vụ khai thác bất hợp pháp. Các trường hợp này là do các tay làm ăn đi đêm với vài nhân viên chính quyền địa phương, nhượng các vùng đất được bảo vệ cho việc khai thác tìm vàng để hưởng phần trăm các lợi lộc. Đây là chuyện làm ăn chắc chắn, vì các vùng đất này rất xa xôi hẻo lánh chính quyền khó kiểm soát. Việc khai thác vàng được giao cho một tay chỉ huy. Người này tuyển lựa các nhân công, thường là những người rơi vào cảnh tuyệt vọng và bị vàng quyến rũ. Các công nhân này phải làm việc một ngày từ 12 tới 14 giờ, và mỗi ngày để dành được cho mình 1 gram vàng, giá khoảng 40 mỹ kim, nghĩa là gần 14 lần tiền lương trung bình của một công nhân. Nếu họ để đành được 50 gram vàng thì có hy vọng trở thành thành viên của hợp tác xã, trong trường hợp họ còn sống sót. Vì thật ra các công nhân tìm vàng sống trong rừng già, chen chúc nhau trong các chòi hay lều tạm bợ, không điện nước, không cầu tiêu và các phương tiện vệ sinh, và hoàn toàn không có an ninh.
Để tránh các xung đôt giữa các công nhân, các người chỉ huy ở địa phương tìm cách cung cấp cho họ các trò giải trí rẻ tiền. Các quán nước mọc lên khắp nơi, trong đó có các thiếu nữ trẻ tuổi bị bắt buộc làm điếm. Các cô thường bị lừa là tìm ra công ăn việc làm. Theo các tổ chức phi chính quyền, mỗi mùa thu có tới 1.200 thiếu nữ bị lừa và rơi vào cảnh làm điếm, có khi họ chỉ là các bé gái 12 tuổi. Nhưng thảm cảnh này không kéo dài, vì sau đó là bệnh tật, đặc biệt là các loại bệnh truyền nhiễm.
Để lọc vàng khỏi đá, người ta còn dùng thuỷ ngân với số lượng rất nhiều: hai kí thuỷ ngân cho 1 ký vàng. Sau đó chất thuỷ ngân chảy vào các sông cung cấp nước uống cho dân chúng các làng mạc trong vùng, dẫn đến các hậu quả tàn phá sức khoẻ khiến cho con người suy yếu kinh niên, mù loà rồi chết. Xác chết của các nạn nhân trong đó có các công nhân bị chôn vùi trong bùn của hàng ngàn các “mặt trăng” của châu Mỹ Latinh cùng với vàng của nó.
Ở Brasil, các người tìm vàng lén lút này được gọi là các “garimperos”. Họ xâm lăng vùng đất của thổ dân Yanomani sống trong rừng già Amazzonia. Sự hiện diện của họ gây ra sự tàn phá với các tiếng động ồn ào của mìn nổ, tiếng cưa cây phá rừng, tiếng máy đào đất và cảnh tìm vàng ngày đêm tra tấn cuộc sống an lành của thổ đân. Vùng rừng già rộng tới 192.000 cây số vuông dọc theo biên giới giữa Brasil và Venezuela được bảo vệ và cấm không được khai thác vàng. Nhưng Hiệp hội HAY, có mục đích bảo vệ các quyền của thổ dân Yanomani, cho biết có tới 3.000 người tìm vàng hiện diện trong vùng, và số người này ngày càng gia tăng. Một thừa sai Ý từ 3 năm nay làm việc truyền giáo cho thổ dân cho biết bằng chứng là các tiệm bán vàng gia tăng trong thành phố. Sự hiện diện của các người tìm vàng cũng đem theo các bệnh tật khiến cho thổ dân bị lây. Từ tháng 2 năm nay, qua đài phát thanh của họ, các thổ dân đã tố cáo một bệnh sốt lạ rất mạnh lan tràn có thể khiến cho người bị bệnh chết trong 24 giờ đồng hồ. Vì trong vùng không có các trợ giúp y tế ổn định, nguy cơ lây bệnh gây tử vong rất cao. Và thảm hại nhất là cảnh đất và rừng bị tàn phá và bị ô nhiễm nặng.
Ở Colombia, cùng với cây ma tuý coca và các vụ bắt cóc tống tiền, cơn sốt vàng cũng dưỡng nuôi cuộc nội chiến tại đây. Theo ước tính của các chuyên viên, vàng hiện nay trở thành nguồn lợi thứ hai của các lực lượng du kích quân mác xít “Mặt trận vũ trang cách mạng Colombia” và “Quân đội giải phóng quốc gia” cũng như của các băng đảng tội phạm bắt nguồn từ tàn dư của các nhóm bán quân sự. Các lực lượng này thường hoạt động chung với nhau để kiếm lời nhiều chừng nào có thể. Trong các vùng xa đôi hẻo lánh như Antioquia, Magdalena, Medio và Bolivar, nơi vẫn còn có chiến tranh, và mặc cho đường lối mạnh tay của Tổng thống Uribe, tuần nào cũng có các mỏ mới được đào bới một cách bất hợp pháp, không phép tắc, không hợp đồng, nhưng được các băng đảng vũ trang ủng hộ trực tiếp hay gián tiếp. Hậu quả là Colombia đang trở thành quốc gia bị ô nhiễm chất thuỷ ngân trầm trọng nhất thế giới.
Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, chỉ nội trong vùng Antioquia, phân nửa các mỏ được khai thác là bất hơp pháp, và hằng năm có tới 67 tấn chất hoá học được sử dung, khiến cho dân chúng trong vùng bị rất nhiều bệnh tật. Tin tức của cảnh sát Colombia cho biết trong vùng Magdalena, Medio và nam Bolivar, mỗi năm lực lượng FARC thu vào ít nhất 9 triệu mỹ kim; và họ dùng số tiền này để mua khí giới và nuôi cuộc nội chiến đã kéo dài trên 40 năm.
Ở Guơatemala, Đức cha Alvaro Ramazzi, Giám mục San Marcos, cách biên giới Mehicô 300 cây số, cho biết người dân Guatemala, đa số là các thổ đân đã phải đau khổ rất nhiều vì chiến tranh. Từ hồi năm 1988, khi mới tới San Marcos, Đức cha Alvaro đã mạnh mẽ bênh vực các cộng đoàn San Miguel, Ixtahuacan và Sipakapa chống lại các ức hiếp lạm dụng của các nhóm vũ trang. 15 năm sau, khi có các hiệp định hoà bình, Đức cha Alvaro tiếp tục bênh vực các quyền của thổ dân mà giờ đây bị đe doạ bởi mỏ vàng Marlin, do công ty khai thác vàng Canada Goldcorporation đấu thầu. Các can thiệp mạnh mẽ của Đức Cha khiến cho người ta gọi ngài là “Giám mục môi sinh”. Đức Cha cho biết việc khai thac mỏ vàng Marlin đang khiến cho người dân các làng trong toàn vùng bị nhiễm độc. Mỏ vàng vùng Marcos trải dài trên 573 cây số vuông. Từ năm 2003 tới nay, các máy đào đất đã đào 5 triệu tấn đất đá mỗi ngày để tìm vàng. Đây là vùng có nhiều vàng. Trong năm 2008, người ta đã tìm đươc 241.000 lạng. Từ năm 2002 tới 2010, công ty tìm vàng đã thu được 1,5 tỷ mỹ kim tiền lời. Để tách vàng ra người ta dùng nườc và chất độc cinuro. Cứ mỗi giây 12 lít nước, trong khi một gia đình nông dân chỉ có 30 lít để sống mỗi ngày. Mỗi ngày người ta cho nổ 9 tấn thuốc nổ để tạo ra các hố khổng lồ sẽ không bao giờ được lấp lại nữa. Các vụ nổ liên tục làm rung chuyển nhà cửa. Trong khi chất cianuro thấm vào lòng đất và mạch nước. Dân chúng địa phương không nhận được gì, chỉ được 1/100 lợi tức. Theo luật ban hành năm 1997, số vàng khai thác được ở lại Guatemala, nhưng các thổ dân nghèo vẫn hoàn nghèo, đã thế lại phải sống trong một môi trường bị tàn phá hoàn toàn.
Các lời tố cáo liên tục của Đức cha Alvaro và của Hội đồng Giám mục Guatemala đã khiến cho Toà án liên Mỹ châu bảo vệ các quyền con người tin, và vào tháng 5-2010, đã ra lệnh đóng cửa mỏ vàng Marlin. Nhưng trong Giáo phận San Marcos, không có gì thay đổi. Các máy ủi đất vẫn tiếp tục gây thương tích cho lòng đất từ đó chảy ra vàng. Trong hơn một năm trời, chính quyền của Tổng thống Alvaro đã không thèm biết tới phán quyết của Toà án Nhân quyền. Ngày 12-6 vừa qua, ông còn tuyên bố không có lý do để ngăn chặn các sinh hoạt khai thác vàng tại Marlin. Nhưng Đức cha Ramazzi và các cộng đoàn Giáo phận San Marcos vẫn không chịu thua. Đức Cha tuyên bố: “Các mỏ vàng lộ thiên không phải là con đường phát triển đất nước. Việc phát triển phải hài hoà với môi sinh và tôn trọng các quyền con người. Tôi tin rằng giấc mơ của một nước Guatemala công bằng hơn là điều có thể thực hiện được. Dĩ nhiên con đường còn dài, vì thế chúng tôi không được dừng bước”.
(Avvenire 7-7-2011)