15/01/2025

Nạn khai thác nông dân nô lệ tại Pakistan

Phỏng vấn Linh mục Bonnie Mendes, Thư ký Caritas Pakistan, về nạn khai thác nông dân nô lệ

 Nạn khai thác nông dân nô lệ tại Pakistan

Phỏng vấn Linh mục Bonnie Mendes, Thư ký Caritas Pakistan, về nạn khai thác nông dân nô lệ


Trong các hình thức nô lệ mới hiện nay có nạn nông dân nô lệ. Điển hình là số phận của 1,7 triệu nông dân không ruộng đất tại Pakistan. Họ phải làm thuê làm mướn cho các đại điền chủ tàn ác, bỏ tù vợ con họ để bắt buộc họ phải vâng lời. Luật lao động Pakistan năm 1992 có khoản xác định lợi tức phải chia đôi đồng đều giữa giới điền chủ và nông dân làm thuê, nhưng nó đã không bao giờ được áp dụng. Các nhân viên được chỉ định kiểm soát thường được giới điền chủ hối lộ để không áp dụng luật và không trừng phạt họ.

Tiểu bang Sindh ở miền nam Pakistan là vùng có tệ nạn nông dân nô lệ trầm trọng và tệ hại nhất, khi so sánh với các vùng khác. 40% trên tổng số diện tích 135.300 mẫu tây đất vùng này nằm trong tay của các đại điền chủ. Punjab là vùng rộng lớn nhất, giầu nhất và “tân tiến” nhất vẫn thua so với bang Sindh, vì các điền chủ tiểu bang Punjab chỉ có khoảng 3 mẫu tây đất, trong khi các điền chủ vùng Sindh có tới 12 mẫu.

Tuy nhiên, trong lịch sử Pakistan cho tới thời gian cách đây không xa lắm, chỉ có các đại điền chủ là có nông dân nô lệ, nhưng hiện nay cả các điền chủ hạng trung cũng có nông dân bị bắt buộc làm việc cho họ. Nguồn gốc tệ nạn nô lệ này là các vụ nông dân vay mượn tiền của các điền chủ để tổ chức các lễ lạy, ma chay, hay các đám cưới hỏi, hoặc để có tiền đi lo chuyện này chuyện nọ, cứ thế chồng chất lên mà không có tiền trả nợ. Các món nợ chồng chất ấy từ từ trở thành các mối dây ràng buộc rất nặng nề, trở thành tình trạng sống thường trực của người vay nợ. Và chúng là các dây xích cột chân các người mắc nợ: họ và cả gia đình bị bắt buộc phải làm việc cho chủ nợ và bị giam hãm trong tình trạng hoàn toàn lệ thuộc chủ nợ, rồi phải sống y như các người bị tù. Rất thường khi vợ con của họ bị giam tại những nơi bí mật và trở thành con tin của chủ. Thế là người chồng và cả gia đình bị bắt buộc phải làm tôi mọi cho chủ. Sự kiện không có luật lệ trừng phạt các địa chủ và sự thinh lặng chịu trận vì âu lo sợ hãi khiến cho tệ nạn nông dân nô lệ lan tràn tại Pakistan.

Sau khi hai nước Ấn Độ và Pakistan tách rời nhau vào năm 1948, bang Sindh mới đưa ra một luật thích hợp nhằm bảo vệ các nông dân. Năm 1950, Hội đồng Tư pháp bang Sindh đã phê chuẩn một luật nhằm bảo vệ các lợi lộc và bổn phận của các nông dân làm thuê và các điền chủ, bằng cách xác định việc phân chia lợi tức. Nhưng luật này đã bị các đại điền chủ lèo lái để bảo vệ các đặc quyền đặc lợi của họ.

Theo luật, người mắc nợ và gia đình họ không phải làm việc không công cho chủ nợ, nhưng luật lại không xác định các nhiệm vụ của người mắc nợ và giờ giấc làm việc. Vì thế, khó mà xác định đâu là việc làm không công, đâu là việc làm phải được trả lương và đâu là việc khai thác người mắc nợ. Và giới điền chủ bao giờ cũng có đủ lý do để biện minh cho cách đối xử tàn tệ của họ. Hậu quả đó là cả gia đình người mắc nợ bị khai thác bóc lột để trả các món nợ chồng chất hết đời này sang đời kia và ngày càng gia tăng chứ không giảm.

Điển hình như trường hợp của anh Muno Bheel, thuộc thiểu số Ấn sống tại Pakistan. Vì một món nợ anh đã phải làm việc 13 năm trời cho ông Abdul Rehman Mari, một điền chủ sống trong một tỉnh mạn nam bang Sindh. Câu chuyện của anh được báo chí địa phương biết đến năm 1997 và được Uỷ ban Nhân quyền trợ giúp can thiệp. Xem ra nó được giải quyết khi gia đình anh được trả tự do năm 1998, do lệnh của toà án vùng Sindh. Nhưng ngày 2-5-1998, điền chủ Mari cùng với một nhóm người vũ trang đột nhập nhà anh Muno và bắt cóc 9 thành phần trong gia đình gồm cha mẹ già, vợ và các con anh và đem đi mất tích.

Kể từ đó anh không có tin tức gì về họ. Nhưng Muno không nản lòng, anh gõ cửa mọi nơi nào có thể để xin giúp tìm kiếm thân nhân. Sau cùng, để lôi kéo sự chú ý của mọi người, anh đã tuyệt thực 1.287 ngày trước trụ sở báo chí tỉnh Hyderabad, thủ phủ bang Sindh. Sự kiên trì của anh đã lôi kéo sự chú ý của Hội đồng Bảo vệ Hoà bình và Nhân quyền. Tổ chức này đã can thiệp và năm 2006 điền chủ Mari bị bắt và bị tù 18 tháng. Nhưng cảnh sát cũng đã không giải thoát được gia đình của anh Muno, tuy sau cùng biết được là họ bị giam trong vùng Johl thuộc quận Sanghar, rồi từ đó biệt tích. Chắc chắn là điền chủ Mari đã bán lại cho một thân nhân hay cho một điền chủ ở vùng khác. Và cho tới nay anh Muno Bheel vẫn chưa tìm ra gia đình mình.

Giáo sư Ahmad Ali dậy môn lý thuyết kinh tế tại đại học Lahore, thủ phủ bang Punjab, cho biết sự thiếu luật lệ bảo vệ các nông dân là một trong các lý do của việc kéo dài tệ nan khai thác bóc lột sức lao động của họ. Giới nông dân cũng không có quyền thành lập nghiệp đoàn hay tự tổ chức để bảo vệ quyền lợi của họ. Cần phải có các biện pháp giúp cải tiến cuộc sống của các nông dân làm thuê, để họ gia tăng sản xuất hầu có thể tự lực về lương thực và nhổ tận gốc rễ cảnh nghèo túng của nông dân, nhưng tất cả đều là các mục tiêu lý thuyết. Các nạn nhân thuộc các nhóm bị gạt bỏ ngoài lề xã hội, bao gồm cả các người di cư nội địa và các nhóm thiểu số chủng tộc hay tôn thiểu số giáo bị kỳ thị trước sự thờ ơ của chính quyền. Trong bang Sindh, tệ nạn các điền chủ khai thác bóc lột nông dân nô lệ nặng nề nhất là trong các quận Sanghar, Mirpurkhas và Thar, nơi có các nhóm thiểu số Bheel, Kolhi và Meghwar theo Ấn giáo sinh sống; bên cạnh đó cũng có một số các Kitô hữu.

Sau đây, chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn bài phỏng vấn Linh mục Bonnie Mendes, Thư ký Caritas Pakistan, về nạn nô lệ vùng quê Pakistan. Cha Mendes rất dấn thân trong việc bảo vệ các quyền con người và đã sống kinh nghiệm thảm cảnh của các nông dân nô lệ trong bang Sindh.

Hỏi: Thưa Cha, Cha có ý nói gì khi gọi các anh chị em nông dân này là “nô lệ” hay “nô lệ vùng quê” trong bối cảnh của nước Pakistan hiện nay, và vấn đề này đã đâm rễ sâu từ khi nào tại đây?

Đáp: Nạn nô lệ tại Pakistan có rất nhiều hình thức khác nhau, và trong một mức độ ít nhiều nào đó cũng liên luỵ tới các phụ nữ và trẻ em. Nhưng hiện tượng phổ biến nhất liên quan tới việc kỳ thị xã hội tôn giáo đó là nạn nô lệ trong các vùng quê.

Theo tổ chức Lao động Quốc tế, đa số trên 1,7 triệu người Pakistan nạn nhân của nô lệ, tức 1,3 triệu người, là phụ nữ theo thống kê của các tổ chức phi chính quyền địa phương, cộng thêm với người lớn nam giới và trẻ trai. Họ là công nhân sống trong bang Sindh là một trong 5 bang lớn của nước Pakistan. Họ là các nông dân không có đất đai để trồng tỉa, và con số nông dân không ruộng đất này ngày càng gia tăng.

Không phải vô tình mà các điền chủ khai thác dân chúng địa phương, đa số là người Hồi, cũng như lợi dụng những người quyền thế mà họ tìm cậy dựa để được bao che, và những người này cũng là người Hồi. Cũng có vài điền chủ giàu là tín hữu Ấn giáo sống trong bang Sindh, nhưng họ chỉ là thiểu số. Có thể nói rằng tình hình này phản ánh tình trạng của các tôn giáo tại Pakistan. Đúng thật là các tôn giáo, kể cả Hồi giáo, không dạy kỳ thị, nhưng tại Pakistan, niềm tin Hồi giáo bị uốn nắn theo các lợi nhuận và cung cách bất công của tín hữu.

Hỏi: Thưa Cha, như vậy thì làm sao mà lại gắn liền nạn nô lệ tại Pakistan với bản chất là quốc gia Hồi giáo của nó?

Đáp: Các tín hữu Hồi hãnh diện vì không có một hệ thống phân chia giai cấp như các tín hữu Ấn giáo. Nhưng trong thực tế cũng có sự kỳ thị xã hội kinh tế dựa trên nền tảng là ý thức về sự cao vượt nguồn gốc, giai tầng của những người Hồi giàu có. Trong trường hợp của các tín hữu Kitô, thực tại là họ bị coi như là các công dân hạng hai hay hạng ba. Có các lý do kinh tế, nhưng người ta lại cho tình trạng này một ý nghĩa tôn giáo: họ thấp kém hơn vì họ không phải là tín hữu Hồi. Các người Ấn giáo thì sẽ định nghĩa tình trạng gạt bỏ ngoài lề xã hội này trong quan niệm tự tôn giai tầng xã hội; trong khi các người Hồi giáo thì diễn tả nó trong ý niệm về sự tự cao tôn giáo. Tuy nhiên, trong nước Pakistan có 3 triệu tín hữu Kitô và gần 3 triệu tín hữu Ấn phải gánh chịu tình trạng nô lệ này.

Hỏi: Cha đã liên luỵ với hiện tượng nô lệ tại Pakistan như thế nào, và dấn thân tôn giáo và xã hội của cha đã ra sao?

Đáp: Tôi đã chung sống với hiện tượng này trong bang Sindh sau khi học tại đại chủng viện; khi Giám mục Karachi là Đức cha Franceso Benedetto Cialeo, người Ý, thuộc dòng Đa Minh, giao cho tôi đặc trách công tác mục vụ cho vài làng có đa số các nông dân chuyên sống về nghề làm thuê làm mướn cho một số điền chủ địa phương. Tôi phải nói rằng so sánh với thời còn trẻ của tôi và cuộc sống sinh viên tại Karachi, là thành phố xa lạ, tuy cuộc sống của tôi có nghèo nàn, nhưng đứng trước cảnh bần cùng của các anh chị em nông dân làm thuê làm mướn này, nó vẫn còn là cuộc sống qúa xa hoa. Bữa ăn của các anh chị em nông dân nô lê này là bánh không men và loại rau bị các điền chủ vứt đi. Gia đình, mà tôi chọn chung sống với họ, không có đất để trồng cấy, và căn nhà nhỏ mà điền chủ cho họ sống cũng không có chỗ đi vệ sinh. Cả gia đình gồm 5 người đều phải chạy theo mỗi mệnh lệnh của điền chủ. Những nông dân nô lệ này phải chịu nhiều kỳ thị: làm việc không có giờ giấc, tiền công là số thực phẩm nghèo nàn, mà họ cũng chỉ nhận được nó sau khi mùa màng đã xong đâu vào đấy. Họ không có chút tự do nào, kể cả việc gửi con tới trường học để chúng có thể có một tương lai tươi sáng hơn.

(Avvenire 1-7-2011)