26/01/2025

Phải minh bạch giá xăng dầu

Hiện nay các đầu mối kinh doanh xăng dầu đều là doanh nghiệp nhà nước và đều kêu lỗ. Trong khi đó, đa số tổng đại lý, đại lý đều là công ty cổ phần hoặc tư nhân đều có lãi

Phải minh bạch giá xăng dầu

Giá xăng dầu thế giới giảm mạnh, tỉ giá cũng giảm, thế nhưng giá xăng dầu bán lẻ trong nước vẫn “bình chân như vại”. Nhiều chuyên gia cho rằng cần minh bạch hoá giá xăng dầu, trong đó phải kiểm toán độc lập xem có đúng mức lợi nhuận thấp như công bố hay không.

Giá bình quân tháng 6 so với tháng 4 của các mặt hàng xăng A95, A92, dầu DO tại thị trường Singapore đều giảm 10-12 USD/thùng. Việc giảm giá này dẫn đến việc kinh doanh dầu có lãi nên Nhà nước đã cho tăng thuế nhập khẩu từ 0% lên 5% và tăng mức trích quỹ bình ổn thay cho việc giảm giá.

Điệp khúc tăng chiết khấu

Thời điểm thuế nhập khẩu dầu tăng hồi đầu tháng 6, giá nhập khẩu mặt hàng xăng giảm chưa nhiều, nhưng đến cuối tháng 6 mặt hàng này giảm thêm 4 USD, tính ra mức giảm đã tương ứng với mức giảm của giá dầu. Những ngày đầu tháng 7 này, giá xăng tại thị trường Singapore tăng trở lại, có lúc đã lên đến 121 USD/thùng, tuy nhiên giá bình quân 30 ngày vẫn thấp hơn, khoảng 118 USD/thùng. Với giá nhập khẩu này cộng với các khoản chi phí khác, một số doanh nghiệp đầu mối xác nhận đã có lãi đối với mặt hàng xăng, có thời điểm lãi 500 đồng/lít.

Trong khi đó, trả lời Tuổi Trẻ về mức lợi nhuận cụ thể của giá xăng dầu hiện nay, bà Nguyễn Lệ Trung, trưởng phòng giá hàng tư liệu sản xuất Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho biết cục đang giám sát chặt chẽ giá xăng dầu và kết quả cho thấy giá cơ sở hiện nay vẫn khá cao.

Nhiều đại lý xăng dầu tại TP.HCM xác nhận mức chiết khấu hiện nay dao động 800-1.000 đồng/lít xăng dầu, trong khi mức chiết khấu mà các đại lý cho rằng “sống được” là 400 đồng. Việc tăng chiết khấu cho đại lý có thể hiểu là doanh nghiệp đầu mối đã có lãi. Vì vậy, nếu doanh nghiệp nào sở hữu hệ thống bán lẻ lớn chắc chắn lãi lớn. Cụ thể, Tổng công ty Xăng dầu VN (Petrolimex) sở hữu trong tay gần 2.000 cửa hàng xăng dầu, với lượng hàng bán ra mỗi tháng 100-150 triệu lít xăng dầu, mức chiết khấu trên có thể đem đến cho doanh nghiệp này lợi nhuận khổng lồ.

Điều rất đáng suy nghĩ là hiện nay các đầu mối kinh doanh xăng dầu đều là doanh nghiệp nhà nước và đều kêu lỗ. Trong khi đó, đa số tổng đại lý, đại lý đều là công ty cổ phần hoặc tư nhân đều có lãi.

3 tuần kiểm toán là xong

Nếu như giá xăng A92 tại thị trường Singapore bình quân trong tháng 4 là 127,86 USD/thùng thì bình quân tháng 6 chỉ còn 117,76 USD/thùng, giảm hơn 10 USD/thùng, tức giảm gần 8%. Theo nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu, trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm giá cơ sở giảm trong phạm vi 12% so với giá bán lẻ hiện hành, thương nhân đầu mối phải giảm giá bán lẻ tương ứng.

Bình luận về công bố của Petrolimex cho thấy hiện giá xăng dầu VN đang thấp hơn nhiều nước lân cận tới vài ngàn đồng/lít, một quan chức Bộ Tài chính khẳng định không thể so sánh khập khiễng như vậy bởi các nước đó đang chịu thuế nhập khẩu xăng dầu rất cao, trong khi thuế này ở VN hiện ở mức rất thấp, không đáng kể. Để có con số chính xác nên để kiểm toán độc lập vào.

“Trước khi điều chỉnh giá xăng dầu nên cho kiểm toán độc lập vào. Chỉ cần 2-3 tuần kiểm toán có thể cho kết quả sơ bộ” – quan chức Bộ Tài chính nói. Vị quan chức này cho rằng sau khi có kết quả kiểm toán, nếu doanh nghiệp đầu mối lỗ thì cho tăng giá, lãi thì giảm giá, người dân sẽ ủng hộ vì minh bạch, tránh tình trạng xã hội hoài nghi như hiện nay.

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên viện phó Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, cũng cho rằng cần tiến hành kiểm toán xem có đúng mức lợi nhuận thấp như công bố hay không. Điều này nhằm tránh trường hợp doanh nghiệp báo cáo nhầm, sau này kiểm toán mới lộ ra thì sự đã rồi. Thực tế ông Long cho biết tình trạng “sự đã rồi” từng xảy ra khi Petrolimex sử dụng sai quỹ bình ổn tới hơn 1.000 tỉ đồng năm ngoái, Bộ Tài chính phát hiện nhưng sau đó cũng không có xử lý trách nhiệm cá nhân nào.

Bên cạnh đó, ông Ngô Trí Long đề nghị cần quy định mức cụ thể doanh nghiệp đầu mối được chiết khấu cho các đại lý của mình. Hiện nay, theo ông Long, cứ đến khi cần tăng giá, các doanh nghiệp đầu mối có xu hướng giảm chiết khấu cho đại lý xuống mức rất thấp, đẩy đại lý vào cảnh càng bán càng lỗ. Các đại lý chủ yếu là tư nhân, không ai muốn lỗ và khả năng chịu đựng kém buộc phải bán cầm chừng.

Điều này sẽ tạo sức ép lên cơ quan nhà nước buộc phải cho các doanh nghiệp đầu mối tăng giá. Ngược lại khi không muốn giảm giá, các doanh nghiệp đầu mối lại thi nhau tăng chiết khấu để bán được nhiều hàng và không giảm giá. “Vì vậy, cần có quy định khống chế mức giá trần, sàn của chiết khấu, không thể để doanh nghiệp thích cho đại lý bao nhiêu thì cho”.