15/01/2025

Lãng quên xử phạt hút thuốc nơi công cộng

Câu chuyện về cấm hút thuốc lá tại các nơi công cộng, và việc xử phạt những người hút thuốc lá xem ra đã chìm lắng sau một dạo phát động ồn ào

Lãng quên xử phạt hút thuốc nơi công cộng

Câu chuyện về cấm hút thuốc lá tại các nơi công cộng, và việc xử phạt những người hút thuốc lá xem ra đã chìm lắng sau một dạo phát động ồn ào.

Còn nhớ, một dạo báo chí trong nước thông tin rầm rộ về việc quy định của nhà nước, xem như là một sự đột phá trong văn minh đô thị: kể từ ngày 1.1.2010, ai hút thuốc lá tại các nơi công cộng sẽ bị nhắc nhở, phạt tiền.

Thế nhưng, quy định thì quy định, còn các sở, ban ngành có triển khai, hoặc triển khai quyết liệt Chương trình Phòng chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) hay không lại là chuyện khác.

Vi phạm tràn lan

 

Tác hại của hút thuốc lá thụ động

Tại buổi truyền thông mới đây về tác hại của khói thuốc lá diễn ra ở Trung tâm truyền thông – giáo dục sức khỏe (TP.HCM), các chuyên gia cho rằng khi chúng ta đứng gần người đang hút thuốc lá với bán kính một mét thì được xem là ta đang hút thuốc lá thụ động. Người hút thuốc lá thụ động cũng sẽ hít phải một lượng chất độc hại ngang bằng với người hút trực tiếp. Thai nhi cũng có thể bị ảnh hưởng do người mẹ hút thuốc, hoặc bà mẹ mang thai thường đứng bên cạnh người hút thuốc. Chất nicotine trong khói thuốc được xếp vào các nhóm gây nghiện chủ yếu, tương tự các chất ma túy heroin và cocaine. Tại VN, hút thuốc lá là nguyên nhân khiến hơn 40.000 người tử vong mỗi năm. (Khánh Vy)

 

Ghi nhận của PV Báo Thanh Niên tại một số nơi công cộng, bệnh viện, nhà chờ xe buýt… ở TP.HCM trong mấy ngày nay cho thấy, có rất nhiều người thản nhiên hút thuốc lá, thậm chí hút ngay bên cạnh tấm biển đề “Cấm hút thuốc lá”!

Tại trạm chờ xe buýt trên đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.3, TP.HCM (gần giao lộ Tú Xương) giữa trưa 4.7, trong lúc chờ xe buýt, hai người đàn ông rút thuốc lá ra phì phèo, bên cạnh họ là chị phụ nữ có con nhỏ và một số người khác. Bến xe Miền Đông (TP.HCM) 8 giờ sáng 5.7, ở phòng chờ có rất đông hành khách ngồi đợi, nhưng nhiều người đàn ông vẫn vô tư châm thuốc và nhả khói. Thậm chí, có hành khách còn nằm ngửa gác hai chân lên ghế vừa hút thuốc vừa lim dim ngủ! Bên cạnh, một người đàn ông khác thì vứt tàn thuốc vừa hút xong xuống sàn. Khói thuốc bay đầy trong phòng chờ, khiến nhiều hành khách ngồi đợi xe tỏ ra khó chịu, nhưng không thấy nhân viên hay bảo vệ bến xe nhắc nhở.

Chúng tôi thử phản ánh về tình trạng hút thuốc ở phòng chờ, thì một nhân viên của bến xe nói: “Tụi tôi phải làm việc mệt muốn chết, nào là móc túi, gây gổ rồi còn hướng dẫn hành khách lối đi… Còn việc hút thuốc do ý thức hành khách kém thôi, chứ tụi tôi cũng có nhắc nhở”. Chúng tôi thử ghé qua môi trường công cộng khác là quán cà phê thì cũng rất dễ dàng bắt gặp cảnh hút thuốc lá tràn lan.

Tại các bệnh viện, tình trạng hút thuốc lá cũng diễn ra nhan nhản. Tại Bệnh viện phụ sản Từ Dũ (TP.HCM) vào giờ nghỉ trưa có rất nhiều người tập trung bên ngoài hành lang và khoảng sân của bệnh viện, trong lúc đợi kết quả khám bệnh, họ châm thuốc phì phèo. Đáng ngại hơn, bên cạnh họ có nhiều phụ nữ và trẻ em, phải lãnh đủ làn khói trắng. Quan sát của chúng tôi chỉ trong vòng 30 phút, tại đây có đến bảy người hút thuốc. Lúc đó, cũng có một số nhân viên bệnh viện đi qua nhưng không ai buồn lên tiếng nhắc nhở.

Bệnh viện Ung bướu (TP.HCM) cũng là nơi luôn tập trung đông đúc lượng bệnh nhân và người nuôi bệnh. Ghi nhận của chúng tôi tại đây cũng cho thấy mặc dù ngay lối vào các dãy nhà của bệnh viện có treo băng-rôn ghi rõ dòng chữ “Không hút thuốc lá trong khuôn viên bệnh viện”, thế nhưng, chỉ mới quan sát chưa đầy 20 phút (đầu giờ chiều 4.7), chúng tôi thấy có rất nhiều người vô tư rít thuốc mà không thèm để ý đến biển cấm và thái độ của những người xung quanh. Phía trước khu C của bệnh viện, bên cạnh hồ nước là nơi tập trung nhiều người hút thuốc lá nhất. Khi có chị phụ nữ tỏ thái độ không đồng tình và chỉ tay lên biển cấm hút thuốc, nhằm nhắc nhở những người hút thuốc, thì một người tên D. (45 tuổi, quê Nam Định) bảo: “Ở đây mấy anh bảo vệ chỉ nhắc nhở thôi, lâu lâu không nhắc thì mình hút trộm điếu có chết ai đâu?”. Tại đây, nhiều người cầm thuốc vừa đi vừa hút nghênh ngang, hay cả nhóm tụ tập lại để hút thuốc, nhưng vẫn không thấy bảo vệ bệnh viện nhắc nhở. Chúng tôi thắc mắc với một anh bảo vệ thì được anh này phân bua: “Chúng tôi nhắc nhở thường xuyên nhưng nhiều người thiếu ý thức nên vẫn chưa thể làm triệt để được. Hơn nữa, chúng tôi chỉ nhắc nhở là chính, chứ không có quyền xử phạt”.

 

 

Nhả khói thuốc ngay biển cấm ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định - ảnh: Thanh Thùy

Văn bản nhiều, làm chẳng bao nhiêu!

Cuối năm 2009, Bộ Y tế phối hợp với các tổ chức như Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Lá phổi thế giới… phát động chiến dịch truyền thông quốc gia kêu gọi thực hiện kiểm soát thuốc lá. Trước đó, đã có rất nhiều văn bản, chỉ đạo (có 9 loại) liên quan đến việc phòng chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) từ Chính phủ, cấp bộ, UBND cấp TP… Thế nhưng, đến nay tình trạng vi phạm hút thuốc lá nơi công cộng vẫn diễn ra như nói trên.

Bác sĩ Trịnh Văn Hiệp (Thường trực Ban Chủ nhiệm Chương trình PCTHTL ngành y tế TP.HCM) nói: “Đã có rất nhiều văn bản, chỉ đạo về PCTHTL. Ngoài các văn bản từ cấp Chính phủ, Bộ Y tế, thì UBND TP.HCM cũng đã xây dựng kế hoạch PCTHTL gửi các sở, ban ngành để thực hiện. Việc còn lại là các sở, ban ngành có chịu làm hay không mà thôi. Nhiều sở, ngành chưa thực hiện tốt, chưa xây dựng kế hoạch PCTHTL cho đơn vị mình. Nếu không làm quyết liệt thì chương trình này sẽ rơi vào quên lãng”. 

Vấn đề nữa, theo bác sĩ Trịnh Văn Hiệp, đó là “việc chế tài xử phạt vi phạm hút thuốc đến nay gần như là con số 0, hầu hết các địa phương không có báo cáo về con số xử phạt người vi phạm hút thuốc lá”. Việc xử phạt giao thanh tra y tế và chủ tịch UBND phường xã, nhưng gần như hai bộ phận trên không thể triển khai. Lý do để thoái thác chuyện này: đội ngũ thanh tra y tế rất mỏng, làm các công việc thanh tra y, dược, khám chữa bệnh, vệ sinh thực phẩm còn chưa xuể. Do vậy, nhiều người cho rằng cần mở rộng về quyền xử phạt vi phạm hút thuốc cho các cơ quan khác. “Cần tăng cường mạnh việc xử phạt vi phạm hút thuốc, trích tiền phạt, tiền thuế thuốc lá để nuôi bộ máy làm công việc giám sát, xử phạt. Bởi, vi phạm hút thuốc hiện nay rất nhiều, diễn ra rất thường xuyên giống như vi phạm trong lĩnh vực giao thông”, bác sĩ Trịnh Văn Hiệp nói. 

Một năm rưỡi, phạt 10 người!

Ông Lý Ngọc Kính, chuyên gia cao cấp Chương trình PCTHTL VN nói: “Dù đã có quy định về phạt tiền đối với người hút thuốc lá nơi công cộng từ đầu năm 2010 nhưng đến nay đã hơn một năm chỉ duy nhất có tỉnh Lào Cai là địa phương có báo cáo cho biết đã xử phạt chỉ độ 10 trường hợp vi phạm về hút thuốc”. Theo ông Kính, lý do không thực hiện được việc xử phạt là vì, theo quy định, thẩm quyền xử phạt là thuộc thanh tra y tế và UBND các cấp. Trong khi lực lượng thanh tra chuyên ngành thì quá mỏng – chỉ có 300 người trên cả nước, lâu nay đã quá tải với các công việc của ngành về các vấn đề y, dược công, tư. Bên cạnh đó, các địa phương vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc xử phạt vi phạm hút thuốc lá nơi công cộng”. Theo ghi nhận của chúng tôi tại Hà Nội, ngay trong ngành y vẫn còn nhiều cán bộ hút thuốc lá. Các bệnh viện ở Hà Nội cũng chưa tổ chức người xử phạt thân nhân nuôi bệnh hút thuốc trong bệnh viện. Để đối phó với thực trạng hút thuốc làm ảnh hưởng đến môi trường bệnh viện, hầu hết các bệnh viện chỉ có thể làm được một việc là treo biển “Không hút thuốc lá”.

Ông Huy Quang, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho rằng: “Các vi phạm về quy định cấm hút thuốc nơi công cộng vẫn diễn ra khá phổ biến. Nếu tổ chức nghiêm thì có đến cả vài trăm trường hợp bị phạt mỗi ngày, chứ không phải quá ít ỏi như con số được báo cáo. Quy định xử phạt này áp dụng công bằng cho mọi người trong và ngoài ngành y, lãnh đạo hay người dân. Để việc xử phạt thực sự có hiệu quả, chúng tôi đang xây dựng Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, và tiếp theo là nghị định hướng dẫn thực hiện. Khi đó, sẽ có quy định, xử phạt người đứng đầu đơn vị nếu không làm tròn trách nhiệm duy trì môi trường không khói thuốc, để xảy ra các vi phạm về cấm hút thuốc lá tại đơn vị mình. Còn với thực tế vừa qua có thể thấy, chế tài chưa đủ mạnh, tổ chức thực hiện chưa nghiêm”.

Liên Châu