23/11/2024

Chúa Nhật XIV TN – A: Yêu và phải yêu như thế nào

Có hai câu hỏi đặt ra hôm nay: chúng ta đang yêu như thế nào và Chúa mời gọi chúng ta phải yêu làm sao?

Yêu và phải yêu như thế nào

Hành Khất Kitô

Lời mở

Bài Phúc Âm của Chúa Nhật hôm nay (Mt 11,25-30) cũng chính là bài Phúc Âm của lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu mà chúng ta mới mừng trong tuần này.

Các bài Kinh Thánh mời gọi chúng ta nhìn lại trái tim mình để suy nghĩ về tình yêu mà chúng ta đã dành cho Chúa và dành cho nhau vì trái tim là biểu tượng của tình yêu như chúng ta thường cầu nguyện: “Xin uốn lòng chúng con nên giống Trái tim Chúa”.

Có hai câu hỏi đặt ra hôm nay: chúng ta đang yêu như thế nào và Chúa mời gọi chúng ta phải yêu làm sao?

1. Chúng ta đang yêu như thế nào

Ngày nay người ta hiểu tình yêu theo nhiều cách và mỗi người, tuỳ theo quan niệm sống hay ý thức hệ, mà định nghĩa tình yêu khác nhau và yêu thương cách cụ thể trong đời sống cũng khác nhau. Người tín hữu, dù đã được hiểu Thiên Chúa là tình yêu, chúng ta vẫn bị ảnh hưởng bởi những phim ảnh, sách báo, câu chuyện hằng ngày và thể hiện tình yêu cũng không khác người đời.

Nói đến tình yêu, các bạn trẻ và nhiều người lớn nghĩ ngay đến tình yêu nam nữ, tình yêu trai gái và họ đồng hoá tình yêu với tình dục: yêu là phải gắn bó thể xác với nhau. Đó là tình yêu thật sự của con người với những rung động thể xác. Tuy nhiên, con người đâu phải chỉ có thể xác, mà còn có tinh thần, có tâm hồn nên khi ta yêu thương, ngoài những rung động thể xác với những dục vọng kèm theo, còn có hạnh phúc, niềm vui, bình an mà những tinh thần có thể gặp gỡ, yêu thương nhau. Cha mẹ, ông bà cao tuổi của chúng ta bây giờ già yếu, không còn những rung động thể xác, những đòi hỏi của dục vọng nhưng vẫn cảm thấy niềm vui, hạnh phúc trong sự kết hợp với nhau.

Hơn nữa, có nhiều người không lập gia đình, dành tình yêu cho khoa học, họ dồn tất cả sức lực để tìm tòi, nghiên cứu và dẫn đến những phát minh giúp cho nhân loại sống tốt đẹp hơn. Có người lại dành tình yêu cho những hoạt động xã hội, người tình của họ bây giờ là những con người khốn khổ, bệnh tật. Đó cũng là tình yêu và là những biểu hiện của tình yêu tinh thần.

Chúng ta chỉ có 1 trái tim mà thôi, trái tim đó dành để yêu cha mẹ, vợ chồng, con cái. Nhưng trái tim đó cũng dành để yêu người khác, yêu đất nước, yêu nghề nghiệp, yêu thần linh, yêu Thiên Chúa. Khi nhìn vào trái tim của mình, chúng ta được mời gọi để suy nghĩ xem chúng ta đã yêu cách rộng lớn, trong sáng, quảng đại như những người đó chưa? Nhiều Kitô hữu ngày nay hình như chưa hiểu được điều đó.

Người Kitô hữu chúng ta còn được mời gọi đi xa hơn để thấy chúng ta được ban những ơn đặc biệt khi hiểu rằng Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,8.16).

2. Tình yêu của người “bé mọn”

Phân tích con người tự nhiên, chúng ta thấy có các yếu tố vật chất: carbon, hydro, oxy, nitơ, sắt, đồng, chì, kẽm… chẳng có chất nào là tình yêu. Dù rằng chúng ta nói tình yêu ở nơi trái tim, nhưng phân tích trái tim lại chẳng thấy tình yêu nào cả; phân tích bộ não cũng chẳng thấy có tình yêu trong khi bộ não giúp chúng ta suy nghĩ về tình yêu và có những rung động trong tình yêu, vì nếu không có bộ não thì cũng không có những rung động này.

Như vậy, chúng ta hiều rằng con người chúng ta có tinh thần, chính tinh thần nhận được tình yêu, không phải từ sự biến hoá ngẫu nhiên của con khỉ trở thành con người, mà bắt nguồn từ chính Thiên Chúa là tình yêu. Ngài đã đặt tình yêu vào trong tâm hồn con người để con người có thể yêu thương như Thiên Chúa.

Người Công giáo hiểu được điều đó vì Chúa mạc khải cho chúng ta hiểu rằng Ngài chính là tình yêu và càng khám phá ra Thiên Chúa là tình yêu, chúng ta càng cảm nghiệm được hạnh phúc trong sáng, tốt đẹp, cao cả, vô biên trong tình yêu mà chúng ta dành cho nhau cũng như dành cho Thiên Chúa. Không phải những người học rộng, có nhiều bằng cấp, những người tu thân tích đức cao cả của những tôn giáo hay ngay cả Công giáo dạy cho chúng ta. Điều đó được mạc khải cho tất cả mọi người. Những ai càng khiêm tốn, càng bé mọn, càng sống trung thực với lòng của mình càng cảm nghiệm được Thiên Chúa là tình yêu và cảm nghiệm được hạnh phúc trong cuộc sống của mình.

Ngày hôm nay Chúa Giêsu “ngợi khen Chúa Cha vì đã giấu không cho những bậc khôn ngoan thông thái biết điều này mà lại mạc khải cho những người bé mọn” (Mt 11,25). Chúng ta là những người bé mọn, chúng ta không đậu bằng tiến sĩ, kỹ sư, không đi tu theo đạo này, pháp nọ hay những ý thức hệ này, ý thức hệ kia. Chúng ta chỉ mở lòng ra đón nhận những gì soi sáng của Cha Trên Trời cho tất cả vạn vật và con cái của Người để chúng ta hiểu được tình yêu Thiên Chúa.

Nhìn vào bông hoa trên bàn thờ đang toả hương thơm cho người tốt cũng như kẻ xấu, và khoe sắc cho kẻ độc ác cũng như người lương thiện, chúng ta hiểu được rằng Thiên Chúa tình yêu đã đặt tình yêu vào trong lòng bông hoa đó để dạy ta bài học yêu thương. Bài học dạy cho con người với trái tim nhân hậu hãy chia sẻ cho mọi người như thế.

3. Chúa Giêsu dạy ta yêu thương

Hôm nay, chúng ta đang được mời gọi để tìm về nguồn tình yêu là Thiên Chúa, tìm về Đức Giêsu Kitô vì Người là tình yêu cụ thể của Thiên Chúa được gửi đến cho chúng ta để dạy chúng ta biết yêu thương như thế nào. Người nói với ta hôm nay: “Anh em hãy học với tôi” (Mt 11,29). Dù đã biết Thiên Chúa là tình yêu, nhưng Chúa Giêsu nói rõ với chúng ta hôm nay: “Không ai biết Chúa Cha trừ ra Người Con và những kẻ mà Con muốn mạc khải cho” (Mt 11,27).

Chúa Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa tình yêu, nhưng vị Thiên Chúa ấy đã trở thành con người để mang trái tim bằng thịt như chúng ta. Người đã diễn tả tình yêu Thiên Chúa thành những hành động rất cụ thể trong đời sống của mình. Chính khi học bài học yêu thương của Chúa Giêsu, chúng ta mới thấy tình yêu cao quý, hạnh phúc, tuyệt vời như thế nào dù rằng chúng ta vẫn đang chịu những đau khổ, nhục nhã cho đến cái chết và chết trên thập giá để diễn tả “tình yêu đến cùng” (Ga 13,1) như Chúa Giêsu.

Yêu cho đến cùng như Đức Giêsu, nhiều khi đòi chúng ta chịu đựng những nhục nhã, thua thiệt nhưng chúng ta sẵn sàng đón nhận vì hiểu rằng những sự thua thiệt, những mất mát, đau khổ đó mang lại ơn cứu độ cho mình và cho người khác. Đó là cái chết vì tình yêu, và có chết như vậy, chúng ta mới sống lại với Chúa Giêsu để thấy sự hy sinh, mất mát của chúng ta mang lại ơn cứu độ cho con người.

Tối hôm qua, có một chị đến nói với tôi: “Xin cha giúp chúng con giải quyết cuộc hôn nhân vì người chồng của con muốn ly dị, chúng con mới lấy nhau được có vài tháng”. Người chồng là một giám đốc, học thức cao, có bằng cấp, có tiền của và quyền lực nên anh nghĩ anh được quyền đòi hỏi người vợ nhiều điều. Người vợ không đáp ứng được những đòi hỏi của anh. Trong thói gia trưởng, anh đòi vợ phải thế này thế kia và người vợ chỉ lỡ lời một tí là anh cứ đay nghiến hoài. Cuối cùng anh đòi ly dị, dù rằng hai người đã làm phép cưới với nhau. Lý do anh đưa ra là ngay đêm tân hôn, người vợ không còn trong trắng.

Câu chuyện này đã cho chúng ta thấy rằng ngay trong cuộc sống của người tín hữu, người ta cũng hiểu lầm về tình yêu, về sự trong trắng. Yêu nhau đâu phải lấy một thể xác theo ý mình muốn nhưng là sự kết hợp của hai con người và Thiên Chúa nối kết họ lại với nhau trong tình yêu của Ngài. Chỉ có Thiên Chúa tình yêu mới giúp chúng ta cảm nghiệm được hạnh phúc khi chúng ta hy sinh cho nhau, khi chúng ta không nhìn nhau, đòi hỏi nhau theo lòng tham và lòng dục của mình, nhưng biết hy sinh cho nhau, biết nhường nhau những gì tốt đẹp. Chính vì thế, Đức Giêsu mời gọi ta phải hiền hậu và khiêm nhường khi học bài học yêu thương.

Chỉ khi chúng ta khiêm tốn, hiền lành như Chúa Giêsu dạy, chúng ta mới cảm nghiệm được hạnh phúc chân thật. Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng: “Anh em hãy học với tôi vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29). Nhìn lại trái tim Cực Thánh Đức Chúa Giêsu hôm nay, chúng ta hãy xin Người uốn nắn trái tim mình nên giống trái tim của Người.

Kết luận

Hôm nay chúng ta hãy xin Chúa Giêsu dạy lại cho chúng ta bài học yêu thương, bài học Thiên Chúa là tình yêu, để chúng ta có thể thể hiện tình yêu cho nhau và trở thành những chứng nhân sống động cho Trái tim Chúa Giêsu.